TRƯỜNG THCS VĨNH XƯƠNG | ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Câu 1 (1,5 điểm).
a) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn bản sau:
“Bước vào thế kỉ mới, muốn “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” thì chúng ta sẽ phải lấp đầy hành trang bằng những điểm mạnh, vứt bỏ những điểm yếu. Muốn vậy thì khâu đầu tiên, có ý nghĩa quyết định là hãy làm cho lớp trẻ - những người chủ thực sự của đất nước trong thế kỷ tới – nhận ra điều đó, quen dần với những thói quen tốt đẹp ngay từ những việc nhỏ nhất.”
(Vũ Khoan, Một góc nhìn của trí thức, Tập 1, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh)
b) Phân tích giá trị của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ sau:
“Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng”
(Đỗ Trung Quân, Quê hương)
Câu 2 (2,5 điểm).
Trong bài thơ Nghe tiếng giã gạo, Hồ Chí Minh cho rằng “Sống ở trên đời”, con người phải “Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Em hãy viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 10 câu văn) theo cách lập luận diễn dịch để trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
Câu 3 (6,0 điểm).
Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân (SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam) để làm rõ: Ở người nông dân này, tình yêu làng tha thiết thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Câu 1:
a) Phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên: Nghị luận.
b)
- Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: So sánh “Quê hương là con diều biếc” (so sánh ngang bằng)
- Giá trị của biện pháp tu từ so sánh trong câu thơ: Nghệ thuật so sánh tạo nên hình ảnh đẹp đầy sáng tạo, đặc sắc và độc đáo. Tác giả chọn hình ảnh “con diều biếc” – hình ảnh cụ thể, thân thuộc, bình dị, nên thơ để so sánh với quê hương. Hình ảnh so sánh ấy đã gợi tả một không gian nghệ thuật tuyệt đẹp – có bầu trời cao xanh, cánh đồng thoáng đãng với “con diều biếc” bay bổng, gợi hoài niệm tuổi thơ gắn với quê hương yêu dấu.
Câu 2: Nghị luận xã hội
* Yêu cầu:
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận, độ dài khoảng 10 câu văn.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sống ở trên đời, con người phải “Gian nan rèn luyện mới thành công".
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành một đoạn văn hoàn chỉnh, logic theo cách lập luận diễn dịch (Có câu chủ đề ở đầu đoạn văn).
2.1.Giải thích:
- Gian nan nghĩa là gian khổ, khó khăn, vất vả, là điều kiện, là hoàn cảnh, là thử thách để thử, để đo sức của mỗi người.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
Câu 1:
Tất cả sức mạnh
Có một cậu bé đang chơi ở đống cát trước sân. Khi đào một đường hầm trong đống cát, cậu đụng phải một tảng đá lớn. Cậu loay hoay tìm cách đẩy nó ra. Dù đã dùng đủ mọi cách, cổ hết sức, nhưng rốt cuộc, cậu vẫn không thể đẩy được tảng đá. Đã vậy, bàn tay cậu còn bị trầy xước, rớm máu. Cậu bật khóc rấm rứt trong thất vọng. Ngồi trong nhà lặng lẽ theo dõi mọi chuyện, người cha lúc này mới bước ra và nói: "Con trai, tại sao con không dùng hết sức mạnh của mình?”. Cậu bé thổn thức đáp: “Có mà! Con đã dùng hết sức rồi mà bố?”. “Không con trai, con đã không dùng đến tất cả sức mạnh của con. Con đã không nhờ bố giúp". Nói rồi, người bố cúi xuống, cùng con, bới tảng đá ra, nhấc lên và vứt đi chỗ khác.
(Theo báo Tuổi trẻ - Bùi Xuân Lộc phỏng dịch từ Faith to Move Mountains)
Viết một bài văn (khoảng 3 trang) trình bày suy nghĩ của em về những điều câu chuyện trên gợi ra.
Câu 2:
"Càng từng trải chiến tranh, càng chứng kiến nhiều hơn sức mạnh hủy diệt, sức mạnh biến tất cả thành tro bụi của nó, Kiên càng tin rằng chiến tranh không tiêu diệt được cái gì hết. Tất cả vẫn còn lại đó, vẫn y nguyên."
(Bảo Ninh – Nỗi buồn chiến tranh, NXB Văn học 2006, Tr.279)
Từ những chiêm nghiệm trên, hãy nói về những điều “chiến tranh không tiêu diệt được” trong bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật (SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017) và truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê (SGK Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam 2017).
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Câu 1:
1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận.
2. Giải thích vấn đề.
- Giải thích nội dung, ý nghĩa câu chuyện và rút ra bài học.
- Cậu bé ban đầu tìm cách tự tháo gỡ khó khăn của chính mình ⇒ Bài học về sự tự lực, tự lập.
- Cậu bé đối diện với khó khăn, dù cố gắng hết sức vẫn thất bại, khóc và tuyệt vọng vì nghĩ rằng sức mạnh của con người chỉ nằm trong chính bản thân mình.
- Người cha với lời nói và hành động mang đến một thông điệp: sức mạnh của mỗi người là sức mạnh của bản thân và sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè. Biết tổng hợp sức mạnh từ những nguồn lực xung quanh sẽ đem đến thành công nhanh chóng hơn.
→ Bài học: Tự lực là cần thiết nhưng nếu không biết dựa vào sự giúp đỡ từ người khác khi cần thiết cũng khó thành công.
3. Bàn luận, mở rộng
- Tại sao con người cần tự lập:
+ Tự lập khiến con người chủ động trong cuộc sống của chính mình.
+ Tự lập khiến con người trở nên dũng cảm, có trách nhiệm và dám sống với những ước muốn và những hướng đi riêng của mình.
+ Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh nên tự lập chính là cách tốt nhất để ta luôn có được sự bình tâm trước những biến cố. Mặc dù vậy, trong một vài trường hợp đặc biệt, con người vẫn cần đến sự giúp đỡ của những người thân, bạn bè.
- Tại sao mỗi người nên nhận sự giúp đỡ của người khác?
+ Thực tế cuộc sống đặt ra nhiều vấn đề phức tạp, bất ngờ vượt khỏi khả năng của mỗi cá nhân; có những vấn đề mà một mình ta không thể giải quyết được.
+ Mỗi người luôn có khát vọng được thành công trên nhiều lĩnh vực, tuy nhiên hiểu biết và năng lực của mỗi con người lại nằm trong giới hạn. Vì vậy con người cần hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
- Ý nghĩa của sự giúp đỡ từ người khác:
+ Sự thành công sẽ nhanh chóng và bền vững hơn.
+ Người nhận được sự giúp đỡ sẽ có thêm sức mạnh và niềm tin, hạn chế được phần lớn tỉ lệ rủi ro và thất bại.
---(Để xem đầy đủ đáp án câu 1 và câu 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
Câu 1:
"Tôi qua A Sao vào cuối mùa xuân. Miền Tây xa xôi đang trải qua những tháng ngày tương đối yên tĩnh sau khi căn cứ địch bị quét khỏi thung lũng. Trong lúc A Pách lúi húi nhóm bếp để làm thêm thức ăn, tôi ngồi tựa nửa người trên võng, hai tay vòng dưới gáy, yên lặng ngắm vẻ đẹp của rừng từng trải rộng chung quanh. Rừng thoáng, nhẹ nhõm, mặt đất sạch quang như có người quét tước, những đám rêu xanh lục trải rộng mịn như nhung, trên đó hơi ẩm kết những hạt cườm tấm mưa bụi mát rượi. Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa xuân, như điệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vắng lại từ núi cao. Tâm hồn tôi tự buông thả trong một trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn. Tôi nhắm mắt để nhìn thấy tỏa ra cái vừng sáng dịu dàng của giấc mơ nhẹ, nghe trong tiếng hát kia của loại tùng bách một điều gì đấy thật xa xôi, như là thuộc về muôn đời. Con chim gõ kiến ấn sĩ vẫn gõ đều nhịp thời gian, tiếng trầm và đục, trên một cây tùng nào đó."
(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đời rừng trong Ai đã đặt tên cho dòng sông, NXB Kim Đồng, 1999, tr. 30-31).
a. Trong đoạn văn bản trên, tác giả đã kết hợp những phương thức biểu đạt nào?
b. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa xuân, như điệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vắng lại từ núi cao.”
Câu 2:
“...Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất."
(Trích Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, dẫn theo SGK Ngữ văn 6, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.138)
Viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 12 câu) theo cách lập luận quy nạp trình bày suy nghĩ của em về những điều câu văn trên gợi ra.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
[....]
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
(Bằng Việt, Bếp lửa, SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam 2017, tr. 144 145)
Cảm nhận của em về ba khổ thơ trên.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. Mở bài: giới thiệu về tác giả Bằng Việt và bài thơ “Bếp lửa”.
II. Thân bài: Cảm nhận về 3 khổ thơ.
1. Cảm nhận về khổ thơ 1
Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
- Điệp từ: bà - cháu tạo nên hình ảnh quấn quýt, gần gũi và đầy yêu thương của bà cháu. Tám năm sống cùng bà là tám năm cháu nhận được sự yêu thương, dạy bảo, dưỡng nuôi tâm hồn từ tấm lòng bà – bà bảo cháu nghe, bà dạy cháu làm,bà chăm cháu học… Cảm cái công ơn ấy,người cháu lại càng thương bà : “Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc”. Bà và bếp lửa của bà là chỗ dựa tinh thần, là sự chăm chút,đùm bọc bà dành cho cháu.
- Điệp từ "tu hú" thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau của âm thanh, vừa có sự gần gũi nhưng vẫn thể hiện khoảng không mênh mông. Gợi nhớ về kỉ niệm gắn với tiếng chim tu hú trên đồng quê mỗi độ hè về. Tiếng chim như giục giã,như khắc khoải một điều gì da diết khiến lòng trỗi dậy những hoài niệm nhớ mong.
- Câu hỏi tu từ "Tu hú ơi! Chẳng...." thể hiện tâm trạng của người cháu, nó khiến cho không gian kỉ niệm như có chiều sâu và nỗi nhớ thương bà của cháu càng trở nên thăm thẳm, vời vợi.
2. Cảm nhận về khổ thơ thứ 2
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!
- Chi tiết thơ đậm chất hiện thực, thành ngữ “cháy tàn cháy rụi” đem đến cảm nhận về hình ảnh làng quê hoang tàn trong khói lửa của chiến tranh. → Hoàn cảnh đất nước có chiến tranh cũng khiến cuộc sống của nhân dân muôn vàn khó khăn.
→ Trên cái nền của sự tàn phá, huỷ diệt ấy là sự cưu mang, đùm bọc của xóm làng đối với hai bà cháu. Vẻ đẹp của tình người toả sáng trong những năm chiến tranh khói lửa.
- Điều khiến đoạn thơ trở nên xúc động nhất là hình ảnh một mình bà già nua, nhỏ bé đã chống chọi để trải qua những gian nan,đau khổ mà không luôn "vững lòng". Đặc biệt là lời dặn cháu của bà đã làm ngời sáng vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ giàu lòng vị tha, giàu đức hi sinh:
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên
---(Đáp án chi tiết của Đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 5
Câu 1 (4.0 điểm)
Phải chăng...
Cuộc sống là một đường chạy ma-ra-tông dài vô tận, nếu ta không cố gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại ở phía sau và không bao giờ tới đích.
Cuộc sống là một đường chạy vượt rào, nếu ta không cố gắng ta sẽ không thể vượt qua bất kì rào cản nào.
Cuộc sống là một đường chạy nước rút, nếu ta không cố gắng ta chỉ là người chạy cuối cùng.
Cuộc sống là một đường chạy tiếp sức, biết giúp đỡ nhau chúng ta sẽ chiến thắng. Vậy cuộc sống của bạn là đường chạy nào ?
(Theo http://khotangdanhngon.com)
Hãy viết một bài văn nghị luận trả lời câu hỏi : “Cuộc sống của bạn là đường chạy nào?”
Câu 2 (6,0 điểm)
Có người cho rằng một truyện ngắn hay vừa là chứng tích của một thời, vừa là hiện thân cho chân lí giản dị của mọi thời.
Em hiểu ý kiến trên như thế nào ? Qua truyện ngắn Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, hãy làm sáng tỏ điều đó.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
Câu 1 (4.0 điểm)
1. Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề.
2. Thân bài:
a) Giải thích:
- Đường chạy marathon dài vô tận: đường chạy dài, đòi hỏi con người phải trường sức, giữ sức, bền bỉ, không bỏ cuộc, cố gắng về tới đích.
- Đường chạy vượt rào: trên đường chạy có những rào chắn, đòi hỏi sức bật để vượt qua. Có vượt qua được những rào cản mới về được đến đích.
- Đường chạy nước rút: đoạn chạy cuối trên một đường đua, phải tốc lực để về đích sớm nhất có thể, nếu không cải thiện về tốc độ thì sẽ bị tụt lại sau và trở thành người về đích cuối cùng.
- Đường chạy tiếp sức: có những con đường dài, một mình không đủ sức vượt qua nổi, nên sẽ có những người đảm nhận vị trí của từng đoạn, tiếp nối, tiếp sức cho nhau để nhanh chóng về đích, giành được chiến thắng.
→ Cách nói hình ảnh, có ý nghĩa biểu tượng: nói về con đường đời với những tính chất và yêu cầu, đòi hỏi khác nhau, song có một điểm chung là con người luôn phải cố gắng nỗ lực hết sức, bằng khả năng của bản thân và kết nối với mọi người, để chúng ta đến được một cái đích, đạt được một mục tiêu nào đó đã đặt ra.
b) Bàn luận, mở rộng vấn đề:
- Có thể khẳng định: đường đời của chúng ta không thể chỉ là một trong những con đường trên mà phải là sự tổng hợp linh hoạt của cả bốn con đường, tùy từng chặng, từng giai đoạn khác nhau của cuộc đời.
- Dù ở chặng nào, điều quan trọng và cần thiết để chúng ta vượt qua và chiến thắng là:
+ Sự cố gắng nỗ lực của bản thân.
+ Sự đoàn kết, chung sức, hợp lực với những người khác.
- Tuy nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng là những đường chạy, những cuộc đua, những cái đích hữu hạn, hữu hình. Nhưng cuộc sống luôn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ để có những cuộc "về đích" thật ngoạn mục.
- Phê phán:
+ Những người không nỗ lực, cố gắng trên hành trình sống…
+ Những người dựa dẫm, ỷ lại vào người khác…
c) Bài học nhận thức và hành động:
- Từ nhận thức đúng đắn về đường đời và điều kiện, sức mạnh để đến đích, mỗi người xác định được ý thức và hành động để mỗi chặng đường đời của mình đều có thể gặt hái nhiều thành công, sự sống nhiều giá trị và ý nghĩa…
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 5 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi thử vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Vĩnh Xương. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !