Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nghệ thuật
-
Nhiều chi tiết, hình ảnh chọn lọc mang ý nghĩa biểu tượng.
-
Sử dụng rộng rãi và thành công phép nhân hóa, lời văn giàu cảm xúc và nhịp điệu.
1.2. Nội dung
- Cây tre là người bạn thân thiết lâu đời của người nông dân và nhân dân Việt Nam.
- Cây tre có vẻ đẹp bình dị và nhiều phẩm chất quý báu.
- Cây tre đã thành một biểu tượng của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
2. Soạn bài Cây tre Việt Nam
2.1. Soạn bài tóm tắt
2.2. Soạn bài chi tiết
Câu 1. Nêu đại ý của bài văn.
Tìm bố cục của bài và nêu ý chính của mỗi đoạn.
- Đại ý của bài văn: Cây tre là bạn thân của nhân dân Việt Nam. Tre có mặt ở khắp mọi vùng đất nước; tre đã gắn bó lâu đời và giúp ích cho con người trong đời sống hằng ngày, trong lao động sản xuất và cả trong chiến đấu chống giặc, trong quá khứ, hiện tại và cả trong tương lai.
- Bố cục: 4 phần:
- Phần 1: (Từ đầu đến "chí khí như người"): Giới thiệu chung về cây tre.
- Phần 2: (Tiếp theo đến "chung thủy"): Tre gắn bó với con người trong cuộc sống, lao động, sản xuất.
- Phần 3: (Tiếp theo đến "tre, anh hùng chiến đấu"): Tre sát cánh với con người trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
- Phần 4: (Còn lại): Tre vẫn là người bạn đồng hành cùng dân tộc ta trong hiện tại và tương lai.
Câu 2. Để làm rõ ý "Cây tre bạn thân của nhân dân Việt Nam là người bạn thân của nông dân Việt Nam", bài văn đã đưa ra hàng loạt những biểu hiện cụ thể. Em hãy:
a) Tìm những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự gắn bó của tre với con người trong lao động và cuộc sống hằng ngày.
b) Nêu giá trị của các phép nhân hoá đã được sử dụng để nói về cây tre và sự gắn bó của tre với con người.
Gợi ý:
a) Những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự gắn bó của tre với con người trong lao động và cuộc sống hằng ngày:
- Cây tre có mặt khắp nơi trên đất nước, đặc biệt là luỹ tre xanh bao bọc xóm làng.
- Dưới bóng tre, từ lâu đời người nông dân làm ăn sinh sống và gìn giữ một nền văn hoá cổ truyền.
- Tre là cánh tay của người nông dân, giúp họ rất nhiều trong công việc đồng áng.
- Tre gắn bó với con người thuộc mọi lứa tuổi: các em nhỏ chơi chuyền đánh chắt bằng tre, lứa đôi nam nữ tâm tình dưới bóng tre, các cụ già với chiếc điếu cày bằng tre... Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thuỷ.
- Tre còn gắn bó với dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước. Tre là vũ khí, tuy thô sơ nhưng rất có hiệu quả: gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù, tre xung phong vào đồn giặc... Từ xa xưa, tre đã từng là vũ khí hiệu nghiệm trong tay người anh hùng làng Gióng đánh đuổi giặc Ân. Cuối cùng, để tổng kết vai trò to lớn của cây tre đối với đời sống con người và dân tộc Việt Nam, tác giả đã khái quát: Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!
b) Cây tre ở đây được nhân hoá mang những phẩm chất, những giá trị cao quý cao quý của con người để ca ngợi công lao, sự cống hiến của cây tre cho nhân dân Việt Nam.
Câu 3. Ở đoạn kết, tác giả đã hình dung như thế nào về vị trí của cây tre trong tương lai khi đất nước ta đi vào công nghiệp hoá?
- Tác giả đã hình dung: Tre sẽ vẫn là bóng mát cho ta trên đường dấn bước, tre vẫn là cổng chào đón ta thắng lợi, và hơn hết, tre sẽ hóa thân vào đời sống nghệ thuật, âm nhạc của dân tộc Việt Nam. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng, sáo diều tre vẫn cao vút lên như tâm hồn của dân tộc mỗi lúc một thăng hoa.
Câu 4. Bài văn đã miêu tả cây tre với vẻ đẹp và những phẩm chất gì? Vì sao có thể nói cây tre là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam?
- Hình dáng bên ngoài của cây tre: mầm non mọc thẳng, dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn, tre lớn lên cứng cáp dẻo dai, vững chắc.
- Miêu tả về hình dáng của cây tre mà ẩn chứa bên trong là vẻ đẹp của sự cứng cáp, ngay thẳng, bất khuất, không bao giờ chịu cúi đầu.
- Tre là biểu tượng cho nét thanh cao, giản dị, hiền hòa, song lại vô cùng bất khuất, hiên ngang của con người Việt Nam.
- Tre gắn bó đời đời, kiếp kiếp với người, thủy chung trước sau như một.
- Vì sự gắn bó máu thịt giữa cây tre với con người, nhất là người nông dân Việt Nam, cây tre xứng đáng là biểu trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Cây tre Việt Nam để củng cố hơn nội dung bài học.
3. Hướng dẫn luyện tập
Đề bài: Em hãy tìm một số câu tục ngữ, ca dao, thơ, truyện cổ tích Việt Nam nói đến cây tre Việt Nam.
Gợi ý:
- Tre già măng mọc.
(Tục ngữ)
- Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.
(Nguyễn Duy)
- Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều,
Tiếng chuông nhà thờ rung ...
(Văn Cao)
- Làng tôi sau luỹ tre mờ xa
Tình quê yêu thương những nếp nhà.
(Hồ Bắc)
- Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng
Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?
(Ca dao)
- Quê hương tôi có con sông xanh biếc,
Nước gương trong soi tóc những hàng tre.
(Tế Hanh)
4. Một số bài văn mẫu về văn bản Cây tre Việt Nam
Cây tre Việt Nam được Thép Mới viết để làm lời thuyết minh cho bộ phim cùng tên của các nhà điện ảnh Ba Lan. Thông qua hình ảnh cây tre, bộ phim đã thể hiện đất nước và con người Việt Nam, ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Để thấy và cảm nhận sâu sắc được những điều đẹp đẽ đó, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
5. Hỏi đáp về văn bản Cây tre Việt Nam
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.