Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Nguyễn Bá Ngọc

TRƯỜNG THPT NGUYỄN BÁ NGỌC

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

“Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương, chấn chỉnh mọi sai sót, và biến mọi lỗi lầm thành tài sản. Song, nó chỉ thích chơi với những ai có thể giết chết sự trì hoãn và biết hướng đến các mục tiêu cụ thể với mục đích rõ ràng. Cứ mỗi giây phút trôi qua, khi đồng hồ gõ đều để rút dần khoảng cách là khi thời gian đang chạy đua với từng người. Trì hoãn đồng nghĩa với thất bại, bởi không ai có thể lấy lại được thời gian đã mất – dù chỉ một giây.

Hãy tiến về phía trước với sự quả quyết và đúng lúc, rồi thời gian sẽ yêu mến bạn. Nếu bạn lưỡng lự hay đứng yên, thời gian sẽ loại bạn ra khỏi cuộc chơi. Cách duy nhất để tiết kiệm thời gian là sử dụng nó một cách khôn ngoan. Hãy cho tôi biết bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi như thế nào và tiêu tiền ra sao, tôi sẽ cho bạn biết mười năm nữa bạn là ai và đang ở đâu.

Ngày hôm nay là ngày quan trọng nhất. Đừng chờ đợi ngày mai. Hãy sống trọn vẹn cho hôm nay. Đừng để sự lo lắng, thất vọng, tức giận hay hối hận… xuất hiện trong ngày hôm nay của bạn. Tất cả đều đã thuộc về quá khứ hoặc chỉ xảy đến trong tương lai. Hãy làm việc thật nghiêm túc và sống có trách nhiệm với chính cuộc sống của mình”.

(Trích “Không gì là không thể” – George Matthew Adams, Thu Hằng dịch)

Thực hiện các yêu cầu:

1. Theo tác giả, đâu là ý nghĩa của thời gian?

2. Theo anh / chị, căn cứ vào đâu mà tác giả dám quả quyết: “Hãy cho tôi biết bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi như thế nào và tiêu tiền ra sao, tôi sẽ cho bạn biết mười năm nữa bạn là ai và đang ở đâu”?

3. Anh / chị hiểu như thế nào về câu nói của tác giả: “Nếu bạn lưỡng lự hay đứng yên, thời gian sẽ loại bạn ra khỏi cuộc chơi”?

4. Anh / chị có đồng tình với quan điểm: “Ngày hôm nay là ngày quan trọng nhất” không? Lý giải?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày quan điểm cá nhân của anh / chị về câu hỏi: “Sử dụng thời gian như thế nào được gọi là khôn ngoan?”

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của anh / chị về nhân vật người vợ nhặt qua đoạn trích sau. Từ đó làm rõ sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm của con người:

“Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:

- Điêu ! Người thế mà điêu !

Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.

- Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.

À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:

- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.

- Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.

Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.

- Đây, muốn ăn gì thì ăn.

Hắn vỗ vỗ vào túi:

- Rích bố cu, hở!

Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:

- Ăn thật nhá! ừ ăn thì ăn sợ gì.

Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:

- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.

Hắn cười:

- Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.

Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn chặc lưỡi một cái:

- Chặc, kệ!

Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về…”.

(Trích “Vợ nhặt” – Kim Lân)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Theo tác giả, ý nghĩa của thời gian là: Thời gian có thể chữa lành mọi vết thương, chấn chỉnh mọi sai sót, và biến mọi lỗi lầm thành tài sản.

2. Tác giả dám quả quyết: “Hãy cho tôi biết bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi như thế nào và tiêu tiền ra sao, tôi sẽ cho bạn biết mười năm nữa bạn là ai và đang ở đâu” vì:

- Thứ nhất: Tương lai luôn là kết quả của những suy nghĩ và hành động trong quá khứ. Cho nên, bạn trở thành như thế nào là do những quyết định mà bạn đã đưa ra.

- Thứ hai, cách sử dụng thời gian và tiền bạc quả thật là những vấn đề sống còn, quyết định tương lai của một con người. Tận dụng thời gian hiệu quả thì bạn sẽ vượt trội so với người khác, tiêu tiền hợp lí thì bạn sẽ ổn định về tài chính sớm hơn. Do vậy, nhìn vào cách tiêu thời gian và tiêu tiền hôm nay, chúng ta hoàn toàn có thể biết trước được tương lai mình như thế nào.

3. Câu nói của tác giả: “Nếu bạn lưỡng lự hay đứng yên, thời gian sẽ loại bạn ra khỏi cuộc chơi” có thể hiểu là:

- Khi bạn lưỡng lự trước một biến cố trong cuộc đời, không sớm đưa ra được những quyết định, thì thời gian không dừng lại để chờ đợi bạn. Nó sẽ trôi qua, đồng nghĩa với việc bạn có thể sẽ đánh mất những cơ hội quý giá.

- Khi bạn đứng yên, không hành động, không thay đổi, thời gian vẫn cứ trôi đi, và bạn sẽ bị tụt hậu so với người khác.

4. Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm. Tham khảo:

- Đồng tình.

- Lý giải:

+ Quá khứ là cái đã trôi qua, chúng ta không thể quay lại để mà thay đổi bất cứ điều gì.

+ Tương lai là cái chưa xảy đến, và chúng ta không thể biết trước nó sẽ xảy ra theo kịch bản nào.

+ Chỉ có giây phút này, ngay lúc này, ở đây, chúng ta được toàn quyền sử dụng thời gian theo cách thức và mục đích mà chúng ta mong muốn.

+ Và những suy nghĩ, những hành động, cách thức sử dụng thời gian của chúng ta hôm nay sẽ tạo nên số phận của chúng ta mai sau.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

- Trước hết phải nhìn nhận thời gian là thứ quý giá hơn vàng (sử dụng: Thời gian là vàng) : vì nó hữu hạn và một đi không trở lại. Từ đó mới có ý thức sử dụng thời gian khôn ngoan.

- Sử dụng thời gian khôn ngoan là nên lập kế hoạch để chủ động và có tầm nhìn trong việc sử dụng thời gian

- Sử dụng thời gian khôn ngoan là phải biết ưu tiên thời gian cho những việc quan trọng, những việc sẽ tạo dựng nền tảng cho tương lai tốt đẹp sau này

- Sử dụng thời gian khôn ngoan là phải biết tận dụng một cách hiệu quả thời gian nhàn rỗi: để vừa giúp mình phục hồi năng lượng, lại vừa có thêm kiến thức và kĩ năng trong cuộc sống.

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

đất nước ngàn năm không mỏi cánh tay cung

giáo mác Trường Sơn

cọc nhọn Bạch Đằng

đến trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận

chiếc roi cày rần rật máu cha ông

đất nước sinh ra huyền thoại tiền rồng

bọc trứng trăm con lên rừng xuống biển

mẹ lội suối trèo non

cha bạt ghềnh chắn sóng

mong mai sau nên vóc nên hình

đất nước mỗi ngày lên đón ánh mặt trời

thấy dung mạo tiền nhân nhắc lời di huấn

nghe vị mặn mồ hôi thấm đầu sông cuối bãi

vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh

(Cương thổ, Nguyễn Đức Dũng)

Câu 1: Đoạn thơ trên được viết bằng thể thơ gì?

Câu 2: Chọn những hình ảnh, từ ngữ nói lên tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm của con người Việt Nam.

Câu 3: Xác định biện pháp tu từ và hiệu quả nghệ thuật trong câu thơ “đất nước ngàn năm không mỏi cánh tay cung”.

Câu 4: Trình bày cách hiểu của em về khát vọng được thể hiện trong câu thơ: “mong mai sau nên vóc nên hình”.

II. LÀM VĂN

Câu 1: Câu thơ “vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh” trong phần Đọc hiểu nhắc nhở anh chị điều gì? Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về điều ấy.

Câu 2:

Tôi có bay tạt ngang qua Sông Đà mấy lần, và thấy đó cũng là thêm cho mình một góc độ nhìn một cách nhìn về con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình. Từ trên tàu bay mà nhìn xuống Sông Đà, không ai trong tàu bay nghĩ rằng cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình kia lại chính là cái con sống hằng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò Sông Đà. Cũng không ai nghĩ rằng đó là con sông của câu đồng dao thần thoại Sơn Tinh Thuỷ Tinh “Núi cao sông hãy còn dài - Năm năm báo oán đời đời đánh ghen”, Hình như khi mà ta đã quen đọc bản đồ sông núi, thì mỗi lúc ngồi tàu bay trên chiều cao mà nhìn xuống đất nước Tổ quốc bao la, càng thấy quen thuộc với từng nét sông tãi ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây dưới chân mình. Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai va cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân. Tôi đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên Sông Đà, tôi đã xuyên qua đám mây mùa thu và nhìn xuống dòng nước Sông Đà. Mùa xuân đồng xanh ngọc bích, chứ nước Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầu đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thư về. Chưa hề bao giờ tôi thấy dòng Sông Đà là đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào mà gọi bằng một cái tên Tây lảo lểu, rồi cứ thế mà phiết vào bản đồ lai chữ.

(Trích Người lái đò Sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008)

Anh/Chị hãy phân tích giá trị nội dung và nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích trên. Từ đó, rút ra những nét đặc trưng phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về các thể thơ đã học.

Cách giải:

Thể thơ: Tự do

Câu 2

Phương pháp: Đọc, tìm ý.

Cách giải:

Hình ảnh thể hiện tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm của con người Việt Nam là: giáo mác Trường Sơn, cọc nhọn Bạch Đằng, trẻ chăn trâu cũng cờ lau tập trận, chiếc roi cày.

Câu 3

Phương pháp: Vận dụng kiến thức về biện pháp tu từ.

Cách giải:

- Biện pháp tu từ: nhân hóa.

- Tác dụng:

+ Sử dụng hình ảnh nhân hóa giúp cho câu thơ thêm phần sinh động, người đọc dễ hình dung. + Không chỉ vậy, khi sử dụng biện pháp nhân hóa tác giả còn nhấn mạnh đến lịch sử chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước vô cùng hào hùng của dân tộc ta.

Câu 4

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.

Cách giải:

Học sinh có thể trình bày theo quan điểm của mình, cần giải thích lý do hợp lý.

Gợi ý:

Có thể hiểu câu “đất nước ngàn năm không mỏi cánh tay cung” thể hiện khát vọng: đất nước sẽ ngày càng vững mạnh, vươn tầm ra thế giới để xứng đáng với nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, để xứng đáng với sự hi sinh lớn lao của tiên tổ.

II. LÀM VĂN

Câu 1

Phương pháp:

- Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận Vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh.

- Phân tích, lí giải, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu:

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.

1. Giới thiệu vấn đề

2. Giải thích: Vạt cỏ bên đường cũng học để mà xanh:

Vạt cỏ bên đường có thể hiểu là sự vật bình dị, nhỏ bé trong cuộc sống.

Xanh thể hiện một sức sống mạnh mẽ, vươn lên mọi khó khăn, thử thách.

=> Câu thơ trên đã nhắc nhở chúng ta: bất cứ ai, dù nhỏ bé hay vĩ đại cũng cần có ý chí, nghị lực, sự nỗ lực, cố gắng để không ngừng vươn lên, bước về phía trước để đạt được thành công.

3. Bàn luận

- Trong hành trình cuộc đời chắc chắn mỗi chúng ta sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách. Những thách thứ đó chính là một loại thuốc thử để đo sức sống tiềm tàng bên trong mỗi cá nhân.

- Đứng trước khó khăn, bạn sẽ làm gì? Bình tĩnh đối mặt, tìm cách giải quyết? Hay sợ hãi, thoái lui, chấp nhận số phận? Mỗi người sẽ có những cách phản ứng khác nhau, tuy nhiên cách phản ứng tốt nhất với những khó khăn chính là đối diện với nó, nỗ lực gấp đôi để vượt qua thử thách và vươn đến thành công.

- Không có vấp ngã sẽ không tôi rèn được ý chí, không có thử thách sẽ không tạo ra những thành công. Bởi vậy, đứng trước khó khăn dù lớn hay nhỏ cũng hãy bình tĩnh đối mặt và vượt qua nó.

- Mở rộng vấn đề: phê phán những kẻ yếu đuối, thiếu ý chí, nghị lực khi vấp ngã trong cuộc sống.

- Bài học:

+ Là thế hệ trụ cột của đất nước trong tương lai, việc rèn luyện nghị lực sống là việc vô cùng quan trọng, cần thiết cho hành trang vào đời sau này của mỗi chúng ta.

+ Muốn thành công, muốn tới vinh quang thì con đường đi lại càng trông gai thử thách, ở đó không có chỗ cho những kẻ thiếu ý chí, thiếu nghị lực vươn lên.

Câu 2

Phương pháp:

- Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Phân tích giá trị nội dung và nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích. Từ đó, rút ra những nét đặc trưng phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

- Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

I. Mở bài

- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Tuân: Cuộc đời, con người và phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.

- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Người lái đò Sông Đà”: Hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.

- Khái quát nội dung của đoạn trích và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà thông qua phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân.

II. Thân bài

1. Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần sau khi về vẻ đẹp thứ hai của con sông Đà (vẻ đẹp trữ tình thơ mộng).

2. Phân tích đoạn trích.

*) Góc nhìn từ trên cao (máy bay), Sông Đà mang vẻ đẹp của một mĩ nhân.

- Từ trên cao nhìn xuống, dòng chảy uốn lượn của con sông giống như “cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình”, đặc biệt là giống như mái tóc của người thiếu nữ “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.

- Dòng sông mang vẻ đẹp của một áng tóc trữ tình mềm mại, tha thướt và duyên dáng. Đây không phải là sự phát hiện mới mẻ, sáng tạo bởi lẽ vào khoảng thế kỷ XV nhà thơ Nguyễn Trãi miêu tả núi Dục Thúy đã viết. Cái hay của Nguyễn Tuân là vừa mới đây thôi Sông Đà còn làm mình, làm mẩy còn là thứ kẻ thù số một của con người vậy mà bây giờ chỉ trong chốc lát dòng sông vặn mình hết thác và sóng nước xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông Đà lập tức khoác lên mình một dáng vẻ hoàn toàn mới trở thành một áng tóc trữ tình.

- Dòng Sông Đà như mái tóc đang ôm lấy thân hình trẻ trung, gợi cảm đầy sức sống của người thiếu nữ Tây Bắc. Vẻ đẹp của dòng sông hài hòa với núi rừng Tây Bắc, được núi rừng điểm tô thêm cho nhan sắc mĩ miều

+ Hoa ban mang màu sắc tinh khiết, hoa gạo màu đỏ rực rỡ chói lọi bung nở điểm xuyết trên mái tóc trữ tình người thiếu nữ. Sự điểm xuyết ấy lại diễn ra giữa mùa xuân khi mọi vật sinh sôi, nảy nở cho thấy sức sống mãnh liệt.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

  1. Tôi đã đọc đời mình trên là

người nâng niu lộc biếc mùa xuân

người hóng mát dưới trưa mùa hạ

người gom về đốt lửa sưởi mùa đông

 

(2) Tôi đã đọc đời mình trên lá

lúc non tơ óng ánh bình minh

lúc rách nát gió vò, bão quật

lúc cao xanh, lúc về đất vô hình

 

(3) Tôi đã đọc đời mình trên là

có thể khổng lồ, có thể bé li ti

dẫu tồn tại một giây vẫn tươi niềm kiêu hãnh

đã sinh ra

chẳng sợ thử thách gì.

(Nguyễn Minh Khiêm, Đọc đời mình trên lá, dẫn theo vannghequandoi.com.vn, 19/06/2014)

Câu 1: Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2: Anh/chị hiểu như thế nào về ý nghĩa của từ “khổng lồ” và “bé li ti” trong hai câu thơ: “Tôi đã đọc đời mình trên lá/có thể khổng lồ, có thể bé li ti”

Câu 3: Xác định và nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong khổ thơ thứ 2

Câu 4: Bài học sâu sắc nhất mà anh/chị “đọc” được từ văn bản trên? Hãy trình bày ngắn gọn ý nghĩa của bài học đó.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Từ nội dung phần Đọc hiểu, hãy viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thái độ cần thiết của mỗi người trước những thử thách trong cuộc sống.

Câu 2:

Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò sông Đà trong đoạn trích sau:

“…Vậy là phải xong cái trùng vì thạch trận vòng thứ nhất. Không một phút nghỉ tay nghi mắt, phải phải luôn vòng vây thứ hai và đổi luôn chiến thuật. Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sóng thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đã nơi di nước hiểm trở này. Vòng đầu vừa rồi, nó mở ra năm của trận, có bốn cửa từ một của sinh, của sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai này tăng thêm nhiều cửa từ để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phia bờ hữu ngạn. Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bàn sóng đáng luồng rồi, ông đồ ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trải tiền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đoàn của tử. Ông đồ vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông trảnh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sẩn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền, Chỉ còn vắng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trung vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vi thứ ba nữa...”

(Trích “Người lái đò Sông Đà”, Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, tập 1, NXB GD, 2018, tr 189)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

Phương pháp: Vận dụng những kiến thức về các phương thức biểu đạt đã học: Tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận.

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 2

Phương pháp: Phân tích, lý giải.

Cách giải:

Hai từ “khổng lồ” và “bé ti tí” có thể hiểu là:

- Nghĩa đen để nói về kích thước của những chiếc lá. Mỗi loài cây lại có những kích thước lá khác nhau, cây có lá “khổng lồ”, cây lại có lá “bé tí ti”.

- Từ đó có thể hiểu hai từ này trong câu thơ để nói về cuộc đời mỗi con người, có thể thành người “khổng lồ” đạt được nhiều thành tựu, thành công rực rỡ, cũng có thể “bé ti tí” sống khiêm nhường, lặng lẽ. Dù là người khổng lồ, hay bé tí ti thì cũng phải sống cuộc đời kiêu hãnh, đầy ý nghĩa.

Câu 3

Phương pháp: Vận dụng kiến thức về các biện pháp tu từ đã học.

Cách giải:

- Nghệ thuật ẩn dụ: non tơ, rách nát, cao xanh, về đất.

- Tác dụng:

+ Các hình ảnh ẩn dụ giúp câu thơ thêm sinh động, hấp dẫn, hàm chứa nhiều ý nghĩa.

+ Ngoài ra, sử dụng các hình ảnh ẩn dụ này tác giả đã cho thấy hành trình cuộc đời của một con người từ non tơ (khi ta còn bé, chưa va vấp), đến rách nát (khi bước vào đời, đối mặt với bao khó khăn, thất bại), rồi đến cao xanh (khi đạt được thành công) và cuối cùng là trở về với đất mẹ.

Câu 4

Phương pháp: Phân tích, lý giải, tổng hợp.

Cách giải:

Học sinh nêu bài học tâm đắc nhất với bản thân và nêu ý nghĩa. Bài học phải bám sát nội dung đoạn thơ, không xa rời với văn bản.

Gợi ý: Bài học về thái độ của mỗi cá nhân trước thách thức của cuộc sống.

II. LÀM VĂN

Câu 1

Phương pháp:

- Tìm hiểu đề, xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Thái độ cần thiết của mỗi người trước những thử thách trong cuộc sống

- Phân tích, lí giải, tổng hợp.

Cách giải:

* Yêu cầu:

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

1. Giới thiệu chung: Thái độ cần thiết của mỗi người trước những thử thách trong cuộc sống.

2. Giải thích

- Thử thách: là những thách thức, khó khăn mà chúng ta gặp phải trong công việc, cuộc sống.

3. Bàn luận

- Đứng trước những khó khăn, thách thức con người thường có hai lựa chọn:

+ Chán nản, tuyệt vọng và gục ngã, không bao giờ có thể đứng dậy bước tiếp được nữa.

+ Ứng xử thứ hai là bình tĩnh, tự tin, đứng lên đương đầu với bão tố.

- Trước những khó khăn, thách thức con người cần ứng xử thế nào?

+ Bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề, nhìn lại xem bản thân đã sai gì, sai ở đâu?

+ Sau khi tìm được cái thiếu hụt của bản thân cần điều chỉnh, sửa đổi để tránh lặp lại những sai lầm đó lần nữa.

+ Quan trọng nhất là bản thân phải có ý chí, nghị lực, phải có niềm tin và không ngừng vươn lên.

- Mở rộng vấn đề: Phê phán những người yếu đuối, dễ dàng gục ngã trước khó khăn

4. Tổng kết vấn đề

Câu 2

Phương pháp:

- Xác định rõ vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận hình tượng người lái đò sông Đà trong đoạn trích.

- Biểu cảm, bình luận, phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

I. Mở bài

- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Tuân: Cuộc đời, con người và phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.

- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Người lái đò Sông Đà”: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.

- Khái quát nội dung: Hình tượng người lái đò sông Đà.

II. Thân bài

1. Vị trí đoạn trích: Đoạn trích nằm ở phần đầu khi nói đến cuộc chiến giữa người lái đò Sông Đà với trùng vi thạch trận thứ hai.

2. Giới thiệu chân dung người lái đò.

- Tên gọi, lai lịch: Được gọi là người lái đò Sông Đà và người lái đò Lai Châu. Tên gọi đã ẩn chứa trong đó địa danh sinh sống, địa danh làm việc, nghề nghiệp. Người làm nghề chèo đò suốt dọc Sông Đà hơn mười năm liền. Nhân vật không có tên riêng mà gọi tên bằng địa danh sinh sống, địa danh làm việc. Tác giả muốn khẳng định rằng không chỉ có một ông lái đò phi phàm xuất chúng mà đây là một đại diện tiêu biểu cho vô số chất vàng mười đang lấp lánh tỏa sáng ở mảnh đất Tây Bắc.

- Chân dung: In đậm dấu ấn nghề nghiệp.

+ Tay ông lêu nghêu như cái sào,

+ Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng

+ Giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông.

+ Nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù.

+ Cái đầu bạc quắc thước… đặt lên thân hình gọn quánh chất sừng chất mun.

+ Ngực vú bả vai bầm lên một khoanh củ nâu – vết nghề nghiệp do đầu sào gửi lại. Đây là thứ huân chương lao động siêu hạng.

=> Bức chân dung rất trẻ tráng dù ông lái đò đã ngoài 70 tuổi và đây là thứ ngoại hình được hun đúc được dinh ra từ sông nước dữ dội, hiểm trở. Cho thấy sự gắn bó với nghề nghiệp của ông lái đò. Ông lái đò đã chèo lái, xuôi ngược trên Sông Đà hơn 100 lần, chính tay ông cầm lái khoảng hơn 60 lần. Ông đã gắn bó với nghề này hơn 10 năm trời.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Nguyễn Bá Ngọc. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?