Nghị luận xã hội về hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Nói chuyện riêng là hành động xấu cần loại bỏ bởi đó là một đức tính xấu ảnh hưởng lớn đến vấn đề học tập của học sinh trong học đường…

b. Thân bài:

- Giải thích: Nói chuyện riêng giờ học là rì rầm bàn tán, chuyện to chuyện nhỏ, chuyện lớn lao… không thuộc phạm vi bài giảng mà thầy cô đang giảng trên lớp.

- Biểu hiện: trao đổi, bàn tán về một vấn đề nào đó mà chúng ta đang quan tâm. Cho dù những chuyện đó là nhỏ hay lớn đều được đem ra bàn luận rất hào hứng bằng nhiều hình thức: viết giấy, hành động, cử chỉ.

- Nguyên nhân: Do ý thức kém, chưa chú ý học tập chưa chú ý vào vấn đề học tập, chưa coi việc học là việc quan trọng hàng đầu. Do học kém, do bị bạn bè rủ rê, lôi kéo nói chuyện. Do tò mò thích khám phá những vấn đề của người khác hoặc thích người khác chú ý đến mình, do thầy cô chưa nghiêm khắc hoặc xử phạt quá nhẹ với học sinh vi phạm.

- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nói chuyện riêng trong giờ học nhưng cho dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa thì việc nói chuyện riêng là một thói xấu đáng chê trách cần phải loại bỏ.

- Tác hại:

+ Mất đi một lượng kiến thức mà thầy cô đã giảng

+ Không hiểu bài giảng của thầy cô dẫn đến chán học, bỏ học, chơi bời lêu lổng

+ Ảnh hưởng tới người xung quanh, làm cho mọi người xung quanh có ấn tượng không tốt với mình

+ Hao tốn tiền bạc của gia đình là cho cha mẹ phải lo lắng

+ Ảnh hưởng đến quá trình giảng bài của thầy cô có thể thầy cô bị ức chế không thể giảng bài hay không thể truyền tải đủ lượng kiến thức như vậy học sinh mất đi lượng kiến thức.

- Biện pháp: Đây là một hành vi xấu, vì vậy mỗi chúng ta cần khắc phục những thói xấu đó bằng nhiều cách

+ Cách 1: Rèn luyện về ý thức, xây dựng mục đích học tập đúng đắn khi đến trường

+ Cách 2: Quan tâm đến vấn đề thầy cô đặt ra trong quá trình giảng bài bằng cách hăng hái giơ tay phát biểu ý kiến xây dựng bài.

+ Góp ý, phê bình với những bạn hay nói chuyện riêng. không những tập thể phê bình mà mỗi cá nhân trong lớp cũng phải có trách nhiệm phê bình, thầy cô phải xử phạt thật nghiêm khắc đối với những bạn nói chuyện riêng trong giờ, bị nhắc mà không sửa đổi.

- Học sinh chúng ta khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải chú ý lắng nghe thầy cô giảng bài, tập trung vào học tập để hiểu kỹ, hiểu sâu kiến thức, muốn được như vậy thì ngay từ hôm nay chúng ta cần phải loại bỏ thói xấu này để không còn tồn tại trong ngôi trường học tập của chúng ta.

c. Kết bài:

- Nói chuyện riêng trong giờ học là hành động xấu cần phải loại bỏ, mỗi chúng ta hãy chung tay góp sức vì môi trường học đường văn minh, vì tương lai tươi sáng của đất nước.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội về hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Hiện nay, khi mà đất nước ta đang trên đường phát triển, phát triển về kinh tế – xã hội và song song với đó chính là một sự phát triển về nền văn hóa, đó cũng chính là sự phát triển nền văn minh nước nhà. Ta có thể nhận định được ngày nay, những lối sống văn hóa, hay văn minh dường như cũng đã phát triển và lan tỏa rộng khắp xã hội ta. Tuy vậy nhưng ta thấy được đâu đó vẫn còn tồn đọng rất nhiều những hành vi không tốt đẹp. Đặc biệt là trong nhà trường, ta như thấy được trong giờ học thì hiện tượng học sinh nói chuyện riêng hay làm việc riêng trong giờ là một hiện tượng phổ biến. Nó dường như xuất hiện ở hầu hết các trường học và là một vấn đề rất lo ngại cho cả xã hội chúng ta hiện nay.

Đầu tiên ta phải hiểu được vấn đề nói chuyện riêng trong giờ học là một hành động như thế nào mà lại bị coi là một hành vi thiếu văn hóa? Khi nói chuyện riêng hay làm việc riêng trong giờ tức là họ – những người học sinh kia ngay trong giờ học làm những hành động không phải là học bài. Các em dường như có bàn bạc và thảo luận về những vấn đề từ nhỏ nhặt cho đến những chuyện lại rất “trọng đại, lớn lao” ko hề liên quan đến những bài học hay mà người giáo viên đang giảng dạy trên lớp. Trong lúc cô giáo đang giảng bài thì các bạn quay ra nói những câu chuyện riêng tư đời sống của mình chẳng hạn như “bộ phim hôm qua như thế nào?”, “Bạn có thấy kiểu tóc mới của mình hợp không?”,…Có vô vàn những câu chuyện vụn vặt không liên quan đến bài học của các bạn. Và khi chúng ta tập trung đến những câu chuyện được đánh giá là vô bổ đó, những câu chuyện không đi đến đâu cứ tràn lan mà làm cho các bạn mất đi lượng kiến thức cô giảng dạy trên lớp. Và điều đó thật đáng buồn bởi học sinh chúng ta đi học là để tiếp thu tri thức, tiếp thu tri thức là mục đích của việc ngày ngày bạn cắp cặp đến trường. Vậy mà bạn lại không tận dụng được nó, mà sao nhãng lãng phí vào những việc làm việc riêng trong lớp.

Tình trạng nói chuyện riêng, làm việc riêng vẫn luôn diễn ra trong các lớp học. Điều ấy thể hiện những hành động thiếu suy nghĩ, thiếu văn hóa của học sinh. Bởi các em đang trong độ tuổi mới lớn, bước đầu hòa mình vào cuộc sống. Có rất nhiều thứ mới mẻ để các em tiếp cận. Vì vậy, các em quan tâm tới những việc xung quanh hơn bài giảng cũng là một điều dễ hiểu.

Cái chúng ta cần để cải thiện tình trạng này là việc làm sao cho học sinh hứng thú với việc học. Việc thay đổi phương pháp dạy học của giáo viên, hay có những biện pháp phù hợp hơn là một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng đó. Thiết nghĩ, chính bản thân các bạn học sinh. Cần có một thái độ học tập tích cực, bởi các bạn nên biết rằng. Của cải vật chất chỉ là thứ bên ngoài, sẽ mất đi. Chỉ những kiến thức mà các bạn học tập được, mới là hành trang vững chắc nhất cho các bạn, trên bước đường tương lai của mình. Chỉ có làm chủ được kiến thức, mới có thể làm chủ được tương lai.

Khi được đánh giá trên tất cả những hành vi nói chuyện riêng hay làm việc riêng ngay trong giờ học có thể nói là một hành vi không hề có văn hóa một chút nào. Ta như thấy được rằng, cũng sẽ thật khó có thể chấp nhận dc khi nó được thực hiện bởi những người – những thế hệ được coi là chủ nhân tương lai của đất nước đã và đang học văn hóa trong trường lớp. Thông qua đây ta như thấy được hành vi này vô văn hóa ở chỗ những người thực hiện nó. Ta như hiểu điều đó tức là mỗi người học sinh đã không dành sự tôn trọng cho người đang truyền giảng kiến thức cho mình. Hơn nữa còn làm ảnh hưởng đến chính mình, chính những người xung quanh.

Xét một cách toàn diện, ta như thấy được chính những hành vi này là kết quả của sự kết hợp giữa những người học sinh đã đánh mất đi lòng tự trọng. Có lẽ rằng chính chúng ta cũng như đã đánh mất đi tinh thần hiếu học của học sinh. Thêm một nguyên do đó là người truyền dạy kiến thức cũng cần phải có một bài giảng hấp dẫn để gây ra được sự chú ý của các em học sinh. Không thể khi mà người thầy không biết được truyền tải kiến thức mà học sinh lại chú ý nghe được. Các thầy cô hãy biết đa dạng hóa bài mình dạy để có thể thu hút các em.

Hiện tượng nói chuyện riêng, làm việc riêng trong lớp học, gây ra những hệ lụy rất xấu cho sự phát triển của học sinh. Đòi hỏi mỗi học sinh cần tự ý thức và trách nhiệm hơn với bản thân mình. Để có thể học tập cho tốt, cho giỏi. Để tương lai sau này góp sức mình vào việc xây dựng, làm giàu quê hương đất nước.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Tương lai của mỗi quốc gia phụ thuộc vào thế hệ thanh thiếu niên, những mầm non ấy phát triển ra sao sẽ quyết định đến tương lai của chính đất nước đó. Giáo dục nước nhà ngày càng nhận được sự đầu tư, có những bước phát triển vượt bậc. Nhưng bên cạnh những thành tích đã đạt được lại còn có rất nhiều vấn đề hạn chế đáng lưu tâm. Và một trong những vấn đề đó chính là hiện tượng nói chuyện riêng trong giờ học.

Nói chuyện riêng trong giờ học là hành vi nói chuyện, bàn bạc những vấn đề không liên quan đến nội dung bài giảng của giáo viên. Hành động này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như trao đổi trực tiếp bằng lời hay trao đổi thư từ qua lại cho nhau. Nhưng dù bất cứ hình thức nào thì hành vi nói chuyện riêng trong giờ cũng là hành vi xấu, thể hiện thái độ thiếu tôn trọng với giáo viên và những bạn đang tập trung học, đồng thời cũng là không tôn trọng chính bản thân mình.

Nói chuyện riêng trong giờ học để lại những hậu quả khôn lường, mà bản thân mỗi học sinh không thể lường hết. Trước hết nói chuyện riêng trong giờ gây ảnh hưởng đến quá trình nhận thức và kết quả học tập của chính bản thân học sinh đó. Các bạn không chú ý đến việc học, lơ đãng, dẫn đến không hiểu bài, hiểu sai kiến thức. Gây lãng phí thời gian, tiền bạc học tập. Không chỉ vậy nói chuyện riêng còn gây ảnh hưởng đến không khí học tập của những bạn khác. Người ta vẫn thường nói “im lặng là vàng” và trong những giây phút cô giáo giảng bài thì sự im lặng là vô cùng quý báu. Những tiếng xì xầm, nhỏ to sẽ khiến những bạn xung quanh không thể tập trung vào bài giảng của giáo viên. Như vậy, chỉ vì một hành động thiếu ý thức của bản thân lại gây ảnh hưởng tới rất nhiều người xung quanh.

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Đó trước hết là do ý thức học tập của học sinh còn kém, chưa đề cao việc học nên chưa chú trọng vào việc nghe giảng, thu nạp kiến thức. Tâm lí của các em ở mỗi lứa tuổi khác nhau và càng lên lớp cao hơn thì cái tôi của các em càng lớn. Các em có đủ mọi chuyện bên ngoài xã hội tác động vào nên không làm chủ được suy nghĩ, hành động của bản thân và tìm mọi cách để có thể giải tỏa ở mọi lúc, mọi nơi, ngay cả trong giờ học. Thậm chí còn do tính tò mò, tắt mắt, muốn hiểu chuyện người khác nên các em cảm thấy nội dung kiến thức bài học mới trên lớp không đủ hấp dẫn. Vì thế, một đòi hỏi tất yếu đặt ra là năng lực bản thân người dạy có đủ để lôi cuốn, hấp dẫn, kích thích sự tìm hiểu bài học của học sinh hay không?. Đồng thời, việc nói chuyện riêng của học sinh còn do chương trình học tập của các cấp học còn quá nặng về kiến thức hàn lâm, ít có sự tương tác với ứng dụng thực tiễn bên ngoài nên vô hình chung dẫn tới tình trạng chán học, không có hứng thú học là điều dễ hiểu.

Hậu quả của việc nói chuyện riêng trong giờ học là người học không theo kịp được kiến thức mà thầy cô giáo giảng, dẫn tới tình trạng không hiểu bài và không làm bài tập được, ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả thi cử, học tập của các em. Nếu để tình trạng đó tiếp diễn thì việc chán học, bỏ học rồi sa vào các tệ nạn như nghiện game, cờ bạc, rượu chè... là không thể tránh khỏi. Và tất nhiên, đất nước không những không thể phát triển mà bản thân họ còn trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Bản thân những cá nhân nói chuyện riêng ấy còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn trong lớp và bài giảng của thầy cô giáo. Các bạn xung quanh thì không tập trung học được, các thầy cô giáo thì không thể hoàn thành tốt bài giảng tâm huyết muốn gửi tới học trò của mình. Vì thế, nói chuyện riêng là một hành vi ích kỉ, bất lịch sự, thiếu tôn trọng mọi người...

Để hành vi vô văn hóa này được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi môi trường tri thức trường lớp thì trước hết, mỗi người học sinh cần phải biết đến lòng tự trọng và phải xác định được mục đích học tập là gì để từ đó xác định được học tập như thế nào ở trong lớp học. Ngoài ra, những người đứng lớp cũng phải tự xem xét lại phương pháp giảng dạy của mình tại sao lại không thể thu hút được sự chú ý của học sinh để từ đó sửa chữa, rút kinh nghiệm. Và cuối cùng thì sự phản đối, thái độ đấu tranh của các bạn khi gặp những hành vi này cũng khiến nó trở nên dần dần biến mất.

Nói chuyện riêng trong giờ học sẽ chẳng mang lại gì cho các bạn và những người xung quanh ngoài những điều bất lợi. Thế nên hãy từ bỏ và đấu tranh với nó để loại bỏ hoàn toàn hành vi này khỏi trường học, lớp học của chính mình nhé.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?