Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021 môn Ngữ Văn - Trường THCS Phú La

TRƯỜNG THCS PHÚ LA

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

Câu 1 (2,0 điểm)

Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh,

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”

(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo Dục Việt Nam, trang 94)

a) Nhận biết

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

b) Nhận biết

Trong đoạn trích trên tác giả đã sử dụng những từ láy nào ?

c) Thông hiểu

Chỉ rõ và nêu tác dụng của phép điệp từ được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2 (3,0 điểm) Vận dụng cao

Trong tác phẩm Dế mèn phưu lưu kí (Tô Hoài), trước khi chết, nhân vật Dế Choắt đã nói với Dế Mèn: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy”.

Lời trăn trối đó của Dế Choắt khiến em có những suy nghĩ gì về một thói xấu ở một bộ phận không nhỏ người Việt Nam và đang là vấn đề nóng khiến xã hội quan tâm?

Câu 3 (5 điểm) Vận dụng cao

Trình bày cảm nhận của em về ý nghĩa thiêng liêng của chiếc lược bằng ngà trong tác phẩm Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng. Từ đó, em hãy liên hệ đến một đoạn thơ có cùng chủ đề để làm rõ tình yêu thương con của những người cha trên khắp mọi miền đất nước.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

Câu 1.

a.

Phương pháp: căn cứ các phương thức biểu đạt đã học

Cách giải:

- Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

b.

Phương pháp: Căn cứ nội dung bài Từ láy

Cách giải:

- Những từ láy được sử dụng trong đoạn thơ trên là: thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm

c.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Điệp từ

Cách giải:

Điệp ngữ “buồn trông” được lặp lại 4 lần trong đoạn thơ trên. Buồn trông có nghĩa là buồn nhìn ra xa, trông ngóng điều gì đó vô vọng.

+ Điệp ngữ này được kết hợp với những hình ảnh đứng sau nó như: cửa bể, con thuyền, cánh buồm, ngọn nước, hoa trôi, cỏ nội, chân mây mặt đất, gió, sóng,… vừa gợi thân phận cô đơn, lênh đênh, trôi dạt trên dòng đời vô định, vừa diễn tả nỗi buồn ngày càng tăng tiến, chồng chất ghê gớm, mãnh liệt hơn.

+ Các điệp ngữ còn kết hợp với các từ láy: thấp thoáng, xa xa, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm tạo nên nhịp điệu ào ạt của cơn sóng lòng, khi trầm buồn, khi dữ dội, xô nỗi buồn đến tuyệt vọng.

=> Phép điệp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (vần, nhịp, từ, cụm từ, câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật và tạo nhịp điệu cho câu thơ, tác động mạnh mẽ tới cảm xúc người đọc.

Câu 2.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Trong tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí (Tô Hoài), trước khi chết, nhân vật Dế Choắt đã nói với Dế Mèn: “Ở đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết nghĩ, sớm muộn rồi cũng mang vạ vào mình đấy”.

- Lời trăn trối đó của Dế Choắt khiến em có những suy nghĩ gì về một thói xấu ở một bộ phận không nhỏ của người Việt Nam và đang là vấn đề nóng khiến xã hội quan tâm?

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

Câu 1:  

Cho khổ sau:

Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

(Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục, 2015)

a. Nhận biết

Khổ thơ trên được trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

b. Thông hiểu

Nêu ngắn gọn nội dung chính của khổ thơ trên.

Câu 2: Nhận biết

Chỉ ra những từ ngữ làm phương tiện liên kết câu trong đoạn trích sau:

Không tư tưởng, con người có thể nào là con người. Nhưng trong nghệ thuật, tư tưởng từ ngay cuộc sống hàng ngày nảy ra, và thấm trong tất cả cuộc sống.

(Tiếng nói văn nghệ, Nguyễn Đình Thi)

Câu 3: Vận dụng cao

Có ý kiến cho rằng: Tình bạn chân thành chính là viên ngọc quý.

Qua ý kiến trên, hãy viết bài văn ngắn (không quá một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về tình bạn chân thành.

Câu 4: Vận dụng cao

Cảm nhận của em về nhân vật Phương Định trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê (Phần trích Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2015)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

Câu 1.

a.

Phương pháp: căn cứ nội dung bài Ánh trăng

Cách giải:

Khổ thơ trên được trích trong văn bản “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

b.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Nội dung chính của đoạn thơ trên: Cuộc sống đầy đủ, bình yên khiến người lính thờ ơ, dửng dưng, quay lưng lại với quá khứ mà họ từng gắn bó.

Câu 2.

Phương pháp:căn cứ các phương tiện liên kết đã học

Cách giải:

- Các từ ngữ làm phương tiện liên kết: tư tưởng, nhưng.

- Các phép liên kết:

+ Phép lặp (lặp từ “tư tưởng”).

+ Phép nối (dùng quan hệ từ “nhưng”).

Câu 3.

Phương pháp: phân tích, lí giải, tổng hợp

Cách giải:

Yêu cầu về kĩ năng:

- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một bài văn nghị luận xã hội.

- Bài văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

* Yêu cầu về nội dung:

1. Giới thiệu vấn đề: tình bạn đẹp

2. Giải thích vấn đề:

- Giải thích câu nói: Tình bạn đẹp giống như viên ngọc quý: Câu nói ngợi ca tình bạn chân thành, đúng đắn; tình bạn đó vừa khó tìm kiếm nhưng nếu có được thì đó là tình bạn tuyệt vời và đáng trân trọng.

- Tình bạn là thứ tình cảm được gây dựng trên cơ sở những đặc điểm chung giữa người này và người khác. Đó có thể là sở thích, năng khiếu, công việc,... nhưng thường tình đó là sự tương đồng về tâm lí, tính cách, lứa tuổi...

- Một tình bạn chân chính trước hết phải là một tình bạn được xây dựng trên cơ sở là sự đồng cảm, vô tư, không vụ lợi, tính toán. Điều đó có nghĩa là những người bạn đến với nhau vì những yếu tố khách quan: cùng giống nhau về tính cách, sở thích, tâm lí,… nên tìm đến nhau để sẻ chia, tâm sự.

3. Bàn luận, mở rộng:

- Tại sao chúng ta cần có những tình bạn chân chính?

+ Không ai có thể tồn tại độc lập và tách biệt, không có một mối liên hệ nào với những người xung quanh. Vì vậy để cân bằng cuộc sống của mình, con người cần có những mối quan hệ vững chắc – ngoài gia đình để sẻ chia, để quan tâm. Tình bạn chân chính là một trong những mối quan hệ đó.

+ Cuộc sống có vô vàn những khó khăn, thử thách mà con người không thể lường trước. Chính vì vậy ta cần có những người bạn tốt để những lúc như vậy sẽ giúp đỡ lẫn nhau mà không lo sợ sự toan tính,…

+ Tình bạn chân chính cũng sẽ giúp cho nhiều mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp, chân thành và có ý nghĩa hơn.

- Có thể nêu những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp: Lưu Bình – Dương Lễ, Nguyễn Khuyến – Dương Khuê,…

- Trong xã hội hiện đại, nhất là khi con người đang hướng tới những thứ thuộc về cá nhân, tình bạn chân chính càng là thứ khó tìm kiếm.

- Phê phán những mối quan hệ bè phái, cầu lợi ích cá nhân, giả dối.

- Liên hệ bản thân: Em đã có tình bạn chân chính chưa? Tình bạn ấy giúp cho cuộc sống của em như thế nào?

Câu 4.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.

- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.

- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.

- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.

- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.

* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

1. Giới thiệu chung

- Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Tác giả tham gia thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác vào đầu những năm 70.

- Lê Minh Khuê thành công ở thể loại truyện ngắn:

+ Trong chiến tranh, hầu hết sáng tác tập trung viết về cuộc sống, chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn.

+ Sau 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển biến của đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.

- Sáng tác của Lê Minh Khuê cuốn hút người đọc nhờ lối viết giản dị, tự nhiên, lối kể chuyện sinh động, khả năng phân tích tâm lí nhân vật chân thực, tinh tế.

- Tác phẩm được viết năm 1971, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt.

- Tóm tắt ngắn gọn tác phẩm.

---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

Câu 1: (3.0 điểm) Đọc kĩ những đoạn trích (thơ, văn) sau và trả lời câu hòi:

Trích 1:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm cùng gió khơi

a. Nhận biết

Khổ thơ trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? (0.5 điểm)

b. Thông hiểu

Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng ở câu thơ: “Mặt trời xuống biển như hòn lửa” (0.75 điểm)

Trích 2: “Hai ông con theo bậc cấp xuống đồi, đến mặt đường nhìn lên, không thấy người con trai đứng đấy nữa. Anh ta đã vào nhà trong. Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to. Lúc bấy giờ, nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây đã hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiếu làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”

(Trích, Lặng lẽ Sa Pa, Nguyễn Thành Long, Ngữ văn 9, tập 1, NXBGD, 2014)

c. Nhận biết

Chỉ ra hai từ láy được sử dụng trong đoạn văn (0.5 điểm)

d. Nhận biết

Câu văn: “Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to” thuộc kiểu câu đơn hay câu ghép? Xác định thành phần chủ ngữ và vị ngữ của câu (1.25 điểm)

Câu 2: (3.0 điểm) Vận dụng cao

Suy ngẫm của em về thông điệp: “Cho yêu thương, nhận hạnh phúc” (Bài làm văn viết không quá một trang giấy thi)

Câu 3: (4.0 điểm) Vận dụng cao

Nỗi oan của nhân vật Vũ Nương trong truyện “Chuyện người con gái Nam Xương” – Nguyễn Dữ.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

Câu 1.

a.

Phương pháp: căn cứ bài Đoàn thuyền đánh cá

Cách giải:

- Tác phẩm: Đoàn thuyền đánh cá

- Tác giả: Huy Cận

b.

Phương pháp: căn cứ bài So sánh

Cách giải:

- Nghệ thuật: so sánh (Mặt trời ví với hòn lửa)

- Tác dụng:

+ Khắc họa khung cảnh huy hoàng, tráng lệ vào thời khắc hoàng hôn buông xuống trên biển

+ Nhấn mạnh thời khắc kết thúc một ngày là lúc bắt đầu một buổi lao động mới của người dân trên biển.

c.

Phương pháp: căn cứ bài Từ láy

Cách giải:

- Từ láy: hừng hực, rực rỡ

d.

Phương pháp: căn cứ bài Câu ghép

Cách giải:

- Câu ghép

- Thành phần câu: Ông // xách cái làn trứng, cô // ôm bó hoa to

Câu 2.

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

* Giới thiệu vấn đề

* Giải thích vấn đề

- Yêu thương: tình cảm gắn bó tha thiết và chăm sóc hết lòng.

- Hạnh phúc: trạng thái cảm thấy sung sướng khi đạt được ý nguyện nào đó.

- Cho – nhận là một quá trình trao đổi giữa con người với con người.

* Bàn luận, mở rộng vấn đề:

- Tại sao cho yêu thương lại nhận hạnh phúc?

+ Mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội. Xã hội chỉ phát triển tốt đẹp khi con người biết yêu thương, quan tâm lẫn nhau.

+ Khi yêu thương, quan tâm người khác tức là chúng ta đã tạo nên một sợi dây liên kết tình cảm. Nhờ đó quan hệ giữa người với người sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

+ Trao đi yêu thương, con người sẽ được sống trong niềm vui, sự thanh thản,…

+ Khi biết yêu thương, sẻ chia với mọi người, ta cũng sẽ nhận tình yêu thương, sự kính trọng từ những người xung quanh.

- Phê phán những kẻ sống ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình.

- Liên hệ bản thân.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Phú La. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?