TRƯỜNG THPT NGUYỄN VĂN RÀNH | ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
PHẦN I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Hải An mới chỉ 7 tuổi khi quyết định hiến giác mạc. Em biết mình sẽ không qua khỏi bởi căn bệnh ung thư thần kinh đệm cầu não lan tỏa. Giác mạc của em hiện đã đem lại ánh sáng cho 2 bệnh nhân nhưng nghĩa cử cao đẹp ấy của cô bé vẫn vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Bên cạnh sự ngưỡng mộ, tri ân của nhiều người với cô bé, có những người tỏ ra hoài nghi rằng không biết quyết định đó có thực sự của Hải An không, cũng có người tỏ ý phản đối việc gia đình để cô bé 7 tuổi hiến giác mạc. Bởi theo quan niệm trần sao âm vậy của người phương Đông, người sang thế giới bên kia rồi vẫn cần lành lặn. Gia đình để cô bé cho đi đôi mắt, bước sang thế giới bên kia, Hải An lấy đâu ra mắt để nhìn?
Biết rõ những thắc mắc ấy, chị Thùy Dương khẳng định, hiến giác mạc hoàn toàn là quyết định của Hải An và chị chỉ làm theo di nguyện của con. Vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống ngành y, từ ngày nhỏ, Hải An đã biết đến hiến xác qua câu chuyện bâng quơ hàng ngày với bà, với mẹ..., cô bé đã muốn hiến toàn bộ tạng và hiến giác mạc khi biết mình mắc bệnh trọng...Tôn trọng quyết định của cô gái nhỏ, chị Thùy Dương đã làm tất cả để thực hiện di nguyện của bé. Nhắc về Hải An, chị Thùy Dương tự hào: "Hải An có đôi mắt rất sáng, nhưng tâm Hải An còn sáng hơn nhiều"!
...Câu chuyện hiến giác mạc của cô bé 7 tuổi thực sự là một điều tử tế truyền cảm hứng mạnh mẽ. Ông Hoàng (Giám đốc Ngân hàng Mắt - BV Mắt TW) cho biết, từ quyết định hiến giác mạc của Hải An, đến nay đã có đến hơn 1.300 đơn đăng ký. Ngay cả chị Dương cũng đã hoàn tất việc đăng ký giác mạc của mình. Chị Dương kể rằng rất nhiều người đã chia sẻ với chị, sự ra đi của bé Hải An đã thay đổi họ. Có người tâm sự với chị rằng "Em đã từng ăn chơi trác táng, nhưng sau khi biết chuyện của Hải An, em biết rằng cuộc sống này rất đáng quý. Nếu em bảo quản thân thể của em khỏe mạnh, em sẽ mang lại sự sống cho người khác".
(Nguồn: Kênh 14.Vn)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. (0,5đ)
Câu 2. Chỉ ra thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong văn bản. (0,5đ)
Câu 3. Vì sao khi nhắc về Hải An, chị Thùy Dương tự hào: "Hải An có đôi mắt rất sáng, nhưng tâm Hải An còn sáng hơn nhiều"?(1,0đ)
Câu 4. Hành động cao đẹp của bé Hải An đã truyền cảm hứng như thế nào trong xã hội? (1,0đ)
PHẦN II. LÀM VĂN
Câu 1 (2,0 điểm):
Từ câu chuyện của bé Nguyễn Hải An, anh/ chị có suy nghĩ gì về giá trị của hạnh phúc khi được cho đi? Hãy trình bày suy nghĩ của mình bằng một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ.
Câu 2 (5,0 điểm):
Cảm nhận của anh/ chị về đoạn kết sau đây trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu:
“Không những trong bộ lịch năm ấy mà mãi mãi về sau, tấm ảnh chụp của tôi vẫn còn được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật. Quái lạ, tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai lúc bấy giờ tôi nhìn thấy từ bãi xe tăng hỏng, và nếu nhìn lâu hơn, bao giờ tôi cũng thấy người đàn bà ấy đang bước ra khỏi tấm ảnh, đó là một người đàn bà vùng biển cao lớn với những đường nét thô kệch, tấm lưng áo bạc phếch có miếng vá, nửa thân dưới ướt sũng, khuôn mặt rỗ đã nhợt trắng vì kéo lưới suốt đêm. Mụ bước những bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất, hòa lẫn trong đám đông …”
(Sách Ngữ văn 12- tập 2, trang 78, NXB Giáo dục, năm 2011)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Phần I. ĐỌC HIỂU
Câu 1
Phong cách ngôn ngữ của văn bản: phong cách ngôn ngữ Báo chí
Câu 2
Thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong văn bản: thao tác lập luận bác bỏ (bác bỏ hoài nghi của những người cho rằng không biết quyết định hiến giác mạc đó có thực sự là của Hải An).
Câu 3
Khi nhắc về Hải An, chị Thùy Dương tự hào: "Hải An có đôi mắt rất sáng, nhưng tâm Hải An còn sáng hơn nhiều" vì: tuy chỉ mới 7 tuổi nhưng cô bé đã muốn hiến toàn bộ tạng và hiến giác mạc khi biết mình mắc bệnh trọng.
Câu 4
Hành động cao đẹp của bé Hải An đã truyền cảm hứng tích cực, trong xã hội đến nay đã có đến hơn 1.300 đơn đăng ký hiến giác mạc. Ngay cả chị Dương cũng đã hoàn tất việc đăng ký giác mạc của mình. rất nhiều người đã chia sẻ sự ra đi của bé Hải An đã thay đổi họ, giúp họ hiểu ý nghĩa của cuộc sống.
Phần II. LÀM VĂN
Câu 1
Từ câu chuyện của bé Nguyễn Hải A, anh/ chị có suy nghĩ gì về giá trị của hạnh phúc khi được cho đi? Hãy trình bày suy nghĩ của mình bằng một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ
Đoạn văn phải có câu chủ đề. Các câu còn lại tập trung thể hiện chủ đề.
Nghị luận về giá trị của hạnh phúc khi được cho đi
Một vài định hướng về nội dung:
- Mỗi người có một quan niệm khác nhau về hạnh phúc
- Tuy nhiên, giá trị của hạnh phúc đích thực luôn hướng con người tới những lẽ sống cao đẹp
- Khi được cho đi tức là chúng ta đã làm việc tốt, mang lại vô vàn tình yêu thương cho cuộc sống
Cho đi là còn mãi bởi ta sẽ sống trong tim mọi người với sự quý trọng, lòng biết ơn và khi đó ta thực sự hạnh phúc...
Câu 2
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu
- Giới thiệu tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”
- Dẫn dắt vấn đề cần nghị luận
2. Thân bài
* Nội dung:
- Chi tiết “Tấm ảnh nghệ thuật trong bộ lịch cuối năm” là chi tiết khép lại truyện ngắn, đồng thời cũng là một trong những chi tiết đắt giá nhất thể hiện được quan niệm về cuộc sống và nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.
- Bức ảnh nghệ thuật được nhiếp ảnh gia Phùng chụp ở bãi biển năm nào đã trở nên nổi tiếng, trở thành tác phẩm nghệ thuật lí tưởng cho những nhà sành nghệ thuật.
=> Đó là bức ảnh hoàn mĩ, là kết tinh của vẻ đẹp toàn bích của thiên nhiên, tài năng và sự may mắn của người nghệ sĩ.
- Khi nhìn vào bức ảnh, Phùng không còn hạnh phúc như khi bắt gặp được khoảnh khắc trời cho ấy nữa mà đầy những trăn trở, suy tư bởi anh là người hiểu hơn ai hết sự thật tàn khốc đằng sau một khung cảnh toàn bích, hoàn hảo.
- Trong cảm nhận của Phùng, bức tranh không còn chất thơ mộng, lãng mạn nghệ thuật nữa mà thấm đượm hơi thở của cuộc đời.
=> Chính những cảm nhận này đã mang đến những ám thị đặc biệt cho Phùng mỗi lần nhìn lại bức ảnh mình từng chụp.
---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Mới đây, các giáo sư tâm lí học ở Trường Đại học York và Toronto (Canađa) đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt hơn.
Những nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu cảm, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.
Sau khi đã tìm thấy mối quan hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ đọc được nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện hơn, thậm chí trở thành đứa trẻ được yêu mến nhất trong nhóm bạn.
Đọc một “nội dung sâu sắc” khác với cách đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lượt qua các trang mạng. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.
Theo các nhà tâm lí học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng”.
(Trích Đọc sách văn học giúp chúng ta thông minh hơn?)
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?
Câu 2. Theo tác giả, những người thường xuyên đọc sách văn học có khả năng gì?
Câu 3. Dựa vào đoạn trích, anh/chị hãy giải thích ý kiến “Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ “sống trên mạng””.
Câu 4: Từ đoạn trích anh/chị rút ra 02 bài học cho bản thân?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Dựa vào đoạn trích phần Đọc hiểu, viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm của anh/chị về ý kiến: Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.
Câu 2 ( 5.0 điểm)
“Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra. Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải. Hắn chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp…”
(Trích Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập môt, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 30)
Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng của nhận vật Tràng trong đoạn trích trên. Liên hệ với tâm trạng nhân vật Chí Phèo vào buổi sáng sau khi gặp Thị Nở (Truyện Chí Phèo, Nam Cao, Ngữ văn 11, tập 1, NXB Giáo dục 2008) để bình luận ngắn gọn về tư tưởng nhân đạo của mỗi nhà văn.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2: Những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu cảm, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.
Câu 3: Nếu không đọc nghiêm túc, tức không “thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học” hoặc “chú tâm đọc một nội dung sâu sắc”, người ta sẽ không thể có “khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ”.
Việc đọc “mì ăn liền” của chúng ta khi lướt qua các trang mạng” hiện nay gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của chúng ta.
Câu 4: Có thể rút ra bài học cho bản thân, nhưng phải hợp lí thuyết phục.
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1:
Yêu cầu về hình thức:
- Viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu…
- Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.
Có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau: có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Yêu cầu về nội dung: Có thể làm theo hướng sau:
- Đồng tình với ý kiến trên:
+ Thói quen đọc sách, nhất là sách văn học, đang bị mai một bởi sự phát triển như vũ bão của các phương tiện nghe nhìn có kết nối mạng internet; thay vì cầm sách, người ta thường đọc trên máy tính, máy tính bảng, điện thoại...
+ Hơn nữa, do nhịp sống hiện đại, người ta có xu hướng đọc những tác phẩm ngắn hoặc đọc lướt nội dung của văn bản để nắm ý chính. Đây là hiện tượng “mì ăn liền”. Cách đọc này không thể giúp người ta có khả năng “thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ”.
- Không đồng tình với ý kiến trên:
+ Trên thực tế chúng ta thấy những tác phẩm văn học có giá trị được in thành sách vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với nhiều người, thu hút sự chú ý của nhiều độc giả. Harry Potter là một ví dụ.
+ Không phải tất cả mọi người đều quay lưng với văn học, nhiều người vẫn “thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học”.
- Vừa đồng tình vừa phản đối ý kiến: Kết hợp hai cách viết trên.
Câu 2:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông là khung cảnh làng quê và hình tượng người nông dân. Đó là mảng hiện thực mà ông gắn bó và hiểu biết sâu sắc. Ông viết chân thực và xúc động về đời sống người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết, thủy chung với quê hương và cách mạng. Sáng lên trong các tác phẩm của ông là vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam, những người sống cực nhọc, lam lũ, nghèo khổ nhưng vẫn yêu đời, chất phác, lạc quan, hóm hỉnh và tài hoa.
- Vợ nhặt của Kim Lân xứng đáng thuộc loại những truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Có nhà nghiên cứu văn học đã xếp Vợ nhặt vào loại gần như “thần bút”.
2. Phân tích
2.1. Sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn văn trên
a. Giới thiệu nhân vật Tràng
* Chân dung, lai lịch
- Lai lịch: dân ngụ cư – tha phương cầu thực, không sống được ở quê mình nên tìm đến một vùng đất khác ⟶ bị kì thị, phân biệt, đối xử.
+ Không được chia ruộng đất.
+ Không được sống cùng trong không gian của ngôi làng, phải sống ở rìa làng hoặc ngoài đê.
+ Không được tham gia sinh hoạt bất cứ sinh hoạt cộng đồng nào của làng xã.
- Gia cảnh: nghèo.
+ Gia đình chỉ có mẹ góa con côi, bố mất sớm.
+ Công việc bấp bênh, không ổn định: kéo xe bò thuê.
- Chân dung ngoại hình:
+ Hai mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều.
+ Hai bên quai hàm bạnh ra.
+ Thân hình to lớn vập vạp.
+ Vừa đi vừa lảm nhảm những điều mình nghĩ.
+ Ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch.
=> Có sức hấp dẫn với lũ trẻ con trong xóm
=> Hội tụ đầy đủ các yếu tố bất lợi để có thể lấy được vợ.
* Sự kiện mang tính bước ngoặt cuộc đời: Tràng “nhặt”vợ:
- Xuất phát từ những câu bông đùa: “Muốn ăn cơm trắng với giò/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh”
- Sự chia sẻ, thương cảm giữa những người đồng cảnh.
- Từ lời nói đùa của Tràng, thị theo về thật.
b. Phân tích sự thay đổi của nhân vật Tràng trong đoạn trích trên
* Hạnh phúc đã khơi dậy ý thức bổn phận của người đàn ông trong gia đình.
- Tràng tỉnh dậy muộn ⟶ trong người cảm thấy dễ chịu, êm ái, lửng lơ như người từ trong giấc mơ đi ra
=> Tâm trạng ngỡ ngàng trước hạnh phúc mình đang nắm giữ.
- Tràng quan sát khung cảnh đang bày ra trước mắt mình, nhận thấy cảnh tượng thay đổi mới mẻ, khác lạ:
+ Nhà cửa được dọn sạch sẽ hẳn.
+ Không khí gia đình: mẹ và vợ chung tay dọn dẹp, vun vén nhà cửa.
=> Thức dậy trong Tràng nhiều cảm xúc:
+ Thấm thía cảm động
+ Bỗng thấy thương yêu, gắn bó
+ Vui sướng, phấn chấn
=> Nhận thức mới mẻ: nhận thấy có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này.
=> Hành động: Xăm xăm chạy ra sân, muốn chung tay tu sửa căn nhà.
=> Muốn chung tay để nghênh đón tương lai tươi sáng đến với gia đình.
- Có lẽ chính những hạnh phúc khi có một gia đình khiến Tràng có những khát khao đổi đời ở phần cuối truyện. Tràng bắt đầu quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội; hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới lần khuất, ẩn hiện trong tâm trí Tràng. Đó là dấu hiệu của một tương lai tươi sáng.
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm. Vì thế, hãy chấp nhận điều đó như một lẽ tự nhiên. Khi trẻ học nói, học đi hay bất cứ điều gì, chúng đều phải nếm trải những va vấp. Chúng ta cũng vậy, có thể đằng sau những tư tưởng vừa lĩnh hội, hoặc sau sự chín chắn rèn giũa được là một thất bại, hay một bước lùi nào đó. Tuy nhiên, đừng đánh đồng những sai lầm ấy với việc ta không thể trưởng thành. Hãy hiểu rằng, như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần và hãy tin tưởng rằng mọi trải nghiệm đều đem lại cho ta những bài học quý giá nếu ta biết trân trọng nó.
Chính vì vậy, đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự. Dĩ nhiên, để đạt được điều mình mong muốn, ta phải không ngừng nỗ lực. Nhưng đừng yêu cầu cuộc đời phải viên mãn thì ta mới hài lòng và cũng đừng đòi hỏi mọi mối quan hệ phải hoàn hảo thì ta mới nâng niu trân trọng. Hoàn hảo là một điều không tưởng. Trên đời, chẳng có gì là hoàn thiện, hoàn mĩ cả. […]
Khi kiếm tìm sự hoàn hảo, người ta dễ trở nên hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người. Bởi vậy, trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có.
(Theo Quên hôm qua sống cho ngày mai - Tian Dayton, Ph. D, biên dịch: Thu Trang – Minh Tươi, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014, tr.68 - 69)
Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo tác giả, vì sao đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự?
Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chi ̣hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác (Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Huấn Cao trong cảnh cho chữ (Chữ người tử tù – Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để nhận xét quan niệm của nhà văn về vẻ đẹp con người.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
Câu 2:
Theo tác giả, đừng giữ thái độ cầu toàn trong mọi sự vì:
- Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm.
- Hoàn hảo là một điều không tưởng. Trên đời chẳng có gì là hoàn thiện, hoàn mĩ cả.
- Khi kiếm tìm sự hoàn hảo, người ta dễ trở nên hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người.
Câu 3:
Như một lẽ tự nhiên, sau một bước tiến xa luôn tồn tại một bước lùi gần có thể được hiểu như sau: sau mỗi thành công đạt được, con người luôn phải có những phút chiêm nghiệm, tự rút kinh nghiệm cho bản thân. Sau mỗi “bước tiến xa” để đi về phía trước, luôn tồn tại và cần thiết phải có những bước lùi lại, nhìn nhận những gì mình đã làm để rút ra bài học, trên cơ sở đó mới mong đạt được những bước tiến xa hơn nữa, thành công hơn nữa.
Câu 4:
- Đồng ý với quan điểm trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người cần phải học cách chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân như vốn có.
- Vì:
+ Con người là tổng thể của các mối quan hệ xã hội, phải biết chấp nhận mình cùng người khác thì mới cùng chung sống được.
+ Chấp nhận mình và người khác như bản thân vốn có để có những đánh giá đúng về bản thân mình và những người xung quanh.
+ Biết được khả năng của bản thân mình và người khác sẽ có phương hướng phát huy những ưu điểm của mình, hạn chế những khuyết điểm mà mình mắc phải. Đồng thời, biết học tập những điểm mạnh của người khác cũng như không trở nên quá hà khắc, hay phán xét bản thân và mọi người.
+ Chấp nhận mình và chấp nhận người khác như bản thân vốn có không phải là thỏa mãn với những gì mình có mà là một cách để trân trọng hiện tại, hướng tới ngày mai tốt đẹp hơn.
+ Chấp nhận người khác và chấp nhận bản thân vì không ai hoàn hảo hết. Chấp nhận nhau có nghĩa là bỏ qua sai lầm của nhau, học tập những điều tốt đẹp của nhau và cũng có nghĩa là cho cả mình và người khác cơ hội để trở nên tốt đẹp hơn.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Nghị luận xã hội
Giới thiệu vấn đề nghị luận: Ý nghĩa của sự trải nghiệm trong cuộc sống
1. Giải thích
- Sự trải nghiệm: quá trình tham gia, tìm hiểu, dấn thân thực hành các công việc khác nhau trong những vấn đề thuộc bất kì lĩnh vực nào của cuộc sống.
- Ý nghĩa của sự trải nghiệm là mang đến cho chúng ta những bài học kinh nghiệm cần thiết cho những hoạt động, việc làm, những bước tiến tiếp theo.
2. Bàn luận, chứng minh
a. Vì sao cần phải có sự trải nghiệm
- Sự trưởng thành của con người luôn song hành cùng những vấp ngã và sai lầm, không ai có thể thành công ngay từ lần đầu tiên, chính trải nghiệm giúp ta tự nhận ra ưu và khuyết điểm của mình.
- Trên đời, không có gì là hoàn hảo, hoàn mĩ nên sau mỗi lần trải nghiệm, chúng ta sẽ tự hoàn thiện bản thân để vươn tới những điều tốt đẹp hơn.
- Ai cũng cần những trải nghiệm thì mới nên người, khi nhận thức được điều đó, việc đánh giá mình và người khác cũng trở nên bớt hà khắc, tránh gây những tổn thương không đáng có cho mọi người xung quanh.
b. Ý nghĩa của trải nghiệm
- Mang đến cho chúng ta những bài học mới, nhận ra những nhược điểm, ưu điểm của bản thân cũng như những người bên cạnh, từ đó có hướng khắc phục đúng đắn để sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới. Sự trải nghiệm giúp con người trưởng thành theo thời gian.
Dẫn chứng:
+ Những kì giao lưu, cọ sát, thi thử giúp học sinh củng cố tinh thần, biết bổ sung những kiến thức còn thiếu hụt
+ Qua bao nhiêu trải nghiệm, thất bại rồi thành công, đội tuyển U23 Việt Nam mới vững vàng như ngày hôm nay để ghi tên mình trên bản đồ bóng đá châu lục.
- Trải nghiệm giúp chúng ta có cái nhìn khoan dung hơn với bản thân mình và những người xung quanh, từ đó không khiến cho chính mình và mọi người áp lực. Khi học tập và làm việc với tinh thần thoải mái, tỉ lệ thành công càng cao hơn.
Dẫn chứng:
+ Những danh nhân nổi tiếng, những doanh nhân, những người truyền cảm hứng không ít lần thất bại và sau trải nghiệm đó họ lại có thêm động lực để nghiên cứu, tìm tòi và dẫn tới thành công: Bill Gates, Steve Jobs,….
c. Phản đề
- Sự trải nghiệm luôn luôn là điều cần thiết để con người tự tích lũy, tự học tập nhưng có những thứ không cần trải nghiệm, ví dụ như sử dụng những chất cấm, làm những điều trái pháp luật…
- Phải cần có trải nghiệm mới nên người, do đó nên có cái nhìn bao dung với những lỗi lầm nhưng cũng cần ghi nhớ, có những lỗi lầm không thể tha thứ được, có những may mắn chẳng bao giờ đến lần thứ hai, nên cũng phải biết nắm bắt cơ hội để bứt phá.
3. Liên hệ bản thân
- Là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, em đã có những trải nghiệm có ích nào?
- Qua những trải nghiệm đó em rút ra được bài học gì cho bản thân và sẽ làm những điều gì tiếp theo.
Câu 2. Nghị luận văn học
1. Mở bài
Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.
- Nét nổi bật trong phong cách của ông là ở chỗ luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và thẩm mĩ, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mĩ.
- Người lái đò sông Đà là bài tùy bút được in trong tập Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân. Sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Người lái đò sông Đà cho ta diện mạo của một Nguyễn Tuân khao khát được hòa nhịp với đất nước và cuộc đời này.
- Hình tượng người lái đò sông Đà trong quá trình vượt thác là hình tượng trung tâm của tác phẩm…
2. Thân bài
* Phân tích nhân vật người lái đò sông Đà trong quá trình vượt thác
2.1. Giới thiệu chân dung, lai lịch
- Tên gọi, lai lịch: được gọi là người lái đò Lai Châu.
- Chân dung: “tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù”, “cái đầu bạc quắc thước… đặt lên thân hình gọn quánh chất sừng chất mun”.
2.2. Vẻ đẹp của người lái đò sông Đà trong quá trình vượt thác
a) Vẻ đẹp trí dũng:
* Khắc họa trong tương quan với hình ảnh sông Đà hung bạo, hùng vĩ:
Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật một cuộc chiến không cân sức:
+ Một bên là thiên nhiên bạo liệt, hung tàn, sức mạnh vô song với sóng nước, với thạch tinh nham hiểm.
+ Một bên là con người bé nhỏ trên chiếc thuyền con én đơn độc và vũ khí trong tay chỉ là những chiếc cán chèo.
* Cuộc giao tranh với ba trùng vi thạch trận
- Cuộc vượt thác lần một
+ Sông Đà hiện lên như một kẻ thù nham hiểm, xảo quyệt
+ Trước sự hung hãn của bầy thạch tinh và sóng nước, ông lái đò kiên cường bám trụ “hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”.
+ Trước đoàn quân liều mạng sóng nước xông vào (…), ông đò “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cái cuống lái, mặt méo bệch đi” nhưng vẫn kiên cường vượt qua cuộc hỗn chiến, vẫn cầm lái chỉ huy “ngắn gọn mà tỉnh táo” để phá tan trùng vi thạch trận thứ nhất.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Nguyễn Văn Rành. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !