1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu về Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến.
- Giới thiệu về cảm hứng lãng mạn như một nét cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
b. Thân bài:
- Giải thích cảm hứng lãng mạn là gì và sự thể hiện cảm hứng lãng mạn trong tác phẩm văn chương:
+ Cảm hứng lãng mạn trong văn học được hiểu là xu thế vươn lên, vượt lên trên thực tại khách quan bằng cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ, thể hiện những khát vọng mạnh mẽ hướng về những vẻ đẹp khác lạ trong thế giới của mơ ước, tưởng tượng, ở tương lai hay quá khứ.
+ Cảm hứng lãng mạn vì thế thường khai thác những đề tài như thiên nhiên, tình yêu, tôn giáo, hồi tưởng, kỉ niệm,... đồng thời đi tìm cái đẹp trong những cái khác lạ, phi thường, độc đáo, vượt lên những cái tầm thường, quen thuộc của đời sống hằng ngày. Nó đề cao nguyên tắc chủ quan, phát huy cao độ sức mạnh của tưởng tượng, liên tưởng, cảm hứng lãng mạn cũng thường tìm đến cách diễn đạt khoa trương, phóng đại, thủ pháp tương phản, ngôn ngữ giàu tính biểu cảm và tạo được ấn tượng mạnh mẽ.
- Sự thể hiện cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: Cần phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến trên hai phương diện: nội dung cảm hứng (nỗi nhớ về một thời chiến chinh gian khổ, nhiều mất mát hy sinh nhưng cũng thật hào hùng; hình tượng thiên nhiên; hình tượng người lính Tây Tiến); nghệ thuật thể hiện (bút pháp tương phản trong việc thể hiện hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống và chất thơ từ chính cuộc sống đó, tính chất bi tráng của hình tượng người lính, giọng điệu trữ tình và bi tráng của tác phẩm,...).
+ Vẻ đẹp của thiên nhiên và cuộc sống con người: địa hình gập ghềnh, hiểm trở với núi cao, vực thẳm, sông sâu; thiên nhiên hoang sơ, bí ẩn nhưng cũng toát lên vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng, trữ tình với tất cả vẻ quyến rũ, làm say lòng người.
+ Vẻ đẹp của hình tượng người lính Tây Tiến: những khó khăn, thử thách không ngăn được bước chân người lính vốn là những chàng trai Hà Thành hào hoa, tinh tế; những nét bi thương "không mọc tóc,", "mồ viễn xứ",... là những âm trầm trong bản hùng ca về những con người "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh".
- Nhận xét, bàn luận về ý nghĩa, giá trị của sự thể hiện cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến:
+ Cảm hứng lãng mạn và giá trị của bài thơ Tây Tiến: Cảm hứng lãng mạn giúp tác giả khắc hoạ vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh bi tráng của người lính Tây Tiến cùng vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên miền Tây, tạo nên một tác phẩm độc đáo trong thơ ca thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
+ Cảm hứng lãng mạn và sự thể hiện phong cách của tác giả: nét hồn nhiên, tinh tế, vẻ đẹp hào hoa, phóng khoáng, đậm chất lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng.
c. Kết bài:
- Cảm nhận, ấn tượng riêng của cá nhân về vẻ đẹp của cảm hứng lãng mạn trong bài thơ (có thể so sánh với một số bài thơ ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp).
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy phân tích cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Có một thời, nhắc đến khái niệm “lãng mạn" người ta thường đồng nhất nó với những gì xa rời thực tế, cá nhân, tiêu cực, mềm yếu... và người ta phản đối, phê phán, thậm chí tẩy chay nó. Nhưng nếu xét đến tận cùng, phần lãng mạn ấy không thể thiếu trong đời sống tinh thần, trong tâm hồn con người và cái gọi là “lãng mạn” ấy cũng thật nhiều vẻ, nhiều hình. Nó có thể làm con người ta nhỏ lại yếu hèn đi nhưng cũng có thể đem đến cho con người có sức mạnh phi thường để làm nên những điều phi thường. Ta bắt gặp sức mạnh lãng mạn ấy qua Tây tiến của Quang Dũng - một tác phẩm mang đậm chất sử thi, đậm chất lãng mạn anh hùng, lãng mạn cách mạng.
Có thể nói, cuộc sống tinh thần của mỗi con người hay cả một cộng đồng dân tộc sẽ nghèo nàn, cằn cỗi và nhàm chán biết bao nếu thiếu đi những ước mơ bay bổng, thiếu đi những ước mơ bay bổng , thiếu đi tưởng tượng phong phú, diệu kỳ... Lãng mạn hiểu theo nghĩa đúng đắn, chắp cánh cho những ước mơ, thúc giục con người hướng tới cái đẹp, cái cao cả và sự hoàn thiện mà hiện thực cuộc sống còn chưa đạt tới. Chất lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến chính là cảm hứng bay bổng của nhà thơ hướng tới vẻ đẹp hào hùng và hào hoa của thiên nhiên và con người Tây Bắc, Vẻ đẹp được cảm nhận từ một hiện thực gian khổ và đầy khốc liệt, khó khăn. Chính vì thế, chất lãng mạn của bài thơ càng đáng chân trọng, nâng niu. "Nói" đúng hơn, chính nhờ chất lãng mạn ấy mà người lính Tây Tiến có thể vượt qua được mọi vất vả gian lao, mọi khó khăn thử thách. Chất lãng mạn trong Tây Tiến xuất hiện dường như để lại "thăng bằng" cho cảnh vật và tâm hồn của con người. Vì thế bên cạnh một thiên nhiên hiểm trở, dữ dằn, những núi đá cheo leo, những cảnh rừng thiêng nước độc... ta lại thấy một thiên nhiên thơ mộng đến say người, một Tây Bắc đẹp như tranh thuỷ mạc.
Trong bài thơ tác giả đã thể hiện một tinh thần của người lính Tây Tiến qua nhịp điệu, hình ảnh, tinh thần, và sự cố gắng của tác giả, khi từng câu chữ được trau chuốt tới mức độ hoàn mỹ nhất. Tác giả đã thể hiện được tinh thần anh dũng qua cuộc chiến đấu, ngoài ra giá trị của nó còn được thể hiện qua tinh thần ngoài mặt trận và đời sống tinh thần của người chiến sĩ, ngoài những phút giây gian khổ bên chiến trường, cùng sống và quật cường trước bệnh tật của cơn rét rừng, tác giả còn thể hiện một tình cảm đặc biệt của các người lính trước tình yêu quê hương, nhớ nhung những người thân ở gia đình.
Rõ ràng thiên nhiên Tây Bắc ở đây được cảm nhận với một vẻ độc đáo: vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa tươi tắn, thơ mộng. Mà không chỉ thiên nhiên, chất lãng mạn bay bổng còn thể hiện rõ khi tác giả khắc họa chân dung người lính Tây Tiến hiện lên trên cái nền hùng vĩ và mỹ lệ ấy của núi rừng Tây Bắc. vẫn là đối chọi để "cân bằng" giữa một bên là hiện thực khắc nghiệt, là cuộc sống đầy gian nan và lắm hy sinh mất mát, với một bên là cuộc sống tươi đẹp và đầy chất thơ. Này đây là những vất vả, gian lao của cuộc đời người lính Tây Tiến: "Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi", "Anh bạn dãi dầu không bước nữa - Gục sũng mũ bỏ quên đời!". Hình ảnh đoàn quân "không mọc tóc" với nước da "xanh màu lá" là kết quả của những trận sốt rét triền miên. Những nấm mồ "rải rác" khắp "biên cương” và cảnh người lính ngã xuống không manh chiếu liệm v.v... đủ nói lên tất cả gian khổ cùng cực của cuộc chiến đấu mà người lính phải gánh chịu. Nhưng nếu chỉ có thế, sức mạnh của hiện thực sẽ đè nát ý chí và tâm hồn người chiến sĩ. Chính cảm hứng lãng mạn đã truyền niềm tin đi những người lính Tây Tiến khiến các anh sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của minh cho Tổ quốc "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Trong cái gian khổ khắc nghiệt trên, bỗng thoảng hương của nếp xôi của những cô gái xứ Mai Châu. Ta nao nao, say người trong đêm lửa trại giữa "hội đuốc hoa", khi bắt gặp trong mơ hình ảnh "nàng e ấp" trong xiêm áo lộng lẫy và tiếng khèn man điệu hoang dại của núi rừng. Nhiều khi sự cân bằng, đối chọi giữa hai màu sắc – hiện thực và lãng mạn - thể hiện ngay trong từng câu thơ, từng đoạn thơ. Vừa thấy rợn người, trên độ cao ngàn thước chênh vênh bên bờ vực thẳm "ngàn thước xuống” đã lại thấy lòng thanh thản ngắm nhìn qua cơn mưa thanh bình nhà ai đó thoáng ở lưng núi Pha Luông. Vừa thấy hiện lên trước mắt hình ảnh: "Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi" rất hiện thực, đã lại chuyển sang hình ảnh đầy chất thơ "Mường Lát hoa về trong đêm hơi".
Ở đây tác giả đang vẽ ra bức tranh thiên nhiên của Tây tiến, với vẻ đẹp của núi rừng, có các địa danh được đề cập ở đây, đó là Sài Khao, Mai Châu... tất cả vẻ đẹp đó đều được hiện lên một cách rõ nét và oai vệ nhất, nó thể hiện một tinh thần sáng tạo, khi tác giả luôn mang trong mình một nỗi nhớ xa xôi về vùng đất Tây Tiến, nơi mà những người chiến sĩ đã từng gắn bó, và chiến đấu bên nhau, đó là những phút giây mà tác giả không bao giờ có thể quên được.
Cảm xúc mạnh mẽ đang chứa tran trong tâm hồn của những người chiến sĩ, nó lan rộng, và thể hiện được một tinh thần chiến đấu quật cường, ngoài bức tranh thiên nhiên, nó cũng mang đậm giá trị hiện thực, khi đang phản ánh một cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ, những người lính luôn phải phấn đấu, cố gắng để đạt được những điều tốt nhất cho dân tộc của mình, địa danh này đã gắn với biết bao chiến công của những người chiến sĩ, họ đã phải hy sinh xương máu của mình cho độc lập tự do của dân tộc.
Đọc Tây tiến của Quang Dũng ta bắt gặp cảm xúc lãng mạn anh hùng thăng hoa cái nền hiện thực, bắt gặp sức mạnh tinh thần mà những vần thơ lãng mạn ấy đem lại cho người lính binh đoàn Tây Tiến. Nó là nét đẹp vĩnh hằng trong tâm hồn người lính và trong thơ ca kháng chiến.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Quang Dũng được xem là nhà thơ nổi tiếng của dân tộc Việt Nam, ông chủ yếu viết về đề tài người lính, bởi bản thân ông xuất thân từ một người chiến sĩ, chính vì vậy đây là cảm hứng chủ đạo để ông sáng tác lên bài thơ Tây Tiến để khắc họa lại hình ảnh của những người lính Tây Tiến trong bài thơ Tây Tiến của mình.
Quang Dũng đã dùng tài năng của mình để sáng tác lên những vần thơ hay, để lại nhiều cảm xúc cho người đọc, bởi giai điệu nhẹ nhàng, kết hợp với những yếu tố hiện thực và lãng mạn, xen lẫn để tạo nên những hình ảnh sinh động, và ý nghĩa của bài thơ được thể hiện một cách tối đa, và đạt được ưu thế cao nhất. Trong bài thơ ngoài những cảm hứng hiện thực về một cuộc chiến tranh tàn khốc, của binh lính Tây Tiến, tác giả còn thể hiện những phút giây hào hùng, oanh liệt của một thời lịch sử, qua từ ngữ nhẹ nhàng, đầy chất trữ tình. Bài thơ có sự kết hợp giữa hình tượng thơ và hoàn cảnh chiến đấu vô cùng căng go, nó cũng thể hiện được một tinh thần chiến đấu vô cùng ác liệt của dân tộc.
Nỗi nhớ được sống dậy trong cảm hứng lãng mạn của tác giả, nỗi nhớ ấy rất khó để định hình, gọi tên. Cũng từ nỗi nhớ ấy mà cả một cuộc sống gian khổ chiến đấu với chiến trừng, người lính giống như đang đắm chìm trong một thế giới phi thường có gì bí ẩn nhưng cũng thật hào hùng, tha thiết và gần gũi xiết bao. Chiến trường trong bài thơ gian khổ, khắc nghiệt nhưng đồng thời cũng là thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ và ấm áp vô cùng. Trên cái nền của thiên nhiên ấy lại nổi bật lên đoàn quân Tây Tiến với dáng vẻ khí phách anh hùng và hào hoa. Hình ảnh về người lính thật sự rất kỳ dị và khác thường "da xanh màu lá", "đầu trụi tóc" do thiếu thốn, bệnh tật. Những hình ảnh rất thực đó vừa mang ý nghĩa tượng trưng lại rất có khí phách.
Cảm hứng lãng mạn vì thế thường khai thác những đề tài như thiên nhiên tình yêu, tôn giáo, hồi tưởng kỉ niệm,….; đi tìm cái đẹp trong những cái khác lạ, phi thường, độc đáo, vượt lên những cái tầm thường, quen thuộc của đời sống hằng ngày. Cảm hứng lãng mạn đề cao nguyên tắc chủ quan, phát huy cao độ sức mạnh của tưởng tượng, liên tưởng. Cảm hứng lãng mạn cũng thường tìm đến cách diễn đạt khoa trương phóng đại, thủ pháp tương phản, đối lập, ngôn ngữ giàu tính biểu cảm và gây ấn tượng mạnh mẽ.
Trong bài thơ Tây tiến, nhà thơ Quang Dũng đã rất chú trọng đến những đặc trưng của cảm hứng lãng mạn khi biểu đạt cảm xúc của mình. Có thể thấy, cảm hứng lãng mạn của bài thơ Tây Tiến thể hiện ở hai phương diện. Thứ nhất là ở nội dung cảm hứng. Đó là nỗi nhớ một thời chiến tranh gian khổ, hy sinh; hình tượng thiên nhiên; hình tượng người lính tây tiến. Thứ hai là ở nghệ thuật thể hiện. Đó là bút pháp tương phản đối lập trong việc thể hiện hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống chiến đấu và chấn thơ từ chính cuộc sống đó; nét bi thương và hào hùng của hình tượng người lính; giọng điệu bi tráng của tác phẩm,…
Có thể thấy rằng, nét độc đáo trong thơ của Quang dũng miêu tả hiện thực đến dữ dội và lãng mạn đến mộng mơ. Điều này thể hiện rất rõ khi miêu tả về thiên nhiên Tây Bắc. Những Câu thơ hầu hết là vần bằng được nằm xen kẽ cùng với những xâu chắc khỏe tạo nên sự đối lập trong âm hưởng.
Thiên nhiên đáng sợ nhưng cũng toát lên vẻ hùng vĩ của núi cao, rừng sâu. Bên cạnh đó còn là những hình ảnh của nơi phương xa xứ lạ khiến cho thiên nhiên vừa đẹp vừa gợi chút hoang mang. Vẻ thơ mộng trữ tình của cảnh vật hiện lên với tất cả mỹ lệ, quyến rũ, làm xao xuyến lòng người.
Bút pháp lãng mạn phát huy ưu thế trong việc xây dựng sự tương phản trong vẻ đẹp của hình tượng người lính tây tiến. Cái chết chính là điểm nhấn mạnh mẽ trong bài thơ này. Quang Dũng đã rất táo bạo khi diễn tả chân thực hình ảnh ấy. Ông không hề né tránh hay cố tô vẽ nó theo những cách khác.
Bài thơ là sự khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người lính Tây Tiến đối với thời đại và đối với lịch sử. Đó là vẻ đẹp tinh thần của người vệ quốc quân thời kì đầu kháng chiến: một đi không trở lại, ra đi không hẹn ngày về. Hình ảnh người lính Tây Tiến sẽ còn mãi với thời gian, với lịch sử dân tộc, là chứng nhân đẹp đẽ của thời đại chống thực dân Pháp.
Cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng tạo một dấu ấn đậm nét trong nền thơ Việt Nam thời kỳ chống thực dân Pháp. Cách khắc họa vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, sự hi sinh, bi tráng của người lính Tây Tiến và vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của thiên nhiên miền Tây qua nỗi nhớ của tác giả đã tạo nên vẻ đẹp riêng hết sức độc đáo của tác phẩm này. Bài thơ cũng cho thấy nét hồn nhiên, tinh tế, sự hào hoa, phóng khoáng, đậm chất lãng mạn của hồn thơ Quang Dũng. Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài đối với người đọc.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----