Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung
- Ôn tập về ngôi kể
2. Hướng dẫn soạn Luyện nói kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm
2.1. Ôn tập về ngôi kể
Câu 1. Hãy xem và ôn lại các nội dung nói về ngôi kể trong văn tự sự (kể chuyện) ở Ngữ văn 6, tập một bằng cách tả lời các câu hỏi sau:
a) Kể theo ngôi thứ nhất là kể như thế nào? Như thế nào là kể theo ngôi thứ ba? Nêu tác dụng của mỗi loại ngôi kể.
b) Lấy ví dụ về cách kể chuyện theo ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba ở một vài tác phẩm hay trích đoạn văn tự sự đã học.
c) Tại sao người ta phải thay đổi ngôi kể?
Gợi ý:
a)
- Kể theo ngôi thứ nhất là người kể xưng tôi trong câu chuyện. Kể theo ngôi này, người kể có thể trực tiếp kể ra những gì mình đã nghe, đã thấy, đã trải qua, những suy nghĩ, tình cảm của mình. Kiểu kể này tăng tính chân thực, thuyết phục như là sự việc có thật.
- Kể theo ngôi thứ ba là người kể tự giấu mình đi, gọi tên các nhân vật bằng tên gọi của chúng. Cách kể này giúp người kể có thể kể một cách linh hoạt, tự do những gì đã diễn ra với nhân vật.
b) Ví dụ về cách kể chuyện:
- Ngôi thứ nhất: "Tôi đi học", "Trong lòng mẹ"…
- Ngôi thứ ba: "Cô bé bán diêm", "Tức nước vỡ bờ"…
c) Phải thay đổi ngôi kể, vì: Tùy theo một cốt truyện cụ thể, với những tình huống cụ thể mà người viết lựa chọn ngôi kể cho thích hợp.
2.2. Chuẩn bị luyện nói
Đọc đoạn trích sau và kể lại theo lời của chị Dậu (ngôi thứ nhất).
Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn:
- Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!
- Tha này! Tha này!
Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại:
- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!
Cai lệ tát vào mặt chị một cái bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu.
Chị Dậu nghiến hai hàm răng:
- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!
Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.
Người nhà lí trưởng sấn sổ bước đến giơ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau, du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gậy ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cục anh chàng "hầu cận ông lí" yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
Gợi ý:
Muốn kể lại đoạn trích trên theo ngôi thứ nhất thì phải thay đổi những gì (từ xưng hô, lời dẫn thoại, chuyển lời thoại thành lời kể, chi tiết miêu tả, lời biểu cảm)?
Gợi ý:
- ... Lòng tôi tức điên lên nhưng vẫm cố kìm chế, tôi hạ giọng van xin tên cai lệ tha cho chồng mình...
- Cơn tức giận dâng lên đến tột đỉnh, tôi không còn biết sợ là gì nữa. Tôi nói như quát vào mặt thằng cai lệ: "Mày trói chồng bà đi, bà cho mày biết tay!"
- Các bạn ạ, các cụ dạy ta rằng "con giun xéo lắm cũng quằn", tức nước thì vỡ bờ thôi, có áp bức thì tất có đấu tranh. Tôi hiểu mình chỉ là phận con ong cái kiến, có bao giờ dám trái lệnh nhà cầm quyền đâu, cực chẳng đã tôi mới phải làm như vậy thôi. Nhưng tôi cũng khuyên các bạn, trước những điều bất công ngang trái ta đừng bao giờ nhẫn nhục im lặng, hãy dũng cảm đứng lên bảo vệ những gì chính đáng, đòi lại sự công bằng cho mình và cho mọi người các bạn nhé.
- Lưu ý khi làm dạng bài kể lại một câu chuyện đã được đọc được nghe theo một ngôi kể mới:
- Phải bám sát nội dung cốt truyện, không được thay đổi các sự việc, các tình tiết, không được làm sai lệch chủ đề, ý nghĩa của văn bản gốc.
- Thay đổi ngôi kể (ngôi 1 hoặc ngôi 3), chọn trình tự kể hợp lý (kể xuôi, kể ngược, kể từ giữa kể ra)
- Có thể thay đổi nhịp kể bằng cách kể kỹ hơn, dài hơn (xen thêm các yếu tố miêu tả) hoặc kể sơ lược vắn tắt hơn.
- Có thể thay đổi giọng điệu bằng cách xen vào những yếu tố biểu cảm hoặc nghị luận miễn không làm sai lệch chủ đề, ý nghĩa của truyện.
Để hiểu bài hơn, các em tham khảo
bài giảng Luyện nói kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
3. Hỏi đáp về bài Luyện nói kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.