Để tìm hiểu chi tiết về những thành tựu nổi bật của nền văn học và nghệ thuật của Châu Âu thế kỉ XVIII - XIX, mời các bạn cùng tham khảo bài giảng Bài 4: Thành tựu văn học và nghệ thuật sau đây. Chúc các bạn học tốt!
Tóm tắt lý thuyết
1. Văn học
Những biến động của châu Âu thế kỉ XVIII - XIX được phản ánh khá rõ nét vào văn học nhiều nước, đặc biệt là văn học Pháp từ sau 1815. Cuộc đấu tranh giằng co giữa thế lực tư sản đang lên nhưng bị thất bại trong chiến tranh Napôlêông và triều đình phong kiến suy tàn nhưng được phục hồi làm nảy sinh trào lưu văn chương lãng mạn.
Người đại diện cho trào lưu lãng mạn bảo thủ là Satôbriăng (Chateabriand 1768 - 1848), qua những dòng văn trau chuốt bóng bẩy, những chuyện tình lâm li đã nói lên nỗi nuối tiếc của tầng lớp quý tộc đối với thời kì vàng son của đạo Thiên chúa và thời trung cổ.
- Vichto Huygô (Victor Hugo 1802 — 1885) là nhà thơ và nhà văn, người đại diện cho trào lưu lãng mạn tiến bộ. Qua các tác phẩm Nhà thờ Đức bà Paris, Những người khốn khổ..., ông nói lên niềm khát khao của con người muốn vươn tới cuộc sống tươi đẹp, lương thiện và công bằng, thấm đượm tinh thần nhân đạo.
- Cuộc sống thực tế của xã hội tư bản cũng để lộ ra mặt trái của nó với sự bất công tôn sùng đồng tiền và danh vọng, chà đạp lên tình người và đạo lí. Bandăc (Honoré de Balzac 1799 - 1850) là nhà văn tiêu biểu cho trào lưu văn học hiện thực, phơi bày thực trạng bất công qua các nhân vật của nhiều tập tiểu thuyết trong bộ Tấn trò đời như Ơgiêni Granđê, Lão Gôriô, Miếng da lừa... Cũng có thể thấy xu hướng này trong tác phẩm Đỏ và Đen của Xtăngđan (Stendhal 1783 - 1842); Một cuộc đời, Viên mỡ bò của Môpaxăng (Guy de Maupassant 1850 - 1893). Còn phải kể đến nhà văn hiện thực lớn của Pháp nửa sau thế kỉ XIX là Emin Dôla (Emile Zola). Qua tác phẩm Gia đình Rugông Macca, bài báo Tôi kết tội, ông tố cáo tội ác trong xã hội tư sản đầy đọa con người và hi vọng cuộc sống tươi đẹp mai sau của người công nhân, người lao động.
Văn học Nga thế kỉ XIX có những đóng góp quan trọng với những tác phẩm văn học nổi tiếng. Tác phẩm Chiến tranh và hòa bình của Lep Tônxtôi là một bản anh hùng ca về cuộc kháng chiến của nhân dân Nga chông sự xâm lược của Napôlêông, được liệt vào hàng những tiểu thuyết hay nhất thế giới. Tuôcghênhep, Gôgôn, Biêlinxki, Đôxtôepxki... là những tên tuổi sáng giá trong nền văn học Nga thời đó với những tác phẩm thấm đượm tình yêu nước và tính nhân đạo, rực rỡ vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương.
2. Nghệ thuật
Âm nhạc
Thế kỉ XVIII ghi lại dấu ấn sâu sắc của Bach, Môda được coi là mẫu mực cổ điển thì đến thế kỉ XIX xu hướng lãng mạn lại tràn đầy trong những tác phẩm của Xtrôx (Richard Strauss) với giọng chim ca, tiếng thác nước, hơi gió thoảng qua cành thông, cảnh bão tố hãi hùng cũng như tiếng khóc trẻ thơ. Uâynơ (Richard Wagner) đã đưa âm nhạc lên mức thành công tuyệt đỉnh với những bản nhạc kịch quy mô lớn. Đêbuyxi (Claude Debussy) cố đưa vào nhạc phẩm của mình truyền thống Pháp kết hợp với những thí nghiệm cách tân, những âm thanh mới mẻ.
Hội họa
Theo xu hướng lãng mạn thường đi tìm những khung trời xa lạ, những kị sĩ Arập, những cuộc đi săn và những màu sắc nổi bật. Danh họa Pháp Đơlacroa (Delacroix) được coi là đại diện cho một giai đoạn kéo dài tới cuối thế kỉ. Trong một giai đoạn trầm lắng hơn, các họa sĩ lãng mạn thường vẽ những phong cảnh u nhã, về đời sống bình dị nơi thôn đã hay những cánh rừng xanh thẳm. Đến cuối thế kỉ bắt đầu xuất hiện một phong cách về thoát li khỏi khuôn mẫu với những tác phẩm của danh họa Tây Ban Nha Goya về cảnh tàn khốc của chiến tranh chống Napôlêông.
Điêu khắc
Thế kỉ XIX không để lại nhiều tác phẩm xuất sắc như thời Phục hưng. Nhà điêu khắc Pháp Bactônđi (Bartholdi) đã hoàn thành bức tượng Nữ thần Tự do, được chính phủ gửi tặng nước Mĩ, đặt tại cảng Niu Yooc. Khải hoàn môn và nhiều dinh thự ở Paris vẫn còn giữ lại nhiều công trình điêu khắc có giá trị của thời đó. Vào cuối thế kỉ, một vài nhà điêu khắc Pháp như Rôđanh (Rôdin) và Maiô (Maillot) bắt đầu vượt khỏi những tiêu chuẩn khuôn mẫu để đưa vào tác phẩm những nét đơn giản hơn, sinh động hơn.
Kiến trúc
Châu Âu thời kì này được coi là thời hỗn loạn, nhưng có lẽ, do sự giao lưu văn hóa mở rộng mà ơ châu Âu có thể bắt gặp những ngôi chùa Trung Hoa, những công trình phỏng theo Kim tự tháp Ai Cập, theo đền đài Hi Lạp.
Nhìn lại những thành tựu văn học nghệ thuật trong thời kì này, nhất là vào thế kỉ XIX, có thể thấy sự phát triển nổi bật về các tác phẩm văn học, phản ánh khá rõ nét những khía cạnh của cuộc sống trong thời kì biến động xã hội dưới tác động của cách mạng tư sản và của quá trình công nghiệp hóa. Cũng do những tiến bộ lớn lao về kĩ thuật mà các công trình khoa học, các tác phẩm văn học được xuất bản rộng rãi, được người đọc đón nhận từ nhật báo đến tạp chí, từ chuyên luận cổ điển đến tiểu thuyết hiện dại. Do vậy, đời sống tinh thần được nâng cao mặc dầu vẫn còn thu hẹp trong giới thượng lưu, giới trí thức với những phòng khách sạn sang trọng, những cuộc hội họp kiểu cách.
Kết luận: Thời cận đại, đặc biệt thế kỉ XIX đánh dấu một bước ngoặt căn bản trong lịch sử sản xuất từ lao động bằng tay sang lao động bằng máy, nhờ đó tạo nên sự chuyển biên từ làn sóng văn minh nông nghiệp sang làn sóng văn minh công nghiệp (A.Toffler)
Mối quan hệ chặt chẽ giữa cách mạng xã hội với cách mạng kĩ thuật: các cuộc cách mạng tư sản làm tiền đề thúc đẩy sự phát triển của cách mạng công nghiệp, thành tựu của cách mạng công nghiệp tạo nên cơ sở vật chất và kĩ thuật bảo đảm ưu thế của chủ nghĩa tư bản đối với chế độ phong kiến. Trong sự phát triển của CNTB, dần dần bộc lộ những mặt hạn chế trong quan hệ xã hội: sự bóc lột giai cấp, hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng sâu, ách áp bức dân tộc nặng nề trên quy mô thế giới, nhiều thành tựu kĩ thuật được sử dụng làm phương tiện chiến tranh phá hoại những công trình do nền văn minh nhân loại xây dựng nên.
Nhưng dẫu sao, sự ra đời và xác lập của CNTB, sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa kèm theo những biến đổi về mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội là bước phát triển vô cùng lớn lao đưa lịch sử bước vào một thời kì mới của tiến trình văn minh nhân loại.