Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021 môn Ngữ Văn - Trường THCS Nha Trang

TRƯỜNG THCS NHA TRANG

ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU (5.0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

 (1) Cùng một cơn mưa, người tiêu cực sẽ bực mình vì phải trùm áo mưa, người lạc quan thì nghĩ đến cây cối xanh tươi, không khí sẽ được trong lành. Và một khi chúng ta không thể thay đổi được hiện tượng xảy ra, tốt nhất là nhìn nó bằng ánh mắt tích cực. Cái thiện có thể sẽ thua cái ác trong một thời điểm nhưng chung cuộc sẽ chiến thắng. Cứ sau một sự cố, con người lại tìm nguyên nhân và khắc phục nó. Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch. Lỗi lầm của người khác, thay vì giữ trong lòng và tức giận, thôi bỏ qua, mình sẽ thấy thoải mái hơn rất nhiều. Nói một cách khác, nếu bạn được sống 100 năm, xem như là một bộ phim có 100 tập, thì hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát.

 (2) Trong từ Hán Việt, nguy cơ bao gồm nguy và cơ. Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity). Người tích cực và lạc quan sẽ có gương mặt sáng bừng, nụ cười thường trực trên môi, sống và cháy hết mình, học tập và làm việc hết mình dù ngày mai trời có sập.

(Trích Tư duy tích cực, Theo Tony Buổi sáng, trên đường băng, NXB Trẻ, 2016)

Câu 1: (0.5 điểm) Nêu nội dung chính của văn bản trên.

Câu 2: (0.5 điểm) Tìm trong văn bản 02 biểu hiện của người có thái độ sống tích cực, lạc quan.

Câu 3: (1.0 điểm) Tìm thuật ngữ trong cụm từ in đậm ở đoạn (1) và cho biết thuật ngữ đó thuộc lĩnh vực khoa học nào.

Câu 4: (1.0 điểm) Từ in đậm trong đoạn văn (2) được sử dụng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Nếu là nghĩa chuyển thì được chuyển theo phương thức nào?

Câu 5: (1.0 điểm) Hãy chỉ ra và cho biết giá trị của một biện pháp tu từ được sử dụng ở đoạn (1)

Câu 6: (1.0 điểm) Em hãy giải thích và nêu nhận xét của bản thân về câu: Đối với người có tư duy tích cực, “nguy” (problem) sẽ được họ biến thành “cơ” (opportunity)

PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

.... Từ trên lầu vừa đi xuống định lấy xe đạp chạy ra quán trà sữa như đã hẹn với đám bạn, tôi chợt đứng sững lại khi nghe tiếng bà tôi đang ngồi ở phòng khách nói chuyện điện thoại trong nghẹn ngào, có lẽ với một người bạn nào đó - điều đó đã gây chú ý cho tôi:

- Phải! Tôi thấy cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình .... và tôi thèm lắm một bữa cơm gia đình....

Em hãy viết tiếp câu chuyện từ tình huống trên để từ đó rút ra được bài học nhân sinh sâu sắc.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

PHẦN I. ĐỌC - HIỂU

Câu 1:

Nội dung chính: Tác dụng của việc nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực.

Câu 2:

- Biểu hiện:

+ Nụ cười thường trực trên môi.

+ Sống, học tập và làm việc hết mình.

Câu 3:

- Thuật ngữ: “không khí” là thuật ngữ về môi trường thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Câu 4:

- Cháy hết mình: “cháy” được hiểu là con người dám dấn thân, dám đem hết nhiệt huyết để sống trọn vẹn cuộc đời và tỏa sáng.

- Từ “cháy” được chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.

Câu 5:

- Biện pháp tu từ: liệt kê (Sau lũ lụt, phù sa sẽ làm màu mỡ hơn cho cánh đồng, sâu bọ sẽ bị quét sạch ra biển, dư lượng hóa chất trong đất đai sẽ bị rửa sạch… hãy tạo ra ít nhất 2/3 tập có tiếng cười thay vì tập nào cũng rơi vào bi kịch chán chường, đau khổ, chia lìa, mất mát.

- Tác dụng: Làm cho đoạn văn giàu giá trị biểu đạt, tăng sức gợi hình, gợi cảm. Đồng thời chỉ rõ những biểu hiện trong việc nhìn nhận sự việc tích cực và tiêu cực.

Câu 6:

- Câu nói đó được hiểu như sau: Với những người tích cực, họ sẽ luôn tìm thấy cơ hội tốt trong những vấn đề nguy nan.

- Rút ra bài học cho bản thân từ câu nói trên.

PHẦN II. LÀM VĂN

a. Yêu cầu về kĩ năng:

- Viết đúng kiểu bài văn tự sự sử dụng yếu tố tưởng tượng.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

Phần I. Đọc – hiểu (4.0 điểm)

Làng là tác phẩm thành công của nhà văn Kim Lân viết về người nông dân. Trong tác phẩm, nhà văn có viết:

… “Về đến nhà, ông Hai nàm vật ra giường, mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, len lét đưa nhau ra đầu hà chơi sậm chơi sụi với nhau.

Nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ra rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu… Ông lão nắm chặt hai tay lại và rít lên:

Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này.

(SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2014)

1. Đoạn trích trên diễn tả tâm trạng nào của ông Hai? Vì sao ông Hai lại có tâm trạng như vậy?

2. Ghi lại những câu văn có sử dụng hình thức độc thoại nội tâm ở trong đoạn trích trên. Chép chính xác 4 câu thơ khác trong một đoạn trích “Truyện Kiều” mà em đã được học sử dụng hình thức độc thoại nội tâm này.

3. Dựa vào đoạn trích trên kết hợp với hiểu biết về tác phẩm “Làng”, em hãy viết đoạn văn tổng – phân – hợp (khoảng 12 câu) phân tích diễn biến tâm trạng của ông Hai từ khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc đến khi tâm sự với người con út (Trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và lời dẫn trực tiếp, chú thích rõ)

Phần II. Làm văn (6.0 điểm): Trong bài thơ “Đồng chí”, nhà thơ Chính Hữu đã viết:

“… Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

 

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”.

                                      (SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục 2014)

1. Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác trong hoàn cảnh nào? Kể tên một tác phẩm khác trong chương trình Ngữ văn lớp 9 có cùng đề tài với bài thơ đó, ghi rõ tên tác giả.

2. Các từ vai, miệng, tay, chân, đầu trong đoạn thơ, từ nào được dùng theo nghĩa gốc, từ nào được dùng theo nghĩa chuyển? Nghĩa nào được hình thành theo phương thức chuyển nghĩa ẩn dụ, nghĩa nào đươc hình thành theo phương thức hoán dụ?

3. Một cử chỉ giản dị tay nắm lấy bàn tay đã gợi tình yêu thương, tiếp thêm sức mạnh để những người lính vượt qua khó khăn. Hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng nửa trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về sức mạnh của tình yêu thương trong cuộc sống hôm nay.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

Phần I. Đọc – hiểu

Câu 1:

- Đoạn trích trên diễn tả tâm trạng đau xót, xấu hổ, tủi thân của ông Hai.

- Ông Hai có tâm trạng như vậy vì ông vừa nghe được tin làng chợ Dầu của ông làm Việt gian theo giặc.

Câu 2:

- Những câu văn sử dụng hình thức độc thoại nội tâm: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu…”.

- Bốn câu thơ trong “Truyện Kiều” cũng sử dụng hình thức độc thoại nội tâm:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Câu 3:

Học sinh nắm chắc kiến thức viết đoạn văn và viết theo yêu cầu đề bài. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập đoạn văn.

+ Đoạn văn khoảng 12 câu. Lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không ngắt đoạn.

+ Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.

- Yêu cầu nội dung:

+ Đoạn văn xoay quanh nội dung: phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật ông Hai từ khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc đến khi tâm sự với người con út.

+ Viết theo lối tổng – phân – hợp: câu chủ đề đặt ở đầu đoạn và có câu kết tổng hợp nội dung.

+ Sử dụng lời dẫn trực tiếp: câu dẫn trực tiếp dẫn nguyên văn và đặt trong ngoặc kép.

+ Sử dụng câu bị động: là câu có chủ ngữ được hoạt động khác hướng vào (thường đi kèm với các từ “bị”, “được”).

Phần II. Làm văn

Câu 1:

- Bài thơ “Đồng chí” được sáng tác vào mùa xuân năm 1948, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, cũng là khi cuộc chiến đang diễn ra vô cùng ác liệt.

- Tác phẩm cùng đề tài: Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật.

Câu 2:

- Các từ “miệng”, “chân”, “tay” được dùng theo nghĩa gốc.

- Các từ “vai”, “đầu” được dùng theo nghĩa chuyển: từ “vai” được dùng theo nghĩa hoán dụ, từ “đầu” được dùng theo nghĩa ẩn dụ.

Câu 3:

Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận để tạo lập đoạn văn. Gợi ý:

- Yêu cầu hình thức:

+ Đoạn văn khoảng nửa trang giấy. Lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không ngắt đoạn.

+ Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn văn sau:

CHIẾC BÁT VỠ

Ở thành phố kia có một bác thợ rèn, bác có một người con trai duy nhất. Anh vừa đẹp trai vừa giỏi giang khiến bác rất tự hào.

Một ngày nọ, người con trai bị tai nạn xe hơi, tuy giữ được tính mạng nhưng lại bị mất cả hai chân. Tuyệt vọng, hàng ngày anh ngồi ủ rũ trong phòng, im lặng nhìn ra cửa sổ.

Một lần, vì quá đau khổ, anh tìm cách tự tử bằng cách uống thuốc ngủ, nhưng may thay cha anh kịp thời phát hiện đưa anh tới bệnh viện, cứu anh qua cơn nguy kịch.

Một ngày sau người con trai tỉnh, bác thợ rèn mang đồ ăn tới cho con. Anh con trai tức giận hất đổ khay đồ ăn, rồi chỉ chiếc bát vỡ dưới nền, nói:

- Cha à, cha cứu con làm gì, cuộc đời con giờ như chiếc bát vỡ kia rồi, mãi mãi không lấy lại được nữa!

Người cha già tội nghiệp lặng lẽ xoa đầu người con trai, vỗ về rồi giúp anh nằm nghỉ. Xong ông dọn dẹp những thứ dưới đất, đôi mắt ông đỏ hoe.

Một tuần sau anh được đưa về nhà. Anh thấy trên bàn mình có một chiếc bát sắt. Anh lấy làm lạ lẫm.

- Con có biết nguồn gốc chiếc bát sắt này không, con trai?

- Ý của cha là...? – Anh ấp úng nói.

- Chính là chiếc bát sành hôm trước đó con, cha cho nó vào lò nung, cho thêm sắt nữa, rồi đúc ,thế là nó trở thành chiếc bát sắt này đó con.

Thực hiện các yêu cầu:

1. (0.5 điểm) Nhận biết

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

2. (0.5 điểm) Nhận biết

Tìm phương ngữ Nam tương ứng với từ “bát” trong câu văn “Anh thấy trên bàn mình có một chiếc bát sắt”

3. (1.0 điểm) Thông hiểu

“Con có biết nguồn gốc chiếc bát sắt này không, con trai?

- Ưm…ý cha là? – Anh ấp úng nói.”

Trong đoạn hội thoại trên, người con đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Vì sao?

4. (1.0 điểm) Thông hiểu

Em rút ra được bài học gì từ câu nói: “Chính là chiếc bát sành hôm trước, cha cho nó vào lò nung, cho thêm sắt nữa, rồi đúc, thế là nó trở thành chiếc bát sắt này đó con”?

II. Tạo lập văn bản (7.0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm) Từ ngữ liệu ở phần đọc hiểu, em hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về vai trò của khát vọng trong cuộc sống con người.

Câu 2: (5.0 điểm) Kể lại một lần em mắc lỗi với mẹ (Có kết hợp yếu tố nghị luận, độc thoại và độc thoại nội tâm).

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. Đọc hiểu

1. Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

2. Phương ngữ Nam ứng với từ “bát” là từ “chén”.

3. Gợi ý:

- Cậu con trai vi phạm phương châm cách thức.

- Vì: cậu con trai nói ngập ngừng, ấp úng.

4. Gợi ý bài học rút ra từ câu nói của người cha:

- Sống phải luôn có khát vọng, không ngừng vươn lên.               

- Phải sống có bản lĩnh, nghị lực, ý chí kiến cường để không gục ngã trước khó khăn.

II. Tạo lập văn bản

Câu 1:

- Yêu cầu hình thức:

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập đoạn văn.

+ Đoạn văn khoảng 200 chữ.

+ Lùi đầu dòng, viết hoa chữ cái đầu tiên và không ngắt đoạn.

+ Có các phần: mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả.

+ Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận xã hội để tạo lập văn bản.

- Yêu cầu nội dung:

+ Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: Vai trò của khát vọng trong cuộc sống con người.

+ Thân đoạn:

  • Giải thích: Khát vọng sống là những mong muốn, ước vọng tốt đẹp thôi thúc chúng ta không ngừng nỗ lực, cố gắng để đạt đến.

=> Khát vọng sống là điều mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần có.

  • Khát vọng sống đem đến cho con người năng lượng tích cực.
  • Có khát vọng sống sẽ giúp mỗi người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ.
  • Khát vọng sống giúp ta nhận thức được giá trị bản thân.
  • Khát vọng sống cũng đem đến cho con người tinh thần lạc quan và truyền cảm hứng cho những nguời xung quanh.
  • Phê phán những người sống không có niềm tin, không có khát vọng.
  • Liên hệ bản thân.

+ Kết đoạn: Tổng kết vấn đề.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Nha Trang. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?