Bộ 5 đề thi HK2 môn Địa Lý 7 năm 2021 có đáp án Trường THCS Nguyễn Chí Diểu

TRƯỜNG THCS NGUYỄN CHÍ DIỂU

KIỂM TRA HỌC KỲ II

Năm học 2020 – 2021

MÔN: ĐỊA LÝ 7

Thời gian: 45p

 

 

1. ĐỀ SỐ 1

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Trên thế giới có các lục địa:

A. Á, Âu, Mĩ, Phi, Ôx-trây-li-a, Nam Cực.

B. Âu, Á, Phi, Bắc Mĩ, Nam Mĩ, Bắc Cực.

C. Á - Âu, Phi, Bắc Mĩ, Nam Mĩ, Ôx-trây-li-a, Nam Cực.

D. Phi, Mĩ, Ôx-trây-li-a và Đại dương, Nam Cực, Bắc Cực.

Câu 2. Châu Phi nối liền với châu Á bởi eo đất:

A. Pa-na-ma            B. Xô-ma-li            C. Man-sơ            D. Xuy-e

Câu 3. Hoang mạc có diện tích lớn nhất là hoang mạc nào sau đây?

A. Na-míp.            B. Xa-ha-ra.            C. Ca-la-ha-ri.            D. Go-bi.

Câu 4. Dân cư châu Phi tập trung đông đúc ở:

A. Vùng rừng rậm xích đạo.

B. Hoang mạc Xa-ha-ra.

C. Vùng duyên hải cực Bắc và cực Nam.

D. Hoang mạc Ca-la-ha-ri.

Câu 5. Các cây công nghiệp trồng chủ yếu ở vùng trung Phi là do:

A. Chính sách phát triển của châu lục.

B. Nền văn minh từ trước.

C. Nguồn lao động dồi dào.

D. Điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Câu 6. Khoáng sản nào sau đây ở châu Đại Dương có trữ lượng chiếm tới 1/3 trữ lượng thế giới?

A. Niken.            B. Than đá.            C. Bôxít.            D. Sắt.

Câu 7. Quốc gia nào trước đây có nặng phân biệt chủng tộc nặng nhất nhất thế giới?

A. Hoa Kì.            B. Cô-lôm-bi-a.            C. Cộng hòa Nam Phi.            D. Bra-xin.

Câu 8. Cri- xtop Cô-lôm-bô là người tìm ra châu lục nào?

A. Châu Âu            B. Châu Á            C. Châu Phi             D. Châu Mĩ

Câu 9. Kiểu khí hậu nào sau đây chiếm diện tích lớn nhất ở Bắc Mĩ?

A. Cận nhiệt đới.            B. Ôn đới.            C. Hoang mạc.            D. Hàn đới.

Câu 10. Các nước Bắc Âu không có thế mạnh nào sau đây?

A. Các loại khoáng sản

B. Kinh tế biển

C. Thủy năng

D. Chế biến lâm sản

Phần tự luận

Câu 1 (3 điểm). Giải thích vì sao châu Phi là châu lục nóng và khí hậu châu Phi khô, hình thành những hoang mạc lớn?

Câu 2 (2 điểm). Trình bày sự phát triển của ngành công nghiệp ở châu Âu?

ĐÁP ÁN

I. TRẮC NGHIỆM (Mỗi câu trắc nghiệm tương ứng với 0,5 điểm)

Câu 1. 

Chọn: C.

Câu 2. 

Chọn: D.

Câu 3. 

Chọn: B.

Câu 4. 

Chọn: C.

Câu 5. 

Chọn: D.

Câu 6. 

Chọn: C.

Câu 7. 

Chọn: C.

Câu 8. 

Chọn: D.

Câu 9. 

Chọn: B.

Câu 10. 

Chọn: D.

II. TỰ LUẬN

Câu 1 (3 điểm).

- Châu Phi là châu lục nóng, vì phần lớn lãnh thổ nằm giữa hai chí tuyến.   (1 điểm)

- Khí hậu châu Phi khô, hình thành những hoang mạc lớn nhất thế giới (hoang mạc Xa-ha-ra):

    + Bờ biển châu Phi không bị cắt xẻ nhiều, châu Phi là một lục địa hình khối, kích thước châu Phi rất lớn, ảnh hưởng của biển không vào sâu trong đất liền, nên khí hậu châu Phi khô.  (0,5 điểm)

    + Chí tuyến Bắc đi qua giữa Bắc Phi, nên quanh năm Bắc Phi nằm dưới áp cao cận chí tuyến, thời tiết rất ổn định, không có mưa.  (0,5 điểm)

    + Phía bắc của Bắc Phi là lục địa Á - Âu, một lục địa lớn nên gió mùa Đông Bắc từ lục địa Á - Âu thổi vào Bắc Phi khô ráo, khó gây ra mưa.  (0,5 điểm)

    + Lãnh thổ Bắc Phi rộng lớn, lại có độ cao trên 200m nên ảnh hưởng của biển khó ăn sâu vào đất liền.   (0,5 điểm)

Câu 2 (2 điểm).

Sự phát triển của ngành công nghiệp ở châu Âu.

- Nhiều ngành công nghiệp mới, trang bị hiện đại được xây dựng ở các trung tâm công nghệ cao.  (1 điểm)

- Các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện tử, cơ khí chính xác và tự động hóa, công nghiệp hàng không,... nhờ liên kết chặt chẽ với các viện nghiên cứu và các trường đại học, có sự hợp tác rộng rãi giữa các nước nên năng suất và chất lượng sản phẩm được nâng cao, sản phẩm luôn thay đổi phù hợp với yêu cầu của thị trường.  (1 điểm)

 

---(Hết đề thi số 1)---

 

2. ĐỀ SỐ 2

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Châu lục gồm:

A. Lục địa và các đại dương.

B. Lục địa và các đảo, quần đảo chung quanh

C. Biển, đại dương

D. Đất liền và các đảo, quần đảo

Câu 2. Châu Phi có khí hậu nóng và khô bậc nhất thế giới là do:

A. Chịu ảnh hưởng của nhiều loại gió.

B. Đại bộ phận lãnh thổ nằm trong khu vực nội chí tuyến.

C. Có nhiều hoang mạc rộng bậc nhất thế giới.

D. Có nhiều dạng địa hình đa dạng.

Câu 3. Châu Phi không có cây lâu năm chủ yếu nào?

A. Chè            B. Ca cao            C. Cà phê            D. Cao su

Câu 4. Dân cư Nam Phi chủ yếu thuộc chủng tộc:

A. Ơ-rô-pê-ô-ít, Nê-gro-it và người lai.

B. Ốt-xtra-lô-it, Môn-gô-lô-it và người lai.

C. Nê-gro-it, Ốt-xtra-lô-it và người lai.

D. Môn-gô-lô-it, Ơ-rô-pê-ô-ít và người lai.

Câu 5. Người da đen châu Phi nhập cư vào châu Mĩ như thế nào?

A. Đi thăm quan du lịch và định cư

B. Bị đưa sang làm nô lệ

C. Sang buôn bán

D. Sang xâm chiếm thuộc địa

Câu 6. Ở Bắc Mĩ chăn nuôi gia súc lấy thịt tập trung ở:

A. Đồng bằng Bắc Mĩ.

B. Phía nam Ca-na-đa và phía bắc Hoa Kì;

C. Ven vịnh Mê-hi-cô

D. Vùng núi và cao nguyên phía tây Hoa Kì

Câu 7. NAFTA không có thành viên nào?

A. Ca-na-đa            B. Hoa Kì            C. Mê-hi-cô             D. Bra-xin

Câu 8. Diện tích của châu Nam Cực là:

A. 10 triệu km2.            B. 12 triệu km2.            C. 14,1 triệu km2.            D. 15 triệu km2.

Câu 9. Bộ tộc nào là người bản địa của Trung và Nam Mĩ?

A. Người Anh-điêng.

B. Người In-ca.

C. Người A-xơ-tếch.

D. Người Mai-a.

Câu 10. Giec-man là nhóm ngôn ngữ thuộc khu vực nào trên thế giới?

A. Châu Phi            B. Châu Á            C. Châu Âu            D. Châu Mĩ

Phần tự luận

Câu 1 (3 điểm). Tại sao nói "Thế giới chúng ta đang sống thật rộng lớn và đa dạng"?

Câu 2 (2 điểm). Giải thích tại sao có sự khác biệt về khí hậu giữa phần phía tây và phần phía đông kinh tuyến 100°T của Hoa Kì?

ĐÁP ÁN

I. TRẮC NGHIỆM (Mỗi câu trắc nghiệm tương ứng với 0,5 điểm)

Câu 1. 

Chọn: B.

Câu 2. 

Chọn: B.

Câu 3. 

Chọn: D.

Câu 4. 

Chọn: A.

Câu 5. 

Chọn: B.

Câu 6. 

Chọn: D.

Câu 7. 

Chọn: D.

Câu 8. 

Chọn: C.

Câu 9. 

Chọn: A.

Câu 10. 

Chọn: C.

II. TỰ LUẬN

Câu 1 (3 điểm).

- Thế giới chúng ta đang sống thật rộng lớn: Địa bàn sinh sống của con người ngày càng mở rộng, con người đã có mặt trên tất cả các châu lục, trên các đảo ngoài khơi xa. Con người còn vươn tới tầng bình lưu của khí quyển, xuống tới thềm lục địa của các đại dương, lên sao Hỏa, lên Mặt Trăng,...   (1 điểm)

- Thế giới chúng ta đang sống rất đa dạng:

    + Về hành chính: Trên thế giới có trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau về chế độ chính trị - xã hội.  (0,5 điểm)

    + Trong từng vùng lãnh thổ, có nhiều dân tộc khác nhau về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tiếng nói, văn hóa.  (0,5 điểm)

- Trong các môi trường thiên nhiên, con người có nhiều hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ khác nhau, đi cùng với các hình thức tổ chức sản xuất này là các nền văn hóa khác nhau, các trình độ văn minh khác nhau, các quan niệm sống và mức sống khác nhau. Sự tồn tại bên nhau, đan xen vào nhau, trao đổi và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hóa trong một thời đại thông tin càng làm tăng thêm tính đa dạng của thế giới.  (1 điểm)

Câu 2 (2 điểm).

Giữa phần phía tây và phần phía đông kinh tuyến 100°T của Hoa Kì có sự khác nhau về khí hậu, vì:

- Phía tây kinh tuyến 100°T là hệ thông Coóc-đi-e, có các dãy núi chạy theo hướng bắc - nam chắn sự di chuyển của các khối khí theo hướng tây - đông, nên ở các sườn phía đông, các cao nguyên và sơn nguyên nội địa ít mưa. Mặt khác, dòng biển lạnh Ca-li-phoóc-ni-a đã cản trở ảnh hưởng của biển vào đất liền, gây khô hạn.  (1 điểm)

- Phía đông kinh tuyến 100°T là miền đồng bằng trung tâm và miền núi già và sơn nguyên thấp. Miền đồng bằng trung tâm tựa như một lòng máng khổng lồ đã tạo điều kiện cho khối không khí lạnh xâm nhập sâu về phía nam vào mùa đông.  (1 điểm)

 

---(Hết đề thi số 2)---

 

3. ĐỀ SỐ 3

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Dạng địa hình chủ yếu ở châu Phi là:

A. Đồng bằng và bồn địa.                    B. Sơn nguyên và núi cao.

C. Núi cao và đồng bằng.                    D. Bồn địa và sơn nguyên.

Câu 2. Tỉ lệ thị dân của các nước châu Phi:

A. Không ngừng tăng lên.

B. Ngày càng giảm xuống.

C. Luôn ở mức ổn định.

D. Tăng lên nhưng không ổn định

Câu 3. Người Anh-điêng ở Nam Mĩ sống chủ yếu bằng nghề nào?

A. Săn bắt và chăn nuôi.                        B. Săn bắn và trồng trọt.

C. Chăn nuôi và trồng trọt.                    D. Chăn nuôi và trồng cây lương thực.

Câu 4. Quá trình đô thị hóa ở Bắc Mĩ gắng liền với quá trình:

A. Di dân.          B. Chiến tranh.          C. Công nghiệp hóa.          D. Tác động thiên tai.

Câu 5. Hãng máy bay Boing được sản xuất ở nước nào trên thế giới?

A. Anh            B. Hoa Kì            C. Pháp            D. Liên Bang Nga

Câu 6. Đặc điểm nào sau đây không đúng với đồng bằng A-ma-dôn?

A. Thảm thực vật chủ yếu là ở rừng rậm xích đạo.

B. Đất đai rộng và bằng phẳng.

C. Có mạng lưới sông ngòi rất phát triển.

D. Vùng nông nghiệp trù phú nhất Nam Mĩ.

Câu 7. Vùng thưa dân nhất ở Trung và Nam Mĩ là:

A. Vùng cửa sông.                        B. Vùng núi An-đét và trên các cao nguyên.

C. Vùng ven biển.                        D. Vùng đồng bằng sông A-ma-dôn.

Câu 8. Hình thức canh tác quảng canh - độc canh là hình thức canh tác chủ yếu ở khu vực nào trên thế giới?

A. Trung và Bắc Mĩ                        B. Khu vực Châu Âu

C. Trung và Nam Mĩ                        D. Các nước châu Phi

Câu 9. Nước không phải là thành viên của Khối thị trường chung Mec-cô-xua là:

A. Bra-xin.            B. Ac-hen-ti-na.            C. Chi-le.            D. Pa-ra-goay.

Câu 10. Phần lớn các đảo và quần đảo của châu Đại Dương có khí hậu:

A. Nóng, khô và lạnh.                           B. Khô, nóng và ẩm.

C. Nóng, ẩm và khô.                              D. Nóng, ẩm và điều hòa.

Phần tự luận

Câu 1 (2 điểm). Tại sao đại bộ phận lục địa Ô-xtrây-li-a có khí hậu khô hạn?

Câu 2 (3 điểm). Trình bày sự đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo ở châu Âu?

ĐÁP ÁN

I. TRẮC NGHIỆM (Mỗi câu trắc nghiệm tương ứng với 0,5 điểm)

Câu 1. 

Chọn: D.

Câu 2. 

Chọn: A.

Câu 3. 

Chọn: B.

Câu 4. 

Chọn: C.

Câu 5. 

Chọn: B.

Câu 6. 

Chọn: D.

Câu 7. 

 Chọn: D.

Câu 8. 

 Chọn: C.

Câu 9. 

Chọn: C.

Câu 10. 

Chọn: D.

II. TỰ LUẬN

Câu 1 (2 điểm).

- Chí tuyến Nam đi qua giữa lãnh thổ lục địa Ô-xtrây-li-a, nên đại bộ phận lãnh thổ lục địa Ô-xtrây-li-a nằm trong khu vực áp cao chí tuyến, không khí ổn định khó gây mưa.   (1 điểm)

- Phía đông của lục địa Ô-xtrây-li-a lại có dãy Đông Ô-xtray-li-a nằm sát biển chạy dài từ bắc xuống nam chắn gió từ biển thổi vào lục địa gây mưa ở sườn đông của dãy Đông Ô-xtray-li-a, nhưng hiệu ứng phơn làm cho lượng mưa phía sườn chắn gió giảm dần theo chiều từ đông sang tây, làm cho khí hậu của phần lớn lục địa Ô-xtrây-li-a là khô hạn.   (1 điểm)

Câu 2 (3 điểm).

Châu Âu đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo thể hiện ở các điểm sau:

- Có các tôn giáo chính: Thiên Chúa, Tin Lành và Chính Thống, đạo Hồi (một bộ phận nhỏ).  (1 điểm)

- Nhiều dân tộc sống đan xen vào nhau, có ngôn ngữ riêng và nền văn hóa riêng. Các dân tộc này tồn tại bên nhau và giữ nét đặc thù văn hóa của mình, đồng thời vẫn tiếp thu văn hóa của dân tộc khác trong cùng quốc gia.  (1 điểm)

- Có 3 nhóm ngôn ngữ chính: La-tinh, Giéc-man và Xla-vơ. Các nhóm này chia ra rất nhiều ngôn ngữ nhỏ, chưa kể đến các nhóm ngôn ngữ địa phương.  (1 điểm)

 

---(Hết đề thi số 3)---

 

4. ĐỀ SỐ 4

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Trên thế giới có những đại dương nào?

A. Ấn Độ Dương, Thái Bình, Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương.

B. Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Biển Đông Dương và Bắc Băng Dương.

C. Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.

D. Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương.

Câu 2. Biên độ nhiệt ngày đêm lớn; thực, động vật nghèo nàn là đặc điểm của môi trường:

A. Nhiệt đới.               B. Địa trung hải.               C. Hoang mạc.               D. Xích đạo.

Câu 3. Từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XIX, thực dân châu Âu xâm nhập và chiếm thuộc địa, đưa người da đen ở châu Phi bán sang châu lục nào làm nô lệ?

A. Châu Âu               B. Châu Phi               C. Châu Á               D. Châu Đại Dương

Câu 4. Kim Tự Tháp là công trình kiến trúc cổ nổi tiếng ở:

A. Bắc Phi               B. Trung Phi               C. Nam Phi               D. Đông Phi

Câu 5. Vùng Đồng bằng ven vịnh Mê-hi-cô là vùng đất Bắc Mĩ thường có bão, lũ lớn là do:

A. các khối khí lạnh ẩm xâm nhập

B. các khối khí nóng ẩm xâm nhập

C. ảnh hưởng của dòng biển nóng

D. ảnh hưởng của dòng biển lạnh

Câu 6. Các đô thị trên trên 10 triệu dân ở Bắc Mĩ là:

A. Niu-I-ooc, Lốt-An-giơ-lét và Xan-di-a-gô.

B. Niu-I-ooc, Mê-hi-cô City và Xan-di-a-gô.

C. Niu-I-ooc, Mê-hi-cô City và Lốt-An-giơ-lét.

D. Lốt-An-giơ-lét, Mê-hi-cô City và Si-ca-gô.

Câu 7. Vùng cửa biển, cửa sông ở Trung và Nam Mĩ là nơi:

A. chủ yếu là hoang mạc

B. không có dân sinh sống

C. dân cư tập trung thưa thớt

D. dân cư tập trung đông

Câu 8. Thành phần nào chiếm nhiều diện tích đất trồng nhất ở Trung và Nam Mĩ?

A. Các công ti tư bản nước ngoài.

B. Các đại điền chủ.

C. Các hộ nông dân.

D. Các hợp tác xã.

Câu 9. Các nước mới gia nhập Khối thị trường chung Mec-cô-xua là:

A. Chi-lê, Bô-li-vi.

B. Vê-nê-xu-ê-la, Chi-lê.

C. Age-ti-na, Bô-li-vi.

D. Pa-na-ma, Chi-lê.

Câu 10. Đồng hồ BigBen là đồng hồ lớn và nổi tiếng ở nước nào?

A. Pháp.               B. Italia.               C. Tây Ban Nha.               D. Anh.

Phần tự luận

Câu 1 (3 điểm). Trình bày sự phân bố các loại địa hình chính của châu Âu và giải thích vì sao ở phía tây châu Âu có khí hậu ấm áp và mưa nhiều hơn ở phía đông?

Câu 2 (2 điểm). Tại sao nói: Liên minh châu Âu là tổ chức thương mại hàng đầu thế giới?

ĐÁP ÁN

I. TRẮC NGHIỆM (Mỗi câu tương ứng với 0,5 điểm)

Câu 1. Chọn: D.

Câu 2. Chọn: C.

Câu 3. Chọn: B.

Câu 4. Chọn: A.

Câu 5. Chọn: B.

Câu 6. Chọn: C.

Câu 7.  Chọn: D.

Câu 8.  Chọn: B.

Câu 9. Chọn: A.

Câu 10. Chọn: D.

II. TỰ LUẬN

Câu 1 (3 điểm).

Châu Âu có ba dang địa hình chính: Đồng bằng, núi già, núi trẻ.

- Đồng bằng: Bao gồm miền đồng bằng của khu vực Tây và Trung Âu, đồng bằng Đông Âu.   (0,5 điểm)

- Núi già: Bao gồm miền núi già của khu vực của khu vực Tây và Trung Âu, Bắc Âu.   (0,5 điểm)

- Núi trẻ: Bao gồm miền núi trẻ của khu vực Tây và Trung Âu, Nam Âu.   (0,5 điểm)

Phía tây chịu ảnh hưởng của biển lớn.

- Dòng biển nóng Bắc Đại Tây Dương làm cho biển và khí hậu châu Âu thêm ấm về mùa đông. Hơi ấm và ẩm của biển được gió Tây ôn đới thổi quanh năm đưa sâu vào trong đất liền, làm giảm bớt tính chất lục địa của khí hậu ở khu vực Đông và Đông Nam châu Âu.  (0,75 điểm)

- Vùng ven biển phía tây chịu ảnh hưởng của biển mạnh hơn, không khí ẩm của biển khi đi sâu vào đất liền bị biến tính dần, ảnh hưởng của biển càng đi sâu về phía đông và đông nam càng yếu đi. Vì thế, càng đi về phía tây, khí hậu châu Âu càng ấm áp, mưa nhiều và ôn hòa hơn.  (0,75 điểm)

Câu 2 (2 điểm).

- Đầu tư mạnh vào công nghiệp mới các nước ở châu Á, Trung và Nam Mĩ.  (0,5 điểm)

- Liên minh châu Âu chiếm tỉ trọng 40% hoạt động ngoại thương của thế giới.  (0,5 điểm)

- Đội ngũ lao động đông đảo, có trình độ văn hóa cao, tay nghề thành thạo và nền khoa học tiên tiến.   (0,5 điểm)

- Liên minh châu Âu là khu vực kinh tế lớn của thế giới và không ngừng mở rộng quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội với các nước và tổ chức kinh tế trên thế giới.  (0,5 điểm)

 

---(Hết đề thi số 4)---

 

5. ĐỀ SỐ 5

Phần trắc nghiệm

Câu 1. Đô thị hóa ở châu Âu có đặc điểm:

A. Mức độ đô thị hóa cao

B. Mức độ đô thị hóa rất thấp

C. Mức độ đô thị hóa thấp

D. Chủ yếu là đô thị hóa tự phát

Câu 2. Vùng công nghiệp Ham-bua là vùng công nghiệp nổi tiếng của châu Âu nằm ở quốc gia nào?

A. Pháp               B. Hoa Kì               C. LB Đức               D. I-ta-li-a

Câu 3. Quốc gia nào ở châu Âu được coi là xứ sở của băng tuyết?

A. Anh               B. Pháp                C. Thụy Sỹ               D. Ai-xơ-len

Câu 4. Khu vực Tây và Trung Âu có đặc điểm địa hình như thế nào?

A. Miền đồng bằng phía Bắc, núi già ở giữa và núi trẻ ở phía Nam.

B. Miền núi già ở phía Bắc, núi trẻ ở giữa và đồng bằng ở phía Nam.

C. Miền núi trẻ ở phía Bắc, đồng bằng ở giữa và núi trẻ ở phía Nam.

D. Đồng bằng ở phía Bắc, núi trẻ ở giữa và núi già ở phía Nam.

Câu 5. Một số nước ở Nam Âu có nguồn thu ngoại tệ lớn từ ngành kinh tế nào?

A. Hoạt động thương mại.

B. Hoạt động du lịch.

C. Hoạt động nông nghiệp.

D. Hoạt động công nghiệp.

Câu 6. Tiền thân của Liên minh châu Âu có tên gọi là gì?

A. Cộng đồng kinh tế châu Âu.

B. Khối thị trường chung châu Âu.

C. Cộng đồng châu Âu.

D. Liên minh châu Âu.

Phần tự luận

Câu 7 (4 điểm). So sánh sự khác nhau giữa khí hậu ôn đới hải dương và khí hậu ôn đới lục địa, giữa khí hậu ôn đới lục địa và khí hậu địa trung hải?

ĐÁP ÁN

Phần trắc nghiệm

Mỗi câu hỏi trắc nghiệm tương ứng với 1 điểm

Câu 1. Đô thị hóa ở châu Âu có đặc điểm mức độ đô thị hóa thấp.

Chọn: C.

Câu 2. Vùng Ham-bua là vùng công nghiệp nổi tiếng của châu Âu nằm ở Liên Bang Đức.

Chọn: C.

Câu 3. Ai-xơ-len là nước ở Bắc Âu được coi là xứ sở của băng tuyết.

Chọn: D.

Câu 4. Khu vực Tây và Trung Âu có đặc điểm địa hình là miền đồng bằng ở phía Bắc, miền núi già ở giữa và miền núi trẻ ở phía Nam.

Chọn: A.

Câu 5. Nguồn thu ngoại tệ chính của nhiều nước Nam Âu là từ hoạt động du lịch.

Chọn: B.

Câu 6. Lúc mới thành lập (1957) Liên minh châu Âu có tên gọi là cộng đồng kinh tế châu Âu.

Chọn: A.

Phần tự luận

Câu 7 (4 điểm).

- So sánh sự khác nhau giữa khí hậu ôn đới hải dương và khí hậu ôn đới lục địa

    + Nhiệt độ: Khí hậu ôn đới hải dương có nhiệt độ tháng nóng nhất khoảng 18°C, nhiệt độ tháng lạnh nhất khoảng 8°C. Khí hậu ôn đới lục địa có nhiệt độ tháng nóng nhất khoảng 30°C, nhiệt độ tháng lạnh nhất là -12°C. Như vậy, khí hậu ôn đới hải dương ấm hơn khí hậu ôn đới lục địa.  (1 điểm)

    + Lượng mưa: Khí hậu ôn đới hải dương có lượng mưa hàng năm khoảng l.000mm, khí hậu ôn đới lục địa lượng mưa hàng năm từ 400 - 600mm. Như vậy, khí hậu ôn đới hải dương có lượng mưa lớn hơn khí hậu ôn đới lục địa.  (1 điểm)

- So sánh sự khác nhau giữa khí hậu ôn đới lục địa và khí hậu địa trung hải.

    + Nhiệt độ: Khí hậu địa trung hải có nhiệt độ tháng nóng nhất khoảng 25°C, nhiệt độ tháng lạnh nhất khoảng 10°C. Khí hậu ôn đới lục địa có nhiệt độ tháng nóng nhất là 30°C, nhiệt độ tháng lạnh nhất khoảng -12°C. Như vậy, khí hậu địa trung hải có mùa hạ nóng, mùa đông không lạnh và ấm hơn khí hậu ôn đới lục địa.  (1 điểm)

    + Lượng mưa: Khí hậu địa trung hải có lượng mưa trung bĩnh năm gần l.000mm, nhưng tập trung vào thu - đông, mùa khô là mùa hạ. Khí hậu ôn đới lục địa có lượng mưa hàng năm từ 400 - 600mm mưa vào mùa hạ. Như vậy, khí hậu địa trung hải và khí hậu ôn đới có mùa mưa khác nhau.  (1 điểm)

 

---(Hết đề thi số 5)---

 

Trên đây là toàn bộ nội dung Bộ 5 đề thi HK2 môn Địa Lý 7 năm 2021 có đáp án Trường THCS Nguyễn Chí Diểu. Để xem nhiều tài liệu hữu ích khác các em đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?