Qua bài học giúp các em hiểu giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong Bài ca nhà tranh bị gió thu phá. Thấy được đặc điểm bút pháp hiện thực của nhà thơ Đỗ Phủ được thể hiện trong bài thơ.
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
a. Tác giả
- Đỗ Phủ (712 -770)
- Tự là Tử Mĩ, hiệu Thiếu Lăng- Quê Hà Nam.
- Làm quan trong một thời gian ngắn.
- Con đường thi cử lận đận → Sống trong đau khổ bệnh tật
- Nhà thơ hiện thực vĩ đại đời Đường của Trung Quốc
- Được mệnh danh là “Thi sử” và "Thi Thánh"
- Những tác phẩm của ông mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc
- Giá trị nhân đạo: Tấm lòng yêu thương con người của tác giả.
- Giá trị hiện thực: Nỗi khổ của tác giả và xã hội rối ren thời nhà Đường ở Trung Quốc.
b. Tác phẩm
- Năm 760 được bạn bè dựng cho ngôi nhà tranh bên cạnh khe Cán Hoa phía tây thành đô, Nhà vừa dựng xong được mấy tháng bị gió thu phá nát.
- Thể thơ: Thơ tự do cổ thể (ra đời trước đời Đường: vần, nhịp, câu, chữ đều khá tự do, phóng khoáng).
- Bố cục
- Chia làm 4 phần
- Phần 1: Cảnh nhà tranh bị gió thu phá
- Phần 2: Cảnh cướp giật khi nhà bị gió thu phá
- Phần 3: Cảnh đêm trong nhà bị tốc mái
- Phần 4: Ước vọng của nhà thơ
- Chia làm 4 phần
- Phương thức biểu đạt: Miêu tả, tự sự và biểu cảm
- Khổ 1: Tự sự và miêu tả
- Khổ 2: Tự sự kết hợp biểu cảm
- Khổ 3: Miêu tả kết hợp biểu cảm
- Khổ 4: Biểu cảm trực tiếp
1.2. Đọc - hiểu văn bản
a. Cảnh nhà tranh bị gió thu phá
“Tháng tám, thu cao, gió thét già,
Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta.
Tranh bay sang sông rải khắp bờ,
Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,
Mảnh thấp quay lộn vào mương sa.”
- Thời gian: chiều tối
- Cảnh trời: gió thét già
- Cảnh nhà: bị cuộn mất ba lớp tranh
- Hình ảnh: tranh bay rải khắp, mảnh cao treo tót, mảnh thấp quay lộn
→ Cảnh tượng tan tác, tiêu điều
b. Cảnh cướp giật khi nhà bị gió thu phá
“Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,
Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,
Cắp tranh đi tuốt vào lũy tre
Môi khô miệng cháy gào chẳng được,
Quay về chống gậy lòng ấm ức!”
- Cảnh: trẻ con nhè trước mặt, xô cướp giật, cắp tranh đi tuốt
- Tâm trạng: đau xót, ấm ức, bất lực, cay đắng cho thân phận và cho những người cùng khổ.
→ Đau đớn trước cảnh xã hội loạn lạc, vô đạo
c. Cảnh đêm trong nhà bị tốc mái
“Giây lát, gió lặng, mây tối mực,
Trời thu mịt mịt đêm đen đặc.
Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt,
Con nằm xấu nết đạp lót nát
Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu
Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt.
Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê
Đem dài ướt át sao cho trót?”
- Ngoài trời: gió nổi lên từ chiều, đêm mưa đổ xuống và kéo dài
- Trong nhà: bao nhiêu nỗi khổ tập kích nhà thơ
- Nhà dột nát
- Ướt, lạnh
- Con quấy khóc
- Nỗi lo vì loạn lạc
- Miêu tả
- Ngủ trong mưa lạnh, trong bóng tối
- Biểu cảm
- Buồn rầu, lo lắng vì cảnh nhà và cảnh đời
→ Cảm nhận được nỗi khổ cùng cực.
d. Ước vọng của nhà thơ
“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn !
Than ôi ! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
Riêng lều ta nát chịu chết rét cũng được”
- Ước mơ: có ngôi nhà rộng muôn ngàn gian và thật vững chắc cho kẻ sĩ nghèo.
- Thán từ “Than ôi”
→ Ước vọng khó thành vì xã hội bế tắc
⇒ Ngời sáng tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà thơ
⇒ Biểu cảm trực tiếp: Mơ ước dám xả thân vì người khác.
-
Tổng kết
-
Nghệ thuật
- Sử dụng kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm
- Vận thơ linh hoạt, sinh động
- Bút pháp hiện thực, tái hiện lại những chi tiết, các sự kiện, sự việc nối tiếp nhau, từ đó khắc họa bức tranh về cảnh ngộ những người nghèo khổ
-
Nội dung
- Nỗi khổ của bản thân nhà thơ khi căn nhà bị gió thu phá
- Giá trị nhân đạo: Vượt lên trên bất hạnh cá nhân, bộc lộ khát vọng cao cả, tấm lòng vị tha vì muôn người của bậc thi thánh.
- Sự thấm thía sâu sắc nỗi thống khổ của người nghèo.
- Mơ ước về ngôi nhà rộng vững chắc che chở cho người nghèo.
- Niềm vui của bản thân trước sự hân hoan của người nghèo khổ có nhà.
- Giá trị hiện thực: Phê phán hiện thực đen tối, bất công của xã hội hiện thực đương thời.
- Bắng cách sử dụng đan xen các yếu tố tự sự , miêu tả và biểu cảm, bài thơ tái hiện lại tình cảnh nghèo khổ cua chính tác giả .
- Qua đó khái quát hiện thực cuộc sống của lớp người nghèo khổ trong xã họi Trung Quốc lúc bấy giờ.
-
Ý nghĩa văn bản
- Qua bài thơ, Đỗ Phủ không chỉ đơn thuần miêu tả nỗi thống khổ của bản thân mà còn thể hiện tư tưởng cao cả, đó là: khẩn thiết yêu cầu thay đổi hiện thực đen tối.
- Lòng nhân ái vẫn tồn tại ngay cả khi con người phải sống trong hoàn cảnh ngheo khổ cùng cực.
-
Bài tập minh họa
Ví dụ
Đề bài 1: Cảm nghĩ về bài "Nhà tranh bị gió thu phá" của Đõ Phủ.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả và tác phẩm
- Tác giả
- Đỗ Phủ (712-770) là nhà thơ nổi tiếng đời Đường bên Trung Quốc. Tên chữ là Tử Mĩ, bút hiệu là Thiếu Lăng, quê ở tỉnh Hà Nam.
- Ông đỗ đạt muộn, ra làm quan trong một thời gian rất ngắn.
- Năm 759, ông từ quan về quê, sống trong cảnh nghèo khổ cùng gia đình.
- Tác phẩm
- Bài ca nhà tranh bị gió thu phá được sáng tác vào thời gian này, nội dung phản ánh cuộc sống cơ cực của gia đình và thể hiện lòng nhân ái cao cả của Đỗ Phủ trước những cảnh đời bất hạnh như mình.
- Tác giả
2. Thân bài
a. Nỗi khổ tâm của nhà thơ trước cảnh căn nhà tranh bị gió thu thổi tốc mái
- Hình ảnh ngôi nhà tan hoang
"Tháng tám thu cao gió thét già
Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta"
→ Thời gian là cuối thu (Thu cao), gió thổi rất mạnh (gió thét già), cả mái nhà bị gió thu thổi bay (cuộn mất ba lớp tranh..). Mảnh treo trên ngọn cây cao trong rừng xa, mảnh rơi vào mương nước trước mặt...
⇒ Tâm trạng đau xót và bất lực của nhà thơ: Trước cảnh lũ trẻ lao vào cướp những tấm tranh lợp nhà, nhà thơ đau lòng nhưng
"Môi khô miệng cháy gào chẳng được,
Chống gậy quay về lòng ấm ức".
b. Tình cảnh khốn, khổ của gia đình nhà thơ trong đêm mưa lạnh
- Gió gào thét, màn đêm buông xuống cùng cơn mưa rả rích suốt đêm đã đẩy vợ chồng, cha con nhà thơ vào cảnh ngộ đáng thương: Nằm co quắp trong đống chăn đệm cũ nát, lạnh ngắt, dưới trời mưa dầm dề, giá buốt.
- Những hình ảnh tả thực gây xúc động: Trời thu mịt mịt, đêm đen đặc, Dày hạt mưa mưa, mưa chẳng dứt, Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt... Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu...
- Nhà thơ vốn ít ngủ từ khi thời thế lâm vào cảnh binh đao, loạn lạc. Suốt đêm mưa lạnh, ông trằn trọc, thao thức, mong trời mau sáng.
c. Ước mơ cao cả xuất phát từ tấm lòng nhân ái của nhà thơ
- Trong cảnh bị mưa dập, gió vùi, nhà thơ đau lòng nghĩ đến bao nhiêu kẻ sĩ nghèo khó cũng lâm vào cảnh ngộ khốn khổ như mình.
- Ông ước có được ngôi nhà rộng muôn ngàn gian để che chở cho họ: ước được nhà rộng muôn ngàn gian, Che khắp thiên hạ kể sĩ nghèo đểu hân hoan...
- Nếu ước muốn ấy thành sự thực thì dù: Riêng lều ta nát, chịu chết rét củng đượcQuên mình vì người, đó là lòng nhân ái cao cả của nhà thơ.
3. Kết bài
- Bài ca nhà tranh bị gió thu phálà tác phẩm nồi tiếng của Đỗ Phủ.
- Nguyễn Du, nhà thơ kiệt xuất của nước ta đã tôn vinh Đỗ Phủ là Bậc thầy muôn đời của vãn chương muôn đời.
Bài văn mẫu
Đỗ Phủ (712-770), nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Quốc. Tên chữ của ông là Tử Mĩ, bút hiệu là Thiếu Lăng, quê ở tỉnh Hà Nam. Sau khi đỗ đạt, ông có ra làm quan trong một thời gian ngắn. Tướng An Lộc Sơn nổi dậy chống triều đình, Đỗ Phủ tình nguyện xin nhà vua cho đi đánh dẹp nhưng không được nhà vua tín nhiệm. Năm 759, ông từ quan, đưa gia đình về vùng Tây Nam. sống trong cảnh đói nghèo, bệnh tật, mùa đông năm 770, nhà thơ qua đời trên một chiếc thuyền nhỏ cắm sào bên dòng sông Tương (tỉnh Hồ Nam).
Thời gian ở Thành Đô, Đỗ Phủ được bạn bè giúp đỡ dựng cho một căn nhà tranh bên khe Cán Hoa. Mới ở được mấy tháng thì căn nhà đã bị gió thu thổi mạnh làm cho tốc mái. Xuất xứ bài thơ là từ sự việc đó.
Bài ca nhà tranh bị gió thu pháphản ánh cuộc sống cơ cực của gia đình nhà thơ và thể hiện lòng nhân ái, vị tha đáng quý của nhà thơ trước những cảnh đời bất hạnh như mình:
Tháng tám, thu cao, gió thét già,
Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta.
Tranh bay sang sông rải khắp bờ,
Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,
Mảnh thấp quay lộn vĩ/i mương sa.
Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,
Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,
Cắp tranh đi tuốt vào lũy tre
Môi khô miệng cháy gào chẳng được,
Quay về, chống gậy lòng ấm ức!
Giây lát, gió lặng, mây tối mực,
Trời thu mịt mịt đêm đen đặc.
Mền vải lầu năm lạnh tựa sắt,
Con nằm xấu nết đạp lót nát
Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu
Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt.
Từ trải cơn loạn ít ngủ nghè
Đêm dài ướt át sao cho trótĩ
Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch hàn!
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
Riêng lều ta nát, chịu chết rét củng được!
Bài thơ gồm có bốn phần. Phần một tả cảnh gió thu cuốn mất mấy lớp tranh lợp nhà. Phần hai là sự bất lực của nhà thơ khi lũ trẻ con hùa nhau cướp những tấm tranh. Phần ba tả nỗi khổ của gia đình Đỗ Phủ trong đêm mưa. Phần bốn là ước mơ và tấm lòng nhân ái của nhà thơ.
Phần đầu bài thơ tả cảnh ngôi nhà đơn sơ bị gió thu tàn phá: Tháng tám, thu cao, gió thét già,
Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta,
Tranh hay sang sông rải khắp bờ,
Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa,
Mảnh thấp quay lộn vào mương sa.
Đỗ Phủ đã dùng bút pháp miêu tả kết hợp với kế chuyện để nói lên nỗi khổ ghê gớm nhất của một đời người đó là cảnh sống không nhà hoặc phải ở trong một căn nhà chật hẹp, rách nát. Gió thu mạnh như thét, như gào, thổi tốc mái, cuốn những tấm tranh bay vung vãi khắp nơi. Nhiều tấm bay tít sang bên kia sông. Có tấm treo tận ngọn cây cao trong rừng xa. Có tấm rơi xuống mương sâu. Nhìn mái nhà tan nát, lòng nhà thơ cũng nát tan.
Phần hai của bài thơ tả tình thế .bối rối, bất lực của vị chủ nhà đáng thương:
Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,
Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,
Cắp tranh đi tuốt vào lũy tre
Môi khô miệng cháy gào chẳng được,
Quay về, chống gậy lòng ấm ức!
Nhà thơ kể lại diễn biến sự việc bằng giọng điệu ngậm ngùi, chua xót. Bất chấp sự ngăn cản, van xin của ông lão già yếu, lũ trẻ trong thôn hùa nhau cướp giật những tấm tranh rồi chạy tuốt vào lũy tre đầu làng. Không làm gì được, không còn hơi sức đế kêu gào, nhà thơ đành ấm ức chống gậy quay về, đứng run rẩy ngậm ngùi trước căn nhà tốc mái tan hoang. Đằng sau sự mất mát về vật chất là nỗi đau nhân tình thế thái. Cuộc sống cơ cực đã biến lũ trẻ thành những đứa bé hư đốn, nhẫn tâm, không biết xót thương.
Phần ba tả nỗi khổ của gia đình Đỗ Phủ trong đêm mưa. Đây là phần cảm động nhất của bài thơ:
Giây lát, gió lặng, mây tối mực,
Trời thu mịt mịt đèm đen dặc.
Mền vải lâu năm lạnh tựa sắt,
Con nằm xấu nết đạp lót nát
Đầu giường nhà dột chẳng chừa đâu
Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt.
Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê
Đêm dài ướt át sao cho trót?
Cuồng phong đã lặng. Màn đêm ập xuống, tối đen như mực. Cả gia đình khốn khổ nằm co quắp trong đống chăn đệm cũ rách, lạnh ngắt như sắt. Buổi chiều, gió nối làm tốc mái tranh. Đến đêm, mưa lại đổ xuống rỉ rả không ngừng. Nhà dột khắp nơi, chẳng biết tránh đâu. Lũ con thơ vừa đói vừa rét cứ lục đục hoài, nằm không yên chỗ. Cảnh tình thật đáng thương!
Nhà thơ miêu tả và kể chuyện theo trình tự thời gian. Chỉ vài chi tiết: Trời thu mịt mịt đèm đen đặc... Dày hạt mưa, mưa, mưa chẳng dứt, nhà thơ đã làm nổi bật được đặc điểm của mưa thu là dai dẳng và lạnh lẽo.
Suốt đêm dài, nhà thơ thao thức, trằn trọc, chỉ mong trời mau sáng. Từ độ loạn lạc tới giờ, Đỗ Phủ ít ngủ. Đêm nay, bao nhiêu nỗi khổ dồn dập đến với nhà thơ: nhà dột, mưa ướt dầm dề, các con đóilạnh...! Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê là một nét nhấn làm nổi bật nỗi khổ tinh thần của Đỗ Phủ. Ông lo cho mình một phần, lo cho thiên hạ muôn phần, ông hiểu rằng tình cảnh gia đình mình đã khổ, nhưng nhiều người khác còn khổ hơn.
Phần bốn phản ánh ước mơ cao cả của nhà thơ.
Trong cảnh bị mưa vùi gió dập, trái tim nhà thơ quặn thắt không phải chỉ vì chuyện lều ta rách nát mà còn vì cảnh không nhà của hàng ngàn kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ. Từ hiện thực đau khổ của cuộc sống cá nhân, nhà thơ đã thốt lên lời ao ước thiết tha: có được ngôi nhà rộng rãi, vững bền để có thể che gió che mưa cho tất cả những kẻ sĩ bần hàn: ước được nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiền hạ kể sĩ nghèo đầu hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn!
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt,
Riêng lều ta nát, chịu chết rét củng được!
Lòng nhân ái của Đỗ Phủ đã đến mức xả thân. Ông chấp nhận riêng mình chịu khổ, miễn sao mọi người được hạnh phúc. Ước mơ của Đỗ Phủ tuy mang màu sắc ảo tưởng song nó đẹp đẽ, cao quý, làm xúc động trái tim người đọc.
Giả thử không có năm dòng thơ cuối, trước mắt ta vẫn là một bài thơ hay, có giá trị biểu cảm cao bởi vì nhà thơ đã phản ánh chân thực nỗi khổ của một người nghèo trước cảnh căn nhà bị gió thu phá nát.
Tuy nhiên, nhờ có năm dòng thơ cuối mà nỗi khổ đau của một con người, một gia đình mới trở thành tấm gương phản chiếu nỗi khổ đau của muôn người, muôn nhà.
Đỗ Phủ không dừng lại ở mức miêu tả nỗi thống khổ của bản thân mà thông qua đó để thế hiện sự thống khố của tất cả kẻ sĩ nghèo trong thiên hạ, từ đó phản ánh hiện thực ảm đạm của xã hội.
Bài ca nhà tranh bị gió thu phá là một tác phẩm nổi tiếng của Đỗ Phủ. Bút pháp hiện thực cũng như tinh thần nhân đạo cao cả của nhà thơ đã ảnh hưởng khá sâu rộng đến thơ ca Trung Quốc đời sau.
Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực lớn nhất trong lịch sử thơ ca cổ điển Trung Quốc. Thơ ông được mệnh danh là “thi sử” (sử bằng thơ) vì đã phản ánh chân thực, sâu sắc bộ mặt lịch sử đường thời. Nhà thơ Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiềunổi tiếng của nước ta đã tôn vinh Đỗ Phủ là Bậc thầy muôn đời của văn chương muôn đời.
Đề bài 2: Phân tích năm câu thơ cuối bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá của Đỗ Phủ.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài
- Đỗ Phủ (712 - 770) là nhà thơ hiện thực lớn nhất, không chỉ của đời Đường mà của cả lịch sử thi ca cổ Trung Quốc. Ông để lại hàng nghìn bài thơ tuyệt tác, được người đời mệnh danh là “thi thánh”.
- Cuộc đời ông lưu lạc lênh đênh, nếm trải nhiều đau khổ, nên tâm hồn ông chan hòa với nhân dân lầm than trong xã hội loạn lạc. Ông là “nhà thơ dân đen” (Phan Ngọc).
- Bài ca nhà tranh bị gió thu phálà một kiệt tác của Đỗ Phủ. Năm câu thơ cuối là những câu thơ đẹp nhất trong bài thơ, lấp lánh tư tưởng nhân đạo sâu sắc của thi hào Đỗ Phủ:
“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian,
Che khắp thiên hạ kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn!
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!”.
2. Thân bài
a. Để thấy được cái hay, cái đẹp của năm câu thơ cuối ta cần phải biết qua một vài nét của phần đầu bài thơ.
- Những dòng thơ tự sự chân thật, cảm động kể chuyện “gió thu tốc nhà”. Tai họa dồn dập trút lên gia đình nhà thơ trong một ngày đêm. Gió thu thổi tốc nhà “tranh bị rải khắp ven sông...”. Bao nhiêu tranh bị trẻ con xóm Nam cướp sạch. Nhà thơ “khản tiếng, rát hầu, đành chịu mất”. Thời loạn lạc đạo lí suy đồi. Tai họa dồn dập, nỗi khổ tưởng chừng không thể nào chịu đựng nổi. Mưa gió suốt đêm, nhà dột, chăn cũ mỏng và rách, rét lạnh thấu xương, thêm tuổi già bệnh tật.
→ Đoạn thơ như cuốn phim làm sống lại cảnh lầm than cực khổ của một nhà thơ tài ba mà bất hạnh trong xã hội loạn li.
b. Trước nỗi đau ấy, con người gục xuống khóc than? Không! Tâm hồn nhà thơ sáng ngời.
- Quên hết nỗi đau của riêng mình, lòng ông hướng về bao người cần lao trong xã hội. Ông mơ ước, khát khao: có ngôi nhà ngàn vạn gian “Che khắp thế gian dân rét mừng. Vững như núi, gió mưa chẳng chuyển”. Thật vô cùng cảm động, nhà thơ nguyện quên mình cho hạnh phúc của nhân dân.
Than ôi! Bao giờ nhà ấy sừng sững dựng trước mắt
Riêng lều ta nát, chịu chết rét cũng được!”.
- Cái hay, cái sâu sắc của đoạn thơ là bằng bút pháp tương phản: Cảnh đời và tấm lòng, nỗi khổ và niềm mong ước. Đoạn thơ như một lời tâm sự, chân thực và cảm động được diễn tả qua hình ảnh ngôi nhà to lớn trong ước mơ của tác giả... Yếu tố hiện thực, yếu tố trữ tình lãng mạn kết hợp một cách hài hòa làm sáng lên tư tưởng, tình cảm nhân ái, lí tưởng nhân đạo bao la của Đỗ Phủ.
- Ở năm dòng cuối bài thơ, ước vọng nhân đạo chân thành thấm đượm tình người của Đỗ Phủ sáng mãi cùng thời gian. Giả sử nếu bài thơ dừng lại ở câu thơ tả thực ở phần trên thì có lẽ không phải là tác phẩm của bậc “thi thánh” nữa. Thi pháp cổ gọi năm câu thơ ấy là loại câu “cảnh cú” (làm rung chuyển cả bài thơ). Câu thơ để lại dấu ấn một hồn thơ, một tấm lòng, đi dọc thời gian từ đó đến nay đã 13 thế kỉ mà ta đọc lên vẫn xiết bao cảm động!
3. Kết luận
- Đọc Bài ca nhà tranh bị gió thu phá, ta như thấy hiện lên trước mắt hình ảnh một ông già gầy yếu ngồi trong một gian nhà bị dột dưới mưa gió tầm tã, tấm chăn mỏng ướt sũng, đôi mắt đăm chiêu, tư lự nhìn xa xăm... Hình ảnh ấy như một ám ảnh chập chờn mãi trong lòng ta.
- Năm dòng thơ cuối vừa đẹp về tư tưởng, vừa đẹp về hình ảnh, bừng sáng tấm lòng nhân đạo của tác giả. Khát vọng che chở cho dân lành đói khổ đã chắp cánh cho thơ Đỗ Phủ đến với mọi tâm hồn nhân ái và làm cho con người nhân ái hơn. Chữ “tâm” trong thơ ông đã giúp cho chữ “tài” trở nên bất tử. Đọc bài thơ, ta khâm phục và kính yêu một hồn thơ vĩ đại, một trái tim nhân hậu bao la.
3. Soạn bài Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Bài ca nhà tranh bị gió thu phá được Đỗ Phủ sáng tác vào thời gian ông từ quan về quê sống. Nội dung bài thơ phản ánh cuộc sống cơ cực của gia đình và thể hiện lòng nhân ái cao cả của Đỗ Phủ trước những cảnh đời bất hạnh như mình. Chi tiết bài soạn văn sẽ cho các em thấy được những điều đó. Chi tiết bài soạn, các em có thể tham khảo tại đây: Bài soạn Bài ca nhà tranh bị gió thu phá.
4. Một số bài văn mẫu về bài thơ Bài ca nhà tranh bị gió thu phá
Bài thơ Nhà tranh bị gió thu phá được xem là một trong những bài thơ hay nhất trong số 100 bài tiêu biểu của Đỗ Phủ được sáng tác vào những năm cuối đời sống ở Thành Đô. Bài thơ nói về cảnh sống nghèo nàn, túng quẫn của người dân trong cuộc bin biến An Lộc Sơn. Để hiểu hơn về bài thơ này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây: