Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Huỳnh Ngọc

TRƯỜNG THPT HUỲNH NGỌC

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

…“Đất nước

Của những dòng sông

Gọi tên nghe mát rượi tâm hồn

Ngọt lịm những giọng hò xứ sở

Trong sáng như trời xanh, mượt mà như nhung lụa

Đất nước

Của những người mẹ

Mặc áo thay vai

Hạt lúa củ khoai

Bền bỉ nuôi chồng, nuôi con chiến đấu

Đất nước

Của những người con gái con trai

Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép

Xa nhau không hề rơi nước mắt

Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt”…

(Trích “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi!”, Nam Hà)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào ? (0,5 điểm)

Câu 2. Tác giả đã dùng những hình ảnh nào để nói về đất nước ? (0,5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ dưới đây:

“Đất nước

Của những người con gái con trai

Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép”

Câu 4. Anh/chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong đoạn trích. (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về vấn đề: Tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước ?

Câu 2 (5,0 điểm)

“Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá. Mà nó còn là những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời. Có vách đá thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu. Đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia. Ngồi trong khoang đò qua quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.

Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy. Quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra.

Lại như quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La. Trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu. Nước ở đây thở và kêu như cửa cống cái bị sặc. Trên mặt cái hút xoáy tít đáy, cũng đang quay lừ lừ những cánh quạ đàn. Không thuyền nào dám men gần những cái hút nước ấy, thuyền nào qua cũng chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Chèo nhanh và tay lái cho vững mà phóng qua cái giếng sâu, những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào. Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”…

(Trích “Người lái đò Sông Đà”, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo Dục Việt Nam 2020, tr. 186-187)

Cảm nhận của anh/chị về nét tính cách dữ dội và hung bạo của con sông Đà được thể hiện qua đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về chất tài hoa uyên bác trong tùy bút của Nguyễn Tuân.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Đoạn trích được viết theo thể thơ: Tự do

2. Tác giả dùng những hình ảnh: dòng sông; những người mẹ; những người con gái, con trai để nói về đất nước.

3.

- Biện pháp tu từ: So sánh / Liệt kê (0,25)

- Tác dụng: Làm nổi bật vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam. Họ vừa đẹp lại vừa anh dũng, kiên cường (0,75)

4. Tác giả ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Qua đó thể hiện lòng yêu mến, niềm tự hào đối với đất nước.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Tuổi trẻ cần làm gì để thể hiện lòng yêu nước?

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận, nhưng phải đúng trọng tâm mà đề bài yêu cầu. Tham khảo:

- Tuổi trẻ cần ghi nhớ truyền thống hào hùng của dân tộc; ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân.

- Tuổi trẻ cần ra sức học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội.

- Tuổi trẻ cần tham gia tích cực vào các hoạt động góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước.

- Tuổi trẻ cần có trách nhiệm đấu tranh chống lại những vấn đề tiêu cực trong xã hội.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ

---(Để xem tiếp đáp án phần Làm văn vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Có một lần tụ tập ăn uống cùng bạn bè, cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước, hốt hoảng kêu lên: “Chết rồi, làm thế nào bây giờ?", cậu bạn ngồi cạnh bật cười: “Nước đổ mất rồi, còn làm thế nào được nữa, lau đi thôi!". Câu chuyện trên chỉ là một tình huống nhỏ, nhưng lại mang đến một triết lý ít người hiểu thấu: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, không nhiều người có thể nắm bắt được triết lý này, khi ly nước bị đổ, nếu không tự oán trách thì họ sẽ chuyển sang tìm nguyên nhân, tự làm loạn suy nghĩ của mình, lãng phí thời gian và sức lực của bản thân, mà quên không làm một động tác đơn giản đó là lau sạch nó.

Chấp nhận hiện thực là một phần rất quan trọng nhưng cũng rất khó thực hiện trong cuộc sống. Dù bạn có thừa nhận hay không, cuộc sống vẫn biến mất không ngừng. Khi còn nhỏ, chúng ta sẽ mất đi răng sữa, lên trung học sẽ mất đi tuổi thơ, lớn thêm chút nữa thì mất đi mối tình đầu, mất đi tuổi thanh xuân, mất người thân, mất đi sức khỏe... Không mất đi thì sẽ không có tương lai. Mỗi lần đối diện với sự mất mát, nếu như chúng ta chỉ khư khư ôm lấy những ký ức từng có trong quá khứ, không muốn đối diện với thực tại, thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng thể tiến về phía trước, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Sự đổi thay này là một môn học bắt buộc trong quá trình trưởng thành của đời người. Chỉ khi chấp nhận sự thay đổi diễn ra trước mắt, chúng ta mới có được cuộc sống mới mẻ hơn.

Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao.

 (Trích Sống chậm lại rồi mọi chuyễn sẽ ổn thôi, Alpha book biên soạn, NXB Lao động xã hội, 2014)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính trong văn bản trên.

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ cú pháp trong câu: Nếu như mãi khóc vì bỏ lỡ vầng dương, vậy bạn cũng sẽ bỏ lỡ bầu trời đầy sao. Nếu như bạn không thể ngừng khóc khi bỏ lỡ mặt trời, vậy xin hãy lau khô nước mắt, chờ đợi bầu trời đêm tràn ngập những ánh sao.

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về triết lí được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước?

Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với câu nói: Không mất đi thì sẽ không có tương lai. Nêu rõ lí do tại sao.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Phân tích tâm trạng và hành động của Phùng (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) trong hai phát hiện trên bờ biển để làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

Phần I. Đọc hiểu

1.

* Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ.

* Cách giải:

- Phương thức biểu đạt: nghị luận

2.

* Phương pháp: phân tích, tổng hợp

* Cách giải

- Biệp pháp tu từ cú pháp: lặp cấu trúc : Nếu như mãi…Nếu như bạn…

- Tác dụng: cách lặp cấu trúc câu làm cho cách diễn đạt có tác dụng nhấn mạnh về một lời khuyên chân thành dành cho những người đang nuối tiếc quá khứ mà bỏ quên tương lai tươi đẹp trước mắt.

3.

* Phương pháp: phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Hiểu về triết lí được rút ra từ sự việc cô bạn tôi chẳng may làm đổ ly nước:

- Triết lí đó là: ly nước bị hất đổ là hiện thực, vậy hãy chấp nhận và lau sạch nó

- Cách hiểu: con người cần chấp nhận sự thay đổi, vạn biến của cuộc đời qua từng giờ, từng ngày. Từ những biến chuyển đó mà ta tiếp tục tiến về phía trước với niềm tin và hy vọng để có cuộc sống tốt đẹp hơn

4.

* Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

* Cách giải:

Thí sinh có thể đồng tình/không đồng tình hoặc đồng tình một phần với câu nói: Không mất đi thì sẽ không có tương lai.

Cần có lí giải lí do hợp lí, hợp tình, hợp chuẩn mực pháp luật và đạo đức.

- Nếu đồng tình với câu nói: Quy luật cuộc sống là sự vận động không ngừng theo chiều hướng đi lên, tích cực. Những gì cũ kĩ, lạc hậu sẽ mất đi để thay vào đó là cái mới, cái tiến bộ…

- Nếu không đồng tình: Tuy chúng ta chấp nhận sự mất đi của sự vật, hiện tượng để hướng về tương lai nhưng thực tế cuộc sống vẫn có những điều không thể mất đi. Những giá trị tinh thần mang tính vĩnh hằng như niềm tin, đạo lí, chân lí, lòng tốt…luôn tồn tại bền vững trước thời gian nghiệt ngã.

- Nếu đồng tình một phần: kết hợp 2 ý trên.

Phần II. Làm văn

* Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

* Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

1. Giới thiệu chung về nhà văn Nguyễn Minh Châu, tác phẩm và vấn đề cần nghị luận: tâm trạng và hành động, vẻ đẹp tâm hồn của Phùng và tư tưởng mà nhà văn muốn gửi đến người đọc

2. Phân tích

- Tóm lược cốt truyện và giới thiệu bối cảnh tạo nên hai phát hiện của Phùng.

- Phát hiện thứ nhất: Khi chứng kiến bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ, một cảnh đắt trời cho, Phùng đã bối rối (bất ngờ, hồi hộp), hạnh phúc, cảm thấy tâm hồn được gột rửa. Và Phùng đã nhanh tay bấm máy, thu kiệt tác nghệ thuật này vào trong máy ảnh.

=> Tâm trạng và hành động của Phùng đã chứng tỏ sức mạnh của nghệ thuật, của cái Đẹp; Phùng là nghệ sĩ có tài, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.

- Phát hiện thứ hai: Khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình, Phùng bất ngờ, ngạc nhiên vì anh không ngờ rằng chiếc thuyền từ ngoài xa là một khung cảnh toàn thiện, toàn mĩ nhưng khi đến gần là một cảnh tượng phi thẩm mĩ, phi nhân tính. Sau đó anh đã vứt máy ảnh để chạy nhào về phía người đàn ông và người đàn bà.

=> Hành động quả cảm của Phùng đã thể hiện anh là một nghệ sĩ biết căm phẫn, dám đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác; biết xử lí đúng đắn mỗi quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời.

* Đánh giá chung:

- Nghệ thuật: Tình huống truyện độc đáo; cách kể chuyện sinh động hấp dẫn làm “nổi hình, nổi sắc nhân vật”, ngôn ngữ đời thường mà đậm chất tự sự - triết lí …

- Nội dung: 

+ Phùng là kiểu nhân vật tư tưởng gửi gắm quan niệm của Nguyễn Minh Châu về cái nhìn cuộc đời: Cuộc đời chứa đựng nhiều nghịch lí, không thể đơn giản khi nhìn nhận mà cần có một cái nhìn đa dạng, nhiều chiều để phát hiện ra bản chất sau vẻ đẹp bề ngoài.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu sau:

Warren Buffet từng nói: "Không bao giờ có ai giống bạn." Một ý tưởng rất thâm thúy. Một con người khôn ngoan. Không bao giờ có ai giống như tôi. Và không bao giờ có ai giống như bạn. Sẽ có người cố gắng bắt chước cách bạn suy tư, nói năng, hành động. Nhưng dù cố gắng hết sức họ cũng chỉ đứng hàng thứ hai mà thôi. Vì bạn là duy nhật. Một bản thể duy nhất tồn tại hôm nay. Giữa hàng tỷ người khác. Hãy dừng lại và suy nghĩ về điều này. Bạn chợt nhận ra rằng mình đặc biệt. Và không thể có ai tranh giành được.

Thế thì hôm nay, bạn làm gì khi bước vào thế giới cần những con người thể hiện vượt trội trong cuộc sống từ trước đến giờ? Bạn đã bộc lộ hết mọi khả năng tiềm ẩn chưa? Bạn có là chính mình? Hãy tự hỏi. Bởi vì không còn lúc nào thể hiện chính mình tốt hơn lúc này. Và nếu không phải bây giờ thi khi nào? Tôi nhớ đến lời của triết gia Herodotus: "Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nửa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước, còn hơn giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra." Một lời nói tuyệt đẹp.

(Trích “Hãy là chính mình” - Robin Sharma)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 2. Anh/chị hiểu câu nói: “Không bao giờ có ai giống bạn” thế nào?

Câu 3. Nêu hiệu quả của hàng loạt các câu hỏi tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn trích.

Câu 4. Câu nói: “Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nửa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước, còn hơn giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra" gợi cho anh chị suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm) 

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc ý thức là chính mình của giới trẻ hiện nay.

Câu 2. (5,0 điểm)

Trong bài thơ “Tây Tiến", nhà thơ Quang Dũng miêu tả về hình ảnh người lính:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Và:

Tây Tiểu đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ trên, từ đó làm sáng tỏ nhận xét: “Tây Tiến phảng phất nét buồn, nét đau thương, nhưng buồn đau mà không bi lụy, ngược lại rất bi tráng” - Trần Lê Văn.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

- Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.

Câu 2.

- Câu nói: “Không bao giờ có ai giống bạn” được hiểu:

+ Bản thân chúng ta là một bản thể độc lập và duy nhất, không ai có thể giống như mình, hay bắt chước để giống như mình từ suy nghĩ đến hành động, cách nói năng hay ngoại hình...

+ Qua đó, tác giả muốn chúng ta phải biết trân trọng bản thân.

Câu 3. 

- Các câu hỏi tu từ: Bạn làm gì khi bước vào thế giới cần những người thể hiện vượt trội trong cuộc sống từ trước đến giờ? Bạn đã bộc lộ hết mọi khả năng tiềm ẩn chưa? Bạn đã tiết lộ con người chân thật của mình chưa? Bạn có là chính mình?

+ Hiệu quả của hàng loạt các câu hỏi tu từ được tác giả sử dụng nhằm tạo giọng điệu suy tư, trăn trở về việc chúng ta sống còn giấu mình, chưa bộc lộ, chưa phát huy hết khả năng sẵn có trong con người thực sự của chính mình.

+ Thông qua đó, tác giả nhắc nhở chúng ta, đặc biệt là giới trẻ sống phải biết phát huy năng lực, cống hiến hết mình, thể hiện bản thân sao cho xứng đáng.

Câu 4. Câu nói: “Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nữa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước, còn hơn giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra", gợi suy nghĩ:

- Khi ta xác định “sống là chính mình" hoặc thay đổi cuộc sống, công việc, mục tiêu hiện tại thì sẽ có những khó khăn, những trở ngại vì phải thích nghi với những điều mới, làm quen với những điều mà ta chưa từng trải qua. Nhưng:

+ “Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nửa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước”; có nghĩa là chúng ta chấp nhận những khó khăn, những rủi ro thất bại, những vấp ngã để cho ta kinh nghiệm, để giúp ta trưởng thành còn hơn là đứng yên một chỗ không chịu thay đổi. Những rủi ro, những chuyện xấu mà ta gánh chịu có thể là một nửa hoặc thậm chí thất bại hoàn toàn, thì ít nhất cũng cho ta những bài học, Điều đáng quý hơn cả là ta dám chấp nhận rủi ro mà hành động.

+ “Giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra”; “những điều có thể xảy ra" ở đây chính là rủi ro, những khó khăn thất bại, những trở ngại, “Giữ mãi sự tố danh hèn nhát” là chúng ta không dám thay đổi, không dám vượt qua mặc cảm của bản thân, không dám sống là chính mình, không tự tin phát huy khả năng tiềm ẩn, không dám tiết lộ con người chân thật của mình.

II. LÀM VĂN 

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc ý thức là chính mình của giới trẻ hiện nay.

Mở đoạn: Khi con người hiểu rõ về bản thân mình, sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công có đến với họ hay không. Điều đó như đánh thức suy nghĩ là chính mình trong chúng ta, đặc biệt là giới trẻ ngày nay.

Thân đoạn: 

1. Là gì? (Giải thích vấn đề: “Chính mình” là gì?)

+ “Chính mình” là sống đúng với tính cách, con người, suy nghĩ, sở thích của mình; Sống thật với những gì tự nhiên vốn có, không gò ép, không áp đặt, không sống để làm vui lòng hay chiều theo ý của người khác.

+ “Ý thức là chính mình” nghĩa là bản thân mình phải hiểu, phải xác định được những gì mình cần, những gì mình thích, những gì mình mong muốn trong cuộc sống. Nếu bạn mạnh mẽ hãy cứ dũng cảm khoác lên mình những bộ đồ cá tính, đừng vì “không phù hợp” mà tỏ ra dịu dàng. (Nếu bạn thích trường Đại học Ngoại thương hãy cứ mạnh dạn đăng ký và quyết tâm để đạt được mục tiêu, đừng vì lời gièm pha của bạn bè mà từ bỏ.)

2. Tại sao cần “ý thức là chính mình”?

+ Bởi xã hội ngày càng phức tạp, để sống là chính mình không phải chuyện dễ dàng. Chúng ta thường bị đầu hàng trước những nỗi sợ hãi, bị mê hoặc bởi những cám dỗ hay thiếu bản lĩnh, không có quan điểm rõ ràng, thích chạy theo số đông, không muốn làm mất lòng người khác...

+ Nếu không được sống là chính mình thì chúng ta sẽ chỉ biết sống một cách gượng ép, hôm nay giống người này, ngày mai giống người kia, hôm nay theo ý người này, ngày mai theo ý người khác... Như vậy, ta sẽ mãi không tìm được lối đi riêng.

+ Đến lúc tuổi trẻ qua đi, hoặc đã quá mệt mỏi khi phải gồng mình lên sống theo ý người khác, chúng ta sẽ thấy mệt mỏi, chán nản và thất vọng, và chắc chắn sẽ phải - sống trong sự tiếc nuối vì đã không sống là chính mình.

3. Làm thế nào để “ý thức là chính mình”?

+ Chúng ta phải xây dựng, học tập, rèn luyện cho mình một cái tâm vững vàng, một trí tuệ sắc sảo, một nền kiến thức vững vàng, tự hình thành cho mình những kỹ năng sống, những quan điểm sống rõ ràng.

+ Không chạy theo số đông, không mù quáng tin tưởng, không sống theo ý người khác, cũng không nên ích kỉ chỉ vì bản thân.

+ Phải xác định rõ: bản thân cần gì, mong muốn gì, mục tiêu trong cuộc sống là gì để cố gắng theo đuổi, ra sức học tập để đạt được.

4. Dẫn chứng chứng minh: Hoa hậu hoàn vũ H'Hen Niê

Đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nhưng không được công chúng đón nhận. Tuy nhiên cô gái người Ê-đê mạnh mẽ vẫn luôn tự ý thức được bản thân, ý thức được nhan sắc của mình có thể đáp ứng đầy đủ tiêu chí của cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ thế giới” mà H'Hen đã không quản ngày đêm rèn luyện kỹ năng, trau dồi kiến thức để mang chuông đi đánh xứ người. Kết quả chung cuộc, H'Hen lọt vào TOP 5 Hoa hậu hoàn vũ thế giới - thành tích cao nhất mà đại diện Việt Nam từ trước đến nay đạt được. Qua đó, H'Hen Niê đã giúp cho giới trẻ hiểu rõ hơn về việc “ý thức là chính mình” để tự tin bước vào đời, bước vào tương lai, cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự phát triển của xã hội của đất nước.

Kết thúc vấn đề.

Câu 2. Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ trên, từ đó làm sáng tỏ nhận xét: “Tây Tiến phảng phất nét buồn, nét đau thương, nhưng buồn đau mà không bi lụy, ngược lại rất bi tráng” - Trần Lê Văn.

* Mở bài

- Nêu được vấn đề sẽ triển khai trong bài viết:

+ Hình ảnh người lính: Hình ảnh người lính hi sinh giữa bao khó khăn gian khổ trên con đường hành quân hùng vĩ dữ dội và tâm hồn vừa lãng mạn hào hoa vừa gợi lên kiêu hùng, bi tráng giữa bao gian khổ, thiếu thốn trong kháng chiến.

+ Dẫn dắt được nhận xét: “Tây Tiến phảng phất nét buồn, nét đau thương, nhưng buồn đau mà không bị lụy, ngược lại rất bi tráng”.

- Đôi nét về tác giả, tác phẩm:

+ Nhà thơ Quang Dũng: là một nghệ sĩ đa tài (làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc...), nhưng trước hết ông là một thi sĩ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu và tài hoa.

+ Bài thơ “Tây Tiến”: Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng và thơ ca kháng chiến chống Pháp.

* Thân bài

1. Nêu khái quát về bài thơ:

+ Nguồn cảm xúc chủ đạo và xuyên suốt bài thơ chính là nỗi nhớ da diết của tác giả về vùng núi Tây Bắc và binh đoàn Tây Tiến.

+ Nổi bật lên giữa thiên nhiên vừa hùng vĩ dữ dội, đầy hiểm trở vừa thơ mộng trữ tình là hình ảnh người lính không ngại khó khăn gian khổ, hi sinh thiếu thốn với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, với lý tưởng cao đẹp: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

2. Cảm nhận hai đoạn thơ:

a. Đoạn thơ thứ nhất: Hình ảnh người lính hi sinh giữa bao khó khăn gian khổ trên con đường hành quân hùng vĩ dữ dội giữa thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Dẫn dắt vào phân tích: Đoạn thơ thứ nhất với bốn câu thơ đầu là hình ảnh người lính hi sinh giữa bao khó khăn, gian khổ trên con đường hành quân hùng vĩ, dữ dội giữa thiên nhiên núi rừng Tây Bắc khắc nghiệt...

- 2 câu đầu: Sự hi sinh của người lính giữa thiên nhiên khắc nghiệt.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

+ Người lính Tây tiến trong cuộc hành quân gian khổ trên những cung đường hùng vĩ dữ dội đã có người ngã xuống vì kiệt sức: “Dãi dầu” là dầm mưa dãi nắng, thấm đẫm sương đêm, trải qua biết bao vất vả khó nhọc; “Không bước nữa” là kiệt sức, là không còn sức lực để bước tiếp: “Gục lên súng mũ” là ngã xuống, nằm xuống “bỏ quên đời” là hi sinh, mất mát.

+ Cách nói giảm nói tránh: “không bước nữa”, “bỏ quên đời” để làm giảm cái bi lụy đi thay vào đó là chất bi tráng, hào hùng.

+ Câu cảm thán: Bày tỏ sự thương tiếc, sự biết ơn đến những người lính đã không màng tuổi trẻ, tuổi xuân của mình để sống và chiến đấu.

- 2 câu sau: Thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hoang vu, hẻo lánh luôn ẩn chứa những hiểm nguy, cái chết luôn rình rập và có thể đến bất cứ lúc nào.

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

+ Phép nhân hóa: “cọp trêu người – thác gầm thét” để tô đậm sự hoang vu, bí hiểm của núi rừng Tây Bắc.

+ Điệp ngữ: “Chiều chiều”, “đêm đêm” gợi ra không gian về khuya, khi bóng tối tràn ngập thì những hiểm nguy từ thú dữ “cọp” luôn rình rập.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Huỳnh Ngọc. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?