PHÒNG GD-ĐT CẨM GIÀNG TRƯỜNG THCS – NGUYỄN HUỆ | ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM MÔN: NGỮ VĂN 8 Thời gian: 90 phút (Không kể thời gian giao đề) |
Câu 1 (1.0 điểm): Tìm cụm C - V làm thành phần trong các câu sau đây và cho biết cụm C-V đó làm thành phần gì trong mỗi câu?
Con gái Huế nội tâm thật phong phú và âm thầm, kín đáo, sâu thẳm.
(Hà Ánh Minh)
Con hãy nghĩ đến những người thợ tối tối vẫn đến trường sau khi đã lao động vất vả suốt ngày.
(Ét-môn-đô Đơ A-mi-xi)
Câu 2 (2.0 điểm):
“Giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi.”
(Nguyên Hồng - “Trong lòng mẹ”)
a. Tìm các từ ngữ thuộc trường từ vựng chỉ sự vật và chỉ hoạt động trong câu văn.
b. Phân tích tác dụng của phép so sánh trong câu văn.
Câu 3 (2.0 điểm): Văn bản “Tức nước vỡ bờ” (Trích Tắt đèn – Ngô Tất Tố) kết thúc bằng câu nói của nhân vật chị Dậu:
Thà ngồi tù. Để cho chúng nó làm tình làm tội mãi thế, tôi không chịu được…
Lời kết này có ý nghĩa gì?
Câu 4 (5.0 điểm): Người ấy sống mãi trong lòng tôi.
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG ĐẦU NĂM
Câu 1: Tìm được cụm c-v làm thành phần như sau:
a. nội tâm/ thật phong phú và âm thầm, kín đáo, sâu thẳm.
CN VN (0,25đ)
- Cụm c-v làm thành phần vị ngữ. (0,25đ)
b. những người thợ/ tối tối vẫn đến trường sau khi đã lao động
CN VN (0,25đ)
- vất vả suốt ngày.
- Cụm c-v làm thành phần phụ ngữ cho động từ: “nghĩ”. (0,25đ)
Câu 2:
* Các từ ngữ thuộc trường từ vựng chỉ sự vật: hòn đá, cục thuỷ tinh, đầu mẩu gỗ. (0,25đ)
- Các từ ngữ thuộc trường từ vựng chỉ hoạt động: vồ, cắn, nhai, nghiến. (0,25đ)
* Nêu tác dụng của phép so sánh trong câu văn: Học sinh có thể có nhiều cách viết khác nhau nhưng về cơ bản đảm bảo các ý sau:
- Hình ảnh so sánh cụ thể thể hiện một ý nghĩa táo tợn, bất cần đầy phẫn nộ đang trào sôi như một cơn giông tố trong lòng cậu bé. Đồng thời diễn tả tâm trạng đau đớn, uất ức căm tức đến tột cùng của chú bé Hồng. (0,75đ)
- Người đọc cảm thông với nỗi đau đớn xót xa, nỗi căm giận tột cùng của bé Hồng đồng thời rất trân trọng một bản lĩnh cứng cỏi, một tấm lòng rất mực yêu thương và tin tưởng mẹ. (0,5đ)
- Học sinh biết viết thành một đoạn hay nhiều đoạn văn hoàn chỉnh đảm bảo các ý nêu trên; câu văn mạch lạc, giàu cảm xúc; không sai lỗi chính tả. (0,25đ)
Câu 3:
* Học sinh có thể có nhiều cách viết khác nhau nhưng về cơ bản đảm bảo các ý sau:
- Câu nói thể hiện một thái độ sống- một tư thế làm người tuyệt đẹp: Không chịu sống quỳ. Đây là vẻ đẹp hiên ngang của con người bị áp bức đã vùng dậy. Trong xã hội mà cái ác hoành hành, còn gì đẹp hơn hành động dũng cảm đứng lên chống lại kẻ ác. (0,5đ)
- Đồng thời cũng cho thấy một cách sinh động chân lí cuộc sống: Có áp bức, có đấu tranh. (0,5đ)
- Mặt khác, câu nói này của chị Dậu đã khẳng định vẻ đẹp của người phụ nữ nông dân Việt Nam: rất mực thương yêu chồng nhưng cũng rất cứng cỏi, tiềm ẩn một sức mạnh phản kháng. (0,5đ)
→ Đây là sự tiến bộ của Ngô Tất Tố: Ông đã thấy được vẻ đẹp và sức mạnh ghê gớm của người nông dân bị áp bức đã vùng lên. Ngô Tất Tố đã “xui người nông dân nổi loạn”- Nguyễn Tuân. (0,25đ)
- Học sinh biết viết thành một đoạn hay nhiều đoạn văn hoàn chỉnh đảm bảo các ý nêu trên; câu văn mạch lạc, giàu cảm xúc; không sai lỗi chính tả. (0,25đ)
Câu 4:
I. Yêu cầu bài làm:
- Yêu cầu học sinh nhớ lại cách viết bài tự sự, sau đó vận dụng kiến thức đó để viết bài song phải chú ý khi viết phải tả người, kể việc, kể những cảm xúc trong tâm hồn mình. Tức là bài viết có sự nâng cao hơn so với cách kể của chương trình lớp 6.
- Học sinh phải thể hiện được trong bài viết của mình những kiến thức vừa học về Tập làm văn: tính thống nhất về chủ đề, bố cục văn bản, xây dựng đoạn và trình bày nội dung trong văn bản.
II. Dàn ý.
1. Mở bài:
- Giới thiệu về một người cụ thể sống mãi trong lòng.
- Giới thiệu nhân vật gắn với kỉ niệm.
2. Thân bài.
- Xác định: Người ấy (Bạn, thầy, mẹ, bà…) và giới thiệu khái quát về nhân vật (Quan hệ với mình, hình dáng, tính tình, công việc, cách sống….)
- Kể những việc làm của nhân vật mà mình ấn tượng.
- Kể cụ thể về một kỉ niệm thể hiện chủ đề “sống mãi trong tôi”: Tình huống nảy sinh kỉ niệm, những hình ảnh, sự việc gắn với kỉ niệm, ấn tượng, cảm xúc của bản thân khi nhớ lại kỉ niệm.
3. Kết bài.
- Khái quát cảm xúc của bản thân về nhân vật.
III. Biểu điểm:
- Điểm 5: Đảm bảo các yêu cầu trên. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng, không viết sai chính tả, trình bày sạch sẽ, khoa học. Bài viết đảm bảo đúng thể loại tự sự có kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm nhuần nhuyễn, khéo léo. Lời văn diễn đạt có cảm xúc, hình ảnh, văn viết mạch lạc.
- Điểm 4: Đảm bảo các yêu cầu trên. Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng. Bài viết đảm bảo đúng thể loại tự sự có kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm tương đối hợp lí. Lời văn diễn đạt có cảm xúc, hình ảnh. Đôi chỗ còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt.
- Điểm 3: Bài viết về cơ bản đạt các yêu cầu trên. Bài viết đã kể lại được kỉ niệm song chưa biết kết hợp một cách hợp lí các yếu tố miêu tả, biểu cảm. Còn mắc lỗi chính tả, diễn đạt còn vụng.
- Điểm 2: Nội dung bài viết còn sơ sài. Sai nhiều lỗi chính tả. Chưa thực sự biết cách sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm trong bài. Diễn đạt tối ý.
- Điểm 1: Không biết cách làm bài văn tự sự nên nội dung bài viết quá sơ sài.
- Điểm 0: HS không làm bài, nộp bài hoặc lạc đề.
(Trên đây là một số gợi ý, giáo viên trong khi chấm cần căn cứ vào bài làm cụ thể của học sinh để chấm cho phù hợp, khuyến khích những bài viết có nhiều ý tưởng, giàu chất văn và sáng tạo của học sinh.)
{-- Xem đầy đủ nội dung ở phần xem online hoặc tải về --}
Trên đây là tài liệu tham khảo đề khảo sát chất lượng đầu năm Ngữ văn 8 của trường THCS Nguyễn Huệ. Chúng tôi mong rằng, tài liệu trên đã giúp các em tự tin, vững vàng hơn để vượt qua kì khảo sát sắp tới. Chúc các em đạt được điểm cao.
-- MOD NGỮ VĂN Chúng tôi (tổng hợp)