TRƯỜNG THCS TAM SƠN | ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
Câu 1: (3 điểm)
Đọc hai văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Văn bản 1:
Trong bức ảnh chụp cùng thần tượng Michael Phelps cách đây 8 năm, Joseph Schooling mới chỉ là cậu bé con đeo kính cận dày cộp, cao ngang vai Phelps. Nhưng 8 năm sau, khi có cơ hội tranh tài với thần tượng của mình ở nội dung 100m bơi bướm tại Thế vận hội mùa hè 2016, cậu bé năm nào không chỉ tự tin thể hiện tài năng mà còn buộc thần tượng chấp nhận chịu thua, nhường lại chiếc Huy chương Vàng tuyệt đẹp cho mình.
Chiến thắng của Schooling không chỉ là phần thưởng ngọt ngào cho những năm tháng miệt mài ngụp lặn trong bể bơi, mà nó còn thắp lên trong trái tim trẻ niềm tin: Khi làm bất cứ công việc gì, nếu có đủ ý chí và đam mê, một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà còn có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay.
(Dựa theo Hình ảnh Joseph Schooling và thần tượng Michael Phelps lan truyền chóng mặt, Lê Ái, Báo Thanh niên ngày 13/08/2016)
Văn bản 2:
Diễn viên điện ảnh Jack Nicholson từng thần tượng Marlon Brando điên đảo đến mức nói một câu trứ danh: "Chừng nào ông ấy còn sống thì chẳng anh diễn viên nào ngóc đầu lên nổi". Tất nhiên đây chỉ là một cách nói thậm xưng. Jack Nicholson học phương pháp diễn xuất thần sầu của Marlon và ông thậm chí còn vượt qua thần tượng của mình khi giành tới 3 giải Oscar so với 2 giải của Marlon.
(Trích Từ Phelps đến Schooling, từ Marlon Brando đến Leonardo Di Caprio. Lê Hồng Lâm - Thịnh Joey, Báo Tuổi trẻ ngày 16/8/2016)
a) Dựa vào văn bản trên, hãy cho biết những thành tích nào của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã chứng tỏ họ vượt qua thần tượng. (0,5 điểm)
b) Chỉ ra một phép liên kết câu có trong đoạn đầu của văn bản 1. (0,5 điểm)
c) Xác định thông điệp chung của hai văn bản trên. (1.0 điểm)
d) Em có nhận xét gì về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng? Trả lời trong khoảng 4-6 dòng. (1.0 điểm)
Câu 2: (3 điểm)
Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?
Em hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.
Câu 3: ( 4 điểm) Học sinh chọn 1 trong 2 đề sau:
Học sinh chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng biển khơi
(...)
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm khơi
(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận)
Cảm nhận của em về hai khổ thơ trên. Từ đó liên hệ với một tác phẩm khác hoặc với thực tế cuộc sống để thấy được tình yêu, sự gắn bó của con người Việt Nam với biển quê hương.
Đề 2: Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn học, em hãy viết bài văn với nhan đề: "Đọc một tác phẩm - Đi muôn dặm đường".
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Câu 1:
a. Những thành tích của Joseph Schooling và Jack Nicholson đã chứng tỏ họ vượt qua thần tượng của mình:
- Tại thế vận hội Mùa hè 2016 ở nội dung 100m bơi bướm, Joseph Schooling đã vượt qua thần tượng Michael Phelps để đoạt lấy Huy chương vàng cho mình.
- Jack Nicholson đã giành được 3 giải Oscar so với thần tượng của mình là Marlon Brando chỉ mới đạt được 2 giải Oscar.
b. Trong văn bản 1, từ nhưng ở câu số 2 là từ thể hiện phép liên kết câu: Phép nối.
c. Thông điệp chung của 2 văn bản trên: khi làm bất cứ công việc gì, nếu có đủ ý chí và đam mê, một ngày nào đó ta không chỉ thành công mà còn có thể vượt qua chính thần tượng của mình hôm nay.
d. Mỗi học sinh có những nhận xét khác nhau về cách thể hiện sự hâm mộ của các bạn trẻ ngày nay đối với thần tượng của mình. Đây chỉ là một gợi ý:
- Thần tượng của bạn trẻ ngày hôm nay khá đa dạng. Có thể đó là những người nổi tiếng trong các lãnh vực thể thao, ca nhạc,... các bạn trẻ đã không nề hà công sức đi theo các thần tượng của mình trong các trận thi đấu hoặc các show diễn. Họ tặng hoa, họ ôm hôn, gào thiết để thể hiện sự hâm mộ của mình. Ít người có được tinh thần như Schooling đối với Michael Phelps hoặc Jack Nicholson đối với Marlon Brando lấy thần tượng của mình làm nguồn cảm hứng, tấm gương soi để nỗ lực phấn đấu. Đa số bạn trẻ ngày nay đã tôn thờ thần tượng một cách quá lố và thiếu tỉnh táo.
Câu 2:
Thí sinh cần đáp ứng yêu cầu của câu hỏi: trình bày suy nghĩ của mình được gợi lên từ vấn đề đã nêu trên trong phạm vi khoảng một trang giấy thi. Thí sinh có thể triển khai suy nghĩ của mình theo những cách thức cụ thể khác nhau. Sau đây là một số gợi ý để tham khảo:
- Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Yêu cầu cụ thể:
a. Giới thiệu vấn đề: Để hình thành một lối sống hoàn hảo và đúng đắn là một vấn đề vô cùng khó khăn và phức tạp. "Phải tôn trọng sự khác biệt", đó là lời khuyên của các nhà tâm lý và giáo dục. Câu hỏi :"Tuổi trẻ có cần sống khác biệt?" Đó là một câu hỏi đơn giản nhưng rất khó trả lời. Sau đây là những ý kiến của em về câu hỏi trên.
b. Sự khác biệt là bản chất của đời sống đa dạng, phong phú và muôn màu muôn vẻ. Tuy nhiên, bên cạnh sự đa dạng và khác biệt, xã hội con người có rất nhiều điểm chung tốt đẹp cũng như xấu xa. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục cần phải được duy trì và tôn trọng. Bên cạnh đó, chúng ta cần đấu tranh chống lại sự a dua đầy tội lỗi của đám đông.
c. "Đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục". Biết hòa đồng với hoàn cảnh xã hội hiện tại là một kỹ năng cần thiết. "Đồng phục trong cách sống, trong cách suy nghĩ, trong cách ăn mặc" là một nét đẹp thể hiện sự hòa đồng của con người với tập thể. Khi sống hòa đồng với mọi người, tuổi trẻ chắc chắn có được niềm vui, sự đoàn kết, sự chia sẻ và bình yên trong sinh hoạt cũng như làm việc.
Sống khác biệt chắc chắn không phải là mục đích sống của người trẻ tuổi bởi vì phần lớn họ là những người có khao khát tạo dựng cho mình một sự nghiệp, một cuộc sống vững vàng và hạnh phúc. Sống khác biệt dễ trở nên lập dị, dễ xung đột với tập thể, do đó người khác biệt dễ vấp phải sự chống đối của đa số, dễ trở thành kẻ cô đơn lạc lõng. Chỉ có sống hòa đồng, quân bình hài hòa với mọi người, người trẻ tuổi mới có được hạnh phúc và thành công. Do đó tuổi trẻ không cần phải sống khác biệt, nhất là trong hoàn cảnh bình thường.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
Câu 1: (3 điểm) Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới
(1) Đã lâu lắm rồi tôi và cả nhà mới lại cùng nhau xem U23 Việt Nam thi đấu bóng đá SEA Games. Lúc đội tuyển ra sân, tôi rất xúc động khi quốc ca Việt Nam vang lên. Cả nhà tôi đã cùng hát theo, dù các con tôi chưa thật thuộc nhưng chúng vẫn buộc ba, mẹ phải đặt tay lên ngực cho giống các cầu thủ. Lúc hát quốc ca, tôi có một cảm giác thật khó tả. Một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng tôi. Hát quốc ca làm cho ta có tinh thần mạnh mẽ, truyền cho ta khí thế hừng hực để sẵn sang bước vào trận đấu.
(2) Khi đi học, tôi đã được hát quốc ca mỗi khi chào cờ. Bây giờ hát lại, trong tôi vẫn dâng trào một cảm xúc mãnh liệt. Đó là niềm tự hào và tình yêu quê hương, đất nước. Xem xong trận bóng đá, con tôi lại hỏi “Khi nào Việt Nam đá nữa vậy ba? Để con cùng ba mẹ hát quốc ca”.
(Theo Lê Văn Thu, Quốc ca Việt Nam, báo Thanh Niên số ngày 8-6-2015)
a. Xác định một phép liên kết trong đoạn (2). (0,5 điểm)
b. Tác giả đã có những cảm xúc gì khi hát quốc ca Việt Nam? (0,5 điểm)
c. Cho biết ý nghĩa của việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên. (1 điểm)
d. Em có nhận xét gì về thực trạng hát quốc ca của các bạn học sinh trong nhà trường hiện nay? (1 điểm)
Câu 2: (3 điểm)
- Có những bạn trẻ chỉ biết mải mê dán hình thần tượng khắp nơi; chỉ biết đắm chìm trong sở thích của riêng mình;…
- Họ đâu thấy rằng bên cạnh họ có những người đang vì họ mà vất vả, lo toan; có những người đã dành cho họ bao nhiêu yêu thương, trìu mến;…
- Những bạn trẻ ấy đâu biết rằng họ đang sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình.
- Viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.
Câu 3: (4 điểm):
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám may mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu.
(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh)
Cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên trong hai khổ thơ trên. Từ đó hãy liên hệ với một khổ thơ hoặc đoạn thơ khác về đề tài thiên nhiên mã em biết để thấy được điểm gặp gỡ của các tác giả khi viết về đề tài này.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
Câu 1. (3,0 điểm)
a. Xác định một phép liên kết có trong đoạn (2): Phép lặp (tôi, hát, quốc ca); phép thế (đó: thế cho một cảm xúc mãnh liệt) (0,5 điểm)
b. Những cảm xúc của tác giả khi hát quốc ca Việt Nam: niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước hoặc cảm xúc mãnh liệt, một cảm giác thật khó tả, một điều gì đó thiêng liêng dành cho Tổ quốc đang dâng lên trong lòng. (0,5 điểm)
c. Ý nghĩa của sự việc cả gia đình tác giả cùng hát theo khi quốc ca Việt Nam vang lên: Các thế hệ đều có chung nhận thức về tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc (hoặc cả gia đình đều thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc) ; sự việc trên còn có tác dụng lan tỏa, khơi dậy, nhắc nhở mọi người về tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc… (1 điểm)
d. Nhận xét về thực trạng hát quốc ca trong nhà trường hiện nay: Với những góc nhìn khác nhau, học sinh có thể đưa ra các ý nhận xét khác nhau. Chẳng hạn: học sinh nghiêm túc khi hát; khi hát thể hiện rõ tình yêu tổ quốc và tự hào dân tộc; học sinh có sự chuyển biến từ chưa nghiêm túc đến ý thức cao khi hát quốc ca; một số học sinh chưa ý thức khi hát, chưa nghiêm túc khi hát (chưa thuộc lời, không hát, đùa giỡn…) (1 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
a. yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
- Bố cục đầy đủ, rõ ràng. Phần mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài biết chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp, các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ, sử dụng tốt các thao tác lập luận (giải thích, chứng minh, bình luận…) để triển khai các luận điểm, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng, dẫn chứng cần lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động. phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân
- Diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết, lập luận chặt chẽ. Không mắc lỗi diễn đạt, không sai lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, trình bày bài rõ ràng.
b. yêu cầu về kiến thức:
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình.
- Giải thích: Sự việc được đề cập trong đề bài (mải mê dán hình thần tượng khắp nơi, đắm chìm trong những sở thích riêng, không quan tâm đến những người thân trong gia đình) cho thấy các bạn trẻ sống vị kỉ, lao vào thế giới ảo, bỏ quên những mối quan hệ ruột thịt, gần gũi… Đó chính là biểu hiện cụ thể của lối sống vô cảm với chính gia đình mình. Sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình là sự thờ ơ không quan tâm, không biết chia sẻ với những người thân yêu, gần gũi.
- Bàn luận: học sinh đưa ra các ý bàn luận về nguyên nhân, tác hại và bày tỏ thái độ về vấn đề. Chẳng hạn: Nguyên nhân: bị tác động bởi lối sống thực dụng, được nuông chiều, thiếu sự giáo dục của gia đình, thiếu ý thức và trách nhiệm…. Tác hại của lối sống vô cảm: với cá nhân, gia đình và cộng đồng (ảnh hưởng đến nhân cách, vai trò, ý nghĩa của gia đình trong đời sống của mỗi cá nhân sẽ bị giảm sút, tạo ra những công dân vô trách nhiệm, vô cảm…); bày tỏ thái độ không đồng tình, phê phán lối sống vô cảm.
- Khái quát vấn đề đã bàn luận. Rút ra bài học nhận thức và hành động: rèn luyện lối sống có trách nhiệm, sống yêu thương…
Câu 3. (4,0 điểm)
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài nghị luận văn học:
- Bố cục đầy đủ, rõ ràng.
- Văn trôi chảy, có cảm xúc, không sai lỗi chính tả….
b. Yêu cầu về kiến thức:
* Giới thiệu được về tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận (bức tranh thiên nhiên – bức tranh giao mùa từ hạ sang thu, từ đó liên hệ với một khổ thơ khác về đề tài thiên nhiên để thấy được những điểm gặp gỡ của các bài thơ)
* Cảm nhận bức tranh thiên nhiên – bức tranh giao mùa từ hạ sang thu.
- Bức tranh giao mùa từ hạ sang thu được diễn tả tinh tế với những tín hiệu lúc giao mùa: ngọn gió se mang theo hương ổi; sương đầu thu giăng mắc nhẹ nhàng, dòng sông trôi thanh thản; những cánh chim vội vã, những đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu; tâm trạng nhà thơ: ngỡ ngàng, bâng khuâng…
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
Câu 1: (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò – lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày.
Nếu vậy, sao bạn không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?
Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.
Đừng để ai đánh cắp ước mơ của bạn. Hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức...
(Theo Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn, 2012)
a. Tìm thành phần phụ chú trong văn bản trên và cho biết tác dụng của thành phần ấy. (0,5 điểm)
b. Xác định ít nhất một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu Sống một cuộc đời, cũng giống vẽ một bức tranh vậy và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ ấy. (0,5 điểm)
c. Nêu nội dung văn bản trên. (1,0 điểm)
d. Theo em, có phải lúc nào cũng nên theo đuổi ước mơ? Trả lời trong khoảng 3 - 5 dòng (1,0 điểm)
Câu 2: (3,0 điểm)
Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nêu yêu thương?
Em hãy viết bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) trả lời cho câu hỏi trên.
Câu 3: (4,0 điểm)
Trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, nhà văn Nguyễn Thành Long đã viết về nhân vật anh thanh niên như sau:
Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:
- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắm liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả "thèm" hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào "ốp" là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: "Đấy, bác cũng chẳng "thèm" người là gì?".
Anh xoay sang người con gái đang một mắt đọc cuốn sách, một mắt lắng nghe, chân cô đung đưa khe khẽ, nói:
- Và cô cũng thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ.
Cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích trên. Từ đó, hãy liên hệ với hình ảnh của thế hệ trẻ trong một tác phẩm văn học khác hoặc trong thực tế đời sống để thấy được vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
Câu 1. (3 điểm)
a. Thành phần phụ chú: “lứa tuổi bất ổn định nhất.”
Tác dụng: bổ sung ý nghĩa cho cụm từ “lứa tuổi học trò”
b. Biện pháp tu từ được sử dụng : so sánh “sống một cuộc đời” với “vẽ một bức tranh”.
Tác dụng: giúp cho cách diễn đạt thêm sinh động, gợi cảm, khơi mở cho người đọc những suy nghĩ, liên tưởng về việc sống một cuộc đời…
(Học sinh có thể xác định các biện pháp khác như: điệp từ “một”, tác dụng: nhấn mạnh vào tính chất duy nhất của đối tượng được đề cập; điệp cấu trúc sống một cuộc đời – vẽ một bức tranh, tác dụng: tạo nhịp điệu cân xứng, hài hòa cho câu văn, khiến câu văn trở nên ấn tượng, dễ nhớ…)
c. Nội dung văn bản: ước mơ của con người không bao giờ mất đi, thế nên hãy theo đuổi ước mơ, hãy chuẩn bị chu đáo cho việc thực hiện ước mơ, hãy đánh thức những ước mơ sâu kín.
(Học sinh có thể tiếp nhận văn bản theo nhiều góc nhìn khác nhau; chấp nhận các ý hợp lí khác ngoài hướng dẫn chấm)
d. Thể hiện được suy nghĩ chân thành, sâu sắc về vấn đề. Học sinh có thể đồng ý hoặc không đồng ý với vấn đề đặt ra miễn sao lí lẽ phải thuyết phục.
(Cần thấy được chỉ nên theo đuổi những ước mơ chân chính, tốt đẹp. Khi theo đuổi ước mơ, nên cân nhắc hoàn cảnh, điều kiện thực tế…)
Câu 2. (3 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ 3 phần: mở, thân, kết….
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai các luận điểm…
Học sinh có thể đưa ra nhiều suy nghĩ, quan điểm khác nhau về vấn đề. Có thể đồng ý, không đồng ý hoặc đồng ý một phần về vấn đề. Sau đây là 1 hướng giải quyết đề bài.
- Giải thích:
+ Những điều ngọt ngào: những hành động, cử chỉ, lời nói,… tốt đẹp mang đến niềm vui, sự ấm áp…; yêu thương: tình cảm tốt đẹp giữa người với người.
→ Người ta thường nghĩ biểu hiện của yêu thương luôn là những điều ngọt ngào nhưng thật ra có nhiều điều, nhiều cách để tạo nên tình yêu thương.
- Bàn luận:
+ Những điều ngọt ngào (sự trìu mến, ân cần, những lời lẽ dịu dàng, tình cảm) được xem là cách thể hiện yêu thương bởi nó kiến ta cảm thấy được quan tâm, chia sẻ, nâng đỡ trân trọng…
+ Không phải lúc nào cũng chỉ ngọt ngào mới làm nên yêu thương. Nhiều khi những cay đắng, phũ phàng (những lời la mắng của cha mẹ, những trách cứ của thầy cô, sự từ chối giúp đỡ của bạn bè …) lại xuất phát từ tình cảm thật sự dành cho ta, từ mong muốn ta hoàn thiện từng ngày…
+ Có những ngọt ngào không xuất phát từ yêu thương và có những cay đắng không làm nên yêu thương.
+ Phê phán những con người chỉ biết đón nhận yêu thương thông qua những ngọt ngào nên đã bỏ lỡ rất nhiều yêu thương thật sự, cũng như đã nhận lầm không ít yêu thương giả dối…
- Bài học nhận thức và hành động: cần nhận thức đúng đắn về yêu thương: không phải chỉ ngọt ngào mới làm nên yêu thương…; có ý thức và hành động cụ thể đem đến yêu thương cho mọi người và cho chính mình.
Câu 3. (4 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
- Cảm nhận về nhân vậy anh thanh niên trong đoạn trích:
+ Là người yêu nghề, ý thức rõ về ý nghĩa của công việc, có tinh thần trách nhiệm cao, luôn sẵn sàng cống hiến cho cuộc đời;
+ Là người cởi mở, chân thành, gắn bó với mọi người.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Tam Sơn. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !