Hướng dẫn chi tiết
2. Tóm tắt nội dung bài học
2.1. Nội dung
- Tác phẩm viết về những con người trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thủy chung son sắt với quê hương, cách mạng. Chính sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình và tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.
- Chú Năm là khúc thượng nguồn, là nơi kết tinh đầy đủ nhất truyền thống chủa cả gia đình.
- Việt xuất hiện nhiều trong tác phẩm và tự viết về mình – một cậu con trai mới lớn, một chiến sĩ gan góc, dũng cảm, kiên cường.
- Chiến là một cô gái có tính cách đa dạng vừa biết nhường em vừa biết lo toan, rất đảm đang, tháo vát.
2.2. Nghệ thuật
- Trần thuật qua dòng hồi tưởng của nhân vật.
- Miêu tả tính cách và tâm lí nhân vật sắc sảo: thâm nhập vào đời sống nội tâm của nhân vật, diễn tả chính xác những quá trình tâm lí tinh vi của con người.
- Ngôn ngữ phong phú, góc cạnh, giàu giá trị tạo hình và đậm chất Nam Bộ.
3. Soạn bài Những đứa con trong gia đình chương trình chuẩn
3.1. Soạn bài tóm tắt
3.2. Soạn bài chi tiết
Câu 1: Đoạn trích Những đứa con trong gia đình được trần thuật từ điểm nhìn chủ yếu của nhân vật nào? Tác dụng của cách trần thuật đó.
- Tác phẩm được trần thuật chủ yếu qua dòng hồi tưởng miên man, đứt nối của nhân vật Việt khi bị trọng thương nằm lại ở chiến trường.
- Cách thức trần thuật này đem đến cho tác phẩm màu sắc trữ tình đậm đà, tự nhiên, sống động, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhà văn có thể thâm nhập sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để dẫn dắt câu chuyện. Diễn biến của câu chuyện chính vì thế mà hết sức linh hoạt, không phụ thuộc vào trật tự thời gian tuyến tính mà có thể xáo trộn không gian, thời gian, từ những chi tiết ngẫu nhiên của hiện thực chiến trường mà gợi ra những dòng hồi tưởng, liên tưởng đến quá khứ, khi gần khi xa, từ chuyện này sang chuyện khác hết sức tự nhiên của nhân vật.
Câu 2: Tác phẩm kể chuyện một gia đình nông dân Nam Bộ. Truyền thống nào đã gắn bó những con người trong gia đình với nhau?
- Tác phẩm kể chuyện một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, thủy chung son sắt với quê hương, với cách mạng.
- Truyền thống đó được thể hiện trong chi tiết đặc sắc, hàm chứa ý nghĩa: cuốn sổ gia đình có ghi đủ tội ác của giặc đối với gia đình và chiến công của các thành viên trong gia đình – một cuốn sổ “gia phả chống Mĩ”.
- Ba má bị giặc giết, những đứa con trong gia đình là Việt và Chiến vẫn giữ được truyền thống yêu nước, cách mạng lại được chú Năm tận tình cưu mang, chăm sóc đã cùng lên đường đi đánh giặc đề trả thù cho ba má và bảo vệ quê hương, đất nước.
- Truyền thống đó đã được gắn bó họ với nhau trong gia đình và đất nước, giúp họ lập nên chiến công trong công cuộc chống Mĩ. Chính sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình và tình cảm yêu nước, yêu cách mạng, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Câu 3: Phân tích và so sánh tính cách các nhân vật Chiến, Việt để làm rõ sự tiếp nối truyền thống gia đình của những con người.
a. Nét chung
- Ngoại hình: đều có khuôn mặt bầu bầu, chóp mũi hơi hếch lên → còn mang nét hồn nhiên trẻ thơ.
- Cùng sinh ra trong một gia đình chịu nhiều mất mát, đau thương: chứng kiến cái chết của ba và má.
- Có chung mối thù với bọn xâm lược, có cùng nguyện vọng cầm súng đánh giặc.
- Tình yêu thương ruột thịt là vẻ đẹp tâm hồn của họ. Thể hiện sâu sắc nhất trong cái đêm giành nhau tòng quân và khi khiêng bàn thờ ba má.
- Đều là những chiến sĩ dũng cảm trong đánh giặc.
- Đều có những nét trẻ con (giành nhau bắt ếch, giành nhau chiến công).
b. Nét riêng
- Chiến:
- Hiện lên qua dòng hồi tưởng của Việt
- Rất giống má: bắp tay tròn vo, sạm đỏ, thân người to và chắc nịch → vẻ đẹp của những con người sinh ra để gánh vác và để chiến thắng.
- Đặc biệt, trong cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội: lo liệu, toan tính việc nhà, lời nói và cử chỉ y hệt má.
- Chiến có tính cách người lớn hơn Việt: nhường nhịn em, quan tâm mọi việc của gia đình.
- Vào bộ đội, mang theo tấm gương soi.
⇒ Nhân vật Chiến có cá tính đặc sắc, mang vẻ đẹp tâm hồn của người con gái Nam Bộ trong một thời kỳ nhiều mất mát hi sinh.
- Việt:
- Hồn nhiên, vô tư: lăn kềnh ra cười khì khì, chụp một con đom đóm, thường tranh giành phần hơn với chị, vào bộ đội mang theo chiếc súng cao su.
- Trước kẻ thù: Việt rất anh hùng.
- Ngày từ bé đã dám xông vào thằng giết cha mình.
- Khi bị thương: vẫn quyết tâm sống chết với kẻ thù.
→ Trước chị, Việt nhỏ bé hồn nhiên, trước kẻ thù Việt vụt lớn trở thành anh hùng. Việt tiêu biểu cho những chàng trai Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
⇒ Việt và Chiến vừa là khúc sau của dòng sông truyền thống gia đình vừa tiêu biểu cho thế hệ trẻ miền Nam chống Mĩ: bộc trực, thẳng thắn, gan dạ, dũng cảm, căm thù giặc sâu sắc, yêu nước tha thiết và quyết tâm chiến đấu vì độc lập.
Câu 4: Phân tích những biểu hiện của khuynh hướng sử thi trong đoạn trích.
- Tuy là những câu chuyện về những đứa con trong gia đình, nhưng truyện đã đề cập đến vấn đề cốt tử của quốc gia dân tộc lúc bấy giờ: đó là vận mệnh của đất nước trước nạn ngoại xâm, mà kẻ thù ở đây đã từng chiếm đóng, tàn sát dã man đồng bào ta, quê hương, xóm làng ở miền Nam.
- Qua tác phẩm, tác giả muốn nói lên một sự thực – cũng là một điều kì diệu: lòng yêu nước, ý thức dân tộc đã thấm sâu đến từng người con trong gia đình bình thường nhất khiến họ có một khát khao cháy bỏng là chiến đấu để giết giặc bảo vệ Tổ quốc và thống nhất cho Tổ quốc.
- Cả một thế hệ trẻ như Chiến và Việt đã lên đường đi đánh Mĩ như đi trẩy hội mùa xuân, hồn nhiên vô tư, tạo ra một sức mạnh to lớn để chiến thắng kè thù vì trên vai họ có cả thù nhà và nợ nước. Chất sử thi trong tác phẩm toát lên từ chính trong cuộc sống đời thường.
Câu 5: Đoạn văn cảm động nhất của đoạn trích là đoạn văn diễn tả cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ ba má gởi chú Năm.
- Cảnh tượng đó khiến người đọc liên tưởng và bồi hồi xúc động bởi nhìn vào đó ta thấy được tình yêu, tình hiếu thảo, chọn nghĩa đối với cha mẹ. Dù khó khăn gian khổ hai chị em vẫn yêu thương nhau và không quên trách nhiệm nghĩa vụ trả thù cho ba má. Vẫn luôn nhớ về ba mẹ và làm theo, đi theo con đường ba mẹ đã đi, hết lòng vì tổ quốc.
Trên đây là những gợi ý trả lời hệ thống câu hỏi trong SGK để giúp các em soạn bài Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi được thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, để củng cố kiến thức đã học, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Những đứa con trong gia đình.
4. Soạn bài Những đứa con trong gia đình chương trình Nâng cao
Mod Ngữ văn sẽ cập nhật bài soạn này trong thời gian sớm nhất!
5. Hướng dẫn luyện tập
Phân tích đối thoại giữa Chiến và Việt đêm trước ngày nhập ngũ. Tâm lí và tính cách của mỗi nhân vật thể hiện như thế nào qua đoạn hội thoại này.
Gợi ý làm bài
a. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về sự thành công của tác giả trong việc khắc họa hình tượng 2 nhân vật chiến và việt về tâm lí và tính cách. Điều này được thể hiện rõ nét trong cuộc đối thoại giữa hai chị em đêm trước ngày nhập ngũ.
b. Thân bài
- Đoạn đối thoại trên đã thể hiện sinh động tính cách và cá tính của nhân vật.
- Nét chung:
- Một là: Hai chị em cùng sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng.
- Hai là: chị em Việt có chung mối thù với bọn Mĩ – Ngụy.
- Ba là: Hai chị em Chiến – Việt đều có những nét rất ngây thơ thậm chí có phần trẻ con: giành nhau bắt ếch nhiều hay ít, giành nhau thành tích bắn tàu chiến của giặc và giành nhau ghi tên tòng quân.
- Những nét đẹp riêng:
- Chiến là cô gái đảm đang, tháo vát:
- Chiến mang vóc dáng của má.
- Chiến đặc biệt giống má ở cái đêm sắp xa nhà đi bộ đội: Chiến biết lo liệu, toan tính việc nhà y hệt má.
- Chiến hơn Việt chừng một tuổi nhưng Chiến người lớn hơn hẳn: Chiến có thể bỏ ăn để đánh vần cuốn sổ gia đình suốt từ sáng đến xế chiều, biết nhường em trừ việc đi tòng quân (vì chị thương em, muốn giành sự hi sinh về mình).
- Nét riêng ở Việt:
- Việt – người thanh niên với những phẩm chất hồn nhiên, hay trành giành với chị.
- Đến tuổi trưởng thành, đi đánh giặc nhưng lúc nào Việt cũng quàng cây ná thun vào cổ.
- Khi bị thương nặng trong đêm tối, không sợ chết mà sợ bóng đêm và sợ ma.
- Phó mặc tất cả mọi việc cho chị.
- Việt có tình cảm với gia đình rất sâu sắc: khi tỉnh lại trong lần bị thương giữa chiến trường việt cảm thấy nhớ má và thương chị chiến.
- Việt mang trong mình phẩm chất người anh hùng.
- Lúc còn nhỏ, Việt đã cùng chị Chiến cùng địa phương quân bắn cháy tàu giặc trên sông Định Thủy.
- Vào trận mạc, Việt chiến đấu dũng cảm, diệt được xe bọc thép của giặc.
- Dù bị thương, dù tỉnh dù mê, dù kiệt sức vẫn sẵn sàng chiến đấu.
- Việt mang trong mình vẻ đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ: trẻ trung, gan dạ, đáng yêu nhưng cũng rất mực anh hùng dũng cảm.
- Chiến là cô gái đảm đang, tháo vát:
c. Kết bài
- Nhận xét sự tinh tế, sắc sảo của Nguyễn Thi trong bút pháp xây dựng nhân vật Chiến và Việt, tạo được sự lôi cuốn hấp dẫn người đọc.
6. Một số bài văn mẫu về văn bản Những đứa con trong gia đình
“Những đứa con trong gia đình” đặt trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước là một truyện ngắn đặc sắc bởi giọng văn trần thuật khắc họa miêu tả tâm lí nhân vật Chiến, Việt, Chú Năm…, Nguyễn Thi đã dựng nên một gia đình có truyền thống yêu nước sâu sắc, lòng căm thù giặc, mối thù nợ nước nợ nhà. Qua đó, tác giả giúp người đọc thêm đồng cảm với cảnh ngộ éo le, thêm yêu thương quý trọng gia đình, biết ơn công lao của những người cách mạng. Để có thể dễ dàng lập được dàn ý và viết bài văn hoàn chỉnh về văn bản này, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu dưới đây:
7. Hỏi đáp về văn bản Những đứa con trong gia đình
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.