Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
Qua bài học giúp các em thấy được một tình yêu đơn phương nhưng nồng nàn, chân thành và cao thượng của Pu-skin. Đồng thời, giúp các em nắm được những đặc sắc nghệ thuật thơ cổ điển của ông: giản dị, tế nhị và hàm súc.
2. Soạn bài Tôi yêu em chương trình chuẩn
Câu 1: Điệp khúc làm nổi bậc cảm xúc chủ đạo của bài thơ? Bài thơ dường như là lời từ giã cho một mối tình không thành. Lời từ giã của Pu-skin có gì đặc biệt?
- Điệp khúc "tôi yêu em" làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ.
- Bài thơ dường như muốn nói lời từ giã cho một mối tình không thành và đầy đặc biệt.
- Điệp khúc tôi yêu em là giọng điệu chủ đạo của bài thơ, nó vang lên như tiếng lòng say đắm, mãnh liệt, vững bền của tình yêu thi sĩ đối với người yêu. Phải yêu chân thành, say đắm thì mới láy lại ba lần cái điệp khúc ấy trong một bài thơ ngắn. Bài thơ là lời từ giã cho một mối tình không thành. Pu-skin đã yêu một thiếu nữ đẹp tên là A.A.Ô-lê-nhi-a. Nhà thơ ngỏ lời cầu hôn nhưng không được chấp nhận. Và bài thơ "Tôi yêu em" ra đời là lời từ giả cho mối tình vô vọng ấy → Đây là lời từ giã của cả lí trí và tình cảm của nhà thơ.
- Lời từ giã thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng nhưng vẫn đầy ắp một tình yêu nồng cháy, đằm thắm vang lên trong điệp khúc tôi yêu em tha thiết, vững bền. Vậy là từ giã mà vẫn yêu, càng yêu mãnh liệt, nhưng phải từ giã để không làm phiền muộn đến người mình yêu, và nhất là để cầu mong cho người yêu được hạnh phúc trong tình yêu. Bởi thế tuy có buồn nhưng đây là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành mãnh liệt, nhân hậu, vị tha. Trong lời từ giã này có cái điềm tĩnh, đúng đắn của lí trí và cả cái cao thượng, đẹp đẽ của tình cảm. Một lời từ giã như vậy, không chỉ cao đẹp cho riêng nhà thơ, mà nó còn vươn tới những giá trị tinh thần cao cả của loài người.
⇒ Lời từ giã rất đặc biệt, vẫn tràn ngập yêu thương không một chút hận thù, một lời cầu mong đầy tính nhân văn.
Câu 2: Giọng điệu trữ tình chuyển biến như thế nào từ câu 1 - 2 sang hai câu 3 - 4 và từ hai câu 5 - 6 sang hai câu 7 - 8? Diễn biến tâm trạng phức tạp của nhân vật trữ tình được thể hiện tinh tế như ra sao?
- So sánh những lần xuất hiện điệp khúc "Tôi yêu em", ta sẽ thấy giọng điệu trữ tình có sự chuyển biến.
- Điệp khúc tôi yêu em xuất hiện ở bốn câu thơ đầu thể hiện cảm xúc dè dặt, bị kìm nén, bị lí trí chi phối: "Tôi yêu em đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/ Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/ Hay hồn em phải gợn bóng u hoài".
- Hai câu đầu, nguyên bản là : "Tôi yêu em, tình yêu có lẽ/ Chưa tắt hẳn trong lòng tôi" → Sự bày tỏ dè dặt qua cách dùng từ "có lẽ", "chưa tắt hẳn", nhưng bên trong vẫn ngầm khẳng định một tình yêu âm ỉ, dai dẳng.
- Vẫn mãi yêu em nhưng cũng nhận thức được tình yêu đơn phương của mình sẽ làm cho người mình yêu phải băn khoăn, u hoài. Vì vậy, trong lí trí, tác giả muốn dập tắt ngọn lửa tình yêu để trả lại sự yên tĩnh, thanh thản trong tâm hồn người mình yêu.
- Điệp khúc tôi yêu em ở bốn câu sau chuyển đổi đột ngột, tuôn trào không theo mệnh lệnh của lí trí: "Tôi yêu em âm thầm không hi vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen/ Tôi yêu em yêu chân thành, đằm thắm/ Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".
- Những từ: "lúc", "khi" diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi đa dạng nhưng rất đỗi bình thường. Mặc dù tình yêu của tôi là không hi vọng, là tình yêu âm thầm đơn phương nhưng nó vẫn mang đầy đủ sắc thái tâm trạng của một người đang yêu: muốn bày tỏ nhưng lại rụt rè, e ngại bị khước từ; thấy được người mình yêu ở bên một ai đó cũng ghen tuông, đau khổ. Chứng tỏ bề ngoài đầy lí trí, cứng cỏi nhưng trong chiều sâu tâm hồn tôi vẫn rất yêu em.
- Điệp khúc "tôi yêu em", "yêu" tuôn trào cảm xúc, muốn bộc bạch cho hết sự chân thành, đằm thắm trong tình yêu của tôi dành cho em. Một lần nữa tác giả cho thấy tình yêu thiết tha, nồng nàn đó sẽ không bai giờ lụi tắt (mặc dù vì người yêu ông có thể tự nguyện rút lui). Rút lui trong khi ngọn lửa tình vẫn âm ỉ nhưng vẫn cầu mong người mình yêu gặp được người khác yêu thương như vậy.
- Điệp khúc tôi yêu em xuất hiện ở bốn câu thơ đầu thể hiện cảm xúc dè dặt, bị kìm nén, bị lí trí chi phối: "Tôi yêu em đến nay chừng có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai/ Nhưng không để em bận lòng thêm nữa/ Hay hồn em phải gợn bóng u hoài".
⇒ Cao thượng, nhân hậu.
Câu 3: Tại sao có thể nói hai câu kết là bất ngờ, hàm chứa nhiều ý vị?
- Hai câu kết bất ngờ hàm chứa nhiều ý vị:
- Bởi lẽ thông thường khi yêu người ta thường ích kỉ. Yêu nhau càng thiết tha thì khi chia tay càng hậm hực, nhỏ nhen, hận thù. Bất ngờ ở đây là tình yêu của Puskin không giống tình yêu của đa số con người trong đời thường mà đã vượt lên đến một tầm cao hơn, đẹp hơn. Hoàn cảnh của Pu-skin có thể gọi là trớ trêu: yêu mà không được đền đáp. Tình yêu khi không được đền đáp thường là nỗi khổ đau, dễ đưa đến lòng tự ái, hận thù. Nhưng nếu đó là một tình yêu chân thành, đằm thắm, nhân hậu, thì dù bị cự tuyệt, con người vẫn có thế có những xử sự cao thượng.Pu-skin đã vượt được thói ích kĩ tầm thường trong tình yêu bằng một sự ứng xử rất đẹp: yêu là trân trọng người mình yêu, mong muốn người yêu được hạnh phúc.
-
Đem đến cho ta một điều thật mới lạ trong tình yêu, khẳng định một vẻ cao thượng của tình yêu con người. Cầu mong người yêu có hạnh phúc với người khác, nhưng người ấy cũng yêu chân thành, đằm thắm như mình.
Câu 4: Bài thơ gợi cho anh (chị) những cảm nghĩ gì về tâm hồn Pu-skin và và về tình yêu?
- Tâm hồn Pu-skin qua bài thơ được thể hiện một cách nồng nàn, chân thành, có thượng.
- Bài thơ thấm đượm nỗi buồn của mối tình vô vọng nhưng là nỗi buồn trong sáng của một tâm hồn yêu đương chân thành, mãnh liệt, nhân hậu, vị tha.
- Những tình cảm chân thành, cao thượng, nhân ái của tình yêu chứa đựng trong những lời lẽ giản dị, trong sáng nhất.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tôi yêu em để nắm vững hơn các kiến thức trọng tâm của bài học.
3. Soạn bài Tôi yêu em chương trình Nâng cao
Câu 1: Đọc diễn cảm bài thơ, lưu ý cụm từ Tôi yêu em và vị trí của cụm từ này trong bài, hãy tìm hiểu kết cấu bài thơ và diễn biến tâm trạng nhân vật trữ tình.
Gợi ý:
- Bài thơ mở ra ngay lập tức đi thẳng vào điều cốt yếu: “Tôi yêu em”, như lời thú nhận lại như lời tự nhủ, trực tiếp, ngắn gọn và giản dị.
- Điệp khúc tôi yêu em là giọng điệu chủ đạo của bài thơ. Trong tiếng Nga, với hai đại từ ya và vư, người ta có thể dịch sang tiếng Việt thành một số cặp quan hệ từ như: tôi yêu cô, anh yêu em, tôi yêu em. Có thể nói việc người dịch chọn dịch thành tôi yêu em là khá đạt, bởi cụm từ này đã diễn đạt được một cách chính xác mối quan hệ vừa gần vừa xa, vừa rụt rè lại vừa đằm thắm.
- Diễn biến tâm trạng của nhân vật trữ tình: yếu đuối, bất lực, những góc khuất tận đáy sâu tâm hồn – một tâm hồn yêu đương cháy bỏng trong âm thầm; cuồng nhiệt trong vô vọng; đắm đuối đến bối rối, lo âu, thắc thỏm; một tâm hồn vật vã, trăn trở, day dứt không biết đến nhẹ nhõm, an bằng, thanh thản,…
Câu 2: Tình cảm phức tạp, tế nhị của nhân vật trữ tình trong bài được Pu-skin diễn tả tinh tế như thế nào qua bốn câu thơ đầu?
Gợi ý:
- Nhân vật trữ tình bộc lộ thẳng thắn tâm hồn mình: một tình yêu âm thầm, không hi vọng như để tô đậm thêm nét đặc biệt của mối tình đơn phương này. Nhưng dù vậy, tình yêu ấy vẫn có đầy đủ mọi sắc thái của tình yêu muôn thuở: nỗi khổ đau âm thầm, niềm tuyệt vọng, lòng ghen tuông giày vò.
Câu 3: Cảm xúc trong hai câu thơ: "Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng - Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen" có gì đặc biệt? Nó hé mở trạng thái tình cảm gì trong nhân vật trữ tình?
Gợi ý:
- Mạch cảm xúc dào dạt tuôn trào:
Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
- Nhịp thơ nhanh hơn với những từ lúc, khi, diễn tả những trạng thái tình yêu biến đổi vô cùng, dồn dập. Hai câu thơ khơi mở ra những lớp tình cảm phức tạp mà rất con người dưới đáy sâu tâm hồn, sau lớp vỏ ngôn từ bình thản, điềm tĩnh thể hiện qua cách xưng hô, qua vẻ bề ngoài lặng lẽ, rụt rè, qua ý thức cố ghìm nén tình cảm, chỉ cho phép nói rằng tình yêu của mình chưa lụi tắt chứ không phải (thực tế) là đang bùng cháy mãnh liệt.
Câu 4: Xu hướng vươn tới sự cao cả trong tư tưởng, tình cảm là đặc trưng cơ bản của thơ Pu-skin. Phân tích hai câu thơ cuối để chứng minh.
Gợi ý:
- Hai câu kết cũng mở đầu bằng điệp khúc Tôi yêu em nhưng không chỉ trở về quá khứ (đã yêu em) mà còn là sự tiếp nối liên tục hết sức đặc biệt từ quá khứ tới tương lai. Câu 7 khái quát tấm chân tình được diễn tả trong toàn bộ sáu câu trước đó (Tôi đã yêu em chân thành như thế đó, đằm thắm như thế đó). Câu thơ thể hiện bản lĩnh và tấm lòng tha thiết với người yêu của nhân vật trữ tình. Một lần nữa, ta thấy nhân vật trữ tình lại giữ lại tất cả những sầu khổ, dằn vặt cho riêng mình để chỉ dâng hiến cho bạn lòng tặng vật tốt đẹp nhất của tình yêu, đó là sự chân thành và đằm thắm. Câu 7 chuyển ý đến câu 8 bằng một so sánh tương ứng: Cầu cho em lại được ai khác yêu em cũng chân thành như tôi đã yêu em, đằm thắm như tôi đã yêu em. Nếu ở câu 6, nhân vật trữ tình bị giày vò bởi nỗi ghen tuông, thì đến đây, anh đã vượt lên sự ích kỉ thường tình để có thể gửi gắm vào một người khác, một người thứ ba tất cả tình cảm nâng niu mà anh dành cho người anh yêu với ước mong nàng được hạnh phúc. Yêu chân thành, đằm thắm, người ta có thể quên đi “cái tôi” để chỉ nghĩ đến người mình yêu. Với tình yêu thực sự, người ta phấn đấu thực hiện được sự “toàn mãn” trong tình yêu hơn là được yêu. Câu thơ không phải không ẩn chút nuối tiếc, xót xa nhưng đồng thời cũng rất tự tin và kiêu hãnh (bởi có thể chẳng ai khác nữa ngoài anh yêu em chân thành, đằm thắm đến thế; và cũng rất có thể em, có thể chúng ta đang để mất một tình yêu quý giá chẳng bao giờ còn kiếm tìm được nữa).
- Lời cầu mong cuối bài thơ cũng còn là lời nhắn nhủ của một trái tim giàu độ lượng, chở che như nhà thơ đã viết trong một bài thơ khác:
Nhưng nếu gặp ngày buồn rầu đau đớn
Em thầm thì hãy gọi tên lên
Và hãy tin: còn đây một kỉ niệm
Em vẫn còn sống giữa một trái tim.
⇒ Chính thái độ trân trọng, tôn thờ, sùng kính, “sự thuần khiết” đối với phụ nữ đã đưa bài thơ của Pu-skin vươn tới những giá trị nhân văn cao cả trong kho tàng thơ tình nhân loại.
4. Một số bài văn mẫu về bài thơ Tôi yêu em
Tôi yêu em, bài thơ đã diễn tả một tình yêu vô vọng, thấm một sắc điệu buồn, nhưng hơn hết vẫn là sự mãnh liệt và cao thượng của trái tim con người với một mối tình không đơm hoa kết trái. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, không có biện pháp tu từ nào ngoài điệp ngữ “tôi yêu em”. Chất thơ của bài thơ toát ra từ những xúc cảm chân thành, ghìm nén, từ những lời nói giản dị nhưng đầy thiết tha, tế nhị và mãnh liệt, đằm thắm mà cao thượng. Để nắm vững kiến thức cũng như viết hoàn thành bài làm văn về bài thơ này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
5. Hỏi đáp về bài thơ Tôi yêu em
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.
-
Hướng dẫn soạn bài thơ “Tôi yêu em” của A.X. Pu-Skin
-
Phân tích bài thơ Tôi yêu em của A.X.Pu-skin