Cách phát âm 44 âm trong Tiếng Anh dễ hiểu nhất

CÁCH PHÁT ÂM 44 ÂM TRONG TIẾNG ANH DỄ HIỂU NHẤT

1. Nguyên âm dài

  • Âm /a:/ – âm a dài

Khẩu hình miệng mở hết cỡ theo chiều dọc, môi hướng về phía trước.

Nhìn vào gương để điều chỉnh 2 bên mép song song song tạo hình chữ nhật đứng.

Giữ nguyên khẩu hình như trên và nói chữ “a” tiếng Việt.

  • Âm /ɜː/ – âm ơ dài

Bước 1: bắt đầu với việc phát âm âm /r/ – lưỡi cong, đầu lưỡi không chạm nhưng để rất gần với phần bên trên của miệng.

Bước 2: Khẩu hình miệng hình chữ nhật đứng nhỏ. Để vị trí lưỡi như của âm /r/. Phát âm “ơ” và tập trung hơi ở phần đầu lưỡi.

  • Âm /ɔː/ – âm o dài

Để miệng hình tròn, môi hướng về phía trước và nói “o” kéo dài hơi.

  • Âm /u:/ – âm u dài

Tưởng tượng giống như đang chụp ảnh tự sướng.

Môi chụm lại nhỏ nhất và chu về phía trước, miệng phát âm /u/,  kéo dài hơi.

  • Âm /i:/ – âm i dài

Khẩu hình miệng giống như đang cười nhẹ, hai khóe môi kéo sang 2 bên, miệng phát âm /i/, kéo dài hơi.

2. Nguyên âm ngắn

  • Âm /e/

Phát âm bình thường giống như âm “e” trong tiếng Việt nhưng đọc ngắn.

Khi đọc hạ nhẹ hàm xuống.

  • Âm /ɒ/

Bắt đầu từ khẩu hình miệng của âm a dài, sau đó từ từ thu nhỏ miệng lại một chút và nói chữ “o” trong cổ họng, âm ngắn.

  • Âm /æ/

Bươc 1: Phát âm /a:/, sau đó kéo 2 mép sang 2 bên

Bước 2: Âm phát ra kết hợp giữa a và e nhưng nghiêng về a nhiều hơn, hơi tập trung trong cổ họng.

  • Âm /ʌ /

Mở miệng rộng bằng ½ so với khi phát âm âm a bẹt (/æ/) đưa. Phát âm âm a trong cổ họng, âm ngắn.

  • Âm /ʊ/

Miệng chu ra phía trước, sau đó đẩy môi trên và môi dưới cong. Phát âm âm u trong cổ họng, âm ngắn

Hơi gằn giọng xuống khi phát âm.

Cách kiểm tra khẩu hình miệng: đặt ngón tay cái và ngón tay trỏ đặt vào môi trên môi dưới, nếu cảm nhận được 2 vành môi đang cuộn vào 2 ngón tay là đạt yêu cầu.

  • Âm /ɪ/

Khi phát âm âm /ɪ/, miệng hơi mở ra, hàm dưới hạ xuống một chút, môi thư giãn. Âm phát ra trong cổ họng. Đây là một nguyên âm ngắn.

  • Âm /ə/

Để phát âm âm /ə/, miệng hơi mở ra, môi thư giãn. Âm phát ra trong cổ họng. Đây là một nguyên âm ngắn.

3. Nguyên âm đôi

  • Âm /oʊ/

Khẩu hình miệng bắt đầu giống như âm /ɒ/, khi kết thúc khẩu hình nhỏ nhất (giống như chu miệng âm /u:/). Âm phát ra nghe giống như từ “âu” tiếng Việt, ngân u dài ra một chút.

Chú ý đừng nhầm lẫn đọc thành âm “ô” trong tiếng Việt

  • Âm /ei/

Khẩu hình miệng bắt đầu giống như âm /e/. Khi kết thúc, miệng giống âm /j/. Âm phát ra nghe giống như từ “ây” tiếng Việt, ngân i dài ra một chút.

Chú ý đừng nhầm lẫn đọc thành âm “ê” trong tiếng Việt.

  • Âm /aʊ/

Khẩu hình miệng bắt đầu giống như âm /æ/, khi kết thúc khẩu hình nhỏ nhất (giống như chu miệng âm /u:/). Âm phát ra nghe giống như từ “ao” tiếng Việt, ngân u dài ra một chút.

  • Âm /ɔɪ/

Khẩu hình miệng bắt đầu giống như âm /ɔ:/. Khi kết thúc, miệng giống âm /j/. Âm phát ra nghe giống như từ “oi” tiếng Việt, ngân i dài ra một chút.

  • Âm /aɪ/

Khẩu hình miệng bắt đầu giống như âm /æ/. Khi kết thúc, miệng giống âm /j/. Âm phát ra nghe giống như từ “ai” tiếng Việt, ngân i dài ra một chút.

  • Âm /ʊr/

Kết hợp của âm /ʊ/ và /r/

Phát âm âm /ʊ/, sau đó cong lưỡi lên vào vị trí âm /r/.

  • Âm /ɪr/

Kết hợp của âm /ɪ/ và /r/

Phát âm âm /ɪ/, sau đó cong lưỡi lên vào vị trí âm /r/.

  • Âm /er/

Kết hợp của /e/ và /r/, đọc thật mịn vào với nhau.

4. Phụ âm

  • Âm /j/

Lưỡi để thoải mái, khi đọc tuyệt đối không được chạm lên phần bên trên của miệng, phát ra âm i và kéo dài hơi.

Có thể tròn miệng, môi hướng về phía trước để hạn chế việc chạm lưỡi lên phần trên của miệng.

Đọc thật mịn từ /j/ sang các âm đi sau. Ví dụ từ yellow /ˈjeloʊ/, đọc thật mịn /j/ sang /e./

  • Âm /m/

Với âm /m/ chúng ta phải mím 2 môi để luồng không khí đi qua mũi chứ không phải miệng.

  • Âm /n/

Đặt lưỡi chạm vào phần bên trên của miệng (phần khẩu cái cứng), vị trí cách chân răng hàm trên khoảng 1cm. Sau đó đẩy hơi ra từ mũi, đặt tay trước mũi để kiếm tra xem hơi được đẩy ra.

/n/ là âm hữu thanh nên dây thanh rung khi đọc

  • Âm /v/

Khẩu hình miệng: Răng cửa hàm trên chạm hờ vào môi dưới. Luồng hơi sẽ từ từ đi ra ngoài qua khe hở rất hẹp giữa hàm răng trên và môi dưới, đồng thời dây thanh cũng rung lên, tạo thành âm /v/.

  • Âm /f/

Tương tự âm /v/. Răng cửa hàm trên trên chạm hờ môi dưới, đẩy hơi từ trong ra, âm được tạo ra do những kẽ hở của răng và môi. /f/ là một âm vô thanh nên dây thanh không rung.

  • Âm /s/

Hai hàm răng cắn hờ vào nhau, thổi hơi từ trong ra, luồng hơi đi qua các kẽ hở của răng tạo thành âm /s/ – dây thanh  không rung. Đầu lưỡi chạm hờ chân răng cửa hàm trên.

  • Âm /z/

Hai hàm răng cắn hờ vào nhau, đẩy hơi từ trong ra, rung ở dây thanh, luồng hơi đi qua các kẽ hở của răng tạo thành âm /z/. Đầu lưỡi chạm hờ chân răng cửa hàm trên.

  • Âm /k/

Miệng hơi mở ra, phần cuống lưỡi nâng lên chạm vào phần bên trên của miệng (phần ngạc mềm), chặn luồng hơi đi ra. Sau đó, lưỡi nhanh chóng bật xuống để luồng hơi thoát ra, tạo thành âm /k/. Đây là một phụ âm vô thanh nên dây thanh sẽ không rung.

  • Âm /g/

Miệng hơi mở ra, phần cuống lưỡi nâng lên chạm vào phần bên trên của miệng (phần ngạc mềm), chặn luồng hơi đi ra. Sau đó, lưỡi nhanh chóng bật xuống để luồng hơi thoát ra, đồng thời dây thanh rung lên, tạo thành âm /g/. Đây là một phụ âm hữu thanh nên dây thanh sẽ rung lên khi phát âm âm này.

  • Âm /d/

Lưỡi đặt lui vào phía trong (so với chân răng cửa hàm trên) chừng 0.5 cm.

Lúc này lưỡi sẽ chặn luồng hơi từ phía trong đi ra. Sau đó luồng hơi sẽ có áp lực mạnh hơn, lúc này đẩy lưỡi nhanh ra phía trước bật thành âm /d/

Vì là âm hữu thanh nên rung dây thanh.

  • Âm /t/

Đầu lưỡi đặt giống vị trí âm /d/, trượt theo chân răng cửa hàm trên ra ngoài bật thành âm /t/ – âm vô thanh.

  • Âm /b/

Mím chặt 2 môi, dùng hai môi chặn luồng khí trong miệng sau đó hai môi mở đột ngột để luồng khí bật ra ngoài làm rung dây thanh khi phát âm.

  • Âm /p/

Mím chặt 2 môi, dùng hai môi chặn luồng khí trong miệng sau đó hai môi mở đột ngột để luồng khí bật ra ngoài, không làm rung dây thanh trong cổ họng khi phát âm.

  • Âm /ð/

Đặt lưỡi giữa hai hàm răng,  lưỡi đưa ra ngoài cách răng khoảng 0.5 cm. Luồng hơi từ từ thoát ra qua khe hở rất hẹp giữa mặt lưỡi và làm răng trên, dây thanh sẽ rung lên khi bạn phát âm phụ âm này, cảm nhận sự rung mặt trên của lưỡi.

  • Âm /θ/

Tương tự âm /ð/, đặt lưỡi giữa hai hàm răng,  lưỡi đưa ra ngoài cách răng khoảng 0.5 cm. Luồng hơi từ từ thoát ra qua khe hở rất hẹp giữa mặt lưỡi và làm răng trên, dây thanh sẽ rung lên khi bạn phát âm phụ âm này, dây thanh không rung.

  • Âm /ʃ/

Lưỡi cong, chạm hờ hờ lên phần khẩu cái cứng (cách chân răng cửa hàm trên khoảng 1 cm), luồng hơi thoát ra từ khoảng trống giữa lưỡi và khẩu cái cứng.

Môi xòe ra và hướng về phía trước.

Không rung dây thanh.

  • Âm /ʒ/

Lưỡi cong, chạm hờ hờ lên phần khẩu cái cứng (cách chân răng cửa hàm trên khoảng 1 cm), luồng hơi thoát ra từ khoảng trống giữa lưỡi và khẩu cái cứng.

Môi xòe ra và hướng về phía trước.

Rung dây thanh.

  • Âm /tʃ/

Để hai môi chuyển động về phía trước. Đầu lưỡi đặt ở phía sau hàm răng trên. Sau đó, đầu lưỡi nhanh chóng hạ xuống, luồng hơi bật ra, tạo thành âm /tʃ/. Đây là một phụ âm vô thanh nên khi phát âm âm này, dây thanh sẽ không rung.

  • Âm /dʒ/

Để hai môi chuyển động về phía trước. Đầu lưỡi đặt ở phía sau hàm răng trên. Sau đó, đầu lưỡi nhanh chóng hạ xuống, luồng hơi bật ra, tạo thành âm /dʒ/. Đây là một phụ âm hữu thanh nên khi phát âm âm này, dây thanh sẽ rung.

Lưu ý khi bật âm /dʒ/ này, hàm dưới sẽ di chuyển. Còn khi phát âm /ʒ/, hàm dưới sẽ không cử động.

  • Âm /l/

Thả lỏng môi, cong  lưỡi chạm chân răng cửa hàm trên, luồng hơi sẽ đi ra qua hai bên của lưỡi. Khẩu hình miệng mở ra, hàm đẩy xuống. Đây là một phụ âm hữu thanh nên dây thanh sẽ rung lên khi ta phát âm phụ âm này.

  • Âm /r/

Đầu tiên miệng chu ra bắt đầu từ khẩu hình miệng nhỏ (của âm /u:/), sau đó mở to ra, tròn môi. Cong lưỡi lên để tạo nên một khoảng trống ở giữa đầu lưỡi và vòm miệng, nhưng đầu lưỡi không được chạm vào vòm miệng, phát âm r, cảm nhận sự rung ở cổ.

  • Âm /h/

Miệng hơi mở, môi thư giãn, luồng hơi đi ra nhiều hơn một chút so với Tiếng Việt. Đây là phụ âm vô thanh nên dây thanh sẽ không rung lên khi ta phát âm phụ âm này.

  • Âm /ŋ/

Để phát âm âm /ŋ/, cuống lưỡi nâng lên chạm vào phần ngạc mềm ở phía trên, luồng hơi sẽ thoát ra ngoài qua mũi chứ không qua miệng.

  • Âm /w/

Đầu tiên miệng chu ra bắt đầu từ khẩu hình miệng nhỏ (của âm /u:/), sau đó mở to ra, tròn môi khi phát âm âm /w/, Đây là âm hữu thanh nên dây thanh sẽ rung lên trong quá trình phát âm.

---

Trên đây là toàn bộ nội dung của tài liệu Cách phát âm 44 âm trong Tiếng Anh dễ hiểu nhất. Để theo dõi nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác vui lòng đăng nhập vào hệ thống Chúng tôi chọn chức năng xem online hoặc tải về máy!

Các em quan tâm có thể tham khảo tư liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?