Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
- Khái niệm
- Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh,... làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe.
- Cách thức miêu tả
- Quan sát nêu lên những đặc điểm, tính chất nổi bật của sự vật, sự việc.
- Trong văn miêu tả, năng lực quan sát của người viết, người nói thường bộc lộ rõ nhất.
2. Soạn bài Tìm hiểu chung về văn miêu tả
Câu 1. Em phải làm gì trong các tình huống sau:
(1) Trên đường đi học, em gặp một người khách hỏi thăm đường về nhà em. Đang phải đến trường nên em không thể đưa người khách đó về nhà được, em làm thế nào để người đó có thể nhận ra nhà em để tự tìm đến.
(2) Em cùng mẹ đi đến cửa hàng mua áo; trước rất nhiều chiếc áo khác nhau, nhiều màu nhiều kiểu dáng, lại treo tận trên cao, làm thế nào để người bán hàng lấy đúng chiếc áo mà em định mua?
(3) Một học sinh lớp 3 hỏi em: Người lực sĩ là người thế nào? Em phải làm gì để em học sinh ấy hình dung ra được một cách cụ thể hình ảnh của người lực sĩ?
- Việc cần làm trong các tình huống trên
- Tình huống 1: Muốn ông khách nhận ra được nhà em thì phải miêu tả những đặc điểm tính chất nổi bật của con đường đến nhà, căn nhà để cho người khách có thể quan sát, hình dung được và tìm được nhà.
- Tình huống 2: Em phải miêu tả được những nét nổi bật phân biệt chiếc áo em định mua và những chiếc áo còn lại.
- Tình huống 3: Người lực sĩ có những đặc điểm tính chất rất nổi bật về khả năng sức mạnh vì thế về hình thức cũng sẽ có những nét khác biệt so với người bình thường. Em hãy miêu tả nhận xét những nét hình thể và việc làm của người đó.
Câu 2. Tìm trong văn bản "Bài học đường đời đầu tiên" hai đoạn văn miêu tả Dế Mèn và Dế Choắt.
- Đoạn văn miêu tả Dế Mèn: từ đầu đến “đứng đầu thiên hạ rồi”.
- Đoạn văn miêu tả Dế Choắt: Từ “Cái chàng Dế Choắt” đến “nhiều ngách như hang tôi”.
Câu 3. Tác giả miêu tả Dế Mèn và Dế Choắt để làm gì?
- Hai đoạn văn trên giúp ta hình dung được đặc điểm nổi bật của hai chú dế rất tương phản.
- Dế Mèn là chàng thanh niên cường tráng
- Dế Choắt là người yếu đuối bẩm sinh.
Câu 4. Kể ra những chi tiết giúp em hình dung ra hình ảnh Dế Mèn và Dế Choắt trong hai đoạn văn trên.
- Những hình ảnh và chi tiết.
- Dế Mèn: Đôi càng mẫn móng, những cái vuốt cứng đầu và nhọn hoắt, đôi cánh dài chấm đuôi; cả người phủ màu nâu bóng mỡ; ngứa chân đá anh Gọng Vó…
- Dế Choắt: Người gầy gò, dài lêu nghêu; cánh ngắn hở cả lưng, sường; càng bè bè; mặt ngẩn ngẩn ngơ ngơ, chỉ đào được cái hang nông…
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1. Đọc các đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
(1) Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở kheo cứ cứng dẫn và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua …
(Tô Hoài)
(2)
Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng…
(Tố Hữu)
(3) Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông. Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập xuôi ngược, thế là bao nhiêu cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng, két ở các bãi sông xơ xác tận đâu cũng bay cả về vùng nước mới để kiếm mồi. Suốt ngày, họ cãi cọ om bốn góc đầm, có khi chỉ vì tranh một mồi tép, có những anh Cò gầy vêu vao ngày ngày bì bõm lội bùn tím cả chân mà vẫn hếch mỏ, chẳng được miếng nào.
(Tô Hoài)
a. Mỗi đoạn văn trên tái hiện lại những gì?
b. Các đặc điểm nổi bật của sự vật, con người, quang cảnh đã được miêu tả như thế nào, bằng những chi tiết, hình ảnh gì?
- Đoạn 1
- Tái hiện lại hình ảnh chàng Dế Mèn cường tráng.
- Xem lại các chi tiết ở phần trên.
- Đoạn 2
- Tái hiện lại hình ảnh chú bé liên lạc.
- Chi tiết
- Tổng thể
- Nhỏ loắt choắt.
- Mang cái xắc xinh xinh.
- Rất nhanh nhẹn và ngộ nghĩnh : Chân thoăn thoắt, đầu nghênh nghênh ; mũ ca lô đội lệch ; mồm huýt sáo vang lừng...
- So sánh với : con chim chích nhảy trên đường vàng.
- Tổng thể
- Đoạn 3
- Tái hiện quanh cảnh ao hồ.
- Chi tiết
- Nước dâng trắng mênh mông ; nước đầy ; nước mới.
- Cua cá tấp nập.
- Nhiều loài chim kiếm mồi.
- Tranh mồi cãi nhau om sòm.
- Anh Cò gầy cả ngày chẳng có miếng nào.
Câu 2. Thực hiện các yêu cầu sau:
a. Nếu phải viết một đoạn văn miêu tả cảnh mùa đông đến thì em sẽ nêu những đặc điểm nổi bật nào?
b. Khuôn mặt mẹ luôn hiện lên trong tâm trí em, nếu tả khuôn mặt của mẹ thì em chú ý tới những điểm nổi bật nào?
Gợi ý làm bài
a. Những đặc điểm nổi bật của mùa đông.
- Bầu trời xám xịt, nặng nề.
- Cảnh vật hoang tàn, vắng vẻ.
- Gió lạnh buốt xương.
- Đường lầy, ướt lép nhép.
- Hoạt động đơn điệu của con người.
- Người mặc đồ rét nên xù xì, chậm chạp.
b. Khuôn mặt mẹ cần chú ý
- Đẹp dịu hiền, thân quen, gần gũi.
- Các chi tiết như tóc, mắt, miệng, má cần được miêu tả có nét đặc trưng không thể giông mẹ của bạn mìn được.
- Ví dụ : Tóc luôn búi cao để tiện việc gia đình ; mắt có quầng thâm bởi luôn thức khuya bận bịu, đặc biệt lúc em bị ốm đau ; miệng nhỏ luôn nở nụ cười ấm áp.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tìm hiểu chung về văn miêu tả để củng cố hơn nội dung bài học.
4. Hỏi đáp về bài Tìm hiểu chung về văn miêu tả
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.