Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
- Những kiến thức về văn thuyết minh như:
- Các hình thức kết cấu của văn thuyết minh
- Lập dàn ý bài văn thuyết minh
- Tính chuẩn xác, tính hấp dẫn của văn thuyết minh
- Cách viết đoạn văn thuyết minh
- Vận dụng những kiến thức đã học để viết một bài văn thuyết minh hoàn chỉnh
2. Hướng dẫn luyện tập
Đề 1: Một danh lam thắng cảnh của đất nước quê hương.
Đề 2: Một loại hình ca nhạc (hay sân khấu) mà anh (chị) hằng yêu thích.
Đề 3: Một ngành thủ công mĩ nghệ (hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình
Đề 4: Một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời đại
Gợi ý trả lời
Đề 1: Bài viết cần đảm bảo các nội sung cơ bản như:
- Giới thiệu khái quát chung về danh thắng: tên và địa điểm, nhận xét chung về giá trị ý nghĩa,...
- Giới thiệu về quần thể kiến tạo của danh lam thắng cảnh.
- Giới thiệu về lịch sử của danh lam thắng cảnh.
- Giới thiệu về giá trị của danh lam thắng cảnh (giá trị du lịch, giá trị vănhoá,...).
- Giới thiệu về sức hấp dẫn du khách của danh lam thắng cảnh v.v...
- Dưới đây là bài văn sưu tầm, các em có thể tham khảo
Đất nước Việt Nam ta trải dài từ Bắc chí Nam nơi đâu cũng có những danh lam thắng cảnh độc đáo khiến cho con người ta phải ngỡ ngàng, Mỗi tỉnh mỗi địa phương đều có những cảnh đẹp riêng khiến con người phải trầm trồ ngưỡng mộ. Ví như nói đến Ninh Bình thì không thể không nhắc đến khu du lịch Tràng An Bãi Đính còn khi nhắc đến Phan Thiết Bình Định ta không thể không nhắc đến khu du lịch sinh thái. Phan Thiết. Nằm trọng trong khu du lịch này có rất nhiều cảnh đẹp hoang sơ kì vĩ và nói đến đây ta không thể không nhắc đến Mũi Né.
Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 22 km về hướng Đông Bắc, Mũi Né là một trong những điểm du lịch sinh thái biển đẹp và thơ mộng nhất của tỉnh Bình Thuận. Du khách đến Mũi Né không chỉ bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ của tự nhiên mà còn bị thu hút bởi những hoạt động thể thao hiện đại, những chuyến du lịch dã ngoại và thậm chí bởi cuộc sống của người dân nơi đây. Những bãi biển trải dài đầy nắng, là nơi lý tưởng cho bạn ngâm mình dưới làn nước ấm áp hay nằm phơi mình trên cát. Mắc võng nằm vắt vẻo dưới những tán dừa lớn, tận hưởng bầu không gian thoáng đãng, không khí trong lành hòa theo vị mặn của gió biển cũng là một cái thú của người thị thành.
Mũi Né là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Phan Thiết được rất nhiều người biết đến với những bờ cát trắng trải dài, biển xanh và những hàng dừa cong vút. Đến Mũi Né, bạn không chỉ có tham quan, ngắm cảnh mà còn có thể thưởng thức vô vàn những món ăn ngon được chế biến từ hải sản. Đây cũng là một trong những điều tự hào của người dân vùng biển, Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng bãi đá hòn rơm. Nơi phong cảnh hữu tình nằm trong khu phức hợp bãi tắm của Hòn Rơm. Nơi đây có sức hấp dẫn kỳ lạ bởi có rất nhiều tảng đá có hình thù kỳ lạ nằm đối diện với biển. Điều đặc biệt là mùa mưa, cả ngọn núi được bao phủ bởi màu xanh rì của thiên nhiên. Mùa nắng, cỏ vàng úa mùa của năng, đứng từ xa nhìn lại giống như một ụ rơm khổng lồ nên dân chài lưới gọi đây là Hòn Rơm. Bên cạnh đó bạn còn được ngắm nhìn cảnh đẹp ở suối tiên. Đây là khu vực được khách du lịch Mũi Né ưu ái đặt tên là “Bồng lai tiên cảnh”. Suối Tiên là một khe nước nhỏ nằm bên cạnh Hòn Rơm, đây là suối đi bộ với thung lũng cát rất đẹp. Bên cạnh suối là những đồi nhũ đá tự nhiên có màu đỏ và trắng. Do sự bào mòn của thời gian nên tạo ra những nhũ đá có hình thù kỳ lạ tự nhiên.
Không những thế bạn còn có cơ hội được chiêm ngưỡng cảnh đẹp ở đồi cát trắng. nơi đây còn có tên gọi là “Đồi cát bay” trải dài nhiều cây số từ Bình Thuận đến Ninh Thuận. Màu sắc nơi đây vô cùng lạ mắt do màu của mỏ sắt cũ hòa với màu vàng của cát đẹp vô cùng. Đây cũng là nơi nhiều bức ảnh đạt giải thưởng lớn ra đời. Hình dạng của những tầng cát luôn thay đổi “muôn hình vạn trạng” là do sự bào mòn của gió, cuốn đi những lớp cát mỏng bên trên. Hình ảnh đồi cát vàng được xem là biểu tượng của du lịch Mũi Né. Và một nơi mà bạn không thể bỏ qua đó chính là ghềnh đá Mũi Né. Nơi đây có nhiều mũi đá chồm ra biển đón sóng, cảnh vật rất đẹp và hùng vĩ. Xen kẽ giữa bãi đá dài hơn cây số là bãi cát nhỏ, phía trên đỉnh là miếu Bà Vàng, cuối bãi là Lăng ông Thạch Long thoáng mát, cảnh vật nên thơ.
Với đồi cát sau lưng và biển xanh phía trước, những đồi cây xanh mướt và những hàng dừa nghiêng bóng trữ tình, thơ mộng. Cái khung cảnh thanh bình và vẻ đẹp khó có gì sánh bằng này thực sự là một món quà mà thiên nhiên đã ưu ái dành tặng cho miền đất này. Gần ba triệu khách quốc tế đã đến tham quan – du lịch ở đây trong năm qua, dường như ai cũng còn giữ mãi trong lòng mình ít nhiều kỷ niệm, ấn tượng về khung cảnh thơ mộng, cảnh sắc tuyệt đẹp và sự thân thiện của con người nơi đây. Mũi Né sẽ còn nhiều hứa hẹn tuyệt diệu bất ngờ hơn nữa trong tương lai. Và cứ mỗi lần ghé đến tham quan, thưởng ngoạn, nghỉ mát, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên hơn vì khung trời hấp dẫn trong khung cảnh du lịch sinh thái biển ở nơi đây pha lẫn cảm xúc lạ lùng, cuốn hút, ngỡ ngàng khó nói hết.
Ngoài hải sản đặc trưng của vùng biển, Mũi Né còn sở hữu nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn. Một số món ăn không thể bỏ qua khi đi du lịch Mũi Né có thể kể đến: bánh bột lọc tôm thịt hay bánh canh đều là những sản vật nơi đây nhưng lại được làm tư những nguyên liệu rất đơn giản và điều thú vị là giá cả rất hợp lí nên bạn đừng bỏ lỡ nhé.
Mũi Né đã trở thành điểm du lịch rất tuyệt vời và được gạch chân trong sổ tay nhất định phải đến của du khách khi đến với Việt Nam, Bên cạnh việc tham quan ngắm cảnh chúng ta cũng hãy cùng nhau chung tay để góp phần làm vùng biển nơi đây ngày càng trở nên trong lành hơn
Đề 2: Những nội dung cơ bản các em cần lưu ý:
- Giới thiệu chung về loại hình ca nhạc (sân khấu): Loại hình gì? Đặc điểm nổi bật của loại hình này là gì
- Giới thiệu về đặc điểm cụ thể, chi tiết của loại hình. Nếu là ca nhạc thì giới thiệu đặc điểm âm nhạc, đặc điểm ca từ, đặc điểm biểu diễn... Nếu là sân khấu thì giới thiệu đặc điểm kịch bản, đặc điểm diễn xướng, đặc điểm hoá trang, ánh sáng...
- Giới thiệu lịch sử của loại hình ca nhạc (sân khấu): nguồn gốc xuát xứ, những bước thăng trầm, những tên tuổi tiêu biểu...
- Giới thiệu về giá trị, ảnh hưởng của loại hình ca nhạc (sân khấu) đến đời sống xã hội, đặc biệt nhấn mạnh đời sống tinh thần, ý nghĩa giáo dục tình cảm thẩm mĩ...
- Dưới đây là bài văn sưu tầm, các em có thể tham khảo
Trong dòng văn hoá và nghệ thuật âm nhạc dân gian chảy từ ngàn xưa, giữa sự đa dạng và đa diện của các dòng dân ca: chèo của Thái Bình, Nam Định, chèo tàu của Hà Tây, hát dặm Nghệ An, Hà Tĩnh, ca trù, ca Huế, dân ca Nam Bộ… vẫn lấp lánh một dòng dân ca riêng biệt, đặc sắc và độc đáo, tựa như:
Cây trúc xinh tang tình là cây trúc mọc…
Chị Hai xinh, tang tình là chị Hai đứng…
Đó là dân ca quan họ vùng Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Quan họ vừa như một làn điệu hội tụ "khí chất" của rất nhiều làn điệu dân ca: cái trong sáng, rộn ràng của chèo; cái thổn thức, mặn mà của hát dặm; cái khoan nhịp sâu lắng của ca trù; cái khoẻ khoắn, hồn nhiên của dân ca Nam Bộ. Nhưng trên hết, quan họ mang "khí chất" của chính quan họ, là hồn của xứ sở quan họ, là "đặc sản" tinh thần của Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Nằm kề cận với thủ đô, có diện tích nhỏ nhất nước, với sáu huyện, thị, nhưng khát vọng trí tuệ, khát vọng sống, khát vọng khẳng định mình của Kinh Bắc chẳng nhỏ tí nào. Sách cổ của người xưa từng ngưỡng mộ: "Kinh Bắc nổi tiếng văn nhã". Đất Kinh Bắc là nơi kết tụ của tài hoa các làng nghề: làng tranh Đông Hồ, làng giấy Đống Cao, làng chạm khắc Phù Khê, làng đồng Đại Bái, làng buôn Phù Lưu… là đất của hàng nghìn di tích lịch sử, danh thắng của các đình, đền, chùa nổi tiếng. Người Kinh Bắc thông minh, tinh tế, ở bất cứ thời đại lịch sử nào Kinh Bắc cũng hiến cho đời không ít những danh nhân, nhân tài, kẻ sĩ, các bậc hiền tài… Các cộng đồng làng Kinh Bắc từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, gắn kết với nhau trong tình làng nghĩa xóm, trong lao động cần cù, trong khát vọng yêu thương, vượt lên thiên tai, địch hoạ, vượt lên gian khó, "thương người như thể thương thân", "tứ hải giao tình" (bốn biển một nhà) như lời dân ca quan họ. Chính cái khát vọng sống của người Kinh Bắc, đất Kinh Bắc đã hoá thân thành những làn điệu quan họ kỳ diệu: "lời thì giao duyên, tình thì anh em", vừa thực, vừa mơ, vừa giãi bày, vừa khúc chiết, vừa tình tự, vừa sâu sắc…
Các làng quan họ hầu hết ở Bắc Ninh, mà theo các nghệ nhân, từng có tới 49 làng quan họ. Và như sông Cầu không bao giờ cạn, mạch sống của khúc nhạc, lời ca quan họ cũng không khi nào nhạt phai dù đã trải qua bao đời người và bao nhiêu biến động thời thế. Đến bây giờ Hội làng quan họ vẫn là nguồn cảm hứng mùa xuân bất tận của xứ Kinh Bắc. Các Hội làng gắn bó đặc biệt với hát quan họ, không thể nào có hội làng trên mảnh đất Bắc Ninh mà thiếu vắng sắc màu và âm thanh quan họ. Những hội hè này trải dài từ mồng 4 Tết âm lịch đến 28 tháng 3 âm lịch. Đặc sắc nhất vẫn là Hội Lim ở huyện Tiên Sơn. Vào những ngày hội, nam thanh nữ tú các nơi đổ về, trẩy hội tưng bừng, để được nghe các liền anh, liền chị xiêm y mớ bảy mớ ba, hát đối đáp, hát canh, hát hội, hát mừng…
Dân ca quan họ quả là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, nó cần được tiếp tục nuôi dưỡng, trân trọng gìn giữ và lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau, ở trong nước và cho cả cộng đồng Việt Nam hải ngoại.
Đề 3: Những nội dung cơ bản các em cần lưu ý:
- Ngành thủ công (hoặc đặc sản, hoặc nét văn hóa ẩm thực) mà bạn muốn giới thiệu là gì? Nó là sản phẩm của quê hương bạn hay của vùng miền khác?
- Đánh giá khái quát vai trò của nó đối với xã hội (ngành thủ công) hoặc với kho tàng văn hóa ẩm thực nói chung.
- Giới thiệu về vùng quê có nghề truyền thống hay có đặc sản, có nét văn hóa ẩm thực đó.
- Giới thiệu cụ thể về đối tượng:
- Với ngành thủ công, có thể thuyết minh về:
- Nguồn gốc hình thành nghề thủ công đó (nên lựa chọn các truyền thuyết hoặc những câu chuyện cũ để kể một cách tóm lược).
- Sản phẩm của ngành thủ công đó là gì? Có vai trò như thế nào trong cuộc sống?
- Miêu tả lại công đoạn sản xuất (chú ý những "bí quyết nhà nghề" có tính đặc trưng trong quá trình tạo ra sản phẩm).
- Nghề thủ công ấy trong thời hiện đại có những thay đổi ra sao? (ví dụ sự can thiệp của máy móc, công nghệ vào quá trình sản xuất như thế nào? ...)
- Với các loại đặc sản hay nét văn hóa ẩm thực có thể thuyết minh về:
- Quá trình tạo nên sản phẩm (cũng cần chú ý những "bí quyết" riêng).
- Cách thưởng thức sản phẩm đó như thế nào để nó trở thành một nét văn hóa.
- Đánh giá chung về ý nghĩa, vai trò của đối tượng vừa được thuyết minh.
- Với ngành thủ công, có thể thuyết minh về:
- Dưới đây là bài văn sưu tầm, các em có thể tham khảo
Khi đến thăm làng nghề cổ Bát Tràng có từ nhiều thế kỷ nay. Không chỉ tìm hiểu về nghề, du khách còn có thể trực tiếp làm gốm để tạo ra những sản phẩm của riêng mình. Người Bát Tràng tận tình và hiếu khách đã tạo một không gian văn hóa du lịch hấp dẫn du khách đến từ mọi miền đất nước…
Xã Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tiếng là vùng ngoại thành nhưng xã chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng mười cây số. Từ trung tâm thủ đô, khách đi cầu Long Biên hoặc Chương Dương qua sông Hồng rồi đi trên con đê dọc theo bờ sông được tráng bê tông hơn nửa tiếng là đến nơi. Làng nghề cổ nằm bên đường đê, ngoài kia là bến sông Bát - một đoạn sông Hồng đi qua làng cổ này.
Gốm Bát Tràng là nghề truyền thống của xã, được lưu truyền nhiều đời từ khoảng thế kỷ 14-15. Từ xưa, gốm Bát Tràng đã nổi tiếng và được sử dụng trong hoàng cung, là sản vật để nạp cống cho các quốc gia lớn. Giờ đây, Bát Tràng đã thay đổi nhiều nhưng người dân địa phương vẫn gìn giữ nghề của cha ông.
Bước vào đầu làng, người ta gặp những quầy hàng bày bán đủ loại sản phẩm được sản xuất tại chỗ. Qua hết dãy cửa hàng đó là chợ gốm, quy tụ các lò gốm trong làng ra trưng bày, mua bán gốm. Đi sâu vào một chút là vô số những lò gốm. Lò gốm được đặt tại nhà. Trong làng, hầu như nhà nào cũng có lò gốm. Lò nào cũng dành một không gian nho nhỏ làm sân chơi gốm cho khách. Trước đây, đến Bát Tràng, khách chỉ tham quan, đứng nhìn nghệ nhân làm. Khách đến ngày một đông, ai cũng tò mò muốn biết nghề nên một số chủ lò bèn mở dịch vụ cho khách làm thử. Từ đó, nhà nhà ăn nên làm ra nhờ dịch vụ này bên cạnh việc sản xuất gốm phân phối đi khắp mọi miền đất nước.
Khách vào "chơi gốm" được chủ lò phát cho một cục đất sét và hướng dẫn tỉ mỉ cách tạo hình dáng sản phẩm trên bàn xoay. Quan trọng là phải để đất vào vị trí trung tâm của bàn. Một tay quay bàn, một tay "vuốt gốm" để tạo hình sản phẩm. Thông thường, khách chỉ làm những món đơn giản nhất là ly, chén, lọ cắm hoa. Ai nấy cũng học nghề rất nhanh và làm cho mình những sản phẩm đầu tay. Khách chơi gốm thoải mái, cho đến khi nào chán thì thôi. Giá một lần làm chỉ 10.000 đồng - rất "mềm" so với nhiều dịch vụ khác. Nếu muốn mang sản phẩm về, chủ lò sẽ đốt lò để nung sơ sản phẩm, cho đất khô lại. Sau đó, khách trang trí hoa văn bằng màu tùy ý. Giá của các công đoạn này chỉ 30.000 đồng.
Người Bát Tràng rất hiếu khách, đối đãi rất nhiệt tình. Trong khi chờ nung gốm, chủ lò gốm thường mời khách nước trà, thuốc lào và trò chuyện vui vẻ. Nghệ nhân làng nghề Bát Tràng rất say nghề. Phụ nữ, đàn ông, thanh niên trong làng đều thuần thục nghề của cha ông. Dù lớn lên và đi học ở thủ đô, nhưng những người trẻ trong làng vẫn quay về nhà vào cuối tuần phụ giúp gia đình làm gốm. Thanh niên trong làng rất năng động. Tiếp xúc với du khách trẻ, họ trở thành những hướng dẫn viên du lịch thuần thục. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất truyền thống nghề, họ hiểu rất rõ về nghề gốm nên thuyết minh rất rõ ràng, tạo sự thích thú cho du khách. Không ít người lập facebook để giới thiệu về nghề của làng và sân chơi gốm của gia đình cho du khách. Hình của khách đến chơi gốm đều được đăng tải trên facebook tạo một kênh quảng bá cho hình ảnh làng nghề, đưa nghề gốm vượt khỏi cổng làng. Có rất đông du khách trẻ tới đây. Không chỉ du khách từ phương xa mà ngay cả người dân thủ đô cũng đến Bát Tràng vào cuối tuần để tìm hiểu nghề truyền thống và chơi gốm thỏa thích.
Mất vài giờ nghịch ngợm với cục đất sét vô tri, sau khi có sản phẩm đầu tay thú vị, khách rời lò gốm, theo chủ lò ra đình làng để tham quan. Đó là ngôi đình cổ, mái cong vút nằm quay mặt ra sông Hồng. Đoạn sông trước đình làng được gọi là sông Bát. Đứng ở sân đình, không gian khá yên tĩnh. Đình làng được xây dựng cách đây gần 300 năm, theo kiểu chữ nhị đặc trưng của đình chùa xứ Kinh Bắc. Đình được tôn tạo nhiều nhưng vẫn giữ nguyên không gian, kiến trúc cổ xưa: Phía trong là hậu cung gồm 3 gian; phía ngoài là tòa đại bái gồm 5 gian và 2 chái. Gian thờ trong tòa đại bái được bài trí trang trọng. Những hàng cột gỗ lim vững chãi tạo một không gian thờ uy nghi. Trong đình hiện còn giữ hơn 50 đạo sắc phong cho thành hoàng qua các đời vua, chúa. Năm 2005, đình được Bộ Văn hóa-Thông tin cấp bằng Di tích văn hóa kiến trúc nghệ thuật.
Khi đến Bát Tràng, ai cũng đến đình để tham quan, chiêm bái. Những người trông coi đình rất nhiệt tình. Chỉ cần gọi điện theo số điện thoại treo trên cửa, bất cứ giờ nào khách cũng được tiếp đón ân cần. Một điều rất hay là không chỉ người trông đình mà rất nhiều người trong làng đều có thể thuyết minh rành mạch về làng và đình làng. Tuyệt nhiên không hề có chuyện vòi vĩnh, "xin tiền" sau khi hướng dẫn. Bát Tràng là một điểm đến thú vị của nghề truyền thống
Đề 4: Những nội dung cơ bản các em cần lưu ý:
- Giới thiệu khái quát: Tên lễ hội, thời điểm tổ chức lễ hội, đặc điểm chung nổi bật của lễ hội...
- Giới thiệu lịch sử của lịch sử: Có từ bao giờ? Xuất phát từ đâu? Trải qua một quá trình như thế nào?
- Giới thiệu quy trình tổ chức một lễ hội từ khâu chuẩn bị đến quá trình diễn ra và kết thúc.
- Giới thiệu giá trị của lễ hội trong đời sống tinh thần, văn hoá của con người...
- Dưới đây là bài văn sưu tầm, các em có thể tham khảo
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Từ nhiều đời nay, trong đời sống tinh thần của người Việt Nam, đã luôn hướng tới một điểm tựa của tinh thần văn hoá - đó là lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương, được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hàng năm, lễ hội Giỗ Tổ vẫn được tổ chức theo truyền thống văn hoá của dân tộc. Vào những năm chẵn (5 năm một lần), Giỗ Tổ được tổ chức theo nghi lễ quốc gia, năm lẻ do tỉnh Phú Thọ tổ chức. Việc tổ chức lễ hội Giỗ Tổ rất chặt chẽ, bao gồm hai phần: lễ và hội.
Lễ hội Rước Kiệu được duy trì trang nghiêm trong các đền, chùa trên núi Hùng. Nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu của Đảng, Chính phủ, các địa phương trong toàn quốc,... được tổ chức long trọng tại đền Thượng. Từ chiều ngày mồng 9, làng nào được Ban tổ chức lễ hội cho phép rước kiệu dâng lễ đã tập trung tại nhà bảo tàng dưới chân núi, trên kiệu đặt lễ vật. Sáng sớm ngày mồng 10, các đoàn đại biểu tập trung ở một địa điểm tại thành phố Việt Trì, có xe tiêu binh rước vòng hoa dẫn đầu, diễu hành tới chân núi Hùng. Các đoàn đại biểu xếp hàng chỉnh tề đi sau kiệu lễ, lần lượt lên đền theo tiếng nhạc của phường bát âm và đội múa sinh tiền. Tới trước thềm của Điện Kính Thiên, đoàn dừng lại, kính cẩn dâng lễ vào thượng cung đền Thượng. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh (năm chẵn là nguyên thủ quốc gia hoặc đại biểu đại diện Bộ Văn hoá), thay mặt cho tỉnh và nhân dân cả nước đọc chúc căn lễ Tổ. Toàn bộ nghi thức hành lễ được hệ thống báo chí, phát thanh truyền hình đưa tin hoặc tường thuật trực tiếp để đồng bào cả nước có thể theo dõi lễ hội. Đồng bào dâng lễ trong các đền, chùa trên núi, ai cũng có tâm nguyện cầu mong tổ tiên chứng giám, phù hộ độ trì cho con cháu.
Lễ Dâng Hương sẽ được diễn ra tưng bừng, náo nhiệt xung quanh các đền, chùa và dưới chân núi Hùng. Lễ hội ngày nay có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá hơn xưa. Các hình thức văn hoá truyền thống và hiện đại được đan xen nhau. Trong khu vực của hội, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm, văn hoá phẩm, các cửa hàng dịch vụ ăn uống, các khu văn thể,... được tổ chức và duy trì một cách trật tự, quy củ. Tại khu văn thể, các trò chơi văn hoá dân gian được bảo lưu có chọn lọc như: đu quay, đấu vật, chọi gà, bắn nỏ, rước kiệu, kéo lửa nấu cơm thi, đánh cờ tướng (cờ người).... Có năm còn diễn trò "Bách nghệ khôi hài" , "Rước chúa gái", "Rước lúa thần" và trò "Trám" tại khu vực hội. Cạnh đó là sân khấu của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: chèo, kịch nói, hát quan họ,... Hội ngày nay chính là nơi để thi tuyển và giao lưu văn hoá giữa các vùng. các nghệ nhân người Mường mang đến lễ hội thanh âm của tiếng trống đồng một thời đóng trên đỉnh núi Hùng, gọi mặt trời làm mưa, làm nắng thuận hoà, cho mùa màng tốt tươi, muôn dân hạnh phúc. Những làn điệu Xoan - Ghẹo với lời ca tinh tế, mượt mà đã đem tới cho lễ hội đền Hùng một nét đặc trưng, thấm đượm văn hoá vùng Trung du Đất Tổ. Một điểm quan trọng nằm ở giữa trung tâm lễ hội là nhà bảo tàng Hùng Vương, ở đây lưu giữ vô số những cổ vật đích thực của thời đại các Vua Hùng.
Thời đại của chúng ta ngày nay đang ngày càng góp sức tô điểm và phát huy sự cao đẹp của lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Hàng năm, ý nghĩa tâm linh của cuộc trẩy hội về Đền Hùng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sinh hoạt truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần tín ngưỡng của người Việt Nam. Không phân biệt già trẻ, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tôn giáo.... Tất cả những người con đang sống trên mọi miền Tổ quốc, những người con xa xứ đều bình đẳng về mộ Tổ, thăm đền và dự lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh để nắm thêm những kiến thức và lưu ý cần thiết của bài học.
3. Hỏi đáp về bài Viết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.