Đề kiểm tra HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 11 - Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm

           SỞ GD& ĐT QUẢNG NAM                                                          ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2
TRƯỜNG  THPT CHUYÊN NGUYỄN BỈNH KHIÊM                                    NĂM HỌC: 2018-2029
                                                                                                                        MÔN: Ngữ Văn 11

                                                                                                                        ( Đề gồm 02 trang )

I.ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

  Đọc ngữ liệu dưới đây và thực hiện các yêu cầu:

Từ thời mở cửa chúng ta đã bắt đầu xây dựng được một sinh hoạt đối thoại khá tốt. Trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đã xuất hiện những cuộc thảo luận tương đối có chất lượng. Nhưng phải nói thật với nhau, để xây dựng được một nền văn hóa đối thoại thực chất còn rất nhiều điều cần phải làm. Một số cá nhân hoạt động văn hóa “nhà nọ nhà kia” hẳn hoi trong lúc tranh cãi về học thuật đã cãi nhau theo nghĩa đen với những lời lẽ rất mất vệ sinh (…).  Một số người còn mắc bệnh cay cú “cãi lấy được” cố tìm cách moi móc, cố tình đánh những đòn hiểm để hạ “nốc ao” đối thủ.  Chúng ta phải cố gắng trọng thị hơn nữa những bạn đối thoại với ta (đó cũng là thái độ tự trọng) và cố gắng “fair play” (chơi đẹp) đến mức tối đa có thể như những vận động viên có tư cách. Cái bi kịch cũng như cái lớn lao của con người là: Điều gì cũng phải học và điều gì cũng có thể học được.

Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Học nói chính là văn hóa đối thoại.

Ngay từ thời xa xưa các cụ ta đã có những lời khuyên hết sức tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc về đối thoại. Chẳng hạn: “Lời nói không mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Một sự nhịn là chín sự lành”, “Nói phải củ cải nghe cũng được”. Trong đối thoại một đòi hỏi quan trọng là phải biết lắng nghe.  Một thiền sư dạy: không phải vô cớ mà trời sinh ra con người có hai tai và một miệng.

       (Lê Đạt, trích Văn hóa đối thoại, in trong cuốn Đối thoại với đời và thơ, NXB Trẻ, 2008, tr. 12-13)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0.5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, để có văn hóa đối thoại, chúng ta cần phải làm gì? (0.5 điểm)

Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn trích. (1.0 điểm)

Câu 4. Anh/Chị rút ra thông điệp tích cực nào từ lời dạy của thiền sư: không phải vô cớ mà trời sinh ra con người có hai tai và một miệng? (1.0 điểm)

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối (Mộ).

 Phiên âm:                                

    Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

     Cô vân mạn mạn độ thiên không;

     Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

     Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.

Nam Trân dịch thơ:                  

    Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

   Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;

   Cô em xóm núi xay ngô tối,

   Xay hết, lò than đã rực hồng.

 (Hồ Chí Minh, Chiều tối (Mộ), Ngữ văn 11, Tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)

 

..............HẾT...............

 

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I.ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ chính luận /Chính luận

Câu 2.

Để có văn hóa đối thoại, chúng ta cần phải:

- Trọng thị người đối thoại.

- Học cách nói.

- Phải biết lắng nghe

Câu 3

Nội dung chính của đoạn trích: Những điều cần phải làm để xây dựng văn hóa đối thoại. (Hoặc: Bàn về văn hóa đối thoại)

Câu 4.

Thông điệp tích cực từ lời dạy của thiền sư:

 -  Con người cần biết lắng nghe nhiều hơn nói.

Hoặc:

 - Con người cần biết lắng nghe, suy ngẫm rồi hãy nói.

 - Không nên phát ngôn thiếu suy nghĩ, lắng nghe nhiều hơn.

*Lưu ý: Học sinh có thể diễn đạt khác nhau nhưng hợp lý đều chấp nhận, chỉ cần nêu được một thông điệp là đạt yêu cầu.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

1. * Yêu cầu chung:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để tổ chức bài văn nghị luận văn học.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

2. * Yêu cầu cụ thể:

    a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận. Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài    

    b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối

    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

 Học sinh có thể trình bày hệ thống các luận điểm theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung sau:

-  Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận.

-  Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh qua bài thơ Chiều tối:

 + Mở lòng với thiên nhiên tạo vật, phong thái ung dung tự tại, cốt cách thi sĩ trong cảnh ngộ tù đày.

 + Yêu con người, yêu cuộc sống, kiên cường lạc quan trước mọi hoàn cảnh.

- Đánh giá chung:

+ Chiều tối là chân dung tinh thần tự họa Hồ Chí Minh: sự kết hợp hài hòa giữa con người chiến sĩ và thi sĩ.

+ Chiều tối vừa cổ điển vừa hiện đại, bút pháp chấm phá, sự vận động của hình tượng thơ về phía ánh sáng, sự sống...

 d. Văn viết đúng chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

 e. Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

 

Trên đây là trích dẫn một phần đề thi và thang điểm đề kiểm tra HK2 môn Ngữ Văn lớp 11 của  trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm . Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong bài kiểm tra của mình.

 ---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?