Hướng dẫn chi tiết
2. Tóm tắt nội dung bài học
2.1. Nội dung
- Vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên, nỗi sầu của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn
- Niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương đất nước của tác giả.
2.2. Nghệ thuật
- Sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và hiện đại
- Niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời và lòng yêu quê hương, đất nước của tác giả.A
3. Soạn bài Tràng giang chương trình chuẩn
Câu 1: Anh (chị) hiểu như thế nào về câu thơ đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài? Đề từ đó có mối liên hệ gì với bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của tác giả trong bài thơ?
- Câu thơ đề từ: "Bâng khuân trời rộng nhớ sông dài"
- Hai chữ bâng khuâng thể hiện được nỗi niềm của nhà thơ: cảm giác bâng khuâng trước Tràng Giang rộng lớn.
- Trời rộng được nhân hóa nhớ sông dài hay chính là ẩn dụ cho nỗi nhớ của nhà thơ.
→ Câu thơ định hướng cảm xúc chủ đạo của bài thơ : nỗi buồn sầu lan tỏa, nhẹ nhàng mà sâu lắng trước cảnh trời rộng sông dài ( tràng giang), đồng thời tạo nên vẻ đẹp hài hòa, vừa cổ điển (của sông nước mây trời) vừa hiện đại (của nỗi buồn nhớ bâng khuâng) của chàng thanh niên thời thơ mới.
Câu 2: Nêu cảm nghĩ về âm điệu chung của toàn bài thơ
- Cảm nghĩ về âm điệu chung của toàn bài thơ:
- Âm điệu chung của bài thơ là âm điệu buồn lặng lẽ, bâng khuâng, man mác da diết, sầu lặng. Nổi bật trong suốt bài thơ là âm điệu buồn - đều đều, dập dềnh như sông nước ở trên sông, vừa lai âm điệu trong lòng thi nhân khi đứng trước cảnh Tràng Giang lúc chiều xuống.
- Chủ yếu là nhịp thơ 3 - 4 tạo ra âm điệu đều đều. Âm điệu tựa như dập dềnh trên sông và sóng biển.
→ Qua âm điệu đó, ta dễ dàng nhận ra nỗi sầu rất đặc trưng của thơ Huy Cận, một kiểu cảm xúc mênh mang, mang nỗi sầu vô tận giữa dòng đời
Câu 3: Vì sao nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc?
- Nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc vì:
- Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ hiện lên đậm màu sắc cổ điển với sóng nước, con thuyền, cồn nhỏ đìu hiu, bến cô liêu,..., có những cảnh đẹp như trong Đường thi: (Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,/ Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.) Ở đây có núi mây hùng vĩ (mây đùn thành núi bạc) phía trời tây, lại có cảnh chim chiều hút nắng lúc hoàng hôn đang sa xuống tận cuối trời xa - đó là những thi liệu quen thuộc của thơ cổ điển phương Đông mà ta đã gặp đâu đó trong thơ Đường, thơ Tống cũng như thơ trung đại Việt Nam.
- Bức tranh thiên nhiên trong Tràng giang vẫn gần gũi, thân thuộc với mọi tấm lòng Việt Nam. Bởi ta nhận ra đó là một con sông quê hương đất nước với "cành củi khô lạc dòng", với “tiếng làng xa vãn chợ chiều”, cả những cụm bèo trôi dạt trên sông “hàng nối hàng”, và nhất là cảnh bờ bãi ven sông đúng là của Việt Nam, không thể nào lẫn được (Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng). Hình ảnh trong bài thơ, tuy đã được khái quát, mang ý nghĩa tượng trưng (một con sông buồn), không còn là một con sông cụ thể nữa, nhưng nó vẫn rất thực và gần gũi, mang hình bóng con sông của xứ sở, thân thuộc với mọi tấm lòng Việt Nam.
Câu 4: Tình yêu thiên nhiên ở đây có thấm đượm lòng yêu nước thầm kín không? Vì sao?
- Tình yêu thiên nhiên ở đây có thấm đượm lòng yêu nước thầm kín. Vì:
- Viết về một con sông buồn, trước hết Huy Cận bộc lộ nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, nhưng đó là một nỗi sầu - cô đơn thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha của tác giả. Trước Tràng giang dập dềnh sóng nước, trước con sông “mênh mông không một chuyên đò ngang”, nhà thơ thấy rõ cái cô đơn gần như tuyệt đối của mình trước vũ trụ bao la vô cùng vô tận, từ đó mà cảm nhận sâu sắc thân phận của một thi nhân mất nước trong cảnh đời nô lệ lúc bấy giờ.
- Đâu chỉ là cành củi khô lạc dòng, cụm bèo trôi sông mà đây chính là thân phận của những cuộc đời trôi nổi, chưa định được hướng đi trong xã hội cũ. Bức tranh thiên nhiên cũng chính là bức tranh tâm trạng của thi sĩ. Và khi đã thấu hiếu, thấm thía cái thân phận thi nhân mất nước ấy thì cũng có nghĩa là lòng yêu nước của Huy Cận vẫn còn đầy ắp trong tim, giờ đây được bộc lộ thầm kín và thiết tha qua những hình ảnh thơ hàm chứa ý nghĩa sâu sắc, cần nhớ nhung câu thơ: (Củi một cành khô lạc mấy dòng.)
- Phải gắn cái tôi cô đơn với thân phận thi nhân mất nước của Huy Cận trong bài thơ thì mới cảm nhận được sâu sắc tâm sự yêu nước kín đáo của thi sĩ. Xuân Diệu cho rằng Tràng giang là bài thơ của tình yêu non sông đất nước chính là vì thế.
Câu 5: Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ (thể thơ thất ngôn, thủ pháp tương phản, các từ láy, các biện pháp tu từ)
- Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ:
- Thể thơ thất ngôn trang nghiêm, cổ kính, với cách ngắt nhịp quen thuộc tạo nên sự cân đối, hài hòa. Thủ pháp tương phản được sử dụng triệt để: hữu hạn/ vô hạn; nhỏ bé/ lớn lao; không/ có; ...
- Sử dụng thành công các loại từ láy: láy âm (Tràng Giang, đìu hiu, chót vót, ...), láy hoàn toàn (điệp điệp, song song, lớp lớp, dợn dợn, ...). Các biện pháp tu từ: nhân hóa, ẩn dụ, so sánh
- Kết hợp hài hòa những thi liệu mang nét cổ kính của văn học cổ điện với văn học hiện đại.
- Từ láy, đối.
- Cách ngắt nhịp tạo nên những âm điệu buồn, man mác thể hiện rõ nét tâm trạng bâng khuâng của nhà thơ.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tràng giang để nắm vững hơn các kiến thức trọng tâm của bài học.
4. Soạn bài Tràng giang chương trình Nâng cao
Câu 1: Anh (chị) có cảm nhận như thế nào về âm điệu chung của toàn bài thơ? Âm điệu ấy đã góp phần thể hiện tâm trạng gì của tác giả trước thiên nhiên?
Gợi ý
- Bài thơ được bao trùm bởi âm điệu buồn. Qua âm điệu đó, ta dễ dàng nhận ra nỗi sầu rất đặc trưng của thơ Huy Cận cùng một kiểu cảm nhận có màu sắc bi quan về cuộc đời.
Câu 2: Hãy nêu cảm nhận của anh (chị) về bức tranh thiên nhiên được thể hiện trong bài thơ. Câu đề từ :Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" có mối liên hệ gì đối với hình ảnh tạo vật thiên nhiên và tâm trạng của tác giả được thể hiện trong bài?
Gợi ý
- Với sắc thái trang trọng, cổ kính và với ý nghĩa khái quát vốn có của một từ Hán Việt, nhan đề Tràng giang hết sức phù hợp với nội dung triết lí của tác phẩm, đưa tác phẩm vượt lên trên lối miêu tả đơn giản những yếu tố hữu hình. Sự điệp âm chứa đựng trong từ ghép này còn có khả năng gợi lên ấn tượng về một cái gì mênh mang, vô tận. Điều đó cũng thật sự ăn khớp với tính chất của thứ không gian mà bài thơ đã tạo dựng được. Với câu đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”, tác giả như muốn mách bảo trước cùng độc giả rằng: điều sẽ được tập trung thể hiện trong bài là một nỗi bâng khuâng - tức là một thứ cảm xúc man mác và khá khó hiểu dấy lên trước không gian, trước trời rộng, sông dài.
- Bức tranh chiều sông nước đã được tạo hình rất có ấn tượng trong bài thơ, dù điều cơ bản tác giả muốn hướng tới không phải là tả cảnh. Đặc điểm nổi bật của nó là buồn, một nỗi buồn toát lên từ sự dàn trải mênh mông của không gian trong ánh chiều tà, từ tình trạng thiếu vắng những liên hệ giữa các sự vật, từ sự nhạt nhoà của màu sắc, sự mơ hồ, mong manh của âm thanh, từ những chuyển động vô hướng của các sự vật bé mọn giữa một không gian dài, rộng tưởng như vô tận,… Dĩ nhiên, bức tranh này thấm đẫm tâm trạng, nói đúng hơn, nó chính là tâm trạng tác giả được vật thể hoá.
Câu 3: Hãy phát biểu nhận xét về hình thức tổ chức câu thơ và việc sử dụng lời thơ trong các cặp câu sau:
- Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song.
- Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Gợi ý
- Cả hai cặp thơ trên về hình thức tổ chức câu thơ cũng như sử dụng lời thơ để có sự vận dụng và phát huy một cách sáng tạo những yếu tố cổ điểm Đường thi để thể hiện tâm trạng của cái tôi mới.
- Cách thức tổ chức câu thơ tuân theo phép đối ngẫu phổ biến của thơ Đường. Chứng đều là những cặp câu đối nhau. Tuy nhiên, dạng thức mẫu mực của đối, theo quan niệm cổ điển, là phải đối nhau triệt để: đối câu, đối ý, đối chữ, đối âm. Ở đây, Huy Cận chỉ mượn nguyên tắc tương xứng của đối, chứ không đẩy lên thành đối chọi. Vì thế, câu thơ tạo ra vẻ cân xứng trang trọng, mở ra được nhiều chiều kích vô biên của không gian, mà không gây cảm giác gò bó, nệ cổ. Nghĩa là, một nét thi pháp cổ điển Đường thi đã được cách tân để phù hợp với tâm lí hiện đại.
- Cách sử dụng lời thơ: có những ngôn từ được dùng theo lối thơ Đường, cụ thể là học theo lối dùng từ láy, theo lối song song của Đỗ Phủ ở bài Đăng cao.
Câu 4: Hình ảnh "Củi một cành khô lạc mấy dòng" và hình ảnh "Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa" gợi cho anh (chị) những cảm nghĩ gì?
Gợi ý
- Các hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng” và “Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa” vừa có tính chất tả thực vừa có tính chất tượng trưng. Với hình ảnh đầu, tác giả đã nói được rất sâu sắc cảm nhận của mình về cái tàn tạ của sự sống và sự vô định của kiếp người. Với hình ảnh sau, tác giả muốn thể hiện nỗi cô đơn, bất lực và sự yếu ớt của con người trước cuộc sống. Cánh chim vốn đã nhỏ như lại càng nhỏ hơn khi được đặt trong tương quan với núi mây nặng nề và bóng chiều u ám. Cánh chim như một bóng dáng lẻ loi đơn độc của sự sống không thể nào xuyên thủng được bức thành sầu dày đặc.
Câu 5. Tạo sao có thể nói tình yêu thiên nhiên ở đây cũng chứa đựng lòng yêu nước thầm kín?
Gợi ý
- Tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ là nỗi buồn non nước thể hiện lòng yêu quê hương đất nước thầm kín của một lớp thanh niên của chế độ cũ. Cảm hứng xuyên suốt Tràng giang là nỗi buồn miên man vô tận, là nỗi sầu nhân thế.
5. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1: Cách cảm nhận không gian, thời gian trong bài thơ có gì đáng chú ý
Câu 2*: Vì sao câu thơ cuối Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà lại làm cho người đọc liên tưởng đến hai câu thơ trong bài Lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu?
Gợi ý trả lời
Câu 1:
- Cảm nhận không gian
- Mang cảm hứng vũ trụ (câu thơ đề từ): không gian rộng lớn, mang kích cỡ vũ trụ, bao la vô cùng vô tận.
- Không gian ba chiều lần đầu tiên xuất hiện trong thơ (khổ hai).
- Không gian buồn, hiu hắt (khổ hai), con sông không bóng người (khổ ba).
- Không gian vừa hùng vĩ, vừa cô đơn (khổ cuối).
→ Không gian bao la, rộng lớn thấm đượm nỗi sầu - cô đơn của nhà thơ.
- Cảm nhận thời gian
- Thời gian ở đây là buổi chiều (lúc gần tối) buông xuống trên sông. Tác giả đã cảm nhận thời gian qua những chi tiết của đời thường kết hợp với những thi liệu cổ điển phương Đông - dùng hình ảnh sự vật, sự việc để nói lên thời gian: ("Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều", "Khói hoàng hôn", "Lớp lớp mây cao đùn núi bạc/ Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.")
→ Cách cảm nhận thời gian vừa cụ thể, gợi cảm, lại phản ánh đúng nỗi cô đơn, nỗi buồn thấm thía và nỗi nhớ nhà thăm thẳm trong lòng nhà thơ khi đứng trước Tràng giang mênh mang sóng nước.
Câu 2: Câu thơ cuối Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà lại làm cho người đọc liên tưởng đến hai câu thơ trong bài Lầu Hoàng Hạc của Thôi Hiệu vì:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Tản Đà dịch thơ:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
- Như vậy, rõ ràng Huy Cận có mượn ý thơ của Thôi Hiệu. Với Thôi Hiệu, phải có khói sóng trên sông mới gợi lên nổi nhớ nhà, còn Huy Cận thì “không khói hoàng hôn” mà nỗi nhớ nhà vẫn dâng lên thăm thẳm. Hóa ra nỗi nhớ ấy đã đầy ắp trong tim nhà thơ, cứ thế mà trào ra, không cần phải có ngoại cảnh. Học thơ Đường nhưng lại sáng tạo thêm ý mới khiến cho câu thơ vừa mang ý vị cổ điển lại mang màu sắc hiện đại. Thơ cũ tả cảnh ngụ tình, cảnh vật khơi gợi tâm trạng. Thơ mới, thơ của cái tôi nội cảm, không cần mượn tới ngoại cảnh mà vẫn tự biểu hiện với những cung bậc cảm xúc thiết tha.
6. Một số bài văn mẫu về bài thơ Tràng giang
Không thắm thiết, nồng nàn như Xuân Diệu, cũng chẳng quắt quay đến điên cuồng như Hàn Mặc Tử, nỗi buồn của Huy Cận tựa hồ như nỗi buồn u hòa của một bậc hiền sĩ mà vẫn không thiếu chất phong tình của môt lãng tử. Nỗi buồn của Huy Cận, trái tim u sầu của nhà thơ tuy cùng chung những nhịp đập u uất, bế tắc của các thi sĩ đương thời mà vẫn có những họa tần riêng những hơi thở riêng không lẫn vào đâu được. Bài thơ Tràng giang trong tập Lửa thiêng của chàng thi sĩ 21 tuổi này là nhịp thở của trái tim nhảy cảm mà mấy thập kỉ qua vẫn chưa nhòa phai trong tâm tưởng đọc giả. Để cảm nhận sâu sắc hơn về nhà thơ, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu dưới đây:
7. Hỏi đáp về bài thơ Tràng giang
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.
-
Tình yêu quê hương, đất nước trong bài Tràng giang
từ nỗi lòng của tác giả trong khổ cuối bài thơ tràng giang e có suy nghĩ gì về tình yêu quê hương đất nước.(7 đến 10 dòng)
-
Hướng dẫn soạn bài thơ "Tràng Giang" của Huy Cận
-
CẢM NHẬN BÀI THƠ TRÀNG GIANG CỦA HUY CẬN