Qua bài học giúp các em nắm được câu trần thuật là câu dùng để kể, xác nhận miêu tả,...Câu trần thuật là biểu hiện thông thường của một phán đoán. Qua đó các em cần nắm vững kiến thức câu trần thuật để không bị nhầm với các kiểu câu khác.
Tóm tắt bài
1.1.Đặc điểm hình thức và chức năng
Đọc các đoạn trích sau và trả lời câu hỏi.
a) Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
(Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
b) Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào, thở không ra hơi:
- Bẩm… quan lớn… đê vỡ mất rồi!
(Phạm Duy Tốn, Sống chết mặc bay)
c) Cai Tứ là một người đàn ông thấp và gầy, tuổi độ bốn lăm, năm mươi. Mặt lão vuông nhưng hai má hóp lại.
(Lan Khai, Lầm than)
d) Ôi Tào Khê! Nước Tào Khê làm đá mòn đấy! Nhưng dòng nước Tào Khê không bao giờ cạn chính là lòng chung thuỷ của ta!
(Nguyên Hồng, Một tuổi thơ văn)
Những câu nào trong các đoạn trích trên không có đặc điểm hình thức của câu nghi vấn, câu cầu khiến và câu cảm thán?
- Chỉ có câu: Ôi Tào Khê! là mang đặc điểm hình thức của câu cảm thán. Các câu còn lại trong các đoạn trích này đều thuộc kiểu câu trần thuật.
Những câu này dùng để làm gì?
-
Các câu này dùng để:
-
(a): bày tỏ những suy nghĩ của người viết về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Đồng thời bày tỏ mong muốn, yêu cầu của người viết (Chúng ta phải…).
-
(b): kể (câu thứ nhất) và thông báo (câu thứ hai).
-
(c): miêu tả hình thức của một người.
-
(d): nhận định (câu thứ hai) và bộc lộ cảm xúc (câu thứ ba).
-
Trong các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán và trần thuật, kiểu câu nào được dùng nhiều nhất? Vì sao?
- Trong các kiểu câu: nghi vấn, cảm thán, cầu khiến và trần thuật thì kiểu câu trần thuật là kiểu câu được dùng nhiều nhất.
- Bởi phần lớn, hoạt động giao tiếp của con người xoay quanh những chức năng mà câu trần thuật đảm nhiệm.
1.2. Ghi nhớ
- Câu trần thuật không có đặc điểm hình thức cảu các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán; thường được dùng để kể, thông báo, nhận đinh, miêu tả,...
- Ngoài những chức năng chính trên đây, câu trần thuật còn dùng để yêu cầu, đề nghị hay bộc lộ tình cảm, cảm xúc,...(vốn là chức năng chính của những kiểu câu khác).
- Khi viết, câu trần thuật thường kết thúc bằng dấu chấm, nhưng đôi khi nó có thể kết thúc bằng dấu chấm than hoặc dấu chấm lửng.
- Đây là kiểu câu cơ bản và được dùng phổ biến nhất trong giao tiếp.
2. Soạn bài Câu trần thuật
Để nắm vững hơn kiến thức của bài học, các em có thể tham khảo bài soạn Câu trần thuật.