SỞ GD&ĐT VĨNH LONG ĐỀ THAM KHẢO TUYỂN SINH VÀO LỚP 10
NĂM HỌC: 2020 - 2021
MÔN: NGỮ VĂN
I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
“Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”, đúng như ông bà ta từ xa xưa đã nói. Trong xã hội hiện nay, tiếng dữ càng lan truyền nhanh hơn, rộng hơn gấp vạn lần bởi các trang mạng xã hội.
Những cái “like” vô tình, “share” theo phong trào và “comment” cố ý để gây ấn tượng đã góp phần rất lớn cho cái xấu lan xa hơn.
“Tiếng dữ đồn xa” dường như đã làm mất đi lối sống đẹp của giới trẻ ngày nay. Vậy tại sao chúng ta không làm cho “tiếng lành đồn xa”?
Theo tôi, chúng ta có thể bắt đầu ngay chính từ những trang mạng xã hội. Hãy phát động từ trường học, cơ quan, xí nghiệp đến ban ngành, đoàn thể nhân rộng các câu chuyện đẹp, hành động tử tế trên mạng xã hội, nghĩa là mọi người chỉ “like, share, comment” những tin tức, hình ảnh về việc tốt, người tốt và tuyệt đối không làm những điều này với những tin tức về cái xấu, cái ác.
Lối sống đẹp, điều thiện chỉ có thể bắt đầu khi “tai nghe, mắt thấy” thường xuyên từ những chuyện tốt đẹp.
(Chia sẻ của Lê Phương Trí, đăng trên Xây dựng lối sống đẹp: đừng vội quy chụp cho người trẻ -
Quốc Linh, www.tuoitre.vn, 19/3/2018).
Câu 1: Người chia sẻ đã nêu ra nguyên nhân nào khiến cái xấu dễ lan xa? (0,5 điểm)
Câu 2: Em hiểu như thế nào về nghĩa của từ “tiếng lành”? (0.5 điểm)
Câu 3: Vì sao “Lối sống đẹp, điều thiện chỉ có thể bắt đầu khi “tai nghe, mắt thấy” thường xuyên từ những chuyện tốt đẹp”? (1.0 điểm)
Câu 4:
a) Thế nào là khởi ngữ? (0,5 điểm)
b) Câu nào sau đây không có khởi ngữ? Chuyển câu đó thành câu có khởi ngữ. (0.5 điểm)
(1) - Lối sống đẹp, ta có thể bắt gặp ở mọi nơi.
(2) - Mọi người cần có cách ứng xử đúng đắn trước cái xấu.
II. LÀM VĂN: (7.0 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Viết đoạn văn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về tính kiêu ngạo.
Câu 2: (5.0 điểm)
Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương trong đạo làm dâu, làm vợ, làm mẹ, đoạn từ khi mới về nhà.
..........HẾT..........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Câu 1: Người chia sẻ đã nêu ra các nguyên nhân khiến cái xấu dễ lan xa: những cái “like” vô tình, “share” theo phong trào và “comment” cố ý
Câu 2: "tiếng lành” ở đây là chỉ những người, những việc tốt đẹp trong cuộc sống.
Câu 3: Để có một lối sống đẹp không phải chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, mà nó còn phải thể hiện ở những hành động thực tế, mà muốn lan tỏa được những lối sống đẹp thì ta cần phải thực hiện lan tỏa để mọi người xung quanh đều có thể “tai nghe, mắt thấy”, mà việc này cần phải làm thường xuyên. đồng thời cũng cần phê phán những lối sống tiêu cực, ích kỉ, những điều xấu xa.
Ví dụ như "ATM gạo" ở Việt Nam, chỉ một hành động nhỏ của một cá nhân tới địa phương, rồi lan tỏa ra toàn quốc, giúp những ai có hoàn cảnh khó khăn trong thời kỳ đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Câu 4:
a) Khởi ngữ là thành phần câu đứng trước chủ ngữ để nêu lên đề tài được nói đến trong câu.
b)
- Câu không có khởi ngữ: (2) Mọi người cần có cách ứng xử đúng đắn trước cái xấu.
- Chuyển câu đó thành câu có khởi ngữ: Trước cái xấu, mọi người cần có cách ứng xử đúng đắn.
II. LÀM VĂN:
Câu 1:
Đoạn văn tham khảo
Trong cuộc sống, biết tự tin vào bản thân là một điều tốt và cần phát huy nhưng có một số người lại biến sự tự tin ấy trở thành sự kiêu ngạo của bản thân. Kiêu ngạo dùng để ám chỉ những người luôn tự tin một cách thái quá vào bản thân, luôn coi mình là nhất mà không coi người khác ra gì. Người có đức tính kiêu ngạo luôn bảo vệ ý kiến của bản thân mà không quan tâm tới người khác. Có một số người còn thể hiện sự kiêu ngạo bằng cách coi thường những thứ mà họ nghĩ là "thấp kém hơn mình". Như một vài người "tầng lớp trên" - người có cả tiền tài và địa vị, họ nhìn những người nghèo khổ bằng thái độ khinh khỉnh. Không ở đâu xa, ngay trong trường học, có những học sinh học rất giỏi nhưng họ lại luôn tự phụ, coi thường các bạn khác trong lớp… Kiêu ngạo, tự cao như một chất axit ăn mòn nhân cách và huỷ hoại cuộc sống của con người. Bởi sự kiêu ngạo, thói tự cao sẽ kéo theo những đức tính xấu khác như sự ích kỷ, bảo thủ. Chính vì luôn cho mình là đúng, luôn cho những thứ của mình là tốt nhất nên con người thường không muốn san sẻ những điều mình có cho bất cứ một ai khác. Cuối cùng, họ trở thành những con người cô đơn, cô độc nhất. Việc ta cần làm để tránh đi thói tự cao, kiêu ngạo chính là học cách sống chậm lại, suy nghĩ và nhìn nhận mọi việc rộng rãi hơn. Tất nhiên, bản thân chúng ta vẫn phải nỗ lực, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Câu 2:
Dàn ý tham khảo
a) Mở bài
- Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Dữ và truyện Chuyện người con gái Nam Xương:
- Nguyễn Dữ là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỉ thứ 15 với thể loại truyện truyền kì.
- "Chuyện người con gái Nam Xương" là tác phẩm được rút trong tập truyện Truyền kì mạn lục nổi tiếng của ông, viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến hà khắc.
- Giới thiệu khái quát nhân vật Vũ Nương: là hiện thân của lòng vị tha và vẻ đẹp người phụ nữ nhưng phải chịu bi kịch bất hạnh của chế độ phong kiến.
b) Thân bài
Khái quát về truyện Chuyện người con gái Nam Xương
- Hoàn cảnh ra đời: Chuyện người con gái Nam Xương là truyện thứ 16 trong 20 truyện trong sách Truyền kỳ mạn lục (ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền) của Nguyễn Dữ được viết vào thế kỉ XVI. Truyện có nguồn gốc từ truyện cổ dân gian “Vợ chàng Trương”.
- Cốt truyện: Truyện kể về người con gái tên Vũ Nương thùy mị nết na, tư dung tốt đẹp, người vợ hiền con thảo nhưng bị hàm oan phải tự tử để bảo vệ danh tiết.
Phân tích vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương
Hoàn cảnh sống:
- Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ: chiến tranh phong kiến xảy ra, xã hội trọng nam khinh nữ
- Hoàn cảnh gia đình: Hôn nhân không có sự bình đẳng về giai cấp, vợ chồng vì chiến tranh mà phải sống xa nhau, tính cách vợ chồng trái ngược nhau.
Vũ Nương, người phụ nữ có nhiều phẩm chất tốt đẹp
- Người vợ một mực thủy chung với chồng, thấu hiểu nỗi khổ và nguy hiểm mà chồng phải đối mặt nơi chiến tuyến, chờ đợi chồng
- Biết Trương Sinh vốn có tính đa nghi, nên nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hòa” => một người vợ hiền thục, khôn khéo, nết na đúng mực.
- Khi chồng đi lính: Vũ Nương rót chén rượu đầy, dặn dò chồng những lời tình nghĩa, đằm thắm, thiết tha: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”.
=> Chồng đi xa vẫn một lòng chung thủy, thương nhớ chồng khôn nguôi, mong chồng trở về bình yên vô sự, ngày qua tháng lại một mình vò võ nuôi con.
-------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy---------
Trên đây là trích dẫn một phần Đề tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020 - Sở GD&ĐT Vĩnh Long. Để xem được đầy đủ nội dung bài thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề thi thử cho các em. Đồng thời, tài liệu này giúp giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để đạt được kết quả cao trong kì thi sắp tới.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm
- Đề tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 năm 2020 môn Ngữ Văn - Sở GD&ĐT Phú Thọ
- Đề thi vào lớp 10 năm 2019 - 2020 môn Ngữ Văn - Sở GD&ĐT Cần Thơ
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---
Thảo luận về Bài viết