PHÒNG GD&ĐT BA ĐÌNH ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2 NĂM HỌC: 2018-2019
MÔN: Ngữ Văn
( Đề gồm 01 trang )
PHẦN I: (5 điểm)
Hữu Thỉnh có những vần thơ viết về phút giao mùa thật độc đáo:
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Trích Sang thu, Ngữ văn 9, tập 2)
Câu 1. Chép chính xác sảu câu thơ liền trước hai câu thơ trên để hoàn thành đoạn thơ.
Câu 2. Ghi lại các từ láy trong đoạn thơ vừa chép và giải nghĩa từ láy ở câu thơ thứ ba.
Câu 3. Có ý kiến nhận xét về đoạn thơ vừa chép: “Qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm của nhà thơ Hữu Thỉnh, người đọc cảm nhận được thiên nhiên lúc sang thu có những biển chuyển thật nhẹ nhàng tinh tế.”
Coi câu văn trên là câu chủ đề, em hãy viết đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch. Trong đoạn văn có sử dụng một câu ghép và thành phần khởi ngữ (Gạch chân, chú thích rõ).
Câu 4. Kể tên một bài thơ đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9 cũng có hình ảnh dòng sông, cánh chim và cho biết tên tác giả.
PHẦN II: (5 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
"Tôi, một quả bom trên đồi. Nho, hai quả dưới lòng đường. Chị Thao, một quả dưới chân cái hầm ba-ri-e cũ.
Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm trong không trung, che đi những gì từ xa. Các anh cao xạ có nhìn thấy chúng tôi không? Chắc có, các anh ấy có những cải ống nhòm có thể thu cả trái đất vào tầm mắt. Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới."
(Trích SGK, Ngữ văn 9, tập 2)
Câu 1. Đoạn trích trên rút từ văn bản nào? Của ai? Nêu hoàn cảnh sáng tác văn bản đó.
Câu 2. Trong phần ngữ liệu in đậm, tác giả đã sử dụng phép liên kết câu nào?
Câu 3. Đoạn trích trên miêu tả suy nghĩ của nhân vật Phương Định trong hoàn cảnh nào? Điều gì đã khiến cô có thể “đàng hoàng mà bước tới" trong hoàn cảnh đó?
Câu 4. Từ đoạn trích trên và bằng những hiểu biết xã hội, hãy viết đoạn văn khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về lòng dũng cảm.
..............HẾT...........
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
Phần I.
Câu 1. Sáu câu liền trước hai câu thơ trên:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu”
Câu 2.
Các từ láy trong đoạn thơ là: chùng chình, dềnh dàng, vội vã.
Từ láy ở câu thơ thứ 3 là “chùng chình” có nghĩa là cố ý đi chậm lại.
Câu 3.
*Về hình thức: đoạn văn đúng phép lập luận diễn dịch (câu chủ đề ở đầu), sử dụng đúng câu ghép và thành phần khởi ngữ (có gạch chân, chú thích)
*Về nội dung:
- Cảm nhận của thi sĩ về những tín hiệu của mùa thu ở không gian gần và hẹp:
+ Bức tranh thu có những tín hiệu của hương ổi chín phả vào gió se, sương nhân hoá chậm chạp đi qua ngõ
+ Cảm xúc của thi sĩ bâng khuâng, ngỡ ngàng, xao xuyến khi nhận ra thu về
- Cảm nhận của thi sĩ về tín hiệu mùa thu đã rõ rệt hơn ở không gian cao và rộng
+ Bức tranh thiên nhiên có sự vận động đối lập: sông dềnh dàng, chim vội vã, có đám mây như tấm voan mềm mại vắt ngang ranh giới hai mùa hạ - thu.
+ Tâm trạng của thi sĩ: nửa bâng khuâng nuối tiếc mùa hạ, nửa háo hức đón thu. Thi sĩ như cũng bâng khuâng trước biến chuyển của cuộc đời
- Về nghệ thuật: hình ảnh thơ giản dị, ngôn ngữ thơ mộc mạc, giọng thơ bâng khuâng tựa như dòng suy ngẫm, thể thơ 5 chữ
Phần II.
Câu 1. Đoạn trích thuộc tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê
Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm sáng tác năm 1971 trong thời kì kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra vô cùng ác liệt.
Câu 2.
- Phép lặp: quả
- Phép thế: “quả” thế cho “quả bom”
Câu 3.
Đoạn trích trên miêu tả suy nghĩ của nhân vật Phương Định trong một lần Phương Định đi phá bom: cô phải đào đất quanh bom, châm ngòi và đợi bom nổ. Ban đầu cô đi khom nhưng sau đó cô tự cảm thấy có ánh mắt các anh cao xạ đang dùng ống nhòm dõi theo, lòng tự trọng đã không cho phép cô đi khom mà đàng hoàng bước tới.
Câu 4.
Trình bày suy nghĩ của em về lòng dũng cảm:
* Giải thích
- Dũng cảm là gì? là không sợ nguy hiểm, khó khăn.
- Người có lòng dũng cảm là người không run sợ, không hèn nhát, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, các thế lực tàn bạo để bảo vệ công lí, chính nghĩa
* Khẳng định và chứng minh: Dũng cảm là phẩm chất tốt đẹp của con người ở mọi thời đại:
- Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ( lấy dẫn chứng)
- Ngày nay: trên mặt trận lao động sản xuất, đấu tranh phòng chống tội phạm ( nêu một vài tấm gương tiêu biểu của chiến sĩ cảnh sát, bộ đội…)
- Trong cuộc sống hàng ngày: cứu người bị hại, gặp nạn
* Ý nghĩa của lòng dũng cảm:
+ chiến thắng được khó khăn, thử thách trong cuộc sống
+ chiến thắng chính bản thân để mình được hoàn thiện hơn
+ Dũng cảm tố cáo cái xấu cái ác còn giúp xã hội tốt đẹp, văn minh hơn
* Phê phán: những người nhầm tưởng lòng dũng ảm với hành động liều lĩnh, mù quáng, bất chấp công lí. Phê phán những người hèn nhát, bạc nhược không dám đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn thử thách để vươn lên trong cuộc sống.
*Bài học rút ra
+ Liên hệ bản thân đã dung cảm trong những việc gì…
+ Rèn luyện tinh thần dũng cảm từ việc làm nhỏnhất trong cuộc sống hàng ngày nơi gia đình, nhà trường như dám nhận lỗi khi mắc lỗi, dũng cảm chỉ khuyết điểm của bạn
+ Trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc rèn luyện lòng dũng cảm, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc.
Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề thi kiểm tra HK2 môn Ngữ Văn lớp 9 của phòng GD&ĐT Ba Đình. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi học kì sắp tới.
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---