Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
- Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều, đặc biệt qua bút pháp tả cảnh ngụ tình.
- Đoạn thơ tả cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều.
1.2. Nghệ thuật
- Tác giả đã thành công ở bút pháp ước lệ, ẩn dụ, so sánh.
- Tả cảnh ngụ tình, trong cảnh tình đều hàm chứa và lộ rõ yếu tố cao trào của bi kịch
- Có sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và miêu tả.
2. Soạn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
2.1. Soạn bài tóm tắt
Câu 1: Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu?
Đặc điểm không gian trước lầu Ngưng Bích?
Thời gian qua cảm nhận của Kiều?
Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Thúy Kiều đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng như thế nào? Từ ngữ nào góp phần diễn tả tâm trạng ấy?
- Không gian: mênh mông, hoang vắng, cô đơn, bốn bề bát ngát, cồn cát im lìm, ánh trăng làm bạn.
- Thời gian: từ sáng đến khuya, sự quay vòng của thời gian.
- Kiều đang bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
⇒ Tình cảnh cô đơn, buồn bã của Kiều.
Câu 2: Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.
Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ đến ai? Nàng nhớ ai trước, ai sau? Nhớ như thế có hợp lí không? Vì sao?
Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh của tác giả để làm sáng tỏ điều đó?
Em có nhận xét gì về tấm lòng của Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng.
- Trong cảnh ngộ của mình, Kiều nhớ tới Kim Trọng, sau đó nhớ về cha mẹ. Bởi, trước khi cách xa nàng đã lo được cho gia đình nhưng với người mình thương, Kim Trọng, chàng lại chưa biết tin gì về gia biến của nhà nàng và nàng đau đớn, day dứt vì không giữ được lời thề.
- Nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh: nhiều hình ảnh ước lệ (chén đồng, tin sương, tấm son, quạt nồng ấp lạnh, sân lai, gốc tử,… từ ngữ thể hiện được tâm trạng đớn đau, day dứt với Kim Trọng, nỗi xót xa, lo lắng cho cha mẹ.
- Thúy Kiều là người tình chung thủy, người con hiếu thảo. Nàng có tâm hồn cao đẹp, luôn nghĩ cho người khác dù mình đang cảnh mất tự do, cô đơn.
Câu 3: Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.
Cảnh vật ở đây là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều? Em hãy phân tích và chứng minh điều đó?
Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy diễn tả tâm trạng như thế nào?
- Cảnh vật là hư, đây là tâm trạng chứ không phải cảnh thực. Mối cảnh có nét riêng đồng thời lại có nét chung diễn tả tâm trạng của Kiều.
- Cánh buồm nhỏ xa xăm vô định như cuộc đời nàng giữa biển đời vô hướng.
- Cánh hoa bị vùi dập như số kiếp trôi nổi của nàng.
- Nội cỏ rầu rầu một màu đơn điệu như màu sắc cuộc đời nàng tẻ nhạt.
- Gió cuốn, sóng ầm ầm chính là dông bể cuộc đời, một nỗi bàng hoàng lo sợ.
- Cách dùng điệp từ: điệp từ “buồn trông” lặp lại bốn lần ở đầu mỗi câu lục. Đôi mắt buồn nhìn và bao trùm lên hết thảy cảnh vật. Kết hợp không gian xa đến gần, thu vào tâm tư người con gái nỗi cô đơn, sầu nhớ, đau đớn và lo sợ.
2.2. Soạn bài chi tiết
Câu 1: Em hãy tìm hiểu cảnh thiên nhiên trong sáu câu thơ đầu?
- Đặc điểm không gian trước lầu Ngưng Bích?
- Thời gian qua cảm nhận của Thúy Kiều?
- Qua khung cảnh thiên nhiên có thể thấy Thúy Kiều đang ở trong hoàn cảnh, tâm trạng như thế nào? Từ ngữ nào góp phần diễn tả tâm trạng ấy?
Gợi ý
- Kiều bị giam lỏng trong lầu Ngưng Bích: khoá xuân.
- Vẻ mênh mông, chống chếnh của không gian tô đậm tình cảnh cô đơn, trơ trọi của Kiều: non xa, trăng gần, bốn bề bát ngát, xa trông, non xa, trăng gần… Đúng là: "Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng".
- Hình ảnh trăng, mây sớm đèn khuya biểu đạt sự quay vòng của thời gian. Cùng với những hình ảnh gợi tả không gian, sự tuần hoàn đều đặn của thời gian càng nhấn đậm thêm tình cảnh cô đơn, buồn bã của Kiều.
Câu 2. Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.
- Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ đến ai? Nàng nhớ ai trước, ai sau? Nhớ như thế có hợp lí không? Vì sao?
- Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Em hãy phân tích nghệ thuật dùng từ ngữ, hình ảnh của tác giả để làm sáng tỏ điều đó?
- Em có nhận xét gì về tấm lòng của Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng.
Gợi ý
- Đầu tiên Kiều nhớ tới Kim Trọng. Điều này vừa phù hợp quy luật tâm lý (những người trẻ tuổi bao giờ cũng nhớ người yêu trước), vừa thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du. Nhớ Kim Trọng, nàng nhớ lời thề ước dưới trăng, thương chàng Kim Trọng đêm ngày đau đáu trông chờ uổng công vô ích.
- Tiếp đó, Nàng nhớ đến cha mẹ. Nàng thương xót cha mẹ già yêu mà nàng không được chăm sóc. Nàng tưởng tượng cảnh nơi quê nhà tất cả đã đổi thay mà sự đổi thay lớn nhất là cha mẹ ngày một thêm già yếu. Lần nào khi nhớ về cha mẹ, Kiều cũng "nhớ ơn chín chữ cao sâu" và luôn ân hận mình đã phụ công sinh thành, phụ công nuôi dạy con cái của cha mẹ. Cũng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ lại khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau.
- Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất. Nhưng nàng đã quên cảnh ngộ bản thân để nghĩ về Kim Trọng, nghĩ về cha mẹ. Những suy nghĩ này cho thấy Kiều là người tình chung thủy, người con hiếu thảo, người phụ nữ có tấm lòng vị tha đáng trọng.
Câu 3. Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.
- Cảnh vật ở đây là thực hay hư? mỗi cảnh vật có nét riêng lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều? Em hãy phân tích và chứng minh điều đó?
- Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy diễn tả tâm trạng như thế nào?
Gợi ý
- Tám câu cuối bằng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình sâu sắc, Nguyễn Du khắc họa sinh động những cung bậc của tâm trạng buồn là do đang diễn ra trong lòng Kiều. Cứ hai câu là một nét tâm cảnh hiện ra. Nhìn cánh buồm thấp thoáng mà thấy sự bơ vơ đau khổ.
- Trong cảnh hoa trôi man mác trên ngọn nước mà buồn đau cho số phận mình tan tác trôi giạt, vô định. Trong nội cỏ dầu dầu giữa màu xanh bao la của trời đất mà thương cho cuộc đời này đang héo hắt tàn lụi, cho kiếp người hữu hạn, nhỏ bé. Nghe tiếng gió cuốn, tiếng sóng kêu mà hãi hùng ghê sợ ám ảnh những tai họa khủng khiếp đang bủa vây sắp giáng xuống đầu nàng.
- Nỗi buồn sâu sắc của Kiều mỗi lúc càng được tô đậm thêm bằng cách dùng điệp ngữ liên hoàn rất độc đáo trong suốt tám câu thơ. Cụm từ "buồn trông" mở đầu câu thơ thành điệp khúc của đoạn thơ là điệp khúc của tâm trạng Thúy Kiều.
3. Một số bài văn mẫu về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Kiều ở lầu Ngưng Bích là một đoạn trích bộc lộ sự cô đơn, nỗi nhớ người thân của Kiều qua những dòng độc thoại nội tâm. Với bài văn mẫu Phân tích tám câu thơ giữa đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, các em sẽ nắm được những diễn biến tâm trạng của Kiều khi đứng trước sự mênh mông của cảnh vật ở lầu Ngưng Bích. Để cảm nhận sâu sắc hơn, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu dưới đây:
4. Hỏi đáp về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.
-
Hướng dẫn soạn Kiều ở lầu Ngưng Bích
Hướng dẫn soạn bài " Kiều ở lầu Ngưng Bích " - Trích "Truyện Kiều" - Nguyễn Du - Văn lớp 9