Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 trường THPT Đoàn Thượng

TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG

ĐỀ THI THỬ THPT QG

MÔN: NGỮ VĂN

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

"Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

- Chưa đâu! Và ngay cả trong những ngày đẹp nhất

Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn

Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc

Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng...

Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả

Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn!

Trái cây rơi vào áo người ngắm quả

Đường nhân loại đi qua bóng lá xanh rờn

Mặt trời đến mỗi ngày như khách lạ

Gặp mỗi mặt người đều muốn ghé môi hôn...

...Không ai có thể ngủ yên trong đời chật

 

Buổi thuỷ triều vẫy gọi những vầng trăng

Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt

Gỗ trăm cây đều muốn hoá nên trầm

Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt

Mỗi con sông đều muốn hoá Bạch Đằng...."

 (Trích Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng? - Chế Lan Viên - NXB Văn học, 2002)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Chỉ ra những nhân vật lịch sử của dân tộc được tác giả nhắc đến trong đoạn trích?

Câu 3. Nêu hiệu quả của câu hỏi tu từ trong câu thơ: "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?"

Câu 4. Anh/Chị hãy nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước được thể hiện trong đoạn trích.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sức mạnh của những khát vọng lớn lao trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

"... Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới":

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...

Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

- Nhà ta nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau...."

(Trích Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 28, 29)

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích trên để thấy được tình mẫu tử là cội nguồn tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người mẹ nghèo. Từ đó, nhận xét về tình cảm nhân đạo của nhà văn dành cho người lao động.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. ĐỌC – HIỂU

Câu 1. Đoạn trích được viết theo thể thơ: tự do

Hướng dẫn chấm:

- Thí sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm

- Thí sinh trả lời sai: không cho điểm

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những nhân vật lịch sử là:

- Nguyễn Trãi

- Nguyễn Du

- Nguyễn Huệ

- Hưng Đạo (Trần Hưng Đạo/ Trần Quốc Tuấn)

Hướng dẫn chấm

-Thí sinh trả lời được 4 ý: 0,75 điểm

- Thí sinh trả lời được2 đến 3 ý: 0,5 điểm

- Thí sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm

Câu 3. Hiệu quả của câu hỏi tu từ là:

- Khẳng định vẻ đẹp của Tổ quốc trong hiện tại.

- Thể hiện niềm tự hào về Tổ quốc của tác giả.

- Tạo giọng điệu hào hùng cho câu thơ.

Hướng dẫn chấm

- Thí sinh trả lời đúng 3 ý: 1.0 điểm

- Thí sinh trả lời được 2 ý: 0,5 điểm

- Thí sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm

Câu 4. Nhận xét về tình cảm của tác giả đối với đất nước

- Tác giả thể hiện niềm hạnh phúc, vui sướng, tự hào khi được sống trong thời khắc lịch sử của dân tộc, khao khát cống hiến cho tổ quốc .

- Tác giả có tình yêu đất nước thiết tha, sâu sắc...

Hướng dẫn chấm:

- Thí sinh trả lời được 2 ý: 0,5 điểm

- Thí sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết đoạn văn về sức mạnh của khát vọng lớn lao trong cuộc sống

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng- phân- hợp, móc xích hoặc song hành

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

- Sức mạnh của khát vọng lớn lao trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ về sức mạnh của khát vọng lớn lao trong cuộc sống. Có thể triển khai theo các hướng:

- Khát vọng lớn lao là mong muốn những điều tốt đẹp cho cuộc đời.

- Khát vọng lớn lao tạo nguồn sức mạnh tinh thần thôi thúc chúng ta nỗ lực để thành công trong cuộc sống...

- Khát vọng lớn lao là ngọn lửa nung nấu lòng hăng say, nhiệt huyết, đam mê để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách...

- Khát vọng lớn lao sẽ định hướng mục tiêu, lẽ sống của mỗi cá nhân, làm cho cuộc sống có ý nghĩa tích cực...

Hướng dẫn chấm:

- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (1,0 điểm)

- Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 -0,75 điểm)

- Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục; lí lẽ không xác đáng không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm)

Lưu ý: HS có thể trình bày theo quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: HS huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

- Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm

- Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm

---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản

Hãy đứng lên từ nơi em vấp ngã

Biết ăn năn và sửa đổi sai lầm

Cuộc đời sẽ không tuyệt đường ai cả

Em nhớ rằng hạnh phúc đến từ tâm...

Mình sức trẻ nên nề chi gian khổ

Phàm là người ai chẳng muốn thảnh thơi

Đời tuy rộng nhưng đời không có chỗ

Cho những người sống chỉ biết ham chơi...

Em thấy đấy, cây tìm nguồn lòng đất

Loài chim muông cũng lặn lội kiếm mồi

Mình cao thượng mình coi thường vật chất

Nhưng không tiền thì chết đói...vậy thôi...

(Hãy đứng lên từ nơi em vấp ngã - Thơ tự do)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Văn bản trên được viết theo thể thơ nào? (0,5 điểm)

Câu 2: Hãy chỉ ra hai câu thơ trong bài có nội dung khuyên nhủ. (0,75 điểm)

Câu 3: Những dòng thơ sau đây giúp anh/chị hiểu như thế nào về ý tưởng của tác giả ?

Cuộc đời sẽ không tuyệt đường ai cả

Em nhớ rằng hạnh phúc đến từ tâm... (0,75 điểm)

Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan điểm của người viết trong hai câu thơ:

Mình cao thượng mình coi thường vật chất

Nhưng không tiền thì chết đói...vậy thôi... (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của việc đứng lên từ nơi vấp ngã.

Câu 2. (5,0 điểm)

Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia ? Sao lại chào mình bằng u ? [...]. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu.

Tràng tươi cười:

- Thì u hẵng vào ngồi lên giường lên giếc chĩnh chện cái đã nào.

Bà lão lập cập bước vào. Người đàn bà tưởng bà lão già cả, điếc lác, thị cất tiếng chào lần nữa:

- U đã về ạ !

Ô hay, thế là thế nào nhỉ ? Bà lão băn khoăn ngồi xuống giường. Tràng nhắc mẹ :

- Kìa nhà tôi nó chào u.

Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp :

- Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau... Chẳng qua nó cũng là cái số cả...

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ : Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó[...].

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới” :

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng... [...].

- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau [...].

- Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.[...]

Sáng hôm sau [...]

Bà cụ Tứ chợt thấy con giai đã dậy, bà lão nhẹ nhàng bảo nàng dâu :

- Anh ấy dậy rồi đấy. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn. [...]

Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại [...] nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Bà cụ vừa ăn vừa kể chuyện làm ăn, gia cảnh với con dâu. Bà lão toàn nói chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này [...].

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 28-29)

Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về ý tưởng của Kim Lân khi xây dựng nhân vật này.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1. Văn bản được viết theo thể thơ: 8 chữ

Câu 2. Hai câu thơ trong bài có nội dung khuyên nhủ:

Hãy đứng lên từ nơi em vấp ngã

Biết ăn năn và sửa đổi sai lầm

Câu 3. Ý tưởng của tác giả trong hai câu thơ trên là:

- Cuộc đời con người vốn dĩ không bằng phẳng, khó khăn, thất bại là điều khó tránh khỏi, nhiều khi nó đẩy con người vào bước đường cùng.

- Nhưng điều quan trọng là bạn phải có một cái tâm vững vàng, bản lĩnh, không được sợ khó khăn thất bại mà buông tay.

- Hãy nỗ lực hết mình, và chính trong sự nỗ lực đó, bạn sẽ khơi dậy được tiềm năng và vượt qua được tất cả.

-> Nghĩa là cuộc đời không tuyệt đường với ai mà vẫn cho ta cơ hội miễn là ta có có cách hành xử đúng đắn. Hạnh phúc hay không, tất cả đều đến từ tâm của mỗi người. Cuộc sống làm bạn buồn chán ư? Hãy lao vào công việc bằng tất cả cái tâm, sống vì nó, chết vì nó, và bạn sẽ tìm thấy thứ hạnh phúc tưởng chừng như không bao giờ đạt được (Dale Carnegie).

Câu 4.

- Thí sinh có thể đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến của tác giả nhưng tất cả các phương án đều phải có cách lí giải hợp lí.

- Đề xuất phương án: Đồng tình với ý kiến trên. Vì:

+ Con người cao thượng thường có lối sống thanh cao, không vì quá coi trọng vật chất mà xem thường các giá trị tinh thần cao quí của cuộc sống.

+ Song, cũng như cây cối, chim muông, tất cả đều phải lao động tìm nguồn sống. Con người dù cao thượng đến mấy vẫn cần tiền để trang trải cuộc sống cho mình nên mỗi người đều phải nỗ lực học tập, lao động kiếm tiền một cách chính đáng.

Ngược lại, nếu không chịu làm việc kiếm tiền thì con người dù cao thượng đến mấy cũng không thể tồn tại.

+ Vậy nên, mỗi người cần phải vừa biết kiếm tiền chăm lo cuộc sống vừa biết dùng tiền vào những mục đích đúng đắn, cao đẹp, tạo ra những giá trị sống đích thực, đó mới là cách sống nhân văn, cao thượng nhất. Hiểu biết giá trị của tiền bạc và luôn biết hy sinh tiền bạc vì bổn phận hoặc vì nhân nghĩa, đó là một đức hạnh thực sự (Senancourt).

II. LÀM VĂN

Câu 1. Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý kiến được nêu trong đề.

1.1. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, qui nạp, móc xích, song hành hoặc tổng - phân - hợp.

1.2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc đứng lên từ nơi vấp ngã.

1.3. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ những ý cơ bản sau:

* Giải thích

Đứng lên từ nơi vấp ngã là tự vực dậy bản thân đứng lên làm lại bằng tất cả sự nỗ lực, cố gắng tại chính nơi mình đã mắc phải sai lầm, thất bại.

* Bàn luận

Đứng lên từ nơi vấp ngã cần thiết như thế nào đối với cuộc sống của chúng ta?

- Giúp ta biết tự tha thứ cho chính mình, tự tìm kiếm cơ hội làm lại từ đầu; thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực.

- Tạo ra động lực cho bản thân vươn lên; có ý chí bản lĩnh dám đối diện với sự thật, không trốn chạy, vấp ngã ở đâu đứng lên ở đó, nhờ đó mà tích lũy được vốn sống, vốn kinh nghiệm để làm lại tốt hơn.

- Xây dựng cho mình cuộc sống hạnh phúc.

- Thay đổi được cái nhìn của mọi người xung quanh đối với mình.

- Nếu không biết tự đứng lên từ nơi vấp ngã bạn sẽ càng lún sâu vào sự thất bại, sai lầm, tự biến cuộc sống của mình thành bi kịch và đem đến cho người khác một cái nhìn khinh miệt, xem thường đối với mình. Đồng thời bản thân sẽ luôn tự dày vò, day dứt, đau khổ.

(Dẫn chứng phù hợp)

-Tuy nhiên, cuộc sống vẫn còn nhiều người, khi mắc sai lầm, thất bại hay mặc cảm tự ti, trốn tránh không đủ can đảm vực dậy để bản thân lún sâu vào sai lầm tiếp theo, có khi còn nghiêm trọng hơn... những người như thế rất cần phải điều chỉnh.

* Bài học nhận thức và hành động

- Cuộc đời con người vốn không bằng phẳng, vấp phải sai lầm, thất bại là điều khó tránh, vậy nên cần phải đứng dậy, không được trốn chạy, không nên mặc cảm, tự ti.

- Muốn vậy, mỗi người hãy học cách tự tha thứ cho vấp ngã của chính mình; học cách dũng cảm đối mặt và nỗ lực vươn lên Có rất ít người đủ can đảm để thừa nhận sai lầm của chính mình hay đủ quyết tâm để sửa chữa chúng (B.Franklin) nhưng mỗi chúng ta hãy làm người trong số ít này!

1.4. Chính tả, dùng từ, đặt câu

1.5. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, mới mẻ và sâu sắc về vấn đề nghị luận.

Câu 2. Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về ý tưởng của Kim Lân khi xây dựng nhân vật này.

2.1 Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

2.2 Xác định đúng vấn đề cần nghị luận : Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về ý tưởng của Kim Lân khi xây dựng nhân vật này

2.3 Triển khai vấn đề nghị luận : Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Tác giả, tác phẩm

- Kim Lân (1920-2007) là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Thế giới nghệ thuật của ông thường xoay quanh cuộc sống nông thôn và hình tượng người nông dân.

- Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc tiêu biểu in trong tập Con chó xấu xí (1962) có tiền thân từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư, một tác phẩm viết ngay sau Cách mạng tháng Tám để kỉ niệm nạn đói nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn này để tái hiện tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp; thể hiện niềm khao khát tổ ấm gia đình, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống và tình cảm cưu mang đùm bọc lẫn nhau của người nông dân ngay bên bờ vực cái chết. Đoạn trích có nội dung miêu tả diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ khi Tràng đưa người đàn bà xa lạ về gặp mẹ.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Ở tuổi trẻ, không ai mà không trăn trở, không có hoài bão, ước mơ. Ai cũng mong tự xoay xở tách mình ra khỏi vỏ kén thật chật chội để tung cánh bay xa. Và bao nhiêu người vượt qua được những nỗi đau đớn, thử thách đó?

Khát vọng càng lớn - nỗi đau và thử thách càng nhiều - và mấy ai kiên định trên cuộc hành trình đó. Hãy dám sống cuộc sống mà bạn hằng ao ước - vì bạn chỉ có duy nhất một cuộc sống mà thôi. Đó là sự lựa chọn của bạn. Bạn hãy bắt đầu bằng việc tích lũy thật nhiều kinh nghiệm sống. Đó không phải là kinh nghiệm lựa chọn một điều gì đó, mà là kinh nghiệm mang lại cho bạn sự khôn ngoan: hãy học hỏi về con người, xã hội và cách sống. Hãy vươn cao hơn bằng một đam mê cháy bỏng theo đuổi Tri Thức Lớn của một sinh viên đại học, của một thanh niên có giáo dục, có lẽ sống. Hãy sẵn sàng cho mọi thử thách và chấp nhận thất bại để vươn lên, Hãy dũng cảm bước tới! Bạn có thể gặp nhiều cánh cửa. Nhưng tất cả chỉ là những bức tường câm lặng, ngoan cố, trừ phi bạn quyết mở chúng ta. Hãy can đảm đón nhận những cơn đau tuổi trưởng thành và xem nó là động lực thúc đẩy bạn vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn, để không sống một cuộc sống phi hoài, để sau này không ân hận nuối tiếc.

(Rando Kim – Tuổi trẻ, khát vọng và nỗi đau, Vương Bảo Long biên dịch, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2017)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2: Tác giả đã đưa ra lời khuyên gì về việc tích lũy thật nhiều kinh nghiệm sống?

Câu 3: “Hãy dũng cảm bước tới! Bạn có thể gặp nhiều cánh cửa.” Anh/Chị hiểu như thế nào về hai câu trên?

Câu 4: Theo anh/chị, có nên sống cuộc sống hằng ao ước hay không? Vì sao?

II. LÀM VĂN

Câu 1: Bạn sẽ ứng xử như thế nào nếu gặp "cơn đau tuổi trưởng thành”? Viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) để trả lời câu hỏi trên.

Câu 2: Trình bày cảm nhận của anh/chị về hình tượng Sông Đà trong đoạn trích sau:

Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng. Đi rừng dài ngày rồi lại bắt ra Sông Đà, đúng thế, nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấ mình biết là lắm bệnh mà chứng, chốc dịu dàng đấy, rồi lại bản tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy.

Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven song ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tinh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.

(Trích Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân, SGK Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2019, tr.191)

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

Câu 2

Theo bài đọc tác giả đưa ra lời khuyên về việc tích lũy thật nhiều kinh nghiệm sống như sau: Hãy bắt đầu bằng việc tích lũy thật nhiều kinh nghiệm sống. Đó không phải là kinh nghiệm lựa chọn một điều gì đó, mà là kinh nghiệm mang lại cho bạn sự khôn ngoan: Hãy học hỏi về con người, xã hội và cách sống. Hãy vươn cao hơn bằng một đam mê cháy bỏng theo đuổi Tri Thức Lớn của một sinh viên đại học, của một thanh niên có giáo dục, có lẽ sống. Hãy sẵn sàng cho mọi thử thách và chấp nhận thất bại để vươn lên, Hãy dũng cảm bước tới! Bạn có thể gặp nhiều cánh cửa. Hãy can đảm đón nhận những cơn đau tuổi trưởng thành và xem nó là động lực thúc đẩy bạn vươn tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Câu 3

Câu nói có thể được hiểu như sau: Tuổi trẻ ai cũng phải đối mặt với những khó khăn, thử thách. Nếu chúng ta dám đối mặt, dũng cảm mà bước tới chúng ta sẽ học hỏi được nhiều bài học quý giá, kinh nghiệm sống còn hữu ích trong cuộc sống. Thêm vào đó, đôi khi chúng ta còn tìm thấy những con đường mới, hướng đi mới trong cuộc đời mình. Tuổi trẻ cần bước ra khỏi vùng an toàn để làm điều mình thích cũng như vượt qua những nỗi sợ của bản thân.

Câu 4

Học sinh có thể trả lời: Đồng tình ý kiến, không đồng tình hoặc đồng tình một phần nhưng lí giải hợp lí, thuyết phục. Sau đây là gợi ý:

- Đồng tình vì:

+ Ai cũng có thể thay đổi được cuộc sống. Ai cũng có thể thành công, có thể sống cuộc sống mà họ hằng ao ước.

+ Cuộc sống ai cũng cần có cho mình những cảm hứng, nuôi dưỡng hi vọng, ước mơ để làm sức mạnh vượt qua chính bản thân mình để vươn đến những tầm cao, những ước mơ, khát vọng.

- Không đồng tình (HS nêu lí lẽ hợp lí thuyết phục, không lệch chuẩn đạo đức) :

+ Chìm đắm trong mộng tưởng, mù quáng mà không cố gắng phấn đấu, vượt lên ở hiện tại.

- Đồng tình một phần (HS nêu lí lẽ hợp lí thuyết phục, không lệch chuẩn đạo đức)

II. LÀM VĂN

Câu 1

* Yêu cầu:

- Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn.

- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

1. Giải thích:

- Cơn đau tuổi trưởng thành: Là những khó khăn, thử thách mà con người gặp phải và bắt buộc phải đối mặt trong quá trình trưởng thành.

- Ứng xử: Là cách cư xử, thái độ giải quyết.

=> Trong cuộc sống, bất kì ai muốn trưởng thành đều phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Cách tốt nhất để vượt qua khó khăn thử thách ấy là đối mặt và giải quyết chúng.

2. Phân tích:

- Chỉ khi đối mặt với khó khăn thử thách chúng ta mới có thể giải quyết được nó.

- Thêm vào đó, con người chúng ta sẽ học hỏi được nhiều bài học, tích lũy kinh nghiệm sống.

- Đối mặt với khó khăn thử thách sẽ khiến con người trở nên kiên cường, tôi luyện ý chí tinh thần vượt qua thử thách.

- Đối mặt với khó khăn thử thách đôi khi khiến con người phát hiện những thế mạnh của bản thân, có cơ hội để phát huy nó từ đó có thể tìm được hướng đi mới cho cuộc đời.

- Tuy nhiên, cuộc sống ngày nay có không ít người chọn cách trốn tránh khi gặp phải những khó khăn thử thách đầu đời. Đó là những người có lối sống ỉ nại, phụ thuộc, ngại thay đổi, quen dựa dẫm vào người khác. Cách lựa chọn ấy sẽ khiến con người ngày càng lấn sâu hơn vào vòng luẩn quẩn, bị bỏ lại phía sau, sống một cuộc đời vô nghĩa.

3. Bài học:

- Để trưởng thành chúng ta cần tích cực, chủ động học hỏi, sẵn sàng chấp nhận khó khăn để vượt qua vươn tới thành công.

- Cá nhân tích cực học tập và rèn luyện, tham gia hoạt động trải nghiệm cuộc sống…

Câu 2

Dàn ý tham khảo

I. Mở bài

- Giới thiệu một số nét tiêu biểu về tác giả Nguyễn Tuân: Cuộc đời, con người và phong cách nghệ thuật đặc trưng của nhà thơ.

- Nêu khái quát chung về tác phẩm “Người lái đò Sông Đà”: hoàn cảnh sáng tác, vị trí, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật.

- Khái quát nội dung của đoạn trích: Vẻ đẹp của Sông Đà thông qua đoạn trích.

II. Thân bài

1. Vẻ đẹp trữ tình của con Sông Đà.

*) Góc nhìn từ trên cao (máy bay), Sông Đà mang vẻ đẹp của một mĩ nhân.

- Từ trên cao nhìn xuống, dòng chảy uốn lượn của con sông giống như “cái dây thừng ngoằn ngoèo dưới chân mình”, đặc biệt là giống như mái tóc của người thiếu nữ “con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.

- Dòng sông mang vẻ đẹp của một áng tóc trữ tình mềm mại, tha thướt và duyên dáng. Đây không phải là sự phát hiện mới mẻ, sáng tạo bởi lẽ vào khoảng thế kỷ XV nhà thơ Nguyễn Trãi miêu tả núi Dục Thúy đã viết. Cái hay của Nguyễn Tuân là vừa mới đây thôi Sông Đà còn làm mình, làm mẩy còn là thứ kẻ thù số một của con người vậy mà bây giờ chỉ trong chốc lát dòng sông vặn mình hết thác và sóng nước xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông Đà lập tức khoác lên mình một dáng vẻ hoàn toàn mới trở thành một áng tóc trữ tình.

- Dòng Sông Đà như mái tóc đang ôm lấy thân hình trẻ trung, gợi cảm đầy sức sống của người thiếu nữ Tây Bắc. Vẻ đẹp của dòng sông hài hòa với núi rừng Tây Bắc, được núi rừng điểm tô thêm cho nhan sắc mĩ miều.

++ Hoa ban mang màu sắc tinh khiết, hoa gạo màu đỏ rực rỡ chói lọi bung nở điểm xuyết trên mái tóc trữ tình người thiếu nữ. Sự điểm xuyết ấy lại diễn ra giữa mùa xuân khi mọi vật sinh sôi, nảy nở cho thấy sức sống mãnh liệt.

++ Khói núi Mèo đốt nương Xuân cuồn cuộn. Tạo nên một tấm voan huyền ảo bao phủ lên cảnh vật ẩn dấu đi khuôn mặt xinh đẹp của dòng sông. Chính vì vậy vẻ đẹp bí ẩn ấy càng trở nên hấp dẫn.

*) Nhìn ngắm sông Đà từ nhiều thời gian khác nhau.

- Tác giả đã phát hiện ra những sắc màu tươi đẹp và đa dạng của dòng sông. Màu nước biến đổi theo mùa, mỗi mùa có vẻ đẹp riêng trong cách so sánh rất cụ thể:

+ Mùa xuân, nước Sông Đà xanh màu “xanh ngọc bích”, tươi sáng, trong trẻo, lấp lánh. Tác giả dừng lại giải thích rõ hơn màu xanh không phải xanh canh hến.

+ Mùa thu, nước Sông Đà lại “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về”.

+ Đặc biệt, nhà văn khẳng định chưa bao giờ con sông có màu đen như thực dân Pháp đã “đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vào”, và gọi bằng cái tên lếu láo Sông Đen.

=> Thể hiện tình yêu, niềm tự hào trước vẻ đẹp của dòng sông của đất nước, quê hương, xứ sở.

*) Góc nhìn từ bờ bãi sông Đà, dòng sông mang vẻ đẹp của một “cố nhân”.

- Nước Sông Đà: Vẻ đẹp của nước Sông Đà gợi nhớ đến một trò chơi của con trẻ “trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy”, đẹp một cách hồn nhiên và trong sáng.

- Vẻ đẹp của nắng sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới Đường thì “tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu” (Xuôi thuyền về Dương Châu giữa tháng ba, mùa hoa khói). Màu nắng gợi sự ấm áp, tươi sáng mang vẻ đẹp thi vị gợi cảm.

- Vẻ đẹp của bờ bãi sông Đà lại gợi nhớ đến thế giới thần tiên trong khu vườn cổ tích “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà”.

+ Nhịp ngắn liên tiếp như tiếng vui ngỡ ngàng trước khung cảnh bày ra trước mắt.

+ Khung cảnh: Chuồn chuồn bươm bướm bay rợp trên sông với những sắc màu sặc sỡ. Tạo cảm giác lạc vào thế giới thần tiên, khu vườn cổ tích. Tất cả đều thuộc về một cái gì đó từ quá khứ. Khi bất ngờ gặp lại Sông Đà tác giả bất ngờ cảm nhận được cái gì đó đằm đằm ấm ấm hết sức thân thuộc. Chính vì thế nên tác giả bật ra gọi Sông Đà là cố nhân. Vì vậy khi được gặp lại con sông tác giả vui vô cùng để rồi thốt lên “Chao ôi”. Tác giả dùng hai hình ảnh liên tưởng: Vui như thấy nắng giòn tan sau thời kì mưa dầm. Vui như nối lại chiêm bao đứt quãng.

*) Góc nhìn từ giữa lòng sông Đà, con sông mang vẻ đẹp của một người tình nhân: Tác giả dùng điểm nhìn của một du khách hải hồ du ngoạn trên sông nước. Từ đây tác giả cảm nhận được vẻ đẹp nên thơ, đa dạng, phong phú của Sông Đà

- Đó là vẻ đẹp tĩnh lặng, yên ả, thanh bình như còn lưu lại dấu tích của lịch sử cha ông.

+ Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ thời Lý, Trần, Lê cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Lặng tờ là sự im lặng tuyệt đối. Qua bao đời vẫn thế mà thôi.

+ Vắng vẻ đến mức tịnh không một bóng người.

+ Yên tĩnh đến mức tác giả thèm được giật mình bởi tiếng còi xe lửa của chuyến xe lửa đầu tiên đến với vùng đất này. Yên tĩnh đến mức tiếng cá đập nước sông, quẫy vọt lên mặt sông trở thành âm thanh chủ đạo và đủ sức làm cho đàn hươu giật mình chạy vụt biến. Biện pháp nghệ thuật lấy động tả tĩnh nhấn mạnh vẻ đẹp im lìm quãng hạ lưu này.

---(Để xem đầy đủ nội dung của Đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 3 đề thi thử THPT QG môn Ngữ văn năm 2021 Trường THPT Đoàn Thượng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?