Bài 1: Thị trường cạnh tranh độc quyền

Tham khảo bài giảng Bài 1: Thị trường cạnh tranh độc quyền dưới đây để nghiên cứu về cân bằng ngắn hạn, dài hạn của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền, hiệu quả kinh tế của thị trường cạnh canh độc quyền các bạn nhé!

Tóm tắt lý thuyết

1. Một số vấn đề cơ bản

1.1 Đặc điểm

Thị trường cạnh tranh độc quyền có một số đặc điểm sau:

  • Một là, có rất nhiều người bán tự do gia nhập hay là rút lui khỏi ngành, thị phần của mỗi doanh nghiệp là rất nhỏ, không đáng kể trên thị trường.
  • Hai là, sản phẩm của các doanh nghiệp có khác biệt với nhau qua nhãn hiệu, kiểu dáng, chất lượng,... và có khả năng thay thế cao độ cho nhau, nhưng không thay thế hoàn toàn.
    Ví dụ: Xà phòng, dầu gội đầu, kem đánh răng, thuốc trị bệnh thông thường...
    • Chính sự khác biệt giữa các sản phẩm của các doanh nghiệp đã hình thành 2 nhóm khách hàng:
      • Khách hàng trung thành với sản phẩm, nghĩa là họ ưa thích sản phẩm này hơn các sản phẩm khác; do đó vẫn mua sản phẩm này dù giá sản phẩm tăng lên.
      • Khách hàng trung lập (không trung thành) với sản phẩm, nghĩa là họ coi các sản phẩm tương tự nhau, do đó sẽ nhanh chóng chuyển sang tiêu dùng sản phẩm khác nếu chỉ có giá sản phẩm này tăng lên.
  • Ba là, chính sự khác biệt giữa các sản phẩm, nên không thể có một mức giá duy nhất cho tất cả các sản phẩm, mà hình thành một nhóm giá gồm nhiều mức giá, nhưng chênh lệch không nhiều.

1.2 Đường cầu và đường doanh thu biên của doanh nghiệp

Mỗi doanh nghiệp là người duy nhất sản xuất sản phẩm mang nhãn hiệu của mình, nên mỗi doanh nghiệp đều có chút ít thế lực thị trường, có thể kiểm soát giá sản phẩm của mình, thể hiện đường cầu sản phẩm đối với doanh nghiệp là co giãn nhiều, nhưng không co giãn hoàn toàn (đường cầu hơi dốc xuống). Do đó, doanh thu biên luôn nhỏ hơn mức giá (MR < P).

Do sản phẩm giữa các doanh nghiệp khác nhau, nên khó xác định đường cầu thị trường cho tất cả sản phẩm.

2. Cân bằng trong ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền

2.1 Cân bằng trong ngắn hạn

Trong ngắn hạn, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp là không đổi và được thể hiện bằng đường AC và MC, điều kiện tiêu thụ của thị trường đối với sản phẩm của doanh nghiệp được thể hiện bằng đường cầu (d)

Trên đồ thị 7.2 cho thấy để tối đa hóa lợi nhuận, doanh nghiệp cạnh tra­nh độc quyền sẽ sản xuất ở mức sản lượng Q1, tại đó chi phí biên bằng doanh thu biên (MC = MR), giá bán sản phẩm là P1, chi phí trung bình là AC1.

Lợi nhuận mỗi sản phẩm = (P1 - AC1), do đó tổng lợi nhuận của doanh nghiệp là:

\(\pi\)  = (P1 - AC1) x Q1

=  Px Q1 - ACx Q1

= TR - TC (Là diện tích P1C1BA)

2.2 Cân bằng trong dài hạn

Trong dài hạn, khi các doanh nghiệp hiện có thu được lợi nhuận kinh tế, sẽ kích thích các doanh nghiệp mới gia nhập vào ngành, một mặt là giảm thị phần của các doanh nghiệp hiện có, đường cầu và đường doanh thu biên của doanh nghiệp sẽ dịch chuyển xuống dưới; mặt khác làm tăng nhu cầu sử dụng các yếu tố sản xuất và giá các yếu tố sản xuất thường tăng lên, làm chi phí sản xuất sản phẩm tăng, các đường chi phí sẽ dịch chuyển lên trên. Lợi nhuận bị giảm từ hai phía: do giá gidm và chi phí sản xuất tăng. Nếu lợi nhuận vẫn còn, thì các doanh nghiệp mới vẫn tiếp tục gia nhập ngành, cho đến khi giá bằng chi phí trung bình dài hạn: P0 = LAC, lợi nhuận kinh tế bị triệt tiêu: \(\pi\) = 0. Các doanh nghiệp mới không gia nhập ngành nữa, ngành và doanh nghiệp dang ở trạng thái cân bằng dài hạn (hình 7.3).

Ở trạng thái cân bằng dài hạn, đường cầu tiếp xúc với đường chi phí trung bình dài hạn (LAC), sản lượng cân bằng dài hạn của doanh nghiệp là Q0, tại đó:

SMC = LMC = MR

và SAC = LAC = P0.

3. Hiệu quả kinh tế của thị trường cạnh tranh độc quyền

3.1 Giả cả và chi phí trung bình

Trong thị trường cạnh tranh hoàn toàn, giá cân bằng dài hạn bằng chi phí biên, bằng chi phí trung bình dài hạn tối thiểu P = LMC = LACmin. Nhưng trong thị trường cạnh tranh độc quyền, mức giá bằng chi phí trung bình dài hạn và lớn hơn chi phí biên:

P = LAC > LMC (hình 7.4).

Do đó giá cả và chi phí trung bình của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền cao hơn so với doanh nghiệp cạnh tranh hoàn toàn.

3.2 Giá cả và sản lượng

Đối với doanh nghiệp cạnh tranh hoàn toàn, cân bằng dài hạn ở mức sản lượng cần bằng tối ưu Q*, là mức sản lượng có chi phí trung bình dài hạn tối thiểu. Đối với doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền, cân bằng dài hạn ở mức sản lượng Qo, nhỏ sản lượng tối ưu hơn, do đó tại Q0 giá bán lớn hơn chi phí biên. Như vậy cạnh tranh độc quyền có mức giá cao hơn và sản lượng nhỏ hơn so với thị trường cạnh tranh hoàn toàn (P0 > P*; Q0 < Q*) (hình 7.4).

3.3 Hiệu quả kinh tế

So với thị trường cạnh tranh hoàn toàn, thị trường cạnh tranh độc quyền hoạt động kém hiệu quả hơn, các doanh nghiệp thiết lập quy mô sản xuất nhỏ hơn quy mô sản xuất tối ưu, giá bán lớn hơn chi phí biên (P > MC).

Nếu sản lượng được gia tăng đến mức sản lượng tại đó có P = LMC, thì tổng thặng dư sẽ tăng thêm là diện tích tam giác ABC trong đồ thị 7.4b. Đây cũng chính là lượng tổn thất vô ích do thế lực độc quyền tồn tại. Tính kém hiệu quả còn thể hiện ở chỗ, các doanh nghiệp độc quyền hoạt động với khả năng còn dư thừa. Sản lượng cân bằng Q0 của nó nhỏ hơn sản lượng có mức chi phí trung bình tối thiểu.

Tuy nhiên, thế lực thị trường của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền là nhỏ, do đó lượng tổn thất vô ích do thế lực thị trường gây ra không đáng kể. Đồng thời, đường cầu của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền là co giãn nhiều, nên khả năng dư thừa cũng rất nhỏ.

Nhưng ưu điểm nổi bật của thị trường cạnh tranh độc quyền là cung cấp sản phẩm rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu muôn vẻ và thích hợp với thu nhập của từng nhóm khách hàng.

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?