TRƯỜNG THPT LẠNG GIANG | ĐỀ THI THỬ THPT QG MÔN: NGỮ VĂN NĂM HỌC: 2021 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
ĐỀ SỐ 1
PHẦN I: ĐỌC - HIỂU: (3 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
Bài học về việc đón nhận thành công luôn thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng. Với tất cả mọi người, thất bại - nhất là thất bại trong cấc mối quan hệ - thường vẫn tạo ra những tổn thương sâu sắc. Điều này càng trở nên nặng nề đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có quyền được khóc? Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng thì hãy cho phép mình được khóc. Hãy để những giọt nước mắt ấm nồng xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn. Và hãy tin rằng ở đâu đó, có một người nào đó vẫn đang sẵn lòng kề vai cho bạn tựa, muốn được ôm bạn vào lòng và lau khô những giọt nước mắt của bạn... Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa... Vì thế, hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin.
(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, tập 2 - Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.02)
Câu 1: (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2: (0,5 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa…
Câu 3: (1,0 điểm) Anh/ chị hiểu như thế nào về câu nói: đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng.
Câu 4: (1,0 điểm) Thông điệp mà Anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Tại sao chọn thông điệp đó?
PHẦN II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin trong cuộc sống được gợi ở phần Đọc hiểu.
Câu 2: (5,0 điểm)
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Phần I: Đọc - hiểu (3 điểm).
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận (0,5đ)
Câu 2: (0,5đ)
- Biện pháp tu từ: ẩn dụ: Cầu vồng (thành công), cơn mưa (khó khăn, thất bại)
- Tác dụng: làm cho cách diễn đạt trở nên gợi hình ảnh cụ thể, nhằm gợi liên tưởng một điều: Muốn có được thành công, chúng ta phải trải qua những thử thách, gian khổ.
Câu 3: (1,0đ)
Cách hiểu về câu nói: đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng: Khi gặp phải một vài thất bại đầu đời, nhiều người có thể cảm thấy cả thế giới như sụp đổ vì họ không đủ sức để chịu đựng sự thật phũ phàng, không đủ bản lĩnh để đối diện với những gì đã diễn ra, đi ngược với niềm hy vọng của họ.
Câu 4: Học sinh có thể trình bày và lí giải thông điệp tâm đắc nhất theo ý riêng, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ý: (1,0đ)
- Có niềm tin vào cuộc sống sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho chúng ta;
- Muốn có thành công, phải chấp nhận thất bại
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ (0,25đ)
Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.
(Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)
b. Xác định đúng vấn đề cân nghị luận về một tư tưởng đạo lí: ý nghĩa việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin trong cuộc sống (0,25đ)
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể: (1.0đ)
c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy ý thể hiện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.
c.2. Các câu phát triển đoạn:
- Giải thích:
+ Niềm tin: sự tin tưởng, tín nhiệm vào những điều có thể làm trong cuộc sống dựa trên cơ sở hiện thực nhất định.
+ Giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin là trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng có niềm tin làm sức mạnh tinh thần để thực hiện những điều mong ước, hoàn thành những dự định.
- Phân tích, bình luận, chứng minh:
+ Vì sao con người phải giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin?
+ Có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở.
+ Vì cuộc đời không bao giờ lường hết cho ta những hiểm nguy, gian nan, thử thách nên cần có niềm tin để vượt qua.
+ Ý nghĩa của việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin:
+ Làm cho chúng ta luôn lạc quan, yêu đời, không gục ngã trước bất kì khó khăn, thử thách nào.
+ Rèn cho chúng ta có ý chí, nghị lực để đối mặt và vượt qua những khó khăn, tỉnh táo để tìm những lời giải cho những bài toán mà cuộc sống đặt ra.
- Bàn bạc mở rộng:
+ Niềm tin là sức mạnh để vượt qua những thử thách nhưng không phải chỉ cần niềm tin là đủ. Niềm tin ấy phải dưa trên những cơ sở thực tế. Tin vào điều trống rỗng, mơ hồ sẽ càng làm chúng ta ảo tưởng vào bản thân mà thôi.
+ Phê phán những người sống bi quan, trong lòng đầy đố kị, nhỏ nhen…
c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: Tuổi trẻ cần nhận thức ánh sáng niềm tin như ngọn đèn dẫn đường để vượt qua thử thách và thất bại. Vì thế, cần tích cực học tập, rèn luyện, sống có lí tưởng cao đẹp…
d. Sáng tạo
Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25đ)
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) (0,25đ)
Câu 2. (5,0 điểm)
I. Mở bài: (0,5đ)
- Kim Lân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam trước và sau Cách mạng tháng Tám. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công là truyện ngắn “Vợ nhặt”,được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. ây là tác phẩm mà Kim Lân đã tái hiện thành công bức tranh ảm đạm và khủng khiếp về nạn đói Ất Dậu ( 1945) của nước ta.
- Trên cái nền tăm tối và đau thương ấy, nhà văn đã viết rất hay về tâm trạng của bà cụ Tứ - một người mẹ già, nghèo khổ nhưng giàu tình thương con và giàu lòng nhân hậu.
II. Thân bài: (4,0đ)
1. Khái quát về cuộc đời của bà cụ :Trước hết, xuất hiện trong tác phẩm, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ có một cuộc đời thật nhiều thương cảm: nhà nghèo, goá bụa, sống gian khổ, thầm lặng. (0,25đ)
2. Bối cảnh – tình huống và diễn biến tâm trạng của bà cụ: Bà cụ Tứ lần đầu tiên xuất hiện trong thiên truyện là lúc bóng hoàng hôn tê tái phủ xuống xóm Ngụ cư giữa ngày đói.
Cùng lúc đó, người con trai đáng thương của bà làm nghề đẩy kéo xe trên huyện, đưa một người đàn bà lạ về nhà.
a. Khởi đầu bà ngỡ ngàng trước việc có một người phụ nữ lạ xuất hiện trong nhà mình. Trạng thái ngỡ ngàng của bà cụ được nhà văn diễn tả bằng hàng loạt những câu nghi vấn: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình mình bằng u?..”
Thái độ ngạc nhiên của người mẹ, phải chăng cũng là nỗi đau của nhà văn trước một sự thật: chính sự cùng quẫn của hoàn cảnh đã đánh mất ở người mẹ sự nhạy cảm vốn có trước hạnh phúc của con (0,75đ)
b. Sau khi hiểu ra là con trai đã có vợ, bà lão không nói gì mà chỉ “cúi đầu im lặng”- một sự im lặng chứa đầy nội tâm : đó là niềm xót xa, buồn vui, lo lắng, thương yêu lẫn lộn. Bà mẹ đã tiếp nhận hạnh phúc của con bằng kinh nghiệm sống, bằng sự trả giá của một chuỗi đời nặng nhọc, bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh. (1,5đ)
- Bằng lòng nhân hậu thật bao dung của người mẹ, bà nghĩ :“Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này không?”.Trong chữ “chúng nó” , người mẹ đã đi từ lòng thương con trai để ngầm chấp nhận người đàn bà lạ làm con dâu của mình.
- Rồi tình thương lại chìm vào nỗi lo , tạo thành một trạng thái tâm lý triền miên day dứt: bà nghĩ đến bổn phận chưa tròn , nghĩ đến ông lão, đến con gái út, nghĩ đến nỗi khổ của đời mình, nghĩ đến tương lai của con …để cuối cùng dồn tụ bao lo lắng – yêu thương trong một câu nói giản dị: “ Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”.
c. Đặc biệt là sau một ngày con trai có vợ, người mẹ giàu lòng thương con ấy thật sự vui và hạnh phúc trước hạnh phúc của con: (1,5đ)
- Bà cùng con dâu dọn dẹp, thu vén căn nhà; trong bữa cơm ngày đói, bà toàn nói chuyện vui để xua đi thực tại hãi hùng, để nhen nhóm niềm tin vào cuộc sống cho con:“ Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà ”.
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
(1) Trào lưu “Like là làm” đang gây cơn sốt trong giới trẻ. Trước đó, mở đầu trào lưu này là sự việc một chàng trai có tài khoản Facebook N.T đăng chia sẻ: “Bức hình này đủ 40.000 like sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem”.
Bài viết thu hút gần 100.000 like (thích) cùng hàng nghìn bình luận cổ vũ lẫn thách thức.
Giữ đúng lời hứa “nói là làm”, tối ngày 20/9, N.T này có mặt tại cầu Tân Hóa (TP.HCM) thực hiện thử thách. Được biết, sau khi tẩm xăng đốt, do kịp thời nhảy xuống dòng kênh ngay cạnh nên N.T chỉ bị bỏng nhẹ.
Tiếp đó, hàng loạt người trẻ khác đua nhau đăng status (dòng trạng thái) thách thức dân mạng theo cú pháp quen thuộc: “Chỉ cần đủ like tôi sẽ…” và khẳng định chắc nịch “nói là làm”.
Một số thanh niên sẵn sàng đổi like lấy những hành động gây sốc như: mặc đồ lót, nhảy xuống và uống hết một ca nước sông, mặc quần áo con gái đi ra đường…
(2) Xung quanh vấn đề này, dưới góc nhìn của một nhà văn, Trang Hạ chia sẻ: “Tôi không ngạc nhiên với sự ngông cuồng của một bộ phận thanh niên trên mạng. Tuy nhiên tôi vẫn phải kinh hãi trước những hành vi thiếu nhân văn của người biết bấm like này.
(3) Trang Hạ cho rằng, không bố mẹ nào đẻ con ra với mục đích con sống cho người ta bấm like. Vậy thì tại sao người trẻ lại dùng like làm thước đo của cuộc sống? Nhân tiện, làm luôn thước đo của việc tự thiêu hay những việc như đốt trường, chạy truồng… Hóa ra nhân cách và trí tuệ chỉ dành để trang trí, còn giá trị sống của bạn là mong người ta bấm like?
(Theo Minh Giang, Trào lưu “Like là làm”: Nhân cách, trí tuệ chỉ dành để trang trí?, Báo điện tử Vietnamnet, ngày 14 tháng 10 năm 2016)
Câu 1. Xác định cách trình bày đoạn văn ở đoạn (1)? (0,5 điểm).
Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích (0,5 điểm).
Câu 3. Nhà văn Trang Hạ đã dùng những từ ngữ nào để nhận xét về hành vi của những người liên quan đến hiện tượng xã hội được đề cập trong đoạn trích trên? Theo anh (chị), nhà văn bộc lộ quan điểm, thái độ gì khi sử dụng những từ ngữ đó? (1,0 điểm).
Câu 4. Anh (chị) rút ra bài học gì sau khi đọc xong đoạn trích trên? (1,0 điểm).
II. Phần Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về trào lưu “Like là làm”được đề cập trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu (2 điểm)
Câu 2: Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” – Nguyễn Minh Châu. (5 điểm)
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1.
Cách trình bày đoạn văn ở đoạn (1): diễn dịch.
2.
Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: nghị luận.
3.
- Những người liên quan đến hiện tượng được đề cập trong đoạn trích là: những thanh niên câu like và những người bấm like. Những từ ngữ được Trang Hạ sử dụng: “ngông cuồng” (để nói về hành vi của “một bộ phận thanh niên trên mạng”) và từ “thiếu nhân văn” (để nhận xét hành vi của “những người bấm like”). (0,5 điểm).
- Qua đó, nhà văn bộc lộ thái độ phê phán, bất bình với những hành vi trên.
4.
Học sinh rút ra bài học bổ ích cho mình sau khi đọc đoạn trích. Có thể là những bài học như sau:
- Cần cảnh giác, tỉnh táo trước những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội; tránh a dua học đòi, mù quáng, gây sốc.
- Cần phê phán những “anh hung bàn phím”, những kẻ hiếu kì dung nút like để kích động người khác thực hiện những hành vi xấu, dại dột,…
- Phấn đấu tích cực trong mọi hoạt động có ý nghĩa để khẳng định giá trị đích thực của bản thân.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoaṇ văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoăc̣ song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh sống chân thành, có bản lĩnh, có ý chí, nghị lực; luôn lạc quan và hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghi luâṇ theo nhiều cách nhưng có thể theo hướng sau:
* Giải thích:
- Hiện tượng “Like là làm” là một hình thức “câu” like người đăng bài viết ra yêu cầu đủ số like (hoặc share) nhất định sẽ thực hiện một hành động nào đó như: châm xăng tự đốt, mặc đồ lót, nhảy xuống và uống hết một ca nước sông, mặc quần áo con gái đi ra đường…
* Thực trạng:
- Gần đây trào lưu “Like là làm” đang gây cơn sốt trong giới trẻ, mở đầu trào lưu này là sự việc một chàng trai có tài khoản Facebook N.T đăng chia sẻ: “Bức hình này đủ 40.000 like sẽ đổ xăng từ trên người xuống, lấy hộp quẹt tự đốt người rồi nhảy cầu Tân Hóa! Đủ like sẽ làm, tôi nói là làm. Share mạnh để có cái hay hấp dẫn mà xem”.
- Bài viết thu hút gần 100.000 like, “nói là làm”, tối ngày 20/9, N.T này có mặt tại cầu Tân Hóa (TP.HCM) thực hiện thử thách. Được biết, sau khi tẩm xăng đốt, do kịp thời nhảy xuống dòng kênh ngay cạnh nên N.T chỉ bị bỏng nhẹ….
- Nhà văn, Trang Hạ không ngạc nhiên với sự ngông cuồng của một bộ phận thanh niên, nhưng kinh hãi trước những hành vi thiếu nhân văn của người biết bấm like, dùng like làm thước đo của cuộc sống.
* Nguyên nhân:
- Do sự lệch lạc trong suy nghĩ của giới trẻ, muốn thể hiện bản thân, chơi ngông, nhanh chóng được nổi tiếng hoặc thiếu tự tin, thếu bản lĩnh ngoài thực tế dẫn đến sống ảo…
- Do đám đông vô cảm, vô tâm, vô tình, like không chỉ là ủng hộ mà châm dầu vào lửa, thách thức để xem thử mày làm thế nào? Có dám không? Có giữ lời hứa không?...
* Hậu quả (tác hại):
- Ảnh hưởng đến tính mạng, tình cảm, danh dự, nhân cách, trí tuệ, tài sản.
- Sống ảo dễ tiếp xúc với thông tin không lành mạnh, dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
- Tốn thời gian, công sức vào những việc vô bổ…
* Giải pháp:
- Luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh, không sống ảo, có bản lĩnh, có ý chí, nghị lực; luôn lạc quan và hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống.
- Cha mẹ nên quan tâm hơn đến con mình:
+ Luôn gần gũi, chia sẻ, động viên giúp đỡ con trong cuộc sống.
+ Sát sao với con để kịp thời uốn nắn những biểu hiện tiêu cực.
+ Quản lí giám sát các nội dung trên mạng xã hội để xử lí nghiêm khắc những hành vi nguy hiểm.
Nhà trường và các cơ quan đoàn thể vào cuộc;
+ Bằng những hành động thiết thực cụ thể để thanh niên có những sân chơi bổ ích, lí thú, lành mạnh để cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước.
+ Tuyên truyền về pháp luật và giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xử lí tình huống, cách thức sử dụng mạng xã hội hiệu quả.
* Bài học:
- Mạng xã hội không xấu, không có hại mà phải biết dùng mạng xã hội đúng cách, biết chọn lọc những trang bổ ích, coi đó là phương tiện kết nối với bạn bè để cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Không sống ảo, giành thời gian để giúp đỡ những người xung quanh.
- Học tập rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.
Câu 2:
Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng lí lẽ và dẫn chứng phải hợp lí, cần làm rõ được các ý chính sau.
- Giới thiệu về Nguyễn Minh Châu, tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và hình ảnh nhân vật người đàn bà hàng chài.
- Ngoại hình: Ngoài 40, thô kệch, mặt rỗ, xuất hiện với “khuôn mặt mệt mỏi”, “tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới, nửa thân dưới ướt sũng” → gợi ấn tượng về một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ, nhiều cay đắng.
- Cuộc đời, số phận: nghèo khổ, bị bạo hành
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. PHẦN ĐỌC HIỂU
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:
Chúng tôi không mệt đâu
Nhưng cỏ sắc mà ấm quá!
Tuổi hai mươi thằng em tôi sững sờ một cánh chim mảnh như nét vẽ
Nhiều đổi thay như một thoáng mây
Khi chúng tôi nằm nó vẫn ngồi nguyên đó
Ngậm im lìm một cọng cỏ may…
Những dấu chân lùi lại phía sau
Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yêu mến và mãnh liệt như cỏ
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên
Hơn một điều bất chợt
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em…
(Trích trường ca Những người đi tới biển – Thanh Thảo)
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích trên.
Câu 2. Tìm và phân tích hiệu quả của 01 biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu thơ sau:
Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yêu mến và mãnh liệt như cỏ.
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về các câu thơ sau:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Câu 4. Đoạn thơ gợi lên những vẻ đẹp nào của hình tượng người lính trong những năm chống Mĩ?
II. PHẦN LÀM VĂN
Câu 1:
Từ nội dung ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lối sống có trách nhiệm.
Câu 2:
Trình bày cảm nhận của anh/chị về nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016). Từ đó liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Kịch Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) để thấy được những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
- Thể thơ: tự do
Câu 2:
- Biện pháp nghệ thuật: so sánh, điệp cấu trúc
+ So sánh: (Mười tám hai mươi sắc như cỏ; dày như cỏ; yếu mềm và mãnh liệt như cỏ)
+ Điệp cấu trúc: như cỏ
- Tác dụng:
+ Giúp người đọc dễ hình dung những đặc điểm nổi bật của tuổi 20: kiên cường, mạnh mẽ, đoàn kết, lãng mạn, nhiệt huyết,...
+ Thái độ ngợi ca, trân trọng vẻ đẹp của những người lính thời kì đó.
Câu 3:
- Những tuổi hai mươi: cách nói về tuổi trẻ nói chung, là khoảng thời gian thanh xuân quý giá chứ không phải nói về năm 20 tuổi một cách cụ thể); "ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc". Nếu ai cũng ích kỉ, hẹp hòi, chăm lo cuộc sống của riêng mình, không có trách nhiệm với Tổ quốc thì Tổ quốc sao có thể tồn tại?
- Nội dung câu thơ: Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi công dân (đặc biệt là thế hệ trẻ) trong cuộc kháng chiến chống Mĩ: Tự nguyện, sẵn sàng hi sinh tuổi trẻ của mình để bảo vệ non sông đất nước.
Câu 4:
- Vẻ đẹp của hình tượng người lính trong những năm chống Mĩ: kiên cường, mạnh mẽ, đoàn kết, lãng mạn, nhiệt huyết,...
II. LÀM VĂN
Câu 1:
* Giới thiệu vấn đề
* Giải thích vấn đề
- "Sống có trách nhiệm" là gì? Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ bổn phận với xã hội, trường lớp, gia đình và bản thân... dám làm, dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân. Bổn phận là học sinh, là những tinh hoa tương lai của đất nước. Chúng ta phải có trách nhiệm với bản trách nhiệm với gia đình, những người xung quanh và có trách nhiệm trong quá trình học tập.
* Bàn luận vấn đề
- Biểu hiện lối sống có trách nhiệm:
+ Với xã hội: làm tròn trách nhiệm công dân, sống có ích, biết cống hiến cho cộng đồng, xã hội.
+ Với gia đình: sống có trách nhiệm với gia đình, yêu thương kính trọng cha mẹ, giúp đỡ, chăm sóc anhem.
+ Với bản thân: sống lành mạnh, không ngừng nỗ lực phấn đấu để rèn luyện và tự hoàn thiện bản thân
- Ý nghĩa lối sống có trách nhiệm:
+ Sống có trách nhiệm sẽ hoàn thành được mọi công việc nhiệm vụ được giao.
+ Luôn được mọi người tin tưởng, yêu mến.
+ Người sống có trách nhiệm còn dễ dàng vươn đến thành công trong công việc và cuộc sống
_ Chứng minh: Học sinh lấy dẫn chứng phù hợp, có phân tích ngắn gọn
* Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân
- Bên cạnh đó, trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều người vô trách nhiệm, chỉ nghĩ về lợi ích của bản thân, mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng xã hội và gia đình. Lối sống vô trách nhiệm làm băng hại đạo đức gia đình, gây tổn hại tới xã hội và bản thân chính cá nhân đó. Đây là lối sống đáng lên án.
- Liên hệ bản thân.
Câu 2:
1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Minh Châu, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
- Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu chia thành hai giai đoạn: trước những năm tám mươi, tác phẩm của ông mang khuynh hướng sử thi thiên về trữ tình lãng mạn; những năm cuối đời, ông chuyển hẳn sang cảm hứng thế sự với những vấn đề đạo đức và triết lí nhân sinh.
- Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa được viết vào tháng 8 – 1983 in đậm phong cách tự sự - triết lí của Nguyễn Minh Châu.
2. Phân tích
2.1. Giới thiệu về nghệ sĩ Phùng và câu chuyện của anh
- Phùng vốn là người lính của một thời đất nước rực lửa chiến tranh. Người lính thuở ấy luôn là biểu tượng của tình yêu, niềm tự hào, ý chí và khát vọng của cả một dân tộc.
- Hiện tại anh là nghệ sĩ nhiếp ảnh, sự hòa hợp giữa nghệ sĩ với chiến sĩ tạo nên ở anh những phẩm chất cao quý.
- Do sự phân công của trưởng phòng mà Phùng cần phải đến vùng biển miền Trung – nơi từng là chiến trường cũ của anh để săn một bức ảnh nghệ thuật cho vào bộ lịch năm sau với chủ đề thuyền và biển. Và chính chuyến đi này đã cho Phùng những trải nghiệm và nhận thức mới về cuộc sống.
2.2. Phân tích nhân vật nghệ sĩ Phùng
a. Người nghệ sĩ tài hoa, nhạy cảm trước cái đẹp:
- Là người nghệ sĩ có tài: Vị trưởng phòng khó tính khi muốn có thêm một bức ảnh nữa để bổ sung thêm vào bộ lịch năm ấy đã yêu cầu nghệ sĩ Phùng là người thực hiện nhiệm vụ. (đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn) ⟶ tin tưởng vào tài năng của Phùng.
- Là người nghệ sĩ có trách nhiệm: Khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng khoác máy ảnh lên đường đến vùng biển miền Trung để thực hiện bức ảnh, sau 1 tuần lễ phục kích cũng đã chụp được vài tấm ảnh tạm ưng ý nhưng vẫn chưa thực sự hài lòng. Hôm nào cũng dậy sớm ra vùng biển để cố gắng tìm một bức ảnh mà mình thực sự thỏa mãn.
- Là người nghệ sĩ nhạy cảm trước cái đẹp: Khi phát hiện ra cảnh đắt trời cho ⟶ xúc cảm trào dâng: rung động, tâm hồn được thanh lọc, hạnh phúc tràn ngập tâm hồn, lôi máy ảnh ra bấm liên thanh…
b. Người nghệ sĩ có tấm lòng với cuộc đời và con người:
* Lần thứ nhất chứng kiến cảnh bạo hành gia đình:
- Sẵn sàng vứt chiếc máy ảnh xuống đất để nhào tới can thiệp giúp đỡ người đàn bà khốn khổ mặc dù chiếc máy ảnh rất quý, đặc biệt là đối với người nghệ sĩ như anh, nhất là khi nó còn đang chứa đựng kiệt tác nghệ thuật. Tuy nhiên, hơn cả sự quý giá về vật chất và tinh thần, đó là con người.
* Lần thứ hai chứng kiến cảnh bạo hành gia đình:
- Tuy đã thực hiện xong nhiệm vụ được giao nhưng vẫn ở lại vì anh quan tâm đến gia đình hàng chài này, thấy mình không thể đứng ngoài cuộc mà phải làm điều gì đó.
- Khi chứng kiến cảnh bạo hành gia đình lần hai nghệ sĩ Phùng đã lao ra can thiệp kịp thời và bị thương.
- Nhờ bạn mình là chánh án tòa án huyện giúp đỡ gia đình này.
c. Người nghệ sĩ luôn trăn trở với thiên chức nghề nghiệp của mình:
* Nhận thức qua hai phát hiện ban đầu:
- Phát hiện về cái đẹp, cái thiện.
- Phát hiện về cái xấu, cái ác đằng sau cái đẹp, cái thiện.
=> Chiếc thuyền ngoài xa chính là hình ảnh cuộc đời khi nhìn ở tầm xa, khi quan sát với cái nhìn hời hợt ⟶ Cần nhìn nhận con người, sự việc thấu đáo, toàn diện.
- Phê phán vị trưởng phòng ⟶ phê phán những quan điểm nghệ thuật đang tồn tại nhan nhản trong thời kì trước đổi mới ⟶ người nghệ sĩ phải thay đổi, trước hết là thay đổi tư tưởng.
* Nhận thức qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài:
- Cuộc đời và con người rất phức tạp ⟶ Đòi hỏi người nghệ sĩ phải dấn thân, phỉa dùng cái tâm của mình để cảm nhận, khám phá mới thấu hiểu hết được.
* Nhận thức mới khi đứng trước tấm ảnh của chiếc thuyền ngoài xa:
- Nghệ thuật phải gắn liền với cuộc sống, không được xa rời cuộc sống và phải quay trở về để phục vụ cuộc sống.
2.3. Liên hệ với nhân vật Vũ Như Tô trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Huy Tưởng là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một trong những cây bút có đóng góp quan trọng cho văn học Việt Nam hiện đại.
- Nguyễn Huy Tưởng có thiên hướng rõ rệt về đề tài lịch sử, khao khát sáng tạo được những tác phẩm có quy mô lớn, dựng được những hình tượng hoàng tráng về lịch sử dân tộc. Ông có nhiều thành công hơn ở thể loại tiểu thuyết và kịch.
- Vũ Như Tô là vở bi kịch lịch sử năm hồi viết về sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517, dưới triều Lê Tương Dực. Tác phẩm được Nguyễn Huy Tưởng viết xong vào mùa hè năm 1941, đề tựa tháng 6 – 1942. Từ vở kịch ba hồi đăng trên tạp chí Tri tân năm 1943 – 1944, được sự góp ý của nhiều nhà văn tiến bộ, Nguyễn Huy Tưởng đã sửa thành vở kịch năm hồi.
* Phân tích nhân vật Vũ Như Tô
- Nhà kiến trúc sư tài ba có khát vọng lớn lao.
- Một người nghệ sĩ sai lầm trong suy nghĩ và hành động.
---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Lạng Giang. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !