SỞ GD&ĐT BẮC NINH ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2
TRƯỜNG THPT LÝ THÁI TỔ NĂM HỌC: 2018 -2019
MÔN: NGỮ VĂN 10
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Học hỏi là hoạt động, còn người hiểu biết được gọi là người có học vấn, vấn ở đây chính là hỏi. Nói cách khác, về bản chất, để học được, cách tốt nhất là tự mình phải hỏi được.
Ngày nay, chúng ta dường như đã quên đi triết lý giáo dục giản dị nhưng thâm thúy này. Phần đông mọi người ngại hỏi, không cứ học sinh, sinh viên, mà cả người đã trưởng thành đi làm cũng vậy. Lý do chính có lẽ là do chúng ta sợ bị đánh giá là yếu kém chăng? Cứ như vậy, lâu dần, người hỏi trở thành thiểu số, cảm thấy lạc lõng và cuối cùng là không hỏi thì an toàn, dễ sống hơn.
…Việc ngại hỏi không chỉ ảnh hưởng đến hiểu biết mà sâu sắc hơn chúng ta tưởng. Cụ thể, khi đi làm, đòi hỏi chúng ta phải tiếp xúc với xã hội - những người không quen biết rất thường xuyên. Vì thế, việc ngại hỏi sẽ khiến chúng ta e dè và mất hút trong phần lớn hoạt động cộng đồng đòi hỏi phải đưa ra ý kiến, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội để giao tiếp xã hội và tiến bộ. Có ai chưa từng chứng kiến những buổi học, hội thảo hay meeting mà người trình bày hay MC cứ phải lặp đi lặp lại câu hỏi “ai có câu hỏi gì không ạ?” trong sự im lặng.
Câu hỏi và câu trả lời là hai vế của một hoạt động vấn đáp. Trong xã hội ngày nay, khi mà Internet đã thu gom được hầu hết tri thức phổ thông của nhân loại, việc tìm ra câu trả lời trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần bạn biết đặt từ khóa tìm kiếm đúng, hay nói cách khác là câu hỏi đúng sẽ có rất nhiều câu trả lời cho bạn. Tạo thói quen đặt câu hỏi chính là cơ sở để chúng ta có thể đặt được những câu hỏi đúng.
Albert Einstein củng cố niềm tin về tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi đúng: “Nếu tôi có một giờ để giải quyết một vấn đề mà câu trả lời ảnh hưởng sống còn đến cuộc sống của tôi, tôi sẽ dành 55 phút đầu tiên để cân nhắc tìm ra câu hỏi đúng. Khi đã tìm ra câu hỏi thích hợp, tôi có thể giải quyết vấn đề trong vòng ít hơn 5 phút”.
Nên chăng những nhà làm giáo dục cần phải nhìn nhận lại vấn đề hỏi, liệu chúng ta có học được gì khi không hỏi?
(Trích Học mà không hỏi sẽ mất cơ hội giao tiếp và tiến bộ -
Quách Ngọc Xuân, theo http://vnexpress.net)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2: Theo tác giả, việc ngại hỏi đưa đến những tác hại nào?
Câu 3: Anh/chị hiểu câu nói của Albert Einstein ở cuối đoạn trích như thế nào?
Câu 4: Viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) trình bày suy nghĩ về lời khuyên của tác giả qua đoạn trích.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Thuyết minh tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Tản Viên từ phán sự lục- trích Truyền kì mạn lục) của Nguyễn Dữ.
...........HẾT...................
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1:
Phương thức biểu đạt: phương thức nghị luận
Câu 2:
Tác hại của việc ngại hỏi theo đoạn trích:
- Ảnh hưởng đến hiểu biết.
- Khiến chúng ta e dè và mất hút trong phần lớn hoạt động cộng đồng đòihỏi phải đưa ra ý kiến, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội để giao tiếp xã hội và tiến bộ.
Câu 3:
Câu nói của Albert Einstein ở cuối đoạn trích có nghĩa: cần dành nhiều thời gian cho việc tìm ra câu hỏi đúng, thích hợp để hiểu bản chất của vấn đề, từ đó sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề đó trong một khoảng thời gian ngắn.
Câu 4:
- Học sinh có thể có những suy nghĩ riêng song cần kiến giải hợp lý.
- Có thể tham khảo các ý sau:
- Chịu khó suy nghĩ, tìm tòi để đặt ra các câu hỏi đúng, ý nghĩa, kích thích tư duy, tăng cơ hội giao tiếp và tiến bộ.
- Không ngại hỏi, chớ giấu dốt e dè và mất hút trong phần lớn hoạt động cộng đồng
- Phải suy nghĩ thận trọng để có câu hỏi đúng
- Câu hỏi giúp phát hiện bản chất vấn đề...với tâm thế học hỏi.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Đảm bảo cấu trúc bài văn thuyết minh: Mở bài giới thiệu vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.
Bài làm xác định đúng vấn đề: Giới thiệu tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Tản Viên từ phán sự lục - trích Truyền kì mạn lục) của Nguyễn Dữ
Triển khai vấn đề: Trình bày những hiểu biết chính xác, có cảm xúc và sâu sắc về tác giả, nội dung tư tưởng, đặc sắc nghệ thuật, ý nghĩa của tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên (Tản Viên từ phán sự lục- trích Truyền kì mạn lục - Nguyễn Dữ)
Gợi ý làm bài
Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Dữ sống khoảng thế kỉ XVI, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam.
- Chuyện chức phán sự đền Tản Viên được trích từ Truyền kì mạn lục- áng văn “thiên cổ kì bút” của Nguyễn Dữ phản ánh chủ đề ngợi ca những nho sĩ trí thức khảng khái chính trực,vì nghĩa lớn chống gian tà thông qua ngòi bút giàu tính nghệ thuật.
Thuyết minh nội dung tác phẩm:
a. Hình tượng Ngô Tử Văn - kẻ sĩ khảng khái, cương trực, dũng cảm chống gian tà, bảo vệ chính nghĩa.
- Nhân vật được giới thiệu qua lời kể phần mở truyện theo phương pháp truyền thống với tên (tên là Soạn), quê quán (người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang) và tính tình (khảng khái nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực). Hành động châm lửa đốt đền bộc lộ tính cách, tuyên chiến với hồn ma tên tướng xâm lược bại trận, táo bạo trừ hại cho dân.
- Thân truyện tái hiện cuộc đấu tranh dũng cảm bảo vệ chính nghĩa của Ngô Tử Văn.
- Ở trần gian, khi hồn tướng giặc hiện hình, đến đe dọa, chàng vẫn tự tin vào việc làm chính nghĩa, ngạo nghễ “cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên”. Thổ công xuất hiện, hỗ trợ cuộc đấu tranh của Tử Văn tìm hiểu kẻ thù, chỉ vẽ cách khai trước tòa. Tử Văn tiếp tục truy đuổi đến cùng cái ác, tìm cách đánh thắng dẫu chấp nhận cái chết.
- Ở Minh ti - nơi tối tăm nhất, khí phách anh hùng tỏa sáng khi Tử Văn bất khuất trong thế giới ma quỷ, trước Diêm Vương với những lời lẽ “rất cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”, từng bước đánh lui và chiến thắng tên Bách hộ họ Thôi, làm sáng tỏ nỗi oan và phục hồi danh vị cho Thổ công nước Việt, trừ gian, đem lại an lành cho dân.
- Kết quả:Tên tướng giặc Bách hộ họ Thôi phi nghĩa cướp đền quen thói lừa lọc, làm yêu quái trong dân gian bị trừng trị đích đáng. Ngô Tử Văn chiến thắng, sống lại và hưởng phần thưởng của Diêm Vương… mang ý nghĩa hiện thực về cuộc đấu tranh giữa những người chính trực với bọn quan lại xấu cấu kết làm hại dân, thể hiện niềm tin chính nghĩa thắng gian tà, tinh thần dân tộc chống bọn cướp nước bảo vệ dân, bảo vệ chính nghĩa.
- Kết truyện, Ngô Tử Văn được Thổ công tiến cử giữ chức Phán sự đền Tản Viên - đảm trách việc giữ gìn công lí, làm vị thần bảo vệ chính nghĩa. Đó là cách Nguyễn Dữ bất tử hóa vẻ đẹp kẻ sĩ đất Việt - (dù sống hay chết luôn là người chính trực., triệt để chống gian tà, giành chiến thắng cho chính nghĩa, lẽ phải trên đời)
b. Những ngụ ý phê phán khác.
- Hồn ma tên Bách hộ họ Thôi - sống là kẻ cướp nước, chết là kẻ cướp đền chôn vùi uy danh kẻ xâm lược, thể hiện tinh thần dân tộc của Nguyễn Dữ.
- Tham quan ô lại cõi trần và cõi âm là hiện thực xã hội nhức nhối tiếp tay cho kẻ ác kẻ xấu, gây đau khổ cho người dân lương thiện cần đấu tranh tiêu diệt để bảo vệ công lí, chính nghĩa, bảo vệ dân lành.
Thuyết minh nghệ thuật tác phẩm:
Kết hợp thành công bút pháp hiện thực (giới thiệu nhân vật và sự việc cụ thể, xác đáng đến cả thời gian, địa điểm) và bút pháp kì ảo (sử dụng yếu tố hư cấu: cõi Minh ti, ma quỷ, Diêm Vương, con người có thể chết đi sốngm lại…) tăng sự hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng người đọc, lấy xưa nói nay, lấy kì nói thực.
- Kết cấu truyện giàu kịch tính với những tình tiết lôi cuốn.
- Tính cách nhân vật được xây dựng sinh động bằng những chi tiết chọn lọc miêu tả thái độ, hành động; ngôn ngữ nhân vật được chú ý ở mức độ nhất định để khắc họa tính cách.
------Nội dung đầy đủ chi tiết vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy-------
Trên đây là trích dẫn một phần đề kiểm tra giữa HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn 10 của Trường THPT Lý Thái Tổ. Để xem được đầy đủ nội dung đề kiểm tra, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập và ra đề cho học sinh. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi thật tốt để có một kết quả cao.
---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---