Bài 2: Thị trường độc quyền nhóm

Mời các bạn cùng tham khảo nội dung bài giảng Bài 2: Thị trường độc quyền nhóm để tìm hiểu về đặc điểm và các trường hợp hợp tác của doanh nghiệp độc quyền nhóm.

Tóm tắt lý thuyết

1. Một số vấn đề cơ bản

1.1 Đặc điểm

  • Trong thị trường độc quyền nhóm chỉ có một số ít người bán, thị phần của mỗi doanh nghiệp là khá lớn và có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, nghĩa là khi một doanh nghiệp tiến hành chiến lược thay đổi giá cả, sản lượng, quảng cáo... ảnh hưởng bất lợi đến các doanh nghiệp còn lại, lập tức các doanh nghiệp này sẽ phản ứng đối phó lại nhằm bảo vệ thị phần của mình.
  • Trên thị trường độc quyền nhóm, sản phẩm có thế là đồng nhất (thép, nhôm, ximăng, hóa dầu) hay khác biệt (ngành sản xuất máy bay, ôtô, thiết bị điện và máy tính) và các sản phẩm có khả năng thay thế lẫn nhau.
  • Các doanh nghiệp mới (tiềm tăng) khó hoặc không thể gia nhập ngành vì có những rào chắn lối vào như: độc quyền về bằng sáng chế hay quy trình công nghệ, có ưu thế về quy mô lớn, uy tín danh tiếng thương hiệu của các doanh nghiệp hiện hữu.... Ngoài ra các doanh nghiệp lớn có thể tiến hành những chiến lược để ngăn chặn những doanh nghiệp mới đi vào thị trường, bằng cách xây dựng khả năng sản xuất còn thừa, dọa sẽ bán phá giá và làm tràn ngập thị trường sản phẩm nếu có doanh nghiệp mới gia nhập vào ngành.
  • Đường cầu thị trường có thể thiết lập dễ dàng, nhưng rất khó thiết lập đường cầu của từng doanh nghiệp vì phải dự đoán chính xác lượng cầu thị trường và số lượng cung ứng của các đối thủ ở mỗi mức giá, mới thiết lập được đường cầu sản phẩm của doanh nghiệp xác đáng.

1.2 Phân loại thị trường

Quản lý một doanh nghiệp độc quyền nhóm rất phức tạp, khó khăn, phải cẩn trọng xem xét và dự đoán chính xác phản ứng đối phó hợp lý của các đối thủ cạnh tranh khi doanh nghiệp quyết định các chiến lược về giá cả, về sản lượng, về chi tiêu cho quảng cáo, về đầu tư mới... Đồng thời phải biết rằng các quyết định, các phản ứng đối phó giữa các doanh nghiệp đều năng động và tiến hóa theo thời gian.

Có thể phân các doanh nghiệp độc quyền nhóm thành 2 loại:

  • Các doanh nghiệp độc quyền nhóm hợp tác với nhau: Khi các doanh nghiệp có thể thương lượng với nhau và có những hợp đồng ràng buộc để đưa ra những chiến lược chung.
  • Các doanh nghiệp độc quyền nhóm không hợp tác: Khi các doanh nghiệp không liên lạc, không thương lượng với nhau, không có những hợp đồng ràng buộc, mà cạnh tranh với nhau.

2. Trường hợp các doanh nghiệp độc quyền nhóm không hợp tác

Đối với các doanh nghiệp độc quyền nhóm không hợp tác, thường thực hiện các chiến lược cạnh tranh về sản lượng, cạnh tranh về giá, cạnh tranh quảng cáo, cải tiến mẫu mà và chất lượng sản phẩm, tổ chức các dịch vụ hậu mãi...

Trước tiên ta xem xét chiến lược cạnh tranh về sản lượng.

2.1 Chiến lược cạnh tranh về sản lượng

Đặc trưng là mô hình Cournot và mô hình Stackelberg với giả định chỉ có 2 doanh nghiệp trong ngành.

2.1.1 Mô hình Cournot

Đây là mô hình đơn giản do nhà kinh tế học người Pháp Augustin Cournot đưa ra vào năm 1938. Với giả định là:

  • Thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giống nhau, nên chỉ có một mức giá trên thị trường sản phẩm.
  • Cả 2 doanh nghiệp này đều am hiểu nhu cầu thị trường và chi phí của nhau.

Vấn đề đặt ra là cả 2 doanh nghiệp chỉ có một lần và cùng một lúc đưa ra quyết định sản xuất bao nhiêu sản phẩm để tối đa hóa lợi nhuận.

Giá sản phẩm trên thị trường sẽ phụ thuộc vào tổng số sản phẩm của cả 2 doanh nghiệp.

Thực chất của mô hình này là mỗi doanh nghiệp xem như lượng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh là đã dịnh, rồi quyết định lượng sản phẩm của mình để đạt lợi nhuận tối đa.

Ví dụ 1: Hàm số cầu thị trường của sản phẩm X là P = 53 - Q. Có 2 doanh nghiệp (DN) sản xuất sản phẩm X. Doanh nghiệp 1 và doanh ng­hiệp 2 đều sản xuất có chi phí trung bình và chi phí biên không đổi là AC = MC = 5. Với Q = Q1 + Q2, Q1 là sản lượng của doanh nghiệp 1 và Q2 là sản lượng của doanh nghiệp 2.

Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp I sẽ quyết định sản xuất bao nhiêu sản phẩm là tùy thuộc vào sản lượng mà nó dự đoán doanh nghiệp II sẽ sản xuất (hình 7.5):

  • Nếu doanh nghiệp I cho rằng doanh nghiệp II không sản xuất (Q2 = 0) thì đường cầu của doanh nghiệp 1 chính là đường cầu thị trường: P = 53 - Q1. Để tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp 1 quyết định sản xuất sản lượng Q1, tại đó: MR1(0) = MC hay 53 - 2Q = 5, ta tính được Q1 = 24.
  • Nếu doanh nghiệp 1 cho rằng doanh nghiệp 2 sản xuất Q2 = 24, thì đường cầu D1 doanh nghiệp 1 sẽ dịch chuyển sang trái một đoạn bằng 24, D1(24) có dạng: P = 53 - Q1 - 24 = 29 - Q1. Để tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp 1 quyết định sản xuất sản lượng Q1, tại đó: MR1(24) = MC hay 29 - 2Q1 = 5, ta tính được Q1 = 12.
  • Nếu dự đoán doanh nghiệp 2 sản xuất Q2 = 36, thì đường cầu của doanh nghiệp 1 (D1(36)) có dạng: P = 53 - Q1 - 36 = 17 - Q1. Để tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp 1 quyết định sản xuất sản lượng Q1, tại đó: MR1(36) = MC hay 17 - 2Q1 = 5, ta tính được Q1 = 6.
  • Nếu doanh nghiệp 2 sản xuất Q2= 48 thì D1(48): P = 53 - Q1 - 48 \(\implies\) P = 5 - Q1. Để tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp 1 quyết định sản xuất sản lượng Q1, tại đó: MR1(48) = MC hay 5 - 2Q1 = 5, ta tính được Q1 = 0.

Như vậy quyết định sản lượng để tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp 1 phụ thuộc vào sản lượng của doanh nghiệp 2, thế hiện qua bảng 7.1 sau:

Bảng 7.1: 

Q2

0

24

36

48

Q1

24

12

6

0


Tổng quát, để đạt lợi nhuận tối đa, mức sản xuất của doanh nghiệp 1 tùy thuộc vào sản lượng dự đoán Q2 của doanh nghiệp 2, mức giá sản

phẩm phụ thuộc vào tổng sản lượng của cả 2 doanh nghiệp, do đó đường cầu đối với doanh nghiệp 1:

(D1):    P = 53 - (Q1 + Q2) = (53 - Q2) - Q1

  \(\implies\)   MR1 = (53 - Q2) - 2Q1

Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp 1 sẽ quyết định sản xuất theo nguyên tắc:

MR1 = MC1

53 - 2Q1 - Q2 = 5

\(\implies\) Q1 = 24 - 1/2Q2                            (1)

Phương trình (1) được gọi là phương trình phản ứng của doanh nghiệp 1.

  • Phương trình phản ứng của một doanh nghiệp thể hiện số lượng sản phẩm mà doanh nghiệp sẽ sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận, khi số lượng sản phẩm của doanh nghiệp dối thù coi như đã biết.

Tương tự phương trình phản ứng của doanh nghiệp 2 là:

Q2 = 24 - 1/2Q1                                    (2)

  • Thế cân bằng Cournot được xác định ở giao điểm của 2 đường phản ứng, ở đó mỗi doanh nghiệp dự đoán chính xác số lượng sản phẩm mà đối thủ cạnh tranh sản xuất và quyết định sản lượng thích hợp để tối đa hóa lợi nhuận của mình, và khi đó cả 2 đều không có ý muốn thay đổi quyết định của mình.

 

Với ví dụ trên, để xác định thế cân bằng Cournot, thế phương trình (2) vào phương trình (1), ta có: Q1 = Q2 = 16.

Mức giá là: P = 53 - Q1 - Q2 = 21

Lợi nhuận mỗi doanh nghiệp = (P - AC).Q1 = (21 - 5). 16 = 256. Tổng lợi nhuận của ngành: \(\pi = \pi_1 + \pi_2 = 512\).

  • Trường hợp 2 doanh nghiệp cấu kết với nhau:

Nếu 2 doanh nghiệp cấu kết với nhau, cùng quyết định sản lượng để tối đa hóa lợi nhuận chung, thì cũng tương tự như một doanh nghiệp độc quyền với hai cơ sở, đường cầu thị trường chính là đường cầu đứng trước tổ chức độc quyền này: P = 53 - Q, do đó MR = 53 -2Q. Sản lượng tối đa hóa lợi nhuận của 2 doanh nghiệp thỏa điều kiện: MR = MC hay 53 - 2Q = 5, như vậy Q = 24 và Q1 = Q2 = 12. Ta tính được mức giá P = 29, do đó:

\(\pi_\text{max} = (P-AC)Q = 576\)

\(\implies \pi_1 = \pi_2 = 288\)

  • Như vậy, nêu cấu kết với nhau, cả 2 sẽ sản xuất ít hơn, giá bán cao hơn và lợi nhuận cao hơn so với thế cân bằng Cournot. Trong trường hợp này, mọi tổ hợp sản lượng (Q1 + Q2) của 2 doanh nghiệp luôn bằng 24 đều đạt lợi nhuận tối đa. Đường Q1 + Q2 = 24 được gọi là đường hợp đồng.
  • Đường hợp đồng là tập hợp các tổ hợp sản lượng của 2 doanh nghiệp để tối đa hóa lợi nhuận chung. 
  • Nhược điểm của mô hình Cournot:

Trong thực tế, khó lòng chỉ một lần là doanh nghiệp chọn đúng sản lượng ở thế cân bằng Cournot, mà phải trải qua quá trình thăm dò, điều chỉnh mới có thể đạt được.

2.1.2 Mô hình Stackelberg (lợi thế của người hành động trước)

Trong thị trường có 2 doanh nghiệp, nếu có 1 doanh nghiệp quyết định công bố trước sản lượng sản xuất của mình, thì doanh nghiệp này sẽ có một lợi thế chiến lược và sẽ thu được lợi nhuận cao hơn. Bởi vì khi doanh nghiệp này chọn mức sản lượng lớn, thì đối thủ cạnh tranh phải chọn mức sản lượng nhỏ hơn nếu muốn tối đa hóa lợi nhuận.

Với ví dụ trên, bây giờ nêu doanh nghiệp 1 quyết định trước sản lượng sản xuất, thì mỗi doanh nghiệp sẽ sản xuất bao nhiêu sản phẩm?

Giả sử doanh nghiệp 1 là người quyết định trước sản lượng, thì doanh nghiệp 2 sẽ sản xuất sản lượng theo hàm phản ứng (2) ở trên Q2 = 24 - 1/2.Q1. Doanh nghiệp 1 biết rằng doanh nghiệp 2 sẽ sản xuất căn cứ vào sản lượng Q1 của nó, do đó hàm cầu đối với doanh nghiệp 1 là P = 53 - Q1 - Q2. Thế phương trình (2) vào hàm số cầu:

P = 53 - Q1 - 24 +1/2.Q1 = 29 - 1/2.Q1.

Do đó hàm doanh thu biên MR1 = 29 - Q1

Để đạt lợi nhuận tối đa, doanh nghiệp 1 sẽ sản xuất theo nguyên tắc: MR1 = MC1 hay 29 - Q1 = 5.

Giải phương trình ta có Q1= 24. Thế = 24 vào phương trình (2), ta được Q2 = 12.

Mức giá sẽ là  P = 53 - Q1 - Q2 = 53 - 36 =17

\(\pi_1\) = (P - AC)Q1 = (17 - 5)24 = 288 đvt

\(\pi_2\)= (P - AC)Q2 = (17 - 5)12 = 144 đvt

Qua ví dụ trên cho thấy, lợi thế của người hành động trước. Nếu doanh nghiệp 1 thông báo trước sản lượng của mình, nó sẽ sản xuất sản lượng lớn hơn và thu được lợi nhuận cao hơn so với doanh nghiệp 2. Thông thường người hành động trước là người có thế lực thị trường lớn hơn.

2.2 Cạnh tranh về giá

Chúng ta cho rằng khi các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giống nhau thì hụ sẽ cạnh tranh với nhau về sản lượng. Nhưng trong các ngành mà sản phẩm của các doanh nghiệp là phân biệt, thì các doanh nghiệp sẽ cạnh tranh và xác định giá cả của mình trên cơ sở có tính đến phản ứng của các đối thủ cạnh tranh.

2.2.1 Mô hình Cournot về cạnh tranh giá cả

Nếu chỉ có 2 doanh nghiệp trong ngành, sản xuất sản phẩm có phân biệt và cả 2 phải quyết định giá cả trong cùng một lúc. Ta có thể ứng dụng mô hình Cournot để phân tích trường hợp cạnh tranh về giá cả.

Ví dụ 2: Có 2 doanh nghiệp cạnh tranh giá cả có hàm cầu dứng trước doanh nghiệp như sau: Q1 = 28 - 2P1 + P2 và Q2 = 28 + P1 - 2P2

(Với P1, P2 là giá của mỗi doanh nghiệp; Q1, Q2 là sản lượng của mỗi doanh nghiệp). Cả 2 đều có chi phí trung bình và chi phí biên không đổi AC = MC = 4. Cả 2 phải quyết định cùng một lúc.

Tổng lợi nhuận của doanh nghiệp 1 được xác định:

\(\pi_1 = TR_1 - TC)1 = P_1Q_1 - AC_1.Q_1\)

\(= P_1(28-2P_1+P_2)-4Q_1\)

\(= 36P_1 - 2P_1^2 + P_1P_2 - 112 - 4P_2\)

\(\pi_\text{1max} \Leftrightarrow \pi'_1 = 36-4P_1+P_2 = 0\)

\(P_1 = 9 + 1/4P_2\)                                      (3)

Phương trình (3) được gọi là hàm phản ứng về giá của doanh nghiệp 1. Hàm phản ứng của doanh nghiệp 1 cho biết để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp 1 sẽ ấn định giá cả của mình như thế nào khi đã biết mức giá của doanh nghiệp 2.

 

Tương tự hàm phản ứng của doanh nghiệp 2:

\(P_2 = 9 + 1/4P_1\)                                       (4)

Thế cân bằng Cournot, thế phương trình (4) vào (3) ta tình được P= 12 và P2 = 12. Tiếp tục thế P1, P2 vào hàm cầu, ta có Q1 = Q2 = 16 và lợi nhuận mỗi doanh nghiệp là:

\(\pi_1 = \pi_2 = (P-AC)Q_1 = (12-4)16=128\).

Như vậy, ở thế cân bằng Cournot, để tối đa hóa lợi nhuận, mỗi doanh nghiệp đều ấn định mức giá là 12 và thu được lợi nhuận là 128.

  • Thế cân bằng Cournot về giá thể hiện mỗi doanh nghiệp ấn định mức giá hợp lý nhất của mình để tối đa hóa lợi nhuận, sau khi đã biết giá của đối thủ cạnh tranh và không có động cơ thay đổi giá cả của mình.
  • Trong lý thuyết trò chơi, thế cân bằng Cournot cũng chính là thế cân bằng Nash.
  • Thế cân bằng Nash là tập hợp các chiến lược khiến cho mỗi người chơi đều tin tưởng rằng họ dang làm tốt nhất việc họ có thể làm, khi đã biết hành động của đối thủ cạnh tranh và không có động cơ để thay đổi quyết định của mình.

Trong trường hợp cả hai cấu kết với nhau để tối đa hóa lợi nhuận chung thì hàm số cầu thị trường là:

Q = Q1 + Q2 = 56 - 2P, hay P = 28 - 1/2.Q.

Do đó hàm doanh thu biên MR = 28 - Q.

Để đạt lợi nhuận tối đa họ sẽ sản xuất theo nguyên tắc:

MR = MC hay 28 - Q = 4.

như vậy Q = 24. Thế Q = 24 vào hàm cầu chung ta tính được P = 16. Lợi nhuận tối đa:

\(\pi = (P-AC)Q = (16-4)24 = 288\)

\(\pi_1 = \pi_2 = 288/2 = 144\)

Nếu cả 2 cấu kết, giá bán cao hơn, sản lượng ít hơn và lợi nhuận cao hơn so với không cấu kết.

2.2.2 Cạnh tranh giá cả khi có hơn 2 doanh nghiệp trong ngành

Thông thường khi có hơn 2 doanh nghiệp trong một ngành, thì cạnh tranh giá cả giữa các doanh nghiệp diễn ra như sau:

  • Khởi đầu, một doanh nghiệp sẽ hạ giá bán để gia tăng thị phần và tăng thêm lợi nhuận, gây bất lợi, làm giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp còn lại. Do đó các doanh nghiệp đối thủ phản ứng trả đũa bằng cách cũng hạ giá, thậm chí hạ giá nhiều hơn so với doanh nghiệp ban đầu. Để bảo vệ thị phần của mình, buộc doanh nghiệp đầu tiên phải tiếp tục hạ giá bán nhiều hơn nữa. Cuộc chiến tranh giá thực sự xảy ra, mà hậu quả là:
    • Các doanh nghiệp yếu thế, có chi phí sản xuất cao sẽ bị phá sản, bị loại ra khỏi ngành.
    • Các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính cũng bị thua lỗ và nếu kéo dài có thể cùng bị phá sản. Do đó, để tồn tại các doanh nghiệp còn lại, cuối cùng phải thỏa hiệp, cấu kết với nhau công khai hay ngấm ngầm.

2.3 Đường cầu gãy

Vì sự cấu kết không tồn tại lâu dài, mà thường rất mong manh, nên các doanh nghiệp đều mong muốn có sự ổn định, nhất là sự ổn định giá cả. Đó là lý do tại sao tính cứng nhắc của giá cả là một đặc điểm của thị trường độc quyền nhóm (Hình 7.8).

Cho dù chi phí giảm hay nhu cầu giảm, thì các doanh nghiệp cũng không giảm giá, vì có thể gây ra sự hiểu lầm và chiến tranh giá cả lại tái diễn. Điều này được mô tả bằng mô hình đường cầu gãy trong đồ thị 7.8.

Mỗi doanh nghiệp đứng trước đường cầu gãy với mức giá phổ biến hiện thời là P1. Ở những mức giá cao hơn P1, đường cầu rất co giãn, bởi vì mỗi doanh nghiệp cho rằng nếu tăng giá sản phẩm cao hơn mức giá Pthì không một đối thù nào tăng giá theo, do đó thị phần và doanh thu của doanh nghiệp sẽ bị giảm.

Ngược lại, ở những mức giá thấp hơn P1, đường cầu rất ít co giãn, vì rằng khi một doanh nghiệp hạ giá bán sản phẩm của mình thấp hơn mức giá hiện hành P1 thì các đối thủ cũng sẽ hạ giá theo vì họ không muốn bị giảm thị phần, do vậy lượng sản phẩm bán ra của doanh nghiệp chỉ tăng đến phạm vi lượng cầu thị trường tăng do giá giảm.

Vì thế, đường cầu của doanh nghiệp độc quyền nhóm là đường cầu gãy tại mức giá hiện hành P1, đường doanh thu biên tương ứng không liên tục tại sản lượng Q1. Do đó nếu chi phí biên tăng từ MC1 lên MC2 (hoặc giảm từ MC2 xuống MC1) thì doanh nghiệp vẫn sản xuất ở sản lượng như cũ Q1 (MC2 = MR) với giá bán ra vẫn không đổi P1.

Nhược điểm của mô hình đường cầu gãy là không giải thích được sự hình thành mức giá thị trường P1.

Ngày nay các doanh nghiệp luôn né tránh cuộc cạnh tranh bằng giá cả, vì hậu quả của nó là các bên đều bị thiệt hại, nhưng để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp luôn nỗ lực tìm kiếm những hình thức cạnh tranh phi giá cả, an toàn và hữu hiệu hơn.

2.4 Cạnh tranh về quảng cáo, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và những dịch vụ hậu mãi

2.4.1 Cạnh tranh về quảng cáo

Khi thị trường đã bão hòa, doanh nghiệp nào tăng cường quảng cáo và hình thức quảng cáo hấp dẫn sẽ lôi kéo khách hàng nhiều hơn, thị phần và lợi nhuận sẽ gia tăng. Sau đó các doanh nghiệp đối thủ cũng sẽ tăng cường quảng cáo để bảo vệ thị phần của mình, làm chi phí quảng cáo liên tục tăng lên, lợi nhuận của các bên đều giảm xuống, đồng thời giá sản phẩm nhích lên.

Các doanh nghiệp sẽ rơi vào thế lưỡng nan của 2 kẻ bị tình nghi - một ví dụ điển hình trong lý thuyết trò chơi như sau:

Có 2 kẻ bị bắt giam do bị tình nghi đã cùng nhau gây trọng án, họ bị giam giữ riêng biệt và không thể thông tin cho nhau. Cả 2 đều được yêu cầu thú nhận tội lỗi. Nếu cả 2 thú nhận, mỗi người sẽ nhận án tù 5 năm. Nếu không ai thú nhận, thì không có chứng cớ để buộc tội, cho nên mỗi người chỉ bị tù 2 năm. Nếu một trong hai nhận tội, người nhận tội chỉ bị tù 1 năm, còn người kia sẽ bị tù 10 năm. Theo bạn, mỗi người bị giam sẽ quyết định như thế nào cho hợp lý? Khai hay không khai, nhận hay không nhận tội?

Những kết quả có thể xảy ra được tóm tắt trong ma trận thưởng phạt của lý thuyết trò chơi trong bảng 7.2.

Bảng 7.2 cho thấy cả 2 người bị giam đều ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nếu cả hai thỏa thuận không nhận tội, thì mỗi người chỉ bị kết án 2 năm tù. Nhưng họ không thể nói chuyện được với nhau, hoặc có nói với nhau đi nữa, thì họ cùng không tin chắc người kia giữ đúng điều thỏa thuận. Nếu A không nhận tội, có khả năng bị B phản bội, B sẽ nhận tội. Xét cho cùng, phương án tốt nhất cho A là sẽ nhận tội cho dù B quyết định như thế nào. Tương tự phương án tốt nhất cho B là sẽ nhận tội, bất chấp A quyết định như thế nào. Như vậy cả 2 người sẽ cùng nhận tội, đều bị tù 5 năm.

Phương án tốt nhất trong hành động của mỗi bên được gọi là chiến lược thống trị (hay chiến lược ưu thế).

  • Chiến lược thống trị là một chiến lược tối ưu của một người chơi, bất kể đối phương hành động như thế nào.

Như vậy, mỗi người bị giam đều có chiến lược thống trị là nhận tội. Do đó, thế cân bằng của chiến lược thống trị thể hiện ở ô dưới bên phải: cả 2 đều nhận tội, cả 2 đều bị tù 5 năm.

Bảng 7.2: Kết quả của mỗi chiến lược của 2 người bị giam

 

 

 

 

Chiến lược của

người bị giam B

Chiến lược của người bi giam A

 

Không nhận tội

Nhận tội

Không nhận tội

-2

-2

-1

-10

Nhận tội

-10

-1

-5

-5

(Dấu âm ngụ ý bị phạt tù. Góc phải trên của mỗi ô là kết quả của A, góc trái dưới của mỗi ô là kết quả của B)

Thế cân bằng trong chiến lược thống trị là một trường hợp đặc biệt của thế cân bằng Nash.

Thú tội là chiến lược thống trị đối với từng tội nhân, cũng là một chiến lược tối đa tối thiểu của mỗi người.

  • Chiến lược tối đa tối thiểu là chiến lược trong đó mỗi người chơi xem xét các kết quả xấu nhất cho mỗi hành động của đối phương, và chọn kết quà tốt nhất trong các kết quả xấu nhất.

Cả A và B đều tính toán rằng:

  •  Nếu khai, ít nhất ở tù 1 năm; xấu nhất ở tù 5 năm.
  •  Nếu không khai, ít nhất ở tù 2 năm; xấu nhất ở tù 10 năm.

Vì vậy, giải pháp tối đa tối thiểu của cả 2 là khai, nhận tội, kết quả đều đi tù 5 năm.

Các doanh nghiệp độc quyền nhóm cũng rơi vào thế lưỡng nan của những người bị giam giữ trong các chiến lược cạnh tranh.

Trong lĩnh vực quảng cáo, giả định có 2 doanh nghiệp độc quyền nhóm A và B, đang xem xét có nên tăng cường quảng cáo hay không. Nếu cả 2 doanh nghiệp đều không tăng quảng cáo thì lợi nhuận của A là 15 và của B là 5. Nếu A tăng quảng cáo, B không tăng quảng cáo thì lợi nhuận của A là 18, lợi nhuận của B là 2. Nếu cả 2 tăng cường quảng cáo, lợi nhuận của A là 14, của B là 4. Nếu A không quảng cáo, B tăng quảng cáo thì lợi nhuận của A chỉ là 12, của B là 7. Những kết quả có thể có của trò chơi được minh họa bằng ma trận thưởng phạt trong bảng 7.3.

Bảng 7.3: Kết quả của mỗi chiến lược cho mỗi bên

 

 

 

Chiến lược của 

doanh nghiệp A

Chiến lược của doanh nghiệp B

 

Không tăng quảng cáo

Tăng quảng cáo

Không tăng quảng cáo

5

15

7

12

Tăng quảng cáo

2

18

4

14


(Số bên phải trên của mỗi ố là lợi nhuận của B, số bên trái dưới của mỗi ô là lợi nhuận của A)

Chiến lược tối ưu của A là phải tăng quảng cáo, bất kể B làm gì. Tương tự chiến lược tối ưu của B là tăng quảng cáo cho dù A hành động thế nào.

Như vậy chiến lược thống trị của A và B là tăng cường quảng cáo. Kết quả chi phí quảng cáo tăng, lợi nhuận của cả 2 giảm xuống.

Tuy nhiên, lợi ích của chiến lược gia tăng quảng cáo là do chi phí quảng cáo quá lớn, khiến các doanh nghiệp tiềm tăng bị ngăn chận, không thể gia nhập ngành, do đó thị phần và lợi nhuận của các doanh nghiệp hiện có được bảo đảm. Như vậy quảng cáo là rào chắn rất hữu hiệu.

2.4.2 Cạnh tranh cải tiến mẫu mãi nâng cao chất lượng và các dịch vụ hậu mãi

Các doanh nghiệp luôn tìm kiếm những phương cách sao cho sản phẩm của mình ngày càng được ưa thích trên thị trường, ra sức cải tiến kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức các dịch vụ bán hàng, giao hàng đến tận nhà, hướng dẫn sử dụng, bảo hành sản phẩm... nhằm gia tăng thị phần của mình. Nhưng tất cả các doanh nghiệp đối thủ đều ra sức cạnh tranh với những hình thức tương tự, nên cuối cùng thị phần các bên không thay đổi, nhưng chỉ phí sản xuất gia tăng, lợi nhuận đều giảm sút.

Ngoài ra trong lý thuyết trò chơi, còn đề cập đến chiến lược ăn miếng trả miếng; nghĩa là nếu đối thủ định giá cao ta sẽ định giá cao, ngược lại nếu đối thủ định giá thấp ta cũng định giá thấp.

3. Trường hợp các doanh nghiệp độc quyền nhóm hợp tác nhau

Các doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau, dưới 2 hình thức: ngầm hay công khai.

3.1 Hợp tác ngầm: Mô hình lãnh đạo giá

Trong một số ngành có một vài doanh nghiệp lớn có ưu thế trên các mặt:

  • Có chi phí sản xuất thấp nhất, chất lượng sản phẩm bảo đảm, ổn định, có uy tín trên thị trường.
  • Quy mô sản xuất lớn, sản lượng cung ứng chiếm tỷ trọng đáng kể trong ngành.​

Doanh nghiệp chiếm ưu thế như vậy sẽ là người quyết định giá bán, các doanh nghiệp khác là sẽ là những người chấp nhận giá.

Ta xem xét lãnh đạo giá trong từng trường hợp.

3.1.1 Lãnh đạo giá do có ưu thế về chi phí sản xuất thấp nhất

Đồ thị 7.9 biểu thị trường hợp trong ngành có 2 doanh nghiệp độc quyền tay đôi, mỗi bên chiếm phân nửa thị trường, đường cầu mỗi bên là d. Điều kiện sản xuất của doanh nghiệp 1 được thể hiện bằng đường AC1 và MC1, điều kiện sản xuất của doanh nghiệp 2 được thế hiện qua đường AC2 và MC2. Doanh nghiệp 1 có chi phí sản xuất tháp hơn doanh nghiệp 2.

  • Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp 1 sẽ quyết định sản xuất ở sản lượng Q1 (tại Q1: MC1 = MR) ấn định giá bán là P1.
  • Để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp 2 sẽ quyết định sản xuất ở sản lượng Q2 (tại Q2: MC2 = MR) ấn định giá bán là P2.

Như vậy, giá của doanh nghiệp 1 (P1) thấp hơn giá bán của doanh nghiệp 2. Để bảo vệ thị phần của mình, buộc lòng doanh nghiệp 2 cũng phải bán theo giá của doanh nghiệp 1 là P1. Như vậy, doanh nghiệp 1 có chi phí thấp trở thành người lãnh đạo giá.

3.1.2 Lãnh đạo giá do có ưu thế về quy mô sản xuất lớn

Trong ngành, doanh nghiệp có ưu thế về quy mô sản xuất lớn sẽ là người định giá sản phẩm, các doanh nghiệp còn lại sẽ là những người chấp nhận, theo mức giá mà doanh nghiệp thống trị đã ấn định.

Giả sử đường cầu thị trường về sản phẩm là (D); đường cung của các doanh nghiệp chấp nhận giá là SF; đường cầu của doanh nghiệp lãnh đạo giá là DL; là chênh lệch giữa đường cầu thị trường (D) và đường cung SF: QL = QD - QF.

Đường doanh thu biên tương ứng của doanh nghiệp lãnh đạo giá là MRL và đường chi phí biên là MCL.

Để tối đa hóa lợi nhuận của mình, doanh nghiệp lãnh đạo giá sẽ sản xuất ở sản lượng QL, tại đó MRL = MCL, định giá bán là P1.

Ở mức giá P1, các doanh nghiệp đi theo sẽ bán với sản lượng QF, do đó tại mức giá P1 sản lượng bán ra trên thị trường: Q1= QL+ QF.

3.2 Hợp tác công khai

Khi các doanh nghiệp công khai thỏa thuận hợp tác với nhau thành một liên minh sản xuất được gọi là Cartel.

Nếu tất cả các doanh nghiệp kết hợp thành một Cartel, thì thị trường trở thành thị trường độc quyền hoàn toàn. Để tối đa hóa lợi nhuận chung, Cartel sẽ ấn định mức giá và sản lượng cần sản xuất theo nguyên tắc MC = MR. Sau đó sẽ phân phối sản lượng cho các doanh nghiệp thành viên dựa vào vị thế của mỗi doanh nghiệp; hay phân chia thị trường, mỗi doanh nghiệp thành viên sẽ trở thành doanh nghiệp độc quyền trong khu vực của mình.

Trong thực tế, thường chỉ có một số doanh nghiệp trong ngành tham gia thành lập Cartel, nên sản lượng của Cartel chỉ chiếm một phần trong tổng sản lượng, bởi còn các doanh nghiệp cạnh tranh khác nằm ngoài Cartel. Các Cartel thường có tính quốc tế, với mục tiêu là nâng giá cao hơn nhiều so với giá cạnh tranh bằng cách hạn chế sản lượng cung ứng.

Một Cartel thành công trong việc nâng cao mức giá nhằm gia tăng lợi nhuận phải hội đủ 3 điều kiện:

  • Cầu thị trường là ít co giãn, khó có sản phẩm thay thế.
  • Các doanh nghiệp cạnh tranh còn lại (không gia nhập Cartel) có cung co giãn rất ít, nghĩa là lượng cung của họ rất hạn chế.
  • Sản lượng của Cartel chiếm tỷ trọng lớn và có chi phí thấp trong ngành, đông thời các doanh nghiệp thành viên phải trung thực tuân theo đúng quy định của Cartel.

Một Cartel sẽ ấn định giá như thế nào? Sử dụng mô hình một doanh nghiệp lãnh đạo giá do có ưu thế, vận dụng để giải thích tại sao Cartel dầu lửa OPEC lại thành công trong việc nâng giá, được minh họa ở đồ thị 7.11.

Dw là đường cầu thế giới về dầu thô; Sc là đường cung về dầu của các nước ngoài OPEC. Đường cầu về dầu của OPEC là mức chênh lệch giữa đường cầu thế giới Dw và đường cung cạnh tranh Sc (DOPEC = Dw - Sc). Đường doanh thu biên và chi phí biên của OPEC là MR và MC. Chi phí sản xuất của OPEC thấp hơn nhiều so với các nước ngoài OPEC.

  • Để tối đa hóa lợi nhuận, OPEC sẽ sản xuất ở sản lượng QOPEC (tại đó MC = MR) ấn định giá bán là P*.
  • Ở giá P* các nước ngoài OPEC sẽ cung cấp Qc; lượng cầu thế giới ở mức giá P* là Qw = QOPEC + Qc.

Trước khi có Cartel OPEC, các nước sản xuất cạnh tranh nhau thì giá cạnh tranh là Pc - là mức giá tại đó đường cầu của OPEC cắt đường MC.

Như vậy giá mà Cartel ấn định P* cao hơn rất nhiều so với giá Pc trước khi chưa thành lập Cartel.

Sở dĩ OPEC thành công trong việc ấn định giá vì cầu về dầu mỏ của thế giới là co giãn ít, không có sản phẩm thay thế, còn lượng cung dầu mỏ trong ngắn hạn của các nước ngoài OPEC là ít co giãn. Chi phí sản xuất của OPEC thấp hơn và cung cấp lượng dầu lớn chiếm 2/3 lượng cung thế giới.

Ngược lại Cartel sản xuất Đồng CIPEC lại không thành công vì cầu về đồng co giãn nhiều, có nhiều kim loại thay thế cho đồng, cung của các nước sản xuất đồng ngoài CIPEC chiếm tỷ trọng lớn 65%, còn CIPEC chỉ cung cấp 35% lượng đồng và chi phí sản xuất thấp hơn không đáng kể so với các nước ngoài CIPEC.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?