Bộ đề thi HSG môn Sinh học 10 năm 2021 - Trường THPT Bắc Ninh có đáp án

TRƯỜNG THPT BẮC NINH

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI

NĂM HỌC: 2020-2021

MÔN SINH HỌC- LỚP 10

( Thời gian làm bài 180 phút)

1. ĐỀ 1

Câu 1: Trong các vật chất dưới đây: Tinh bột, glicogen, lipit, protêin, ADN, xenlulozơ, nhiễm sắc thể.Vật chất nào có tính đặc thù? Yếu tố nào quyết định tính đặc thù của các vật chất đó?

Câu 2:

a.Ngâm tế bào thực vật vào dung dịch đường saccarôzơ có áp suất thẩm thấu 0.8 atm; 1.5 atm. Cho biết áp suất trong nước của tế bào trước khi ngâm vào dung dịch là 0.6 atm và áp suất thẩm thấu là 1.8 atm. Hãy giải thích hiện tượng xảy ra ở tế bào thực vật.

b.Vì sao tế bào thực vật được coi là một hệ thẩm thấu sinh học?

c. Màng trong ti thể tương đương với cấu trúc nào ở lục lạp? Giải thích?

Câu 3: Có 3 dung dịch để trong phòng thí nghiệm. Dung dịch 1 chứa ADN, dung dịch 2 chứa amylaza, dung dịch 3 chứa glucôzơ. Người ta đun nhẹ ba dung dịch này đến gần nhiệt độ sôi, rồi làm nguội từ từ về nhiệt độ phòng. Hãy cho biết mức độ biến đổi về cấu trúc xảy ra sâu sắc nhất ở hợp chất nào? Vì sao?

Câu 4:

      a. Phân biệt chức năng của prôtêin bám màng và prôtêin xuyên màng?

      b. Vì sao 2 loại prôtêin trên lại quyết định đến tính linh hoạt của màng sinh chất?

Câu 5:

      a. Cho biết tế bào tuyến nước bọt chế tiết ra enzim amilaza là một glicoprotein. Hãy mô tả con đường hình thành và chế tiết amilaza vào khoang miệng.

      b. Có giả thuyết cho rằng, ti thể và lục lạp có nguồn gốc từ tế bào nhân sơ, ẩn nhập vào tế bào nhân thực bằng con đường thực bào. Bằng những hiểu biết về cấu trúc và chức năng  của hai bào quan này, hãy chứng minh giả thuyết trên?

Câu 6:

      a. Hình vẽ dưới đây mô tả một giai đoạn (kỳ) trong chu kì phân bào. Anh (chị) hãy cho biết đây là kỳ nào của phân bào nguyên phân hay giảm phân. Dựa vào các đặc điểm trong hình vẽ, hãy giải thích tại sao anh (chị) lại khẳng định như vậy.

    b. Một tế bào sinh dục sơ khai qua các giai đoạn phát triển từ vùng sinh sản đến vùng chin đòi hỏi môi trường cung cấp 240 NST đơn. Số NST đơn trong một giao tử được tạo ra ở vùng chin gấp 2 lần số tế bào tham gia vào đợt phân bào cuối cùng tại vùng sinh sản.
        - Xác định bộ NST 2n của loài
       - Tính số crômatit và số NST cùng trạng thái của mỗi tế bào ở kỳ giữa nguyên phân, kỳ giữa giảm phân I, kỳ giữa giảm phân II, kỳ cuối giảm phân II là bao nhiêu?

Câu 7:

      a. Thành phần cấu trúc nào của tế bào thực vật đóng vai trò chính trong quá trình thẩm thấu? Tại sao?

              b.Bản chất pha sáng và pha tối trong quá trình quang hợp là gì?

Câu 8:

       a. Một số bác sỹ cho những người muốn giảm khối lượng cơ thể sử dụng một loại thuốc. Loại thuốc này rất có hiệu quả nhưng cũng rất nguy hiểm vì có một số người dùng nó bị tử vong nên thuốc đã bị cấm sử dụng. Hãy giải thích tại sao loại thuốc này lại làm giảm khối lượng cơ thể và có thể gây chết? Biết rằng người ta phát hiện thấy nó làm hỏng màng trong ty thể.

     b. Tại sao hô hấp kị khí giải phóng rất ít ATP nhưng lại được chọn lọc tự nhiên duy trì ở tế bào cơ của cơ thể người, vốn là loại tế bào cần nhiều ATP.

Câu 9:

Nêu những điểm khác nhau cơ bản trong cấu trúc và biểu hiện chức năng của plasmit và phagơ ôn hoà ở vi khuẩn.

Câu 10:

      a. Hãy nêu những đặc điểm khác biệt giữa tế bào vi khuẩn và tế bào người khiến vi khuẩn có khả năng sinh sản nhanh hơn tế bào người.

        b. Dựa trên sự khác biệt nào giữa tế bào vi khuẩn và tế bào người mà người ta có thể dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu để chỉ tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh trong cơ thể người nhưng lại không làm tổn hại các tế bào người.

ĐÁP ÁN

Câu hỏi

Nội dung trả lời

Câu 1

-Vật chất có tính đặc thù : Protêin, ADN, nhiễm sắc thể.

-ADN: Đặc thù cho loài bởi số lượng,thành phần, trật tự sắp xếp các nuclêôtit trong phân tử và tỷ số ba giơ A +T/G + X = hằng số không đổi đặc trưng cho từng loài.

-Protein: đặc thù cho loài bởi Số lượng, thành phần, trật tự sắp xếp các aa trong phân tử

-NST: đặc thù cho loài bởi số lượng, hình dạng kích thước NST và trật tự phân bố gen trên NST

{-- Nội dung đáp án câu 2, 3 của đề số 1 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

Câu 4

a.

Prôtêin bám màng

Prôtêin xuyên màng

-Bám vào phía mặt ngoài:  tín hiệu nhận biết các tế bào, ghép nối các tế bào với nhau

-Bám vào phía mặt trong: xác định hình dạng tế bào và giữ các prôtêin nhất định vào vị trí riêng

- Pecmeaza, là chất mang vận chuyển tích cực các chất ngược građien nồng độ

- Tạo kênh giúp dẫn truyền các phân tử qua màng. Thụ quan giúp dẫn truyền thông tin vào tế bào

b.- Do 2 loại prôtêin trên có thể thay đổi vị trí, hình thù trong không gian tạo nên tính linh hoạt mềm dẻo cho màng

- Các phân tử prôtêin có khả năng chuyển động quay, chuyển dịch lên xuống giữa 2 lớp màng. Ngoài ra khi bình thường các phân tử prôtêin phân bố tương đối đồng đều trên màng, nhưng khi có sự thay đổi nào đó của môi trường thì các prôtêin lại có khả năng di chuyển tạo nên những tập hợp lại với nhau.

Câu 5

a. -Amilaza là chất glicopotein được cấu tạo bởi hai thành phần là protein và cacbohidrat.

-Protein được tổng hợp ở mạng lưới nội chất hạt, sau đó được vận chuyển vào bộ máy gongi. Ở đây, protein được gắn thêm cacbohidrat để tạo thành glicoprotein. Sau đó amilaza được đóng gói vào các bóng nội bào và được tiết ra ngoài bằng con đường xuất bào.

b. * Về cấu trúc

- Màng kép, trong đó màng ngoài rất giống màng tế bào nhân thực -> màng ngoài là màng của tế bào nhân thực, màng trong là của VSV nhân sơ đã ẩn nhập vào.

- Có 1 AND vòng, kép, có riboxom 70S riêng…, do đó có thể tự tổng hợp protein riêng -> có thể tự sinh sản bằng cách tự sinh tổng hợp mới các thành phần và phân chia giống như hình thức sinh sản của vi khuẩn.

* Về chức năng

- Lục lạp có khả năng tự tổng hợp chất hữu cơ nhờ quá trình quang hợp, do đó có nguồn gốc từ vi sinh vật tự dưỡng quang năng.

- Ti thể có khả năng phân giải chất hữu cơ trong điều kiện hiếu khí do đó có nguồn gốc từ sinh vật dị dưỡng hiếu khí.

Câu 6

a.  - Đây là kỳ giữa của giảm phân I.

      - Đây là phân bào giảm phân, vì nếu là nguyên phân thì 4 nhiễm sắc thể kép (NST) phải cùng nằm trên một tấm trung kỳ (mặt phẳng phân bào); trong khi ở đây, 4 nhiễm sắc thể kép xếp thành hai hàng.

      - Một bằng chứng khác cho thấy đây là giảm phân vì có trao đổi chéo giữa các nhiễm sắc tử (crômatit) trong các cặp NST kép tương đồng.     

      - Đây là kỳ giữa giảm phân I, không phải kỳ giữa giảm phân 2. Bởi vì ở kỳ giữa giảm phân 2 sẽ không có cấu trúc “tứ tử” hay còn gọi là thể “lưỡng trị” gồm 4 nhiễm sắc tử thuộc về hai NST trong cặp NST tương đồng như được vẽ trên hình.

b. - Bộ NST 2n

Gọi x là số NST trong bộ NST lưỡng bội của loài.

       k là số đợt nguyên phân của TBSDSK (x, k nguyên dương; x chẵn)

Theo đề bài: (2k- 1) . x + x . 2k = 240           (1)

                      x/2 = 2 . 2k – 1                           (2)

Thay (2) vào (1):  (x/2 – 1)x + x . x/2 = 240

                              X2  - X – 240 = 0

                                    => x = 16; k = 3

Bộ NST 2n = 16

 

. Số crômatit và số NST cùng trạng thái:

- Kỳ giữa nguyên phân: 32 crômatit, 16 NST kép

- Kỳ giữa giảm phân I: 32 crômatit, 16 NST kép

- Kỳ giữa giảm phân II: 16 crômatit, 8 NST kép

- Kỳ giữa nguyên phân: 0 crômatit, 8 NST đơn

Câu 7

a. Không bào chứa nước và chất hòa tan tạo thành dịch tế bào.

Dịch tế bào luôn có một áp suất thẩm thấu lớn hơn áp suất thẩm thấu của nước nguyên chất.

b-Bản chất của pha sáng là pha oxi hóa nước, thông qua pha sáng năng lượng ánh sáng đã chuyển thành năng lượng trong ATP, NADPH.

- Bản chất của pha tối là pha khử CO2 nhờ sản phẩm của pha sáng để hình thành các hợp chất hữu cơ (C6H12O6)

Câu 8

   a.

-  Ty thể là nơi tổng hợp ATP mà màng trong ty thể bị hỏng nên  H+ không tích lại được trong khoang giữa hai lớp màng ty thể vì vậy ATP không được tổng hợp.

- Giảm khối lượng cơ thể vì hô hấp vẫn diễn ra bình thường mà tiêu tốn nhiều glucôzơ, lipit.

- Gây chết do tổng hợp được ít ATP, các chất dự trữ tiêu tốn dần nên có thể dẫn đến tử vong.

b.

- Kiểu hô hấp kị khí giải phóng rất ít ATP nhưng tế bào cơ thể người vẫn cần dùng vì kiểu hô hấp này không tiêu tốn ô xy.

- Khi cơ thể vận động mạnh như chạy, nhảy, nâng vật nặng … các tế bào cơ trong mô cơ co cùng một lúc, hệ tuần hoàn chưa kịp cung cấp đủ ô xy cho hô hấp hiếu khí, khi đó giải pháp tối ưu là hô hấp kị khí đáp ứng kịp thời ATP mà không cần đến ô xy.

Câu 9

- Khác nhau về cấu trúc:

    + Plasmit là một phân tử ADN vòng, mạch kép còn ADN của phagơ có thể là mạch kép hoặc ADN mạch đơn, ARN mạch kép hoặc mạch đơn.

    +Plasmit chỉ mang gen quy định các đặc tính có lợi cho vi khuẩn (như kháng kháng sinh, kháng độc tố, chống hạn,...) còn phagơ thì mang gen gây hại cho tế bào chủ.
- Khác nhau về chức năng: 

    +Plasmit luôn nằm trong tế bào chất của vi khuẩn, không bao giờ làm tan tế bào vi khuẩn.

    +Còn ADN của phagơ thì có thể cài vào ADN của tế bào chủ, khi có tác nhân kích thích thì có thể sẽ làm tan tế bào chủ.

Câu 10

a. - Tế bào vi khuẩn:

+ Kích thước bé → tỷ lệ S/V lớn → trao đổi chất giữa tế bào với môi trường xảy ra nhanh, đồng thời vận chuyển các chất bên trong tế bào cũng nhanh.

+ Nhân sơ không có màng nhân → quá trình phiên mã và dịch mã xảy ra đồng thời → quá trình tổng hợp protein xảy ra nhanh → sinh sản nhanh.

- Tế bào người:

+ Kích thước lớn→ tỷ lệ S/V nhỏ hơn→ trao đổi chất giữa tế bào với môi trường xảy ra chậm hơn, đồng thời vận chuyển các chất bên trong tế bào cũng chạm hơn.

+ Nhân chuẩn có màng nhân → quá trình phiên mã và dịch mã xảy ra không đồng thời → quá trình tổng hợp protein xảy ra chậm hơn → sinh sản chậm hơn

b. Tế bào vi khuẩn có thành tế bào còn tế bào người thì không nên người ta có thể sử dụng các chất kháng sinh để ức chế các enzym tổng hợp thành tế bào vi khuẩn.

 

2. ĐỀ 2

Câu 1. Thành phần hóa học của tế bào

1. Những nhận định sau là đúng hay sai? Nếu sai thì hãy sửa lại cho đúng.

a. Trong phân tử xenlulose, các đơn phân glucose liên kết với nhau bằng liên kết -1,4-glicozit, không phân nhánh.

b. Khi tỉ lệ photpholipit/cholesterol cao sẽ làm tăng tính mềm dẻo của màng tế bào thực vật.

c. Amilaza là protein cầu. Myosin là protein sợi.

d. Trong chuỗi đơn ADN, đường đêôxiribôzơ luôn được gắn với axit photphoric ở vị trí C3’.

e. Trong ba loại ARN, mARN là đa dạng nhất.

2. Tại sao ngay đêm trước khi dự báo có băng, người nông dân tưới nước lên cây trồng để bảo vệ cây?

Câu 2. Cấu trúc tế bào

  1. Kích thước nhỏ và bộ NST là đơn bội có đặc điểm có lợi gì về tiến hóa và thích nghi ở vi khuẩn?
  2. Phân tử lipôprôtêin trong thành phần của màng sinh chất ở tế bào nhân thực được tổng hợp ở những bào quan nào? Trình bày sơ đồ tóm tắt sự hình thành chúng trong tế bào.

Câu 3. Cấu trúc tế bào

Giải thích quá trình tiến hóa dẫn đến gia tăng kích thước tế bào và phương thức hình thành các đặc điểm mới của tế bào nhân thực từ tế bào nhân sơ nguyên thủy.

Câu 4. Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào

a. Có 2 ống nghiệm:

- Ống 1: Xucxinatdehidrogenase + axit xucxinic + axit malic.

- Ống 2: Xucxinatdehidrogenase + axit xucxinic + axit malonic.

Ở ống nghiệm nào hoạt tính của enzim mạnh hơn? Giải thích.

b. ATP được tạo ra ở đâu trong tế bào? Nêu điểm khác nhau cơ bản trong cơ chế phosphoryl hóa ở các vị trí đó.

Câu 5. Phân bào

a. Từ những hiểu biết về diễn biến trong các pha của kì trung gian, hãy đề xuất thời điểm dùng tác nhân gây đột biến gen và đột biến đa bội để có hiệu quả nhất.

b. Các nhiễm sắc tử đính với nhau trong suốt giảm phân I nhưng lại tách nhau ra trong giảm phân II và trong nguyên phân như thế nào? Tại sao cohensin ở tâm động không bị phân hủy trong khi sự phân hủy lại xảy ra ở vai vào cuối kì giữa I?

Câu 6. Cấu trúc và chức năng của tế bào vi sinh vật

 

  • Trong các thành phần được kí hiệu từ 1 đến 10, hãy gọi tên các thành phần và cho biết:

- Thành phần nào chỉ có ở vi khuẩn G- mà không có ở vi khuẩn G+?

- Thành phần nào liên quan đến khả năng kháng các điều kiện môi trường bất lợi của vi khuẩn?

- Thành phần nào tham gia vào quá trình tiếp hợp của vi khuẩn?

  • Cấu trúc số 1 ở vi khuẩn có gì khác so với cấu trúc đó trong tế bào nhân thực?

Câu 7. Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở vi sinh vật

Trong quá trình chế biến giấm từ rượu, sau một thời gian ta thấy có một lớp váng trắng phủ trên mặt.

  • Váng trắng do vi sinh vật nào tạo ra? Ở đáy cốc có loại vi sinh vật này không?
  • Nhỏ một giọt dịch nuôi cấy vi sinh vật này lên lam kính, rồi nhỏ bổ sung một giọt H2O2 vào giọt trên sẽ thấy hiện tượng gì? Giải thích.
  • Nếu để cốc giấm cùng với váng trắng quá lâu thì độ chua của giấm sẽ giảm dần, vì sao? Cách khắc phục hiện tượng đó?

Câu 8. Chuyển hóa vật chất và năng lượng ở vi sinh vật

a. Điểm khác nhau trong pha sáng quang hợp của tảo, vi khuẩn lam với vi khuẩn lưu huỳnh màu lục và vi khuẩn lưu huỳnh màu tía?

b. Giải thích kiểu hô hấp của vi khuẩn hiếu khí và vi khuẩn kị khí bắt buộc. Dựa vào yếu tố nào mà quyết định tính hiếu khí hay kị khí ở các vi khuẩn?

Câu 9. Dinh dưỡng và sinh trưởng ở vi sinh vật

1. Phân tích kiểu dinh dưỡng của một chủng vi khuẩn dựa vào sự quan sát khi nuôi cấy chúng trên các môi trường A, B. Thành phần các môi trường được tính bằng g/l:

- Môi trường A: (NH4)3PO4 – 0,2; CaCl2 – 0,1; KH2PO4 – 1,0; NaCl – 5,0; MgSO4 – 0,2.

- Môi trường B: Môi trường A + xitrat trisodic – 2,0.

Sau khi cấy chủng vi khuẩn đó, nuôi ủ trong tủ ấm với thời gian và nhiệt độ thích hợp, người ta thấy trong môi trường A không có khuẩn lạc, còn trong môi trường B có khuẩn lạc.

  • Môi trường A là loại môi trường gì?
  • Kiểu dinh dưỡng theo nguồn cacbon của chủng vi khuẩn đó?
  • Một số vi khuẩn có thể phát triển trên môi trường A với điều kiện phải để chúng ở nơi giàu CO2. Đó là kiểu dinh dưỡng gì?

2. Khi dùng xạ khuẩn, vi khuẩn tả, vi khuẩn lactic, vi khuẩn sinh metan cấy chích sâu vào trong các ống nghiệm chứa môi trường thạch đứng bán lỏng sẽ thấy hiện tượng gì? Vì sao?

Câu 10. Virut

  1. Thông qua quá trình nhân lên của Phagơ T2 trong tế bào vi khuẩn, bằng cách nào các nhà khoa học chứng minh được rằng ADN chứ không phải prôtêin là vật chất di truyền?
  2. Tại sao các phage không thể tiêu diệt hết toàn bộ vi khuẩn?
  3. Phân biệt chu trình tan và tiềm tan.

ĐÁP ÁN

Câu

Đáp án

Câu 1

1. Những nhận định sau là đúng hay sai? Nếu sai thì hãy sửa lại cho đúng.

a. Trong phân tử xenlulose, các đơn phân glucose liên kết với nhau bằng liên kết -1,4-glicozit, không phân nhánh.

b. Khi tỉ lệ photpholipit/cholesterol cao sẽ làm tăng tính mềm dẻo của màng tế bào thực vật.

c. Amilaza là protein cầu. Myosin là protein sợi.

d. Trong chuỗi đơn ADN, đường đêôxiribôzơ luôn được gắn với axit photphoric ở vị trí C3’.

e. Trong ba loại ARN, mARN là đa dạng nhất.

2. Tại sao ngay đêm trước khi dự báo có băng, người nông dân tưới nước lên cây trồng để bảo vệ cây?

1. a. Sai. Trong phân tử xenlulose, các đơn phân glucose liên kết với nhau bằng liên kết -1,4-glicozit, không phân nhánh.

b. Sai. Khi tỉ lệ photpholipit/cholesterol cao sẽ làm tăng tính mềm dẻo của màng tế bào.

c. Đúng.

d. Sai. Trong chuỗi đơn ADN, trong một nucleotit, đường đêôxiribôzơ gắn với axit photphoric ở vị trí C5’; giữa các nucleotit với nhau, đường đêôxiribôzơ của nucleotit này gắn với axit photphoric của nucleotit khác ở vị trí C3’.

e. Đúng.

2. Ngay đêm trước khi dự báo có băng, người nông dân tưới nước lên cây trồng để bảo vệ cây vì:

- Nước có tính phân cực nên giữa các phân tử nước hình thành các liên kết hidro.

- Khi nhiệt độ xuống dưới 0oC, nước bị khóa trong các lưới tinh thể, mỗi phân tử nước liên kết hidro với bốn phân tử nước khác tạo ra lớp băng bao phủ bên ngoài lá.

- Lớp băng cách li lá với môi trường, bảo vệ nước trong lá không bị đóng băng, đảm bảo cho quá trình trao đổi chất trong cây diễn ra bình thường.

Câu 2

a. Kích thước nhỏ và bộ NST là đơn bội có đặc điểm có lợi gì về tiến hóa và thích nghi ở vi khuẩn?

b. Phân tử lipôprôtêin trong thành phần của màng sinh chất ở tế bào nhân thực được tổng hợp ở những bào quan nào? Trình bày sơ đồ tóm tắt sự hình thành chúng trong tế bào.

a. - Do kích thước nhỏ dẫn đến tỉ lệ S/V lớn nên hấp thụ nhiều và chuyển hóa nhanh, sinh trưởng nhanh, có thể bù đắp được số lượng cá thể bị chết do các yếu tố bất lợi của môi trường. Vì vậy tránh bị diệt vong.

- Do cơ thể là đơn bào, bộ nhiễm sắc thể chỉ có một nhiễm sắc thể nên dễ phát sinh đột biến và các biến dị đột biến này sẽ bộc lộ thành kiểu hình ngay ở thế hệ sau (cả đột biến gen trội và gen lặn). Do đó, chọn lọc tự nhiên nhanh chóng đào thải các gen có hại và các gen có lợi quy định các đặc điểm thích nghi được tăng nhanh trong quần thể, dẫn đến tạo ra các quần thể có kiểu hình thích nghi.

b. - Có 3 bào quan là: lưới nội chất hạt, lưới nội chất trơn và bộ máy Gôngi.

- Sơ đồ tóm tắt:

+ Lưới nội chất hạt tổng hợp phân tử prôtêin, bao gói bằng túi tiết để vận chuyển tới bộ máy gôngi.

+ Lưới nội chất trơn tổng hợp phân tử lipit, bao gói bằng túi tiết để vận chuyển tới bộ máy gôngi.

+ Bộ máy gôngi liên kết 2 thành phần trên để tạo ra lipôprôtêin, bao gói bằng túi tiết để vận chuyển đến màng sinh chất.

Câu 3

Giải thích quá trình tiến hóa dẫn đến gia tăng kích thước tế bào và phương thức hình thành các đặc điểm mới của tế bào nhân thực từ tế bào nhân sơ nguyên thủy.

- Khi các tế bào sống bằng phương thức dị dưỡng, tế bào này ăn tế bào khác thì tế bào có kích thước lớn hơn sẽ khó bị thực bào và dễ thực bào các tế bào nhỏ hơn vì thế chọn lọc tự nhiên sẽ ưu tiên giữ lại những tế bào có kích thước lớn hơn.

- Kích thước tế bào chỉ gia tăng đến mức độ nhất định vì tế bào có kích thước lớn quá thì tỉ lệ S/V sẽ nhỏ dẫn đến trao đổi chất với môi trường kém hiệu quả cũng như sự khuếch tán các chất trong tế bào từ nơi này đến nơi khác sẽ rất chậm. Kết quả là chọn lọc tự nhiên sẽ đào thải các tế bào quá lớn.

- Tế bào có kích thước lớn sẽ phải có các đặc điểm thích nghi như: Có các bào quan có màng bao bọc và hệ thống lưới nội chất làm tăng tỉ lệ S/V cũng như tạo các xoang riêng biệt làm tăng hiệu quả hoạt động.

- Các bào quan có màng bao bọc được tiến hóa hoặc bằng cách nội cộng sinh như ti thể và lục lạp hoặc do màng tế bào lõm vào trong bao bọc lấy vật chất di truyền tạo nên màng nhân, hoặc màng tế bào gấp vào trong tế bào chất tạo nên mạng lưới nội chất.

Câu 4

a. Có 2 ống nghiệm:

- Ống 1: Xucxinatdehidrogenase + axit xucxinic + axit malic.

- Ống 2: Xucxinatdehidrogenase + axit xucxinic + axit malonic.

Ở ống nghiệm nào hoạt tính của enzim mạnh hơn? Giải thích.

b. ATP được tạo ra ở đâu trong tế bào? Nêu điểm khác nhau cơ bản trong cơ chế phosphoryl hóa ở các vị trí đó.

a. - Ở ống nghiệm 1 hoạt tính của enzim mạnh hơn.

- Vì:

+ Axit malonic là chất ức chế cạnh tranh có tác động kìm hãm enzim do chúng có cấu tạo giống với axit xucxinic nên tạm thời chiếm lĩnh mất trung tâm hoạt động của enzim.

+ Khi hình thành phức hệ enzim – chất ức chế thì chất ức chế không bị biến đổi nên phức hệ enzim – chất ức chế rất bền vững và không còn trung tâm hoạt động cho cơ chất nữa.

b. - ATP được tổng hợp ở tế bào chất, ti thể, lục lạp.

- Khác nhau:

+ Ở tế bào chất: phosphoryl hóa mức cơ chất, chuyển một nhóm photphat linh động từ một chất hữu cơ khác đã được phosphoryl hóa tới ADP tạo ATP.

+ Ở ti thể: phosphoryl hóa oxi hóa, năng lượng từ phản ứng oxi hóa khử trong hô hấp được sử dụng để gắn nhóm photphat vô cơ vào ADP.

+ Ở lục lạp: phosphoryl hóa quang hóa, năng lượng ánh sáng được hấp thụ và chuyển hóa thành năng lượng tích lũy trong liên kết ADP và nhóm photphat vô cơ tạo thành ATP.

{-- Nội dung đáp án câu 5,6 của đề số 2 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

Câu 7

Trong quá trình chế biến giấm từ rượu, sau một thời gian ta thấy có một lớp váng trắng phủ trên mặt.

  • Váng trắng do vi sinh vật nào tạo ra? Ở đáy cốc có loại vi sinh vật này không?
  • Nhỏ một giọt dịch nuôi cấy vi sinh vật này lên lam kính, rồi nhỏ bổ sung một giọt H2O2 vào giọt trên sẽ thấy hiện tượng gì?
  • Nếu để cốc giấm cùng với váng trắng quá lâu thì độ chua của giấm sẽ giảm dần, vì sao? Cách khắc phục hiện tượng đó?

a. - Váng trắng do các đám vi khuẩn axetic liên kết với nhau tạo ra.

- Ở đáy cốc không có loại vi khuẩn này, vì chúng là những vi sinh vật hiếu khí bắt buộc.

b. - Hiện tượng: sủi bọt.

 

catalaza

- Giải thích: Vi khuẩn axetic là vi khuẩn hiếu khí bắt buộc nên có enzim catalaza, phân giải H2O2 để giải phóng oxi nên có bọt sủi lên.

 

2H2O2                                      2H2O + O2

c. - Khi để giấm lâu ngày, vi khuẩn Acetobacter có khả năng oxi hóa axit axetic thành CO2 và H2O, làm pH tăng lên, giấm mất dần vị chua.

- Cách khắc phục: Duy trì nồng độ rượu trong dịch lên men giấm ít nhất 0,3 – 0,5%.

Câu 8

a. Điểm khác nhau trong pha sáng quang hợp của tảo, vi khuẩn lam với vi khuẩn lưu huỳnh màu lục và vi khuẩn lưu huỳnh màu tía?

b. Giải thích kiểu hô hấp của vi khuẩn hiếu khí và vi khuẩn kị khí bắt buộc. Dựa vào yếu tố nào mà quyết định tính hiếu khí hay kị khí ở các vi khuẩn?

a. Điểm khác nhau trong pha sáng quang hợp của tảo, vi khuẩn lam với vi khuẩn lưu huỳnh màu lục và vi khuẩn lưu huỳnh màu tía.

Điểm so sánh

Vi khuẩn lưu huỳnh màu tía, màu lục.

Tảo, vi khuẩn lam

Chất cho e

H2A (A không phải oxi)

H2O

Sự thải oxi

Không thải oxi

Có thải oxi

Sắc tố

Khuẩn diệp lục

Diệp lục tố và sắc tố khác

Hiệu quả (Bẫy năng lượng)

Thấp

Cao

Hệ quang hóa

Có hệ quang hóa I

Có hệ quang hóa I và II.

b. - Kiểu hô hấp của:

+ Vi khuẩn hiếu khí: đòi hỏi oxi phân tử để sinh trưởng, phát triển.

+ Vi khuẩn kị khí bắt buộc: chỉ phát triển trong điều kiện không có oxi phân tử.

- Tùy thuộc vào số và lượng các enzim có thể phân giải H2O2 như catalase, superoxit dismustase để quyết định tính hiếu khí hay kị khí của vi khuẩn.

Câu 9

1. Phân tích kiểu dinh dưỡng của một chủng vi khuẩn dựa vào sự quan sát khi nuôi cấy chúng trên các môi trường A, B. Thành phần các môi trường được tính bằng g/l:

- Môi trường A: (NH4)3PO4 – 0,2; CaCl2 – 0,1; KH2PO4 – 1,0; NaCl – 5,0; MgSO4 – 0,2.

- Môi trường B: Môi trường A + xitrat trisodic – 2,0.

Sau khi cấy chủng vi khuẩn đó, nuôi ủ trong tủ ấm với thời gian và nhiệt độ thích hợp, người ta thấy trong môi trường A không có khuẩn lạc, còn trong môi trường B có khuẩn lạc.

  • Môi trường A là loại môi trường gì?
  • Kiểu dinh dưỡng theo nguồn cacbon của chủng vi khuẩn đó.
  • Một số vi khuẩn có thể phát triển trên môi trường A với điều kiện phải để chúng ở nơi giàu CO2. Đó là kiểu dinh dưỡng gì?

2. Khi dùng xạ khuẩn, vi khuẩn tả, vi khuẩn lactic, vi khuẩn sinh metan cấy chích sâu vào trong các ống nghiệm chứa môi trường thạch đứng bán lỏng sẽ thấy hiện tượng gì? Vì sao?

1. a. Môi trường A là môi trường tối thiểu, chỉ có chất khoáng, vi sinh vật nguyên dưỡng mới phát triển.

b. Xitrat trisodic mang cho chủng vi khuẩn nguồn C hữu cơ, vậy chúng là vi sinh vật dị dưỡng đối với nguồn C.

c. Kiểu vi khuẩn hóa tự dưỡng, vi khuẩn quang tự dưỡng và phần lớn hóa dưỡng vô cơ.

2. - Xạ khuẩn: chỉ mọc ở lớp trên vì xạ khuẩn là vi sinh vật hiếu khí bắt buộc.

- Vi khuẩn tả: chúng mọc cách lớp bề mặt một ít xuống phía dưới vì vi khuẩn tả là vi sinh vật vi hiếu khí.

- Vi khuẩn lactic: mọc suốt xuống theo chiều sâu của ống nghiệm vì vi khuẩn lactic là vi sinh vật kị khí chịu oxi.

- Vi khuẩn sinh metan: chỉ mọc ở đáy ống nghiệm vì vi khuẩn sinh metan là vi sinh vật kị khí bắt buộc.

Câu 10

a. Thông qua quá trình nhân lên của Phagơ T2 trong tế bào vi khuẩn, bằng cách nào các nhà khoa học chứng minh được rằng ADN chứ không phải prôtêin là vật chất di truyền?

b. Tại sao các phage không thể tiêu diệt hết toàn bộ vi khuẩn?

c. Phân biệt chu trình tan và tiềm tan.

a. - Khi xâm nhiễm virut bơm ADN vào trong tế bào, còn vỏ protein để lại bên ngoài.

- Nếu dùng đồng vị phóng xạ đánh dấu prôtein vỏ capsit của virut thì chất đồng vị phóng xạ không bị đưa vào trong.

- Khi virut nhân lên trong tế bào thì thế hệ virut con sẽ mang vỏ protein mới không chứa chất đồng vị phóng xạ. Điều đó có nghĩa là prôtein không phải là chất mang vật chất di truyền.

b. - Đối với phage tiềm tan thì nó chung sống hòa bình với vi khuẩn dưới dạng prophage nên không giết chết vi khuẩn.

- Đối với phage độc cũng không thể tiêu diệt hết toàn bộ vi khuẩn bởi vì:

+ Vi khuẩn vẫn có cơ chế để bảo vệ: Có những thụ thể bị thay đổi khiến cho phage không thể nhận ra để hấp phụ.

+ Ngay cả khi phage đã đột nhập thành công vào bên trong tế bào vi khuẩn thì sẽ bị enzim giới hạn của vi khuẩn nhận ra và phân giải. Còn ADN của vi khuẩn sẽ được cải biến về mặt hóa học để không bị tấn công bởi enzim này.

c. - Chu trình tan: Virut làm tan và giết chết tế bào chủ.

- Chu trình tiềm tan: Virut không giết chết tế bào chủ mà cùng chung sống. Không tạo virut mới và không phá hủy tế bào, hệ gen của virut được gắn vào nhiễm sắc thể của tế bào.

 

3. ĐỀ 3

I. PHẦN TẾ BÀO HỌC

Câu 1:

a. Tại sao phần lớn các thuốc chữa bệnh được sản xuất dưới dạng muối?

b. Về lipit hãy cho biết :

- Sự khác biệt về cấu trúc của chất béo (triglyceride) với cấu trúc của phospholipid

- Trong khẩu phần ăn những loại lipit được cho là không tốt cho sức khỏe con người?Giải thích.

- Cụm từ “ Dầu thực vật đã được hydrogen hoá” trên các nhãn thức ăn có nghĩa là gì và có tác dụng gì?

Câu 2:

a. Tại sao hầu hết các tế bào có kích thước nhỏ và một số khác có hình dạng hẹp, kéo dài như tế bào thần kinh, tế bào hồng cầu người?

b. Hãy giải thích sự hợp lí trong hướng tiến hóa làm gia tăng kích thước của tế bào nhân thực.

Câu 3:

a. Thể Berg ở tế bào gan và thể Nissl ở tế bào thần kinh đều liên quan tới một loại bào quan. Đó là bào quan nào? Cấu tạo và chức năng của bào quan đó.

b. Tại sao bệnh nhân bị tiêu chảy thường cho uống dung dịch Glucoz và muối với nồng độ cao?

Câu 4:

Hãy phân biệt các khái niệm sau

  • Cofactor, coenzim
  • Trung tâm hoạt động và trung tâm điều chỉnh
  • Chất ức chế cạnh tranh và chất ức chế không cạnh tranh.

Câu 5:

Thế nào là vi ống thể động và vi ống không thể động ? Các vi ống thể động hoạt như thế nào trong hoạt động hướng cực của các NST ? chức năng của các vi ống không thể động là gì ?

II. PHẦN VI SINH VẬT

Câu 1:

a. Sự xâm nhập của virut vào tế bào động vật và tế bào vi khuẩn có gì khác nhau?

b. Có các cách nào để phage không xâm nhập được vào tế bào vi khuẩn?

Câu 2: Người ta có 2 dịch huyền phù vi khuẩn G+ Bacillus subtilis trong 2 ống nghiệm A và B. Ống nghiệm A trong nước cất, ống nghiệm B trong dung dịch đường đẳng trương (saccaro 0,3 mol/ l). Sau đó cả 2 ống nghiệm đều được xử lý  bằng lượng lyzozym như nhau. Quan sát thấy dịch trong ống nghiệm A trở nên trong suốt rất nhanh, còn dịch trong ống nghiệm B độ đục hầu như không thay đổi.

a. Chỉ rõ tác động của lyzozym?

b. Giải thích kết quả quan sát được?

c. Vai trò của thành tế bào đối với vi khuẩn?

Câu 3:

a. Từ nguồn nguyên liệu là rỉ đường hãy viết sơ đồ các bước chính quá trình tạo thành giấm và các VSV tham gia tương ứng?

b. Từ nguồn nguyên liệu là rỉ đường, người ta nuôi cấy nấm mốc Apergilus niger thì sản phẩm thu được là gì? Giải thích?

Câu 4: Ba bạn HS làm sữa chua theo 3 cách như sau:

- Cách 1: Pha sữa bằng nước nóng, sau đó bổ sung ngay một thìa sữa chua Vinamil ->  ủ ấm từ 6-8h.

- Cách 2: Pha sữa bằng nước nóng, sau đó để nguội bớt đến khoảng 400C, bổ  sung một thìa sữa chua Vinamil , cho thêm lyzozym-> ủ ấm 6-8h.

- Cách 3: Pha sữa bằng nước nóng, sau đó để nguội bớt đến khoảng 400C, bổ  sung một thìa sữa chua Vinamil , ủ ấm từ 6- 8h.

Theo em, bạn HS làm theo cách nào sẽ có sữa chua để ăn? Giải thích các cách làm tại sao thành công và không thành công?

Câu 5: Để nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng và kiểu hô hấp của một loại vi khuẩn người ta nuôi cấy chúng trong môi trường dịch  thể ở 3 ống nghiệm chứa các thành phần khác nhau:

  1. Ống nghiệm1: Các chất vô cơ + đường glucozơ
  2. Ống nghiệm 2: Các chất vô cơ + đường glucozơ + nước chiết thịt bò
  3. Ống nghiệm 3: Các chất vô cơ + đường glucozơ + nước chiết thịt bò + KNO3

Sau khi nuôi ở nhiệt độ thích hợp, kết quả thu được như sau:

  1. Ở ống nghiệm 1: Vi khuẩn không phát triển.
  2. Ở ống nghiệm 2: Vi khuẩn phát triển ở mặt thoáng ống nghiệm
  3. Ở ống nghiệm 3: Vi khuẩn phát triển ở toàn bộ ống nghiệm

a. Môi trường trong các ống nghiệm 1, 2,3 là loại môi trường gì?

b. Nước chiết thịt bò có vai trò đối với vi khuẩn trên?

c. Kiểu hô hấp của vi khuẩn trên là gì? Giải thích?

ĐÁP ÁN

Câu

Nội dung

I

PHẦN TẾ BÀO HỌC

1

a.

- Các hợp chất muối được hình thành nhờ các liên kết ion

- Liên kết này làm cho muối rất bền vững khi khô nhưng dễ dàng bị tách ra và tan trong nước.

b. Về lipit

- Glycerol của mỡ gắn kết với ba acid béo, trong khi glycerol của phospholipid gắn với hai acid béo và một nhóm phosphat.

* Các loại lipit được cho là không tốt cho sức khỏe:

+ Gồm :

- Cholestrol

- Chất béo no

- Chất béo không no dạng trans ( có nhiều trong thức ăn nướng và thức ăn chế biến sẵn.

+ Giải thích : gây xơ vữa động mạch, chúng tích lũy trong thành mạch máu, tạo nên những chỗ lồi vào trong, cản trở dòng máu, giảm tính đàn hồi của thành mạch.

* Cụm từ .......

- Nghĩa là : Chất béo không no đã được chuyển thành chất béo no một cách nhân tạo bằng cách thêm hydrogen.

- Tác dụng : Bơ thực vật và nhiều sản phẩm khác được hydrogen hóa để đề phòng lipit tách ra ở dạng lỏng ( dầu)

2

a. - Mỗi µm vuông màng, mỗi giây chỉ có số lượng hạn chế những chất nhất định đi qua -> tỉ lệ S/V là chỉ tiêu quyết định.

- Kích thước nhỏ …-> Tăng tỉ lệ S/V đảm bảo diện tích bề mặt đủ lớn và phù hợp với thể tích để trao đổi lượng vật chất lớn với môi trường xung quanh.

b. Tế bào nhân thực có hệ thống nội màng và các bào quan có màng bọc có liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng kích thước tế bào.

+ Tế bào nhân thực phải có kích thước lớn để chứa đựng được số lượng lớn các bào quan.

+ Sự xoang hóa đảm bảo tổng diện tích màng lớn => đáp ứng được nhu cầu trao đổi chất của tế bào nhân thực mặc dù kích thước lớn , tỉ lệ S/V nhỏ.

+ Kích thước tb lớn nhu cầu TĐC tăng , cần nhiều loại enzim khác nhau -> sự xoang hóa tạo ra các điều kiện môi trường khác nhau phù hợp cho hoạt động của từng enzim.

3

a.

- Đó là mạng lưới nội chất hạt.( chúng tập trung tại 1 vùng tạo thành thể Berg và thể Nissl)

- Cấu tạo :      

                   - Gồm các túi dẹt xếp song song thành nhóm

                     - Mặt ngoài có đính các riboxom.

- Chức năng : Tổng hợp, đóng gói và chế tiết protein.

b.

 

- Bệnh nhân tiêu chảy hoặc vận động viên bị mất nhiều nước.

- sử dụng dung dịch có 2 loại chất tan này vì chúng cùng được vận chuyển vào tế bào nhờ 1  pr mang.

- Các chất tan này sẽ được các Pr đồng chuyển vào tế bào ruột -> máu -> tăng Ptt -> gây ra dòng nước từ ruột non vào máu -> bù nước cho bệnh nhân.

4

a.

Cofactor: Phần cấu trúc của enzim không có bản chất là protein

Coenzim: những cofactor là chất hữu cơ.

b. Trung tâm hoạt động: là nơi gắn với cơ chất , có cấu hình phù hợp với cấu hình cơ chất

 -  trung tâm điều chỉnh : là vị trí gắn với chất điều chỉnh : chất ức chế hoặc chất hoạt hóa.

c. - Chất ức chế cạnh tranh : Có cấu hình tương tự cơ chất, có thể gắn vào trung tâm hoạt động của enzim, cạnh tranh với cơ chất.

 -  Chất ức chế không cạnh tranh: có cấu hình phù hợp với trung tâm điều chỉnh. Khi gắn vào TTĐC sẽ làm thay đổi hình dạng của TTHĐ -> cơ chất không thể gắn vào.

5

  1. vi ống thể động : là vi ống bám vào thể động.
  2.  vi ống không thể động : vi ống không bám vào thể động.
  3. Hoạt động của vi ống : có 2 cơ chế

+ Các pr động cơ đã cõng các NST bước đi dọc theo vi ống và các đầu thể động của vi ống giải trùng hợp khi các pr đi qua

+ Các NST bị guồng bởi các pr động cơ tại các cực của thoi và các vi ống phân dã sau khi đi qua các pr động cơ .

- Chức năng của các vi ống không thể động :

+ Chịu trách nhiệm về sự dài ra của cả tế bào ở kì sau

+ cơ chế : các vi ống không thể động phát sing từ các cực đối lập lồng vào nhau trong kì giữa / kì sau các đoạn lồng vào nhau ngắn đi khi các pr động cơ đẩy chúng ra xa nhau nhờ ATP => khi chúng đẩy nhau , các cực của thoi cũng bị đẩy ra xa làm tế bào dài ra.

II

PHẦN VI SINH VẬT

1

Câu 1:

a. Sự khác nhau trong cơ chế xâm nhập của virut vào TB động vật và TB vi khuẩn:

- Sự xâm nhập của virut vào tế bào động vật: Thụ thể của virut liên kết đặc hiệu với thụ thể của TB vật chủ, sau đó chúng đưa cả nucleocapsit xâm nhập vào TB theo kiểu nhập bào hoặc dung hợp với màng sinh chất của TB chủ.

- Sự xâm nhập của virut vào TB vi khuẩn: Thụ thể nằm trên các sợi lông đuôi của virut liên kết đặc hiệu với thụ thể của TB vật chủ, sau đó tiết lyzozym chọc thủng thành TB và tuồn vật chất di truyền vào bên trong TB.

b. Có 2 cách nào để phage không xâm nhập được vào tế bào vi khuẩn:

- Dùng lyzozym, hóa chất phá thành tế bào vi khuẩn -> TB vi khuẩn không còn thụ thể nên virut không xâm nhập được.

- Tạo các chủng vi khuẩn đột biến làm thay đổi thụ thể trên thành TB.

{-- Nội dung đáp án câu 2, 3 của đề số 3 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

4

Câu 4:

- Bạn HS làm theo cách 3 sẽ có sữa chua để ăn

- Cách 1: không thành công do sữa đang nóng bổ sung vi khuẩn lactic vào ngay làm vi khuẩn bị chết bởi nhiệt-> không có tác nhân lên men.

- Cách 2: không thành công do cho lyzozym vào, lyzozym là tác nhân phá thành TB vi khuẩn-> vi khuẩn mất thành dễ bị chết-> không có tác nhân lên men.

- Cách 3: thành công do các yếu tố đều thuận lợi cho vi  khuẩn phát triển.

5

Câu 5:

- MT trong ống nghiệm 1 là môi trường tổng hợp

- MT trong ống nghiệm 2,3 là môi trường bán tổng hợp.

b. Vai trò của nước chiết thịt bò

- Nước chiết thịt bò cung cấp các nhân tố sinh trưởng cho vi khuẩn.

c. Kiểu hô hấp của vi khuẩn trên là hiếu- kỵ khí.

- Ở phía trên của ống nghiệm 2 và 3: Có nhiều O2  vi khuẩn hô hấp hiếu khí.

- Ở phía dưới ống nghiệm 3:  Không có O2 vi khuẩn hô hấp kỵ khí sử dụng NO3- làm chất nhận điện tử cuối cùng ( hô hấp nitrat).

 

4. ĐỀ 4

Câu 1: Trong tế bào có các đại phân tử sinh học: xenlulozo, photpholipit, AND, tinh bột và protein.

1. Những phân tử nào ở trên có liên kết hidro hình thành? Vai trò của các liên kết hydro trong cấu trúc các hợp chất trên?

2.  Chất nào không có cấu trúc đa phân ? Chất nào không có trong lục lạp của tế bào?

3. Nêu vai trò của xenlulozơ trong cơ thể sống.

Câu 2:

1. Phân biệt về cấu trúc, chức năng của protein xuyên màng và protein bám rìa màng? Vì sao hai loại prôtêin trên lại quyết định đến tính linh động của màng sinh chất?

2. Hãy nêu các phương thức tương tác giữa tế bào và môi trường qua màng sinh chất.

Câu 3:

1. Khi chiếu ánh sáng qua lăng kính vào một sợi tảo dài trong dung dịch có các vi khuẩn hiếu khí, quan sát dưới kính hiển vi, nhận thấy:

1. Vi khuẩn tập trung ở hai đầu sợi tảo. Hãy giải thích hiện tượng này.

2. Số lượng vi khuẩn tập trung ở hai đầu sợi tảo khác nhau rõ rệt. Hãy giải thích tại sao?

Câu 4:

  1. Ở cơ thể người, loại tế bào nào không có nhân, loại tế bào nào có nhiều nhân? Trình bày quá trình hình thành tế bào không có nhân, tế bào nhiều nhân từ tế bào một nhân?

b. Cho tế bào vi khuẩn, tế bào thực vật, tế bào hồng cầu vào dung dịch đẳng trương có lizozim. Có hiện tượng gì xảy ra với mỗi loại tế bào trong dung dịch trên. Giải thích?

Câu 5:

1. Ở người 2n= 46, một tế bào sinh tinh (tinh bào 1) diễn ra quá trình giảm phân. Hãy xác định số nhiễm sắc thể kép, số cặp nhiễm sắc thể tương đồng (không tính đến cặp nhiễm sắc thể giới tính), số nhiễm sắc thể đơn và số tâm động trong tế bào ở từng kì.

2. Ở 1 loài động vật, xét 3 cặp nhiễm sắc thể thường và 1 cặp nhiễm sắc thể giới tính (XX hoặc XY). Quan sát quá trình giảm phân tại vùng chín ở một cá thể của loài trên có kiểu gen AaBbDdXEFXef, người ta thấy khoảng 1/3 số tế bào sinh giao tử có hoán vị gen tạo ra các loại giao tử mới. Theo lí thuyết, cá thể này cần tối thiểu bao nhiêu tế bào sinh dục chín tham gia giảm phân để thu được số loại giao tử tối đa? Biết rằng mọi quá trình sinh học diễn ra bình thường.

Câu 6:

  1. Trình bày quá trình làm giấm: nguyên liệu, tác nhân, cơ chế, điều kiện.
  2. Sản xuất giấm có phải là quá trình lên men không? Tại sao?

Câu 7:

1. Định nghĩa nhân tố sinh trưởng? Phân biệt vi sinh vật nguyên dưỡng và vi sinh vật khuyết dưỡng?

2. Tại sao nói VSV khuyết dưỡng có ý nghĩa to lớn trong kiểm nghiệm thực phẩm? Lấy VD minh họa?

Câu 8:

1. Vì sao trong quá trình lên men rượu có những mẻ rượu bị nhạt, có những mẻ rượu bị chua?

2. Nếu chuyển những tế bào nấm men sống nhờ glucôzơ từ môi trường hiếu khí sang môi trường kị khí thì tốc độ tiêu thụ glucôzơ phải thay đổi như thế nào để tế bào vẫn tạo ra ATP với tốc độ như cũ?

Câu 9:

1. Viết sơ đồ tóm tắt quá trình nitrat hóa trong đất từ amoni thành nitrit do vi khuẩn Nitrosomonas và từ nitrit thành nitrat do vi khuẩn Nitrobacter?

2. Kiểu dinh dưỡng và kiểu hô hấp của 2 loại vi khuẩn trên như thế nào?

Câu 10:

1. So sánh cơ chế một virut động vật và một virut vi khuẩn gắn vào và xâm nhập vào 1 tế bào vật chủ?  Sự khác biệt nào trong cấu trúc của 2 loại tế bào giữ vai trò quan trọng trong các quá trình này?

2. Tại sao bệnh do vi rút gây ra thường nguy hiểm?

ĐÁP ÁN

Câu

Nội dung

Câu 1

1. Những phân tử có lk hidro hình thành: xenlulozo, ADN và protein

* Vai trò của các lk hydro trong cấu trúc các hợp chất trên:

- Xenlulozo: Các lk hidro giữa các phân tử ở các mạch hình thành nên các bó dài dạng vi sợi sắp xếp xen phủ tạo nên cấu trúc dai và chắc.

- ADN: Các nu trên 2 mạch đơn ÁN lk với nhau theo NTBS(A- T, G- X) đảm bảo cấu trúc của ADN bền vững.

- Protein: Các chuỗi polypeptit bậc 1 hình thành lk giữa nhóm C-O với N-H ở các vòng xoắn gần nhau hình thành cấu trúc protein bậc 2.

2.

- Chất không có cấu trúc đa phân: photpholipit

- Chất không có trong lục lạp của TB: Xenlulozơ

- Vai trò của xenlulozơ:

+ Đối với thực vật: Cấu tạo nên thành TB, là nguồn thức ăn cho 1 số loài

+ Đối với động vật: Điều hoà hệ thống tiêu hoá, hỗ trợ thải cặn bã, giảm lượng mỡ và colesteron trong máu

 

{-- Nội dung đáp án câu 2,3  của đề số 4 các em vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}

Câu 4

1. Hồng cầu là loại tế bào không có nhân.

Tế bào bạch cầu, tế bào cơ là những tế bào có nhiều nhân.

* Quá trình hình thành:

-  Hồng cầu được sinh ra từ tế bào tuỷ xương (tế bào có 1 nhân). Trong quá trình chuyên hoá về cấu tạo để thực hiện chức năng, hồng cầu ở người đã bị mất nhân. Bào quan lizôxôm thực hiện tiêu hoá nội bào, phân giải nhân của tế bào hồng cầu

- Tế bào bạch cầu, tế bào cơ là những tế bào có nhiều nhân.

Các tế bào có nhiều nhân đ ược hình thành từ tế bào có một nhân thông quá quá trình phân bào nguyên phân. ở kì cuối của phân bào nguyên phân, nếu màng nhân xuất hiện nhưng màng tế bào không eo lại thì sẽ hình thành một tế bào có 2 nhân. Tế bào 2 nhân tiếp tục phân bào nhng màng sinh chất không eo lại thì sẽ hình thành tế bào có 4 nhân. Quá trình diễn ra như vậy cho đến khi hình thành tế bào nhiều nhân.

2. Trong dung dịch đẳng trương: do dung dịch có thế nước tương đương dịch bào nên lượng nước đi ra, đi vào tế bào bằng nhau

- Tế bào thực vật, tế bào hồng cầu không thay đổi đặc điểm do lizozim không tác động tới cấu trúc của hai loại tế bào này.

- Tế bào vi khuẩn bị lizozim phá hủy thành tế bào nên mất hình dạng ban đầu, trở thành dạng hình cầu trong dung dịch.

Câu 5

1.

 

Số NST kép

Số cặp NST tương đồng

Số NST đơn

Số tâm động

 Kì đầu I

46

22

0

46

Kì giữa I

46

22

0

46

Kì sau I

46

22

0

46

Kì cuối I

23

0

0

23

Kì đầu II

23

0

0

23

Kì giữa II

23

0

0

23

Kì sau II

0

0

46

46

Kì cuối II

0

0

23

23

2. Cần tối thiểu bao nhiêu tế bào sinh dục chín:

- Xét cá thể có kiểu gen AaBbDdXEFXef, mỗi cặp NST thường tối đa cho 2 loại giao tử, cặp NST giới tính tối đa cho 4 loại giao tử. Số loại giao tử tối đa của cá thể nói trên là 2. 2. 2. 4= 32 loại. Xảy ra 2 trường hợp:

* Trường hợp 1: Loài này con đực là giới đồng giao XX, con cái dị giao XY → Đây là cá thể đực

- Từ 1 tế bào sinh tinh giảm phân nếu khong có TĐC cho 2 loại tinh trùng, nếu có TĐC cho 4 loại tinh trùng.

- Gọi số tế bào sinh tinh cần tìm là k, theo giả thiết có 1/3 k giảm phân cho 4 loại và 2/3 k giảm phân cho 2 loại

→ (1/3 k. 4) + (2/3k . 2)= 32 → k= 12

* Trường hợp 2: Loài này con cái là giới đồng giao XX, con đực dị giao XY → Đây là cá thể cái

- Từ 1 tế bào sinh trứng giảm phân chỉ cho 1 loại trứng dù có hay không có trao đổi chéo. Vậy để tạo ra 32 loại giao tử cần tối thiểu 32 tế bào sinh trứng.

Câu 6

1.  - Nguyên liệu: Rượu, bia (nồng độ khoảng 5- 6%)

     - Tác nhân: VK axetic.

     - Cơ chế: CH3CH2OH + O2 à CH3COOH+ H2O+ Q

     - Điều kiện:

+ Bề mặt thoáng, đủ oxi và thêm 1 quả chuối chín.

+ Khi giấm vừa ngon (nồng độ axit axetic 3- 5%) cần chất lọc và hấp khử trùng để giữ được lâu.

2. Sản xuất giấm không phải là quá trình lên men vì:

- Lên men là 1 quá trình chuyển hóa không có sự tham gia của oxi.

- Thực chất sản xuất giấm là quá trình oxh rượu etylic thành axit axetic.

Câu 7

1. Nhân tố sinh trưởng: - Là 1 số chất hữu cơ (aa, VTM, bazonito) cần cho sự ST của VSV nhưng VSV không tự tổng hợp được từ chất vô cơ

- VSV nguyên dưỡng: chỉ cần môi trường tối thiểu, không cần nhân tố sinh trưởng vẫn phát triển được.

- VSV khuyết dưỡng: ngoài môi trường tối thiểu, cần bổ sung nhân tố sinh trưởng cần thiết mới phát triển được.

2. VSV khuyết dưỡng có ý nghĩa to lớn trong kiểm nghiệm thực phẩm vì:

  1. Nguyên tắc:

+ VSV khuyết dưỡng chỉ phát triển khi có đầy đủ các nhân tố sinh trưởng.

+ Tốc độ sinh trưởng của VSV tăng khi nồng độ các nhân tố sinh trưởng tăng.

à Khi đưa VSV khuyết dưỡng về 1 nhân tố sinh trưởng nào đó vào thực phẩm, nếu hàm lượng chất đó càng lớn thì VSV phát triển càng mạnh à người ta dựa vào số lượng VSV so với số lượng VSV sinh trưởng trong môi trường chuẩn (đối chứng) với hàm lượng chất kiểm định xác định à từ đó có thể xác định được hàm lượng chất đó trong thực phẩm.

Ví dụ: Khi muốn kiểm tra hàm lượng riboflavin trong thực phẩm, ta sử dụng VSV khuyết dưỡng với axit riboflavin. Nuôi cấy trên môi trường của thực phẩm sau đó xác định lượng VSV từ môi trường nuôi cấy à Đối chiếu với mức chuẩn để xác định nồng độ riboflavin trong thực phẩm.

à Có thể sử dụng các chủng VSV khuyết dưỡng để xem xét hàm lượng chất dinh dưỡng trong thực phẩm (hoặc các chất có hại trong thực phẩm).

Câu 8

1- Nấm men là sinh vật kị khí không bắt buộc, hô hấp hiếu khí trong môi trường có O2 và lên men etylic trong môi trường không có O2.

- Rượu bị nhạt: Quá trình lên men không đảm bảo điều kiện kị khí. O2 xâm nhập vào → nấm men chuyển sang hô hấp hiếu khí → nồng độ rượu etylic giảm.

- Rượu bị chua: Ở những mẻ rượu bị nhạt, nồng độ etylic giảm, nếu bị nhiễm vi khuẩn lên men giấm (vi khuẩn  Acetobacter) thì vi khuẩn này sẽ lên men rượu thành giấm (ôxi hoá không hoàn toàn) làm rượu bị chua

2. Nấm men chuyển từ hô hấp hiếu khí sang lên men rượu: Hô hấp hiếu khí tạo ra khoảng 38 ATP, lên men rượu tạo ra 2 ATP → tế bào phải tiêu thụ lượng glucôzơ với tốc độ gấp khoảng 19 lần so với khi sống trong môi trường hiếu khí.

Câu 9

1. Sơ đồ tóm tắt 2 giai đoạn:

+ giai đoạn nitrit hóa do vi khuẩn Nitrosomonas

NH4 + + 3/2 O2 → NO2- + H2O +2H+ + năng lượng

Hoặc viết: NH3 → NH2OH → NO2-

+ Giai đoạn nitrat hóa do vi khuẩn nitrobacter

NO2- + 1/2 O2 → NO3- + năng lượng

Hoặc viết: NO2- → NO3-                                                                               

2. Dinh dưỡng và kiểu hô hấp:

+ là những vi sinh vật hóa tự dưỡng, vì nguồn năng lượng thu được từ quá trình oxi hóa NH3 → NO2- và NO2- → NO3-; nguồn C từ CO2 để tạo thành cacbon hidrat cho tế bào của mình.

+ Là những vi khuẩn hiếu khí bắt buộc cần oxi, vì nếu không co oxi thì không thể oxi hóa amoni và sẽ không có năng lượng cho hoạt động sống

Câu 10

1. - Thông thường VR của VK chuyển genom VR vào tb chủ chỉ để lại capxit ở bên ngoài

- Các VR ĐV gắn vào TB vật chủ đặc hiệu và chuyển nguyên liệu nhân ko được bao bọc bởi capxit vào tb vật chủ, song thường gặp hơn là các hạt VR đi vào bằng cơ chế nhập bào hoặc bằng sự lõm vào của màng tb, capxit bị loại bỏ sau sự xâm nhập.

* Sự khác biệt trong cấu trúc của 2 loại tế bào giữ vai trò quan trọng trong các quá trình này:

- VK có thành tb còn ĐV ko có thành TB

- VR VK xâm nhập khi có mặt nguyên liệu nhân của vật chủ trong khi VR ĐV tìm được 1 cách vận hành ở đó nguyên liệu nhân được bao bọc bởi 1 màng.

2. Bệnh do vi rút gây ra thường nguy hiểm vì:

- Vi rút kí sinh bên trong tế bào nên hệ thống miễn dịch của tế bào không thể phát huy tác động. Muốn tiêu diệt vi rút phải phá hủy cả tế bào chủ.

- Khi xâm nhập được vào tế bào chủ, vi rút điều khiển toàn bộ hệ thống sinh tổng hợp của tế bào chủ chuyển sang tổng hợp các thành phần của vi rút làm rối loạn hoạt động sống của tế bào, có thể dẫn đến phá hủy tế bào.

- Vi rút có phương thức sinh sản đặc biệt nên nhân lên rất nhanh chóng và lây lan nhanh.

- Vi rút rất dễ phát sinh biến dị (đặc biệt là các vi rút có ARN và các Retrovirus) làm xuất hiện các chủng vi rút mới. Do đó việc sản xuất vắc xin luôn theo sau sự xuất hiện các chủng vi rút mới.

 
Trên đây là một phần trích dẫn nội dung Bộ đề thi HSG môn Sinh học 10 năm 2021 - Trường THPT Bắc Ninh có đáp án. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?