Qua bài học giúp các em nắm được hai kiểu so sánh cơ bản. Hiểu được tác dụng chính của so sánh, tạo ra được phép so sánh.
Tóm tắt bài
1.1. Các kiểu so sánh
a. Xét ví dụ
Những ngôi sao thức ngoài kia
Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con.
Đêm nay con ngủ giấc tròn
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
(Trần Quốc Minh)
Vế A (Cái được so sánh) | Phương diện so sánh | Từ so sánh | Vế B (Cái dùng để so sánh – cái so sánh) |
Những ngôi sao | thức | chẳng bằng | mẹ |
Mẹ | là | ngọn gió của con suốt đời |
- Dựa vào từ so sánh, có hai kiểu so sánh
- So sánh ngang bằng: "Là"
- So sánh không ngang bằng (so sánh hơn kém): "Chằng bằng"
b. Kết luận
Phân tích | So sánh ngang bằng | So sánh hơn kém |
Cấu trúc | A là B | A chẳng bằng B |
Từ ngữ so sánh | Như, tựa, giống như, là, bằng, tưởng, hoặc cặp đại từ: bao nhiêu... bấy nhiêu … | Hơn là, kém, không bằng, hơn, khác, chẳng là, chưa bằng, chẳng bằng, thua... |
Ví dụ | (1) “Trăm cô gái tựa tiên sa Múa chày đôi với chày ba rập rình” (2) "Gió thổi là chổi trời" (3) "Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang Bao nhiêu tấc đất, tấc văng bấy nhiêu" (4) "Tiếng suối trong như suối ngọc tuyền Êm như hơi gió thoảng cung tiên"
| (1) “Chẳng bằng con gái con trai Sáu mươi còn một chút tài đò đưa”
(2) "Thà rằng ăn bát cơm rau Còn hơn các thịt nói nhau nặng lời" |
c. Lưu ý
- Cần phân biệt phép so sánh bình thường với phép so sánh có giá trị tu từ
- Ví dụ: Bình cao bằng Nam → Phép so sánh trên có giá trị đối với quá trình nhận thức của con người ⇒ So sánh bình thường.
- Ví dụ
"Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi"
→ Phép so sánh có giá trị gợi hình, gợi cảm ⇒ So sánh tu từ.
1.2. Tác dụng của so sánh
a. Xét ví dụ: SGK trang 42
* Đoạn văn
Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác riêng. Có chiếc tựa mũi tên nhọn, tự cành cây rơi cắm phập xuống đất như cho xong chuyện, cho xong một đời lạnh lùng, thản nhiên, không thương tiếc, không do dự vẩn vơ. Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không, rồi cố gượng ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho chậm tới cái giây nằm phơi trên mặt đất. Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng, như thầm bảo rằng sự đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: cả một thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá trên cành cây không bằng một vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên thơ. Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất, còn cất mình muốn bay trở lại cành. Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm, hay đến mơn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại.
(Khái Hưng)
- Nhận xét
- Nội dung đoạn văn: Tả những chiếc lá rụng.
- Các phép so sánh tìm được
- "Có chiếc tựa mũi tên nhọn"...
- "Có chiếc lá như con chim bị lảo đảo mấy vòng trên không"...
- "Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng, như thầm bảo rằng sự đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại"...
- "Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại rụt rè"...
- Tác dụng
- Sự vật, sự việc được miêu tả cụ thể hơn, sinh động hơn.
- Nhờ so sánh, người đọc cảm nhận được tình cảm vui, buồn cũng như suy nghĩ về cuộc đời, về lẽ tử sinh.
b. Kết luận
- Tạo ra những hình ảnh cụ thể, sinh động, giúp dễ hình dung về sự vật, sự việc được miêu tả
- Tạo ra những lối nói hàm súc, giúp dễ nắm bắt tư tưởng, tình cảm của người viết (người nói)
Bài tập minh họa
Ví dụ
Đề bài: Điền từ chỉ ý so sánh thích hợp vào các câu tục ngữ, thành ngữ sau đây:
(1) "Đẹp...hoa"
(2) "Nhanh...cắt"
(3)
"Miệng cười... hoa ngâu
Cái khăn đội đầu... hoa sen"
(4)
"Đôi ta...lửa mới nhen
...trăng mới mọc, ...đen mới khâu"
(5) "Gió thổi...chổi trời"
(6)
"Công cha...núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ...nước trong nguồn chảy ra"
(7) "Tốt gỗ...tốt nước sơn"
(8) "Một giọt máu đào...ao nước lã"
(9) "Chết trong...sống đục"
(10) "Một đêm nằm...một năm ở"
Gợi ý làm bài
Điền từ chỉ ý so sánh
(1) "Đẹp hơn hoa"
(2) "Nhanh như cắt"
(3)
"Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen"
(4)
"Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khâu"
(5) "Gió thổi là chổi trời"
(6)
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"
(7) "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn"
(8) "Một giọt máu đào hơn ao nước lã"
(9) "Chết trong còn hơn sống đục"
(10) "Một đêm nằm bằng một năm ở"
2. Soạn bài So sánh (Tiếp theo)
Để nắm được nội dung kiến thức cần đạt của bài học, các em có thể tham khảo thêm bài soạn So sánh (Tiếp theo).