1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Dẫn dắt, nêu giới thiệu về sự ích kỷ. Khái quát nhận định cá nhân về sự ích kỷ (thói xấu, đáng phê phán, ảnh hưởng nghiêm trọng, nên sửa đổi,...)
b. Thân bài:
* Giải thích khái niệm: Ích kỷ là gì? Lối sống cá nhân, vị kỷ, chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mà không biết chia sẻ và giúp đỡ người khác.
* Biểu hiện của sự ích kỷ:
- Không biết chia sẻ khó khăn với người xung quanh dù bản thân hoàn toàn có khả năng (ví dụ: bạn mượn vở ghi chép lại bài trên lớp do nghỉ học vì bệnh nhưng không cho vì không thích, mẹ nhờ quét sân giúp vì đang bận chăm em nhưng không giúp vì ngại mệt mỏi,...).
- Làm ngơ trước nhu cầu được trợ giúp của người khác mặc kệ hậu quả có thể xảy đến với họ (ví dụ: được người già nhờ dắt qua đường nhưng không thèm giúp, gặp người bị tai nạn giao thông và được nhờ gọi cấp cứu giúp nhưng không làm vì sắp trễ học,...)
- Sẵn sàng làm hại đến lợi ích của người khác miễn bản thân có lợi ( ví dụ: sử dụng chất độc hại trong sản xuất thực phẩm, vật dụng cá nhân để tăng lợi nhuận; vu khống, đổ lỗi cho người khác khi bản thân gây ra sai lầm để không bị trách phạt,...).
* Hậu quả của sự ích kỷ:
- Người ích kỷ thường bị xã hội xa lánh, bị cô lập.
- Thói ích kỷ làm con người ngày càng trở nên lạnh lùng, vô cảm.
- Khiến các mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng trở nên căng thẳng, gay gắt hơn.
- Ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của xã hội.
* Lời khuyên để bỏ tính ích kỷ:
- Mỗi người biết nhận ra và từ bỏ thói ích kỷ.
- Biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ những người xung quanh.
c. Kết bài:
- Khẳng định lại suy nghĩ, thái độ về sự ích kỷ. Rút ra bài học cho bản thân.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy viết bài văn nghị luận xã hội bàn về sự ích kỷ trong cuộc sống.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Mỗi con người chúng ta khi mới sinh ra ai cũng như ai, cùng nằm ở vạch xuất phát nhận thức, chúng ta hoàn toàn bị tác động bởi thế giới khách quan bên ngoài. Dần dần theo thời gian, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà hình thành những tính cách, phẩm chất mang tính cá nhân của mỗi người, ai cũng có tính cách và phẩm chất riêng cho mình và không ai là người hoàn hảo. Tất cả đều cố gắng để trở thành người tốt đẹp, cố gắng loại trừ những thói xấu của mình, một trong những tính xấu mà con người ai cũng nên tránh xa đó chính là sự ích kỷ.
Vậy sự ích kỷ hay nói cách khác là tính ích kỷ là gì mà mọi người nên tránh xa? Có thể hiểu, ích kỷ là một biểu hiện của lối sống tiêu cực, người có tính kỷ là người chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến những lợi ích cho mình, luôn so đo, suy tính cốt làm sao để mình được lợi và không bao giờ suy nghĩ đến người khác. Người có tính ích kỉ không chỉ vì lợi ích của mình quên đi lợi ích của người mà còn sẵn sàng chà đạp, tranh giành cướp lấy lợi ích của người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người có tính ích kỷ biểu hiện rất rõ và cụ thể ngay trong những sự việc nhỏ nhất, ví dụ như không quan tâm đến những người thân trong gia đình, vì mình mà bắt mọi người phải làm theo ý muốn của mình. Trong học tập, người ích kỉ là người luôn e dè, ngại giúp đỡ bạn bè, sợ bạn sẽ hơn mình. Khi được bạn nhờ giải bài tập hay học cùng luôn tìm cách từ chối vì sợ mất thời gian học tập của mình, lại sợ rằng bạn sẽ giỏi hơn mình.
Biểu hiện của tính ích kỉ trong mỗi con người rất rõ nét. Họ sống trong tư thế không chịu mở lòng, luôn ngại khó, ngại khổ mà đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, làm việc gì cũng phải tính toán hơn thua với người khác, chỉ thích hưởng quyền lợi mà không thích làm việc. Những người chỉ lo đến mình, khư khư giữ lấy lợi ích của riêng mình luôn phải sống trong cái vỏ bọc mà họ tạo ra, rất kín đáo. Chúng ta không thể chui vào đó được, vì hàng rào rất chắc chắn, họ sẽ ít mở lòng, ít hòa đồng và hơn hết là khi nào thấy có lợi ích thì mới làm. Ví dụ như trong lớp học, khi có bạn đến hỏi cách giải một bài toán khó mà mình đã giải ra, vì sợ bạn cũng làm ra rồi giỏi hơn mình nên né tránh, nói dối rằng chưa làm ra rồi lảng sang việc khác. Hay khi cả lớp đi uống nước sau những buổi lao động ở trường, trong lúc bạn bè nói chuyện vui vẻ thì bạn nhăn mày nhăn mặt tính toán: “Mình thì làm mệt phờ người còn nó chỉ làm một chút mà cũng được ngồi uống nước như mình.” Chẳng phải Bác Hồ đã từng nói: “Lao động là vinh quang” sao? Nhưng lúc đó bạn có nghĩ được như vậy không? Chắc chắn là không đâu khi mà sự ích kỉ đang quấn lấy trí óc bạn, khiến cho bạn càng thêm mệt mỏi. Một người luôn mơ ước có cái này cái kia, thành ông này ông nọ nhưng lại ngại khó khăn, gian khổ, luôn toan tính để đạt được mọi việc bằng thủ đoạn thì chẳng mấy chốc lâu đài cát ấy cũng sụp đổ.
Hậu quả của tính ích kỉ thật khó lường. Lòng ích kỉ khiến ta chỉ biết nghĩ cho bản thân, thành ra quanh co với những ham muốn cá nhân, đánh mất mình trong vòng xoáy của lợi ích và thù hận. Tính ích kỉ như một ngọn gió sa mạc làm khô héo tất cả, khô héo tâm hồn ta và khô héo tình cảm người khác dành cho ta. Những người ích kỉ sẽ không bao giờ phát triển hay khẳng định được bản thân, cũng khó có thể thành công trong cuộc sống. Bởi vì họ sẽ bị người khác xa lánh, ghét bỏ, sẽ không bao giờ được người khác giúp đỡ hay tạo cơ hội để phát triển, bởi cá nhân chỉ có thể hòa hợp với cộng đồng khi biết cân đối, hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Bạn gieo nhân nào thì gặp quả đấy. Đó chính là luật nhân quả mà bạn phải biết để có thể hoàn thiện bản thân mình từng ngày.
Người ích kỉ là người chỉ biết đến sự giúp đỡ từ người khác mà không khi nào muốn giúp đỡ ai, không muốn giúp đỡ là vì không muốn vướng vào phiền phức, ngại khó, ngại khổ. Trong quá trình làm việc, tính cạnh tranh trong công việc làm lộ rõ bản chất của người ích kỉ, họ chỉ mong nhận công việc nhẹ nhàng, trốn tránh việc khó và đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, sẵn sàng chà đạp lên công sức của người khác để biến thành của mình, cốt vì lợi ích của mình. Trong các mối quan hệ xã hội, người ích kỷ luôn có lòng đố kỵ, ganh ghét với những người hơn mình, dù trong hoàn cảnh nào cũng chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, ví dụ như gặp người bị tai nạn không có ai giúp đỡ nhưng cũng không xuống giúp vì sợ muộn làm, sợ phiền phức. Những người có tính ích kỉ thường sống rất cô lập, bởi ngoài bản thân mình ra họ không quan tâm đến những người xung quanh, đây là một lối sống tiêu cực và có thể gọi là bệnh ích kỷ.
Căn bệnh này rất nguy hại và rất đáng báo động, bởi ích kỷ cũng là bệnh rất dễ mắc phải. Căn bệnh ích kỷ khiến cá nhân con người ngày càng trở nên xấu tính, lòng dạ hẹp hòi và tự mình tách biệt ra khỏi mọi người, sống lâu với căn bệnh ích kỷ sẽ biến con người ta trở nên cô đơn, bị mọi người xung quanh ghét bỏ, xa lánh. Khi họ không quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của người khác, không biết cách cảm thông chia sẻ và giúp đỡ người khác thì đến một ngày, chính họ sẽ là nạn nhân của sự thờ ơ, lãnh đạm đó. Bác sĩ vì đồng tiền trong túi mình mà sẵn sàng thờ ơ mạng sống của bệnh nhân, những quan tham vì tiền mà sẵn sàng tham ô của công, hưởng lợi trên cuộc sống nghèo khổ của nhân dân... Một xã hội ích kỷ là một xã hội suy đồi và xuống cấp, thối nát đạo đức và vô nhân đạo, sẽ chẳng có tình thương nào được hiện diện khi con người chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Xã hội chỉ toàn người ích kỷ sẽ không có sự đoàn kết, không thể tồn tại và phát triển, đi ngược lại với xu thế phát triển của thế giới.
Bên cạnh đó, chúng ta nên lên án mạnh mẽ những kẻ sống thờ ơ vô cảm như một bạn học sinh nhìn thấy một cụ già bị ngã nhưng không chịu dừng lại dù chỉ một phút để đỡ bà cụ dậy vì một lí do đơn giản: “Không thể đến lớp trễ, sẽ bị cô giáo phạt nặng mất”. Hay những kẻ chỉ biết đến bản thân, không bao giờ nhường nhịn vì người khác. Ta nên chọn một “loại thuốc” hữu hiệu cho căn bệnh thế kỉ ấy để cuộc sống trở nên tươi đẹp.
Còn gì cao quý và hãnh diện hơn cho một thái độ sống vị tha, cống hiến quên mình. Không phải lúc nào ta cũng là duy nhất, ta cần yêu quý bản thân nhưng đó không có nghĩa là bạn được phép sống ích kỉ. Cuộc sống không đủ dài để chúng ta có thể sửa chữa tất cả những sai lầm của bản thân, nhưng đủ dài để chúng ta vứt bỏ bản tính ích kỉ và bắt đầu lại với một trái tim đầy tình yêu thương.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Có ai đó đã từng nói: “Khi cuối cùng khoa học cũng tìm ra trung tâm của vũ trụ, sẽ có người ngạc nhiên vì biết rằng mình không phải là nó.” Sống với tư tưởng rằng mình là trung tâm của vũ trụ là cách nói khác của sự ích kỷ.
Thế nào là sự ích kỷ? Ích kỷ là lối sống chỉ biết nghĩ cho mình, luôn suy tính thiệt hơn, lúc nào cũng chăm chăm vun vén cho lợi ích của cá nhân mà thờ ơ, vô cảm, thậm chí sẵn sàng chà đạp lên hạnh phúc của người khác để đạt được mục đích của mình.
Từ những biểu hiện nhỏ, ích kỷ là khi ta không muốn, từ chối hướng dẫn giải bài tập cho bạn bè trong lớp vì sợ mất thời gian, sợ rằng bạn sẽ giỏi hơn, là thái độ ganh ghét, đố kị khi thấy hàng xóm “ăn nên làm ra” hơn nhà mình … Lớn lao hơn, ích kỷ là khi ta tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ quân sự vì sợ khó, sợ khổ, sợ công việc dang dở mà không nghĩ rằng nếu đất nước lâm nguy, ai sẽ là người cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, là khi bạn sẵn sàng ăn cắp ý tưởng của đồng nghiệp để đem lại lợi lộc, thành tích cho mình,…
Trong cuộc sống thường ngày không khó để chúng ta bắt gặp hành động xuất phát từ sự vị kỷ. Chỉ đơn giản như chia một cái bánh, một gói kẹo cũng so tính thiệt hơn. Cái bánh, cái kẹo chính là tượng trưng cho lợi ích mình nhận được. Những kẻ tham lam thường chăm chăm vụ lợi cho bản thân, lo vun vén cho chiếc bánh lợi ích của mình ngày càng to hơn, cao hơn. Khi làm việc nhóm, có những người tìm mọi cách đùn đẩy công việc cho người khác trong khi vẫn hưởng thành quả, đúng như “ngồi mát ăn bát vàng”, đến khi có sai sót thì lại chối bỏ trách nhiệm. Có những người suốt ngày chỉ than phiền về cuộc sống của mình mà không nhìn ngoài kia có bao mảnh đời còn vất vả hơn thế, sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua một chiếc váy, túi xách hàng hiệu mà không cho nổi người ăn xin một đồng. Tất cả những biểu hiện ấy, cội nguồn sâu xa chính là từ sự ích kỷ của con người, không quan tâm đến người khác.
Sự ích kỷ tựa như một con rắn độc sẽ len lỏi và nhuốm đen trái tim của chúng ta, tàn phá nó chết dần chết mòn. Chính thói xấu này là tiền đề dẫn đến căn bệnh vô cảm, thứ bệnh còn đáng sợ hơn cả ung thư trong xã hội này. Bạn sẽ chỉ còn biết đau nỗi đau của riêng bạn, vui niềm vui của riêng bạn, không lắng nghe, đồng cảm với tiếng vọng của đời. Cũng từ chỉ nghĩ cho mình, bao nhiêu vụ tranh chấp, bao mối quan hệ bị đổ vỡ, thậm chí những hậu quả đau thương đã xảy ra…
Ích kỷ là một lối sống tiêu cực mà bất cứ ai cũng dễ dàng mắc phải. “Bệnh chủ quan, bệnh ích kỷ, bệnh hẹp hòi, v.v., mỗi chứng bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó”. Ích kỷ khiến con người trở nên xấu xa, hẹp hòi. Họ không còn biết vui cho niềm vui của người khác, buồn cho nỗi buồn của người khác, luôn mong muốn mình được hơn người khác. Và rồi họ sẽ tự cô lập bản thân mình với phần còn lại từng ngày, từng ngày, để rồi chính họ sẽ trở thành những người cô đơn, bị bạn bè xa lánh. Sự ích kỷ cũng là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh vô cảm, bởi khi quá đề cao lợi ích, ham muốn của bản thân cũng là lúc con người thờ ơ, lãnh đạm với cuộc sống của những người xung quanh. Trong một xã hội có quá nhiều người ích kỷ thì thật là nguy hại. Ai cũng chăm chăm cho lợi lộc của bản thân sẽ khiến hoạt động nhóm mất hiệu quả, xã hội không còn sự hòa nhập và không thể phát triển. Chẳng phải chính bởi sự ích kỷ, bởi lòng tham vô đáy của một số người mà họ có thể tham ô hàng chục tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, chà đạp lên cuộc sống của người dân để hưởng lợi cho mình? Bởi xã hội còn những con người như thế, nên đời sống của nhân dân vẫn cứ khó khăn, mà chúng ta mãi không thể vươn lên sánh vai với bạn bè quốc tế…
Dù đó là một thói xấu cần loại bỏ nhưng để diệt trừ được nó là cả một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của con người. Những đứa trẻ cần phải được giáo dục đúng đắn ngay từ những năm tháng đầu đời. Tình yêu thương, vị tha chính là liều thuốc hiệu nghiệm nhất tiêu diệt con rắn độc ích kỷ kia. Hãy để tình yêu và sự hi sinh lan tỏa từ chính gia đình, bạn bè, thầy cô rồi rộng ra là những mảnh đời bất hạnh khác. Sau mỗi lần bạn ích kỷ, hãy dành thời gian suy nghĩ lại chín chắn, kỹ càng để rút kinh nghiệm.
Dẫu vậy, chúng ta không nên bi quan về cuộc sống rằng chỉ toàn những điều xấu xa, tàn ác. Cuộc sống vẫn luôn là một món quà tươi đẹp chờ được khám phá. Những con người ích kỷ chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, vẫn còn nhiều những tấm lòng lương thiện và đầy vị tha, không đâu xa mà ngay bên cạnh chúng ta thôi.
“Con người hay phạm một ít sai lầm, ví như lúc mất đi rồi mới phát hiện người luôn bên cạnh làm bạn với mình đã không còn nữa. Lúc bàn tay trống rỗng mới ý thức được thứ còn lại mà bản thân mình có chỉ là tham lam cùng ích kỉ vô cùng tận”. Bạn ơi, chúng ta đừng cứ mãi ích kỷ nhé, để rồi sau này chính chúng ta sẽ là người hối hận…
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------