Bài 3: Các chỉ tiêu trong hệ thống SNA

Bài giảng Bài 3: Các chỉ tiêu trong hệ thống SNA có nội dung trình bày về khái niệm và công thức tính GDP, GNP, NDP, NNP,... Mời các bạn cùng tham khảo học tập.

Tóm tắt lý thuyết

1. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

Khái niệm: 

  • Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là giá trị bằng tiền của toàn bộ sản phẩm và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trên lãnh thổ của một nước, tính trong khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.
  • Lưu ý:
    • GDP thể hiện mức sản xuất do các doanh nghiệp đóng trên lãnh thổ của một nước tạo ra.
    • GDP chỉ bao gồm sản phẩm cuối cùng, chứ không bao gồm sản phẩm trung gian.
    • GDP gồm sản phẩm hoàn chỉnh được sản xuất ra trong năm hiện hành và có thể được bán ở năm sau.
    • GDP không bao gồm hàng hóa được sản xuất ở năm trước.

Cách tính

Mức hoạt động của một nền kinh tế được tính theo ba cách, GDP là một trong các chỉ tiêu thể hiện mức hoạt động đó, nên nó cũng được tính theo 3 phương pháp:

(1) Theo giá trị sản xuất:

Trong SNA, GDP theo ngành kinh tế được chia theo 3 khu vực chính:

  • Khu vực 1 bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (bao gồm cả khai thác và nuôi trồng).
  • Khu vực 2 bao gồm công nghiệp khai thác mỏ; công nghiệp chế biến; sản xuất và phân phối diện, khí đốt và nước; xây dựng.
  • Khu vực 3 bao gồm thương nghiệp, sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình; khách sạn và nhà hàng; vận tải, kho bãi và thông tin liên lạc; tài chính, tín dụng; hoạt động khoa học và công nghệ; các hoạt động liên quan đến kinh doanh tài sản và dịch vụ tư vấn; quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc; giáo dục đào tạo; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội; hoạt động văn hoá và thể thao; hoạt động đảng, đoàn thể và hiệp hội; hoạt động phục vụ cá nhân và cộng đồng; hoạt động làm thuê công việc gia đình trong các hộ tư nhân.

Hệ thống phân loại đang sử dụng ở Việt Nam là Hệ thống phân ngành kinh tế tiêu chuẩn của VN (VSIC được xây dựng dựa trên Hệ thống phân ngành kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế (ISIC)

\(GDP = \displaystyle\sum_{I=1}^{n} VA_1\)                                   (2.19)

VA: giá trị gia tăng của các doanh nghiệp thuộc lãnh thổ nước đó được tập hợp theo 3 khu vực như phân tích ở trên. Ví dụ khi tính GDP của Việt Nam theo dòng sản xuất, thì ta sẽ cộng giá trị gia tăng của tất cả các doanh nghiệp nằm trên lãnh thổ Việt Nam, cho dù trong đó có các doanh nghiêp do người nước ngoài sở hữu.

(2) Theo dòng chi tiêu: xác định tổng cẩu hay tổng chi tiêu trong nước:

GDP = C + I + G + X - M                            (2.20)

  • Chi tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình (C) được tính toán dựa trên số liệu về doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (có được từ kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê và các cơ sở thương mại và dịch vụ bán lẻ) cân đối sản phẩm nông nghiệp và số liệu của điều tra mức sống hộ gia đình.
  • Chi tiêu thường xuyên của chính phủ (Cg) được tính thông qua số liệu quyết toán về chi tiêu hiện hành chính thức có tại Bộ Tài chính. Đầu tư của nhà nước (Ig) được tính trên số liệu từ các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước.
  • Đầu tư của tư nhân (I) được tính trên số liệu từ điều tra mẫu của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ sản xuất kinh doanh cá thể và các bảng cân đối sản phẩm nông nghiệp.
  • Xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (X và M) có từ bảng cán cân thanh toán quốc tế. Số liệu nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ được điều chỉnh từ hoạt động xuất nhập khẩu phi mậu dịch tại biên giới chưa được phản ánh trong bảng cán cân thanh toán. Các điều chỉnh dựa trên kết quả cuộc điều tra về hoạt động nhập khẩu phi mậu dịch tại khu vực biên giới năm 1993.

(3) Theo dòng thu nhập: xác định tổng thu nhập chi trả cho các yếu tố sản xuất phát sinh trên lãnh thổ nước đó:

\(GDP = W+R+i+\pi+De+Ti\)                 (2.21)

Trong đó \(\pi\) là lợi nhuận trước thuế (gộp) của các doanh nghiệp, thường được chia thành 3 phần:

  • Đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện nay thuế suất thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam năm 2016 là 20% của lợi nhuận gộp.
  • Chia cổ tức cho các cổ đông.
  • Lợi nhuận giữ lại, không chia của doanh nghiệp. Phần này dùng để lập quỹ dự phòng, hay để tái đầu tư, quỹ phúc lợi....

VD: Khi tính GDP của Việt Nam năm 2018, tiền lương (W) bao gồm tiền lương, tiền công của những người hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong năm 2018, cho dù đó là công dân Việt Nam hay công dân nước khác. Các khoản còn lại cũng được tập hợp theo cách tương tự.

Về lý thuyết, cả ba cách tính phải cho cùng kết quả, vì tổng chi tiêu vào hàng hóa và dịch vụ phải bằng gía trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất, và bằng tổng thu nhập dược chi trả cho các yếu tố sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ này.

2. Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) [hay Tổng thu nhập quốc gia (GNI)]

Khái niệm:

  • Tổng sản phẩm quốc gia (GNP) là chỉ tiêu phản ánh giá trị bằng tiền của toàn bộ sản phẩm và dịch vụ cuối cùng do công dân một nước sản xuất ra trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.

Cách tính:

Nếu tính trực tiếp, GNP cũng được tính theo 3 cách như GDP, nhưng các số liệu phải được tập hợp theo sở hữu. Cũng có thể tính gián tiếp qua GDP dựa vào mối quan hệ giữa hai chỉ tiêu quổc gia và quốc nội:

GNP = GDP + NFFI                           (2.22)

NFFI = IFFI - OFFI

IFFI : Thu nhập yếu tố xuất khẩu chuyển vào, do xuất khẩu các yếu tố sản xuất như: lao động, vốn, kỹ năng quản lý.
Ví dụ: Lao động Việt Nam sang Malaysia làm việc được nhận lương và họ chuyển một phần tiền lương về nước; người Việt Nam mở công ty kinh doanh ở Campuchia có lợi nhuận gửi về; ...

OFFI : Thu nhập yếu tố nhập khẩu chuyển ra nước ngoài, do nhập khẩu các yếu tố sản xuất như: lao động, vốn, kỹ năng quản lý.
Ví dụ: Các công ty của Hàn quốc hoạt động ở Việt Nam khi có lợi nhuận họ gửi về Hàn quốc; hoặc những người nước ngoài mua cổ phiếu của các công ty Việt Nam, họ nhận được cổ tức và chuyển về nước họ.

NFFI: Thu nhập yếu tố ròng từ nước ngoài.

Như vậy, nền kinh tế nào có sự tham gia đáng kể của người nước ngoài, và phần lớn tổng thu nhập trong nước do người nước ngoài và công ty nước ngoài làm ra và chuyển vể nước, như trường hợp của nhiếu nước kém phát triển, thì GDP sẽ lớn hơn GNP rất nhiều.

3. Sản phẩm quốc nội ròng (NDP)

Khái niệm:  

  • Sản phẩm quốc nội ròng (NDP) là giá trị bằng tiền của phần giá trị mới tạo ra trên lãnh thổ của một nước, tính trong khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.

Cách tính:

  • Trực tiếp:
    • Theo dòng thu nhập: \(NDP = R+W+i+\Pi+Ti\)
    • Theo dòng chi tiêu: \(NDP = C+I_N +G+X-M\)
  • Từ GDP: \(NDP = GDP - De\)

4. Sản phẩm quốc gia ròng (NNP)

Khái niệm:

  • Sản phẩm quốc gia ròng (NNP) là giá trị bằng tiền của phần giá trị mới do công dân một nước tạo ra, tính trong khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.

Cách tính:            NNP = GNP - De                            (2.23)

Hoặc NNP = NDP + NFFI

5. Thu nhập quốc gia (NI)

Khái niệm:

Thu nhập quốc gia (NI) là giá trị bằng tiền của phần thu nhập do công dân một nước tạo ra, tính trong khoảng thời gian nhất định, thường là một năm. Nó chính là sản phẩm quốc gia ròng theo giá sản xuất (NNPfc).

Cách tính:

  • Trực tiếp theo dòng thu nhập:

\(NI = W+R+i+\pi+NFFI\)                          (2.24)

  • Từ GDP:

\(NI = NNP_\text{fc} = NNP_\text{mp} - Ti\)                            (2.25)

fc: Chi phí yếu tố

mp: Giá thị trường

6. Thu nhập cá nhân (Pl)

Khái niệm:

Thu nhập cá nhân (PI) là giá trị bằng tiền của phần thu nhập thực sự được chia cho các cá nhân, tính trong khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.

Cách tính:           \(PI = NI - \Pi_\text{nộp + không chia} + Tr\)                      (2.26)

Trong đó: \(\Pi_\text{nộp + không chia}\): là lợi nhuận dùng để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, và lợi nhuận giữ lại không chia của doanh nghiệp.

7. Thu nhập khả dụng (DI)

Khái niệm:

Thu nhập khả dụng (DI) là giá trị bằng tiền của phần thu nhập cuối cùng mà dân chúng có thể sử dụng theo ý muốn cá nhân trong khoảng thời gian nhất định, thường là một năm.

Cách tính:

DI = PI - Tcá nhân                                          (2.27)

Tcá nhân: thuế thu nhập cá nhân, là một phần của thuế trực thu (Td)

Thu nhập khả dụng được chia làm hai phần:

  • Tiêu dùng cá nhân, ký hiệu là C, nhằm để thoả mãn nhu cầu tiêu dùng cá nhân
  • Tiết kiệm cá nhân, ký hiệu là S, là phần còn lại trong thu nhập khả dụng sau khi đã tiêu dùng: S = DI - C

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?