Luyện nói kể chuyện (tiếp theo)

Qua bài giảng Luyện nói kể chuyện (tiếp theo) giúp các em nắm được chủ đề, dàn bài, đoạn văn, lời kể và ngôi kể trong văn tự sự. Biết cách lập dàn ý và trình bày rõ ràng, mạch lạc một câu chuyện của bản thân trước lớp. Hy vọng tài liệu này giúp quý thầy cô và các em có những tiết học sôi động, hấp dẫn và hiệu quả hơn tại lớp.  

Tóm tắt bài

1.1. Đề bài kể miệng

(1) Kể về một chuyến thăm quê.

(2) Kể về một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn.

(3) Kể về một cuộc đi thăm di tích lịch sử.

(4) Kể về một chuyến ra thành phố.

1.2. Dàn bài chung

a. Mở bài

  • Giới thiệu nhân vật, sự việc

b. Thân bài

  • Diễn biến của sự việc

c. Kết bài

  • Kết cục của sự việc

1.3. Dàn bài chi tiết

Đề 1: Kể một chuyến về thăm quê.

a. Xác định yêu cầu đề

  • Thể loại: Tự sự (kể chuyện)
  • Nội dung: Một chuyến về quê.

b. Lập dàn ý

  • Mở bài
    • Giới thiệu lí do về thăm quê: Về với ai, thời gian về thăm?
    • Suy nghĩ chung về quê hương, đất nước?
  • Thân bài
    • Tâm trạng khi được về quê? (vui mừng,phấn khởi; nôn nóng muốn đặt chân lên mảnh đất quê hương.)
    • Quang cảnh chung của quê hương (những đổi thay…?).
    • Được gặp bà con, họ hàng ruột thịt.
    • Thăm phần mộ tổ tiên, gặp bạn bè cùng trang lứa .
    • Dưới mái nhà người thân.
  • Kết bài
    • Chia tay với mọi người.
    • Cảm nghĩ về sự thay đổi của quê hương.
    • Xúc động , hẹn ngày gặp lại.

Đề 2: Kể về một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn.

a. Xác định yêu cầu đề

  • Thể loại: Tự sự (kể chuyện)
  • Nội dung: Một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn

b. Lập dàn ý

  • Mở bài
    • Giới thiệu chung
      • Thời gian, thành phần tham dự, đối tượng được thăm.
  • Thân bài
    • Kể lại diễn biến cuộc đi thăm
      • Mục đích cuộc đi thăm.
      • Các sự việc cụ thể trong buổi thăm viếng (hỏi thăm sức khoẻ, tặng quà, giúp đỡ một số việc cần thiết,...).
    • Thái độ, tình cảm của người đến thăm và người được thăm.
  • Kết bài
    • Cảm nghĩ của em
    • Hiểu rõ thêm về đạo lí của dân tộc ta. Biết ơn và có trách nhiệm đối với những gia đình có công với cách mạng

Đề 3: Kể về một cuộc đi thăm di tích lịch sử (Địa Đạo Củ Chi)

a. Xác định yêu cầu đề

  • Thể loại: Tự sự (kể chuyện)
  • Nội dung: Một chuyến đi thăm di tích lịch sử (Địa Đạo Củ Chi)

b. Lập dàn ý

  • Mở bài
    • Giới thiệu Địa Đạo Củ Chi
    • Lí do đến thăm?
    • Ai tổ chức? Dịp nào? Tại sao đến?
      • VD: Để tìm hiểu thêm về văn hóa, lịch sử giải phóng miền Nam, chiến tranh Đông Dương.
    • Để lại ấn tượng sâu sắc về một thời chiến tranh oanh liệt.
  • Thân bài
    • Tả bao quát
      • Kể về những kế hoạch bàn với bạn bè ở lớp (phân công làm gì, giờ giấc hành trình)
      • Kể chuyến đi trên con đường dốc, ngoằn ngoèo
      • Tâm trạng
        • Tâm trạng khi từ xa nhìn thấy bảng chữ :"Địa đạo Củ Chi"
        • Giới thiệu sơ về Địa đạo
        • Tả bao quát địa đạo Củ Chi
    • Kể
      • Kể trình tự các nơi được đến thăm(kho lương thực, hầm bẫy, nơi bàn quân sự, nơi ăn uống,...)
      • Kể + tả các lối đi
      • Kể những thứ mà hướng dẫn viên làm
      • Kể những hoạt động tìm hiểu lịch sử (trò chơi, giải đáp,...)
  • Kết bài
    • Tâm trạng, cảm nghĩ, hứa hẹn...

Đề 4.  Kể về một chuyến ra thành phố.

a. Xác định yêu cầu đề

  • Thể loại: Tự sự (kể chuyện)
  • Nội dung: Một chuyến ra thành phố.

b. Lập dàn ý

  • Mở bài
    • Lý do ra thành phố?
    • Đi với ai? Ấn tượng chung?
  • Thân bài
    • Trước khi lên đường
      • Tâm trạng
      • Việc chuẩn bị
    • Lên đường
      • Không khí trên xe
      • Quang cảnh hai bên đường
    • Đến nơi
      • Quang cảnh chung
      • Diễn biến cuộc tham quan ﴾nghe thuyết minh, quan sát thực tế, chụp hình lưu niệm, mua sắm, xem văn nghệ?﴿
  • Kết bài
    • Cảm nghĩ sau chuyến đi

1.4. Luyện nói

a. Yêu cầu về hình thức

  • Người nói
    • Kết hợp cử chỉ, điệu bộ, có lời dẫn, bộc lộ tình cảm khi kể.
    • Tự tin, tự nhiên, đàng hoàng, mắt nhìn vào mọi người.
    • Nói to, rõ đề mọi người cùng nghe được
    • Xác định vị trí đứng nói phù hợp.
    • Cách nói phải trôi chảy diễn cảm, phù hợp với sự việc (có thể kết hợp với nét mặt, điệu bộ).
    • Lời kể phải mạch lạc, rõ ràng, trong sáng
    • Phát âm chuẩn chính tả
    • Nói đúng nội dung, yêu cầu đề.
    • Trước và sau khi nói cần nói “kính thưa”
      • Ví dụ:
        • Kính thưa các bạn trong tổ! Kính thưa cô giáo, thưa toàn thể các bạn trong lớp! Sau đây tôi xin được kể lại chuyến về quê của tôi trong dịp nghỉ hè qua...
        • Kính thưa các bạn trong tổ. Kính thưa cô giáo, thưa toàn thể các bạn! Trên đây là toàn bộ câu chuyện của tôi....
  • Người nghe
    • Lĩnh hội được nội dung phần trình bày nói của bạn.
    • Có ý kiến nhận xét, đánh giá bài nói của bạn.
    • Bổ sung thêm nội dung mà bài trình bày của bạn chưa đủ (nếu cần)

b. Yêu cầu về nội dung

  • Nội dung phải đầy đủ, mạch lạc.
  • Các ý phải được sắp xếp hợp lý.
  • Bám vào dàn bài để trình bày.

1.5. Bài nói tham khảo

Đề bài: Kể về một chuyến về thăm quê nội hoặc quê ngoại

Gợi ý làm bài

     Quê nội em ở rất xa thành phố nên chẳng mấy khi em được về thăm. Nam nay dù dã mười hai tuổi nhưng em cũng mới chỉ được về thăm ông bà nội có một lần. Lần ấy lâu lắm rồi, từ khi em còn nhỏ lắm nên hầu như em chẳng nhớ điều gì nữa. Thế nhưng tuần vừa qua, cảm ơn những ngày nghỉ của bố, em đã được về quê nội.

     Bố báo tin mừng trước ba ngày. Ba ngày là khoảng thời gian quá lâu để hâm nóng niềm vui và chờ đợi. Thế rồi cuối cùng em cũng chờ được đến lúc lên tàu. Chuyến tàu hôm ấy đông đúc và ồn ã lắm. Dường như em có cảm giác ai cũng về quê thì phải. Con tàu lăn bánh rời khỏi sân ga trong một niềm vui mừng bâng khuâng khó tả. Tàu chạy gần cả một ngày nhưng em không muốn ngủ. Cảnh vật bên đường mới thích làm sao. Hết làng mạc lại đến cánh đồng, rồi đồi bãi bát ngát mênh mông. Hai bên đường lúc thì rợp một màu xanh, lúc lại nhộn nhịp vô cùng khi tàu đi qua phố chợ. Em đang miên man suy nghĩ thì tàu đến sân ga.

Nhà nội cách sân ga chưa đầy nửa cây số nên bố quyết định cả nhà đi bộ. Bước trên con đường mà dưới chân sỏi và đá cứ kêu lạo xạo, em thấy có một cái gì đó lạ vô cùng. Một cảm giác em chưa từng được trải qua. Loáng cái đã đến cổng nhà bà nội. Chiếc cổng bằng tre cũ kỹ, che một phần giàn mướp sai trĩu quả bên trong. Thấy cả nhà đã về tới cổng, bà nội vui mừng ra đón. Không hiểu sao lúc ấy tự nhiên em vứt ngay túi đồ xuống đất sà vào lòng bà nội mà nức nở. Buổi tối hôm ấy qua đi trong một giấc ngủ ngon làn cùng bà nội.

Sáng hôm sau bà gọi em dậy sớm và hình như em cũng không muốn ngủ lười như ở trên thành phố. Bây giờ em mới kịp quan sát kỹ ngôi nhà của ông bà nội. Ngôi nhà ba gian lâu ngày bị gió sương làm chuyển sang màu nâu bạc. Nhưng bên trong vẫn toát lên vẻ ấm cúng, thiêng liêng và gần gũi vô cùng. Trong bữa cơm buổi sáng, em cố khớp những hình ảnh đã hình dung với hình ảnh thực của ông bà nội. Ông bà trẻ hơn so với suy nghĩ của em. Dù đã ngoài bảy mươi nhưng ông vẫn khỏe mạnh và quắc thước. Bà nội tóc có bạc hơn nhưng bà vẫn còn nhanh nhẹn lắm.

Bữa cơm vừa xong là lúc em bắt đầu được thưởng thức những cảm giác thú vị của đồng quê. Trong khi ông bà miệng bỏm bẻm nhai trầu cùng bố mẹ em và các chú bàn công chuyện thì em được các anh chị họ rủ ra đồng chơi. Hôm nay em là nhân vật trung tâm nên anh chị nào cũng giành phần để chăm chút cho cậu em từ thành phố mới về. Ôi! Những ngày ở quê, các anh chị đã cho em biết thêm bao điều thú vị. Và có lẽ vui mừng hơn cả là những trò chơi của tụi nhỏ ở nông thôn. Lần đầu tiên em biết thế nào là một con diều sáo. Và lại còn được anh hai cho cầm dây mới thích chứ. Rồi còn biết thêm trò chơi chọi dế, đánh cỏ gà, đá bóng bằng trái bưởi phơi khô…lại còn cả những buổi được đi chăn trâu thật là ngộ nghĩnh. chỉ vài ngày mà em quen thêm bao nhiêu người bạn mới. Điều lạ là ai cũng dễ gần, cũng dễ chơi và nhanh thân thiết lắm chẳng như trên thành phố.

     Những ngày ở quê vội vã qua đi trong sự nuối tiếc của em vì hầu hết những cuộc chơi còn đang dang dở. Ngày trở về thành phố ông bà còn cho rất nhiều quà. Bà ôm em vào lòng khóc nhưng không rơi nước mắt. Bà nói: Cháu bà ngoan! Về thành phố nhớ chăm chỉ học hành, lần sau trở lại chắc cháu bà lớn lắm. Em không nức nở như lúc mới về mà chỉ dửng dưng. Ở trong lòng bà em cảm thấy quê nội ấm áp, thiêng liêng, cao quý mà gần gũi xiết bao.

 

Đề 2: Kể về một cuộc thăm hỏi gia đình liệt sĩ neo đơn.

 

     Gợi ý làm bài

     Sáng chủ nhật tuần trước, lớp em tổ chức đi thăm một số gia đình thương binh, liệt sĩ ở địa phương. Tổ em được phân công thăm bà Phan, mẹ liệt sĩ và chú Hiển, thương binh nặng, cụt cả hai chân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn năm 1975.

     Nhà bà Phan nằm sâu trong một con hẻm ở đường Bàn Cờ. Bà là mẹ của liệt sĩ Trương Tấn Quang, hi sinh anh dũng trong chiến dịch biên giới Tây Nam. Bản thân bà trước đây cũng là một cơ sở hoạt động cách mạng nội thành và đã từng bị địch bắt giam, tra tấn dã man.

Tuổi già sức yếu, bà Phan sống dựa vào tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ và sự đùm bọc của nhân dân trong phường. Cách đây hơn một tháng, phòng Giáo dục quận 3 đã tặng bà ngôi nhà tình nghĩa, thay thế cho căn nhà dột nát chật chội.

Thấy chúng em tới, bà mừng lắm: Các cháu đến thăm bà đấy ư? Khuôn mặt nhăn nheo vụt tươi lên bởi nụ cười đôn hậu. Bạn Thu Hương thay mặt cho tổ hỏi thăm sức khoẻ của bà. Bạn Tiến Thành cắm một bó hoa tươi vào bình rồi kính cẩn đặt lên bàn thờ. Mùi nhang trầm tỏa ấm cả gian nhà. Từ trong ảnh, đôi mắt trong sáng của chú Quang nhìn chúng em trìu mến. Chúng em biếu bà mấy ký đường, vài hộp sữa, chục trứng gà, chục cam và ít thuốc bổ... Bà xúc động cảm ơn chúng em. Em thầm nghĩ là không gì có thể đền đáp xứng đáng công lao của những người mẹ đã cống hiến, hi sinh đứa con ruột thịt của mình cho Tổ quốc.

Rồi chúng em quây quần bên cánh võng, nghe bà kể về những kỉ niệm trong đời hoạt động cách mạng của mình; kể về chú Quang, người con trai yêu quý. Cảnh tượng bà cháu sum vầy thật vui vẻ và ấm cúng.

Từ giã bà Phan, chúng em sang thăm chú Hiển. Chú ngồi trên xe lăn, tươi cười chào đón chúng em. Tuy là một thương binh nặng nhưng chú Hiển vẫn rất lạc quan. Chú là một tấm gương sáng về nghị lực và ý chí khắc phục khó khăn.

Theo lời Bác dạy: Thương binh tàn nhưng không phế, chú Hiển vẫn cần cù làm việc bằng đôi tay tài hoa của mình. Chú hướng dẫn cho vợ con đan lát những mặt hàng thủ công mĩ nghệ bằng mây, tre, lá. Bàn tay cầm súng năm xưa giờ đây đang thoăn thoắt luồn những sợi mây óng chuốt, tạo nên những chiếc khay, chiếc giỏ xinh xắn, làm đẹp cho mọi nhà.

Chúng em nhận giúp đỡ gia đình chú đã hơn nửa năm nay nên đến nhà chú thấy việc là làm. Nhóm nữ giúp cô Hồng dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, Bạn Thủy, bạn Dung hướng dẫn hai em con chú Hiển giải những bài toán khó. Chúng em quyên góp tiền mua tặng sách vở và một số đồ dùng học tập cho hai em. Chú Hiển nói lên ước nguyện của mình là cố gắng nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Với tình hình sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình của chú, điều ấy quả thật chẳng dễ chút nào. Nhưng chúng em tin rằng với tinh thần phấn đấu và quyết tâm cao, ước vọng của chú sẽ thành hiện thực.

     Buổi đi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ kết thúc tốt đẹp. Trên đường về, chúng em bàn bạc để tìm cách giúp đỡ các gia đình ấy sao cho có hiệu quả hơn. Đạo lí Uống nước nhớ nguồn của dân tộc nhắc nhở chúng em sống sao cho có nghĩa có tình đối với những người có công với đất nước. Em càng hiểu sâu sắc hơn về lòng biết ơn - nền tảng đạo đức, đạo lí truyền thống của dân tộc ta.

2. Soạn bài Luyện nói kể chuyện (tiếp theo)

Để nắm được chủ đề, dàn bài, đoạn văn, lời kể và ngôi kể trong văn tự sự, cũng như biết cách lập dàn ý và trình bày rõ ràng, mạch lạc một câu chuyện của bản thân trước lớp, các em có thể tham khảo thêm bài soạn Luyện nói kể chuyện (tiếp theo).

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?