Bài học giúp các em hiểu một cách đầy đủ về chức năng của mở bài và kết bài trong bài văn nghị luận. Nắm vững hơn các kiểu mở bài và kết bài thông dụng trong văn nghị luận. Có ý thức vận dụng một cách linh hoạt các kiểu mở bài và kết bài trong khi viết văn nghị luận.
Tóm tắt bài
2.1. Viết phần mở bài
a. Các cách mở bài trong văn nghị luận
- Mở bài trực tiếp
- Là cách đi thẳng vào vấn đề cần nghị luận. Nghĩa là sau khi đã tìm hiểu đề và tìm được vấn đề trọng tâm của bài nghị luận, ta nêu thẳng vấn đề đó ra bằng một luận điểm rõ ràng. Tuy nhiên khi mở bài trực tiếp, ta cũng phải trình bày cho đủ ý, không nói thiếu nhưng cũng không nên nói hết nội dung, phải đáp ứng đủ các yêu cầu của một phần mở bài đúng mực. Đặt vấn đề theo cách trực tiếp dễ làm, nhanh gọn, tự nhiên, dễ tiếp nhận, tuy nhiên thường khô khan, cứng nhắc, thiếu hấp dẫn cho bài viết.
- Cách viết mở bài trực tiếp:
- Xác định trọng tâm yêu cầu đề. Đây là thao tác quan trong nhất trong việc phân tích đề. Yêu cầu đề thường nằm ở phần giới hạn của đề. Trọng tâm đề có vai trò then chốt đối với cách mở bài trực tiếp.
- Từ yêu cầu trọng tâm của đề, học sinh phải đưa ra được những hiểu biết, đánh giá của mình về những ảnh hưởng, tầm quan trọng của vấn đề đặt ra.
- Cuối cùng, dẫn dắt vào yêu cầu đề. Với cách mở bài trực tiếp, khi có thể đưa ra nhận định của mình về vấn đề ngay từ phần mở bài. Tuy nhiên, dẫn dăt phải ngắn gọn.
- Mở bài gián tiếp
- Là cách người viết phải dẫn dắt vào đề bằng cách nêu lên những ý có liên quan đến luận đề (vấn đề cần nghị luận) để gây sự chú ý cho người đọc sau đó mới bắt sang luận đề.Mở bài theo cách này tạo được sự uyển chuyển, linh hoạt cho bài viết, hấp dẫn người đọc, tuy nhiên kiểu mở bài này dễ dẫn đến sự lan man, lạc đề cho bài viết.
- Cách viết mở bài gián tiếp:
- Đọc phân tích yêu cầu đề. Từ đặt ra yêu cầu bàn luận về vấn đề gì của của sống: Cách sống, cách ứng xử, thái độ sống, quan niệm sống,....
- Lựa chọn một câu chuyện, một thông tin, một ý kiến, cách ứng xử... để dẫn dắt, khẳng định vấn đề. Khi lựa chọn cần phải đặt nó trong mối quan hệ tường đồng, gần gũi về mặt ý nghĩa.
- Dẫn dắt vào yêu cầu đề để giới thiệu vấn đề. Dẫn dắt cần bộc lộ cách đánh giá của người viết về những thông tin mình đưa ra.
b. Yêu cầu phần mở bài
- Thông báo chính xác, ngắn gọn về đề tài
- Hướng người đọc (người nghe) vào đề tài một cách tự nhiên, gợi sự hứng thú với vấn đề được trình bày trong văn bản.
2.2. Viết phần kết bài
a. Các cách kết bài bài trong văn nghị luận
- Kết bài bằng cách tóm lược: là kiểu kết bài mà ở đó người viết tóm tắt quan điểm, tổng hợp những ý chính đã nêu ở thân bài. Cách kết bài này dễ viết hơn và thường được sử dụng nhiều hơn.
- Kết bài bằng cách bình luận mở rộng và nâng cao: là kiểu kết bài trên cơ sở quan điểm chính của bài viết, bằng liên tưởng, vận dụng, người viết phát triển, mở rộng nâng cao vấn đề.
b. Yêu cầu của phần kết bài
- Thông báo về sự kết thúc của việc trình bày đề tài, nêu đánh giá khái quát của người viết về những khía cạnh nổi bật nhất của vấn đề.
- Gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn.
Bài tập minh họa
1. Ví dụ về cách viết mở bài
ví dụ 1:
Đề bài: Bàn về quan niệm sống.
Gợi ý cách viết:
- Mở bài trực tiếp:
- Trong cuộc sống mỗi người đều có quan niệm sống riêng. Có người chỉ sống vì tiền tài danh vọng mà quên đi giá trị đích thực của cuộc sống.Quan niệm sống tốt là sự hài hòa giữa danh vọng ,tiền bạc với các mối quan hệ và giá trị của con người với thiên nhiên,không bị chi phối bởi vật chất, sống hết mình, làm việc hết mình.
- Mở bài gián tiếp:
- Nhà văn Pháp Đ.Đi-đơ-rô từng quan niệm “ Nếu không có mục đích ,anh không làm được gì cả.Anh cũng không làm được gì vĩ đại nếu như mục đích bình thường.Đây là quan niệm đúng và rất phù hợp với chúng ta.Trong cuộc sống mỗi người đều có một lí tưởng sống riêng để tự vươn tới,tự hoàn thiện và phát triển bản thân. Bất kì ai cũng cần tự tạo cho mình một lí tưởng và có lòng quyết tâm theo lí tưởng ấy ”.
Ví dụ 2:
Đề bài: Phân tích tình huống truyện độc đáo trong Vợ nhặt của Kim Lân.
Gợi ý cách viết:
- Mở bài trực tiếp:
- “Vợ nhặt” được coi là kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Một trong những yếu tố quan trọng giúp tạo ra những giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc cho truyện ngắn chính là việc Kim Lân đã xây dựng thành công tình huống truyện độc đáo.
- Mở bài gián tiếp:
- Đối với nghệ thuật truyện ngắn, tạo ra được một tình huống độc đáo mới lạ để làm bật nổi vấn đề, bật nổi tâm trạng, tư tưởng, tính cách của các nhân vật và chủ đề của tác phẩm là một điều có ý nghĩa then chốt. Một truyện ngắn đặc sắc là nhờ được tổ chức chung quanh một tình huống như thế, và Vợ nhặt của Kim Lân là một trường hợp tiêu biểu.
2. Ví dụ về cách viết kết bài
Ví dụ 1:
Đề bài: Từ cuộc đời của các nhân vật phụ nữ trong hai tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân) và “Vợ chồng APhủ” (Tô Hoài), anh (chị) hãy phát biểu suy nghĩ của mình về số phận người phụ nữ xưa và nay.
Gợi ý cách viết:
- Kết bài bằng cách tóm lược:
- “Như vậy, các nhân vật nữ trong hai tác phẩm “Vợ nhặt” và “Vợ chồng APhủ” có nhiều điểm chung. Họ đều là những người phụ nữ có số phận bất hạnh, cơ cực nhưng trong tâm hồn họ đều tiềm tàng một sức sống và ý thức vươn lên. Người phụ nữ ngày nay có nhiều khác biệt, họ đã biết khẳng định vị trí của mình trong xã hội và càng ngày càng vươn tới những đỉnh cao mới.”
- Kết bài bằng cách bình luận mở rộng và nâng cao:
- “Làm thế nào để một nửa thế giới luôn được sống hạnh phúc và ngày càng được hạnh phúc hơn? Làm thế nào để tất cả phụ nữ Việt Nam luôn ngập tràn trong tiếng cười?…Đó là những câu hỏi không dành riêng cho bất cứ ai, không dành riêng cho phái nam mà chính những người phụ nữ cũng phải trả lời chúng”.
Ví dụ 2:
Đề bài: Phân tích nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân.
Gợi ý cách viết:
- Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân , là tác phẩm giàu giá trị hiện thực , nhân đạo ; là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ , ca ngợi niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng của con người . Truyện xây dựng thành công hình tượng nhân vật Tràng , một người lao động nghèo khổ mà ấm áp tình thương , niềm hi vọng , lạc quan qua cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.
4. Soạn bài Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong văn nghị luận
Để nắm vững về chức năng của mở bài và kết bài trong bài văn nghị luận, các em có thể tham khảo thêm
bài soạn Rèn luyện kĩ năng mở bài, kết bài trong văn nghị luận.