Nội dung chính của bài học nhằm giúp các em hiểu rõ hai khái niệm: ngôn ngữ khoa học và phong cách ngôn ngữ khoa học. Rèn luyện kĩ năng diễn đạt trong các bài tập và kĩ năng nhận diện phân tích đặc điểm của văn bản khoa học.
Tóm tắt bài
2.1. Văn bản khoa học và ngôn ngữ khoa học
a. Văn bản khoa học
Văn bản khoa học gồm 3 loại chính:
- Các văn bản khoa học chuyên sâu
- Dùng để giao tiếp giữa những người làm công việc nghiên cứu khoa học.
- Thường mang tính khoa học cao và sâu.
- Bao gồm: Chuyên khảo, luận án, tiểu luận, các báo cáo khoa học…
- Các văn bản khoa học giáo khoa
- Nội dung: phù hợp với trình độ học sinh
- Hình thức: có định lượng kiến thức trong bài
- Bao gồm: giáo trình, SGK, thiết kế bài dạy...
- Các văn bản khoa học phổ cập
- Dùng để phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học
- Cách viết: dễ hiểu, hấp dẫn, dùng lối so sánh, miêu tả
- Bao gồm: các bài báo và sách phổ biến khoa học kĩ thuật…
b. Ngôn ngữ khoa học
- Là ngôn ngữ được dùng trong các văn bản khoa học, trong phạm vi giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học.
- Tồn tại dưới dạng nói và viết:
- Dạng viết: sử dụng từ ngữ khoa học và các kí hiệu, công thức, sơ đồ, biểu bảng…
- Dạng nói: yêu cầu cao về phát âm, diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ, dựa vào một đề cương.
2.2. Đặc trưng của ngôn ngữ khoa học
a. Tính khái quát, trừu tượng
- Biểu hiện: không chỉ ở nội dung mà còn ở các phương tiện ngôn ngữ như thuật ngữ khoa học và kết cấu của văn bản.
- Thuật ngữ được chia theo các ngành khoa học.
- Thuật ngữ khác với từ ngữ thông thường:
- Từ ngữ thông thường: có nhiều nét nghĩa khác nhau.
- Thuật ngữ: chỉ biểu hiện một khái niệm.
b. Tính lí trí, lôgic
- Thể hiện ở: nội dung và các phương tiện ngôn ngữ như từ ngữ, câu văn, đoạn văn, văn bản.
- Từ ngữ: phần lớn là từ ngữ thông thường nhưng chỉ có một nghĩa, không có nghĩa bóng, ít dùng phép tu từ.
- Câu văn: là một đơn vị thông tin, chuẩn cú pháp, nhận định chính xác - chặt chẽ - logic.
- Cấu tạo văn bản: các đoạn được liên kết chặt chẽ và mạch lạc, lập luận logic, bố cục rõ ràng.
c. Tính khách quan, phi cá thể
Biểu hiện:
- Câu văn có sắc thái trung hoà, ít biểu lộ sắc thái cảm xúc.
- Hạn chế sử dụng những biểu đạt có tính chất cá nhân.
Bài tập minh họa
Ví dụ 1:
Đọc các văn bản sau đây và cho biết chúng thuộc loại văn bản khoa học nào?
a. Xenlulozơ là chất rắn hình sợi, màu trắng, không mùi, không vị, không tan trong nước ngay cả khi đun nóng, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường như Ete, Benzen,…
(Hóa học nâng cao 12, NXB Giáo dục, 2014)
b. Hàng trăm nghìn tấn dưa hấu bị vứt bỏ hàng năm trên khắp thế giới có thể trở thành nguồn nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học.
Ethanol là loại nhiên liệu dạng cồn được sản xuất bằng phương pháp lên men và chưng cất các loại ngũ cốc chứa tinh bột có thể chuyển hóa thành đường đơn (như bắp, lúa mì, lúa mạch). Ngoài ra, chất cồn này còn được sản xuất từ cây, cỏ có chứa cellulose. Người ta gọi đó là ethanol sinh học. Ethanol là chất phụ gia để tăng trị số Octane (trị số đo khả năng kích nổ) và giảm khí thải độc hại của xăng.
Theo Telegraph, hàng năm nông dân và các siêu ở châu Mỹ thị loại bỏ khoảng 1/5 lượng dưa hấu (tương đương 360.000 tấn) trên đồng ruộng trong mỗi vụ do chúng không đạt tiêu chuẩn (có hình dạng méo mó hoặc bầm dập trên vỏ). Nông dân thường biến chúng thành phân xanh để bón ruộng. Các nhà khoa học của Bộ Nông nghiệp Mỹ khẳng định lượng dưa hấu bị vứt có thể tạo ra gần 9 triệu lit nhiên liệu sinh học ethanol.
Tiến sĩ Wayne Fish, một nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, khẳng định rằng 50% số quả dưa hấu bị vứt bỏ có thể tạo ra ethanol nhờ quá trình lên men.
(Theo Minh Long – Vnexpress)
c. "Phong cách văn học (hay phong cách nghệ thuật) nảy sinh do chính những nhu cầu của cuộc sống, bởi vì cuộc sống luôn đòi hỏi sự xuất hiện những nhân tố mới mẻ, những cái không lặp lại bao giờ; và nó cũng nảy sinh từ nhu cầu của quá trình sáng tạo văn học, vì đó là một yếu tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn, sức sống của tác phẩm. Phong cách là những nét riêng biệt và độc đáo của một tác giả trong quá trình nhận thức và phản ánh cuộc sống, những nét độc đáo ấy thể hiện trong tất cả các yếu tố nội dung và hình thức của từng tác phẩm cụ thể. Nói cách khác, phong cách là sự thể hiện tài nghệ của người nghệ sĩ trong việc đưa đến độc giả một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời thông qua những phương thức, phương tiện mang đậm dấu ấn cá nhân của người sáng tạo, vì thế Buy-phông viết: "Phong cách chính là người". Trong tác phẩm của Sếch-xpia "mỗi một ưu điểm nhỏ nhất cũng in dấu riêng, dấu ấn đó có thể lập tức nói với toàn thế giới rằng: Tôi là Sếch-xpia."(Lét-xinh)".
(Ngữ Văn 12, NXB Giáo dục, 2014)
Gợi ý làm bài:
- Văn bản a thuộc văn bản khoa học giáo khoa, nêu định nghĩa về Xenlulozơ, một khái niệm của Hóa học lớp 12.
- Văn bản b thuộc văn bản khoa học phổ cập. Văn bản này được trích ra từ một bài báo nói về việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ hằng trăm tấn dưa hấu bị vứt bỏ hằng năm.
- Văn bản c thuộc văn bản khoa học chuyên sâu trình bày kiến thức về sự nảy sinh của phong cách văn học.
Ví dụ 2:
Em hãy chỉ ra những thuật ngữ được dùng trong văn bản sau đây:
"Từ năm 1975, văn học Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới. Văn học vận động theo khuynh hướng dân chủ hóa, đổi mới quan niệm về nhà văn, về văn học và quan niệm nghệ thuật về con người, phát huy cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà văn với những tìm tòi, thể nghiệm mới,…"
(Ngữ Văn 12 tập 1, trang 8)
Gợi ý làm bài:
- Các thuật ngữ được sử dụng trong văn bản trên: văn học Việt Nam, khuynh hướng dân chủ hóa, quan niệm về nhà văn, quan niệm nghệ thuật, cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật, thể nghiệm mới.
4. Soạn bài Phong cách ngôn ngữ khoa học
Để nắm vững về những nội dung kiến thức cần đạt, các em có thể tham khảo thêm bài soạn tại đây: Phong cách ngôn ngữ khoa học.