Hướng dẫn chi tiết
1. Tóm tắt nội dung bài học
- Mỗi lần có một người tham gia hội thoại nói được gọi là một lượt lời.
- Biết vận dụng hiểu biết về lượt lời để khi tham gia hội thoại, cần tôn trọng lượt lời của người khác, tránh nói tranh lượt lời, cắt lời hoặc chêm vào lời người khác.
2. Soạn bài Hội thoại (tiếp theo)
Câu 1: Qua cách miêu tả cuộc thoại giữa các nhân vật cai lệ, người nhà lí trưởng, chị Dậu và anh Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ (Ngữ văn 8, tập một, tr. 28), em thấy tính cách của mỗi nhân vật được thể hiện như thế nào?
- Trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ, ta thấy người nói nhiều lượt nhất là tên cai lệ và chị Dậu, người nói ít lượt lời hơn là người nhà lí trưởng và anh Dậu.
- Trong đối thoại, lúc đầu, chị Dâu tỏ ra là người nhún nhường. Sau đó, chị đã vùng lên kháng cự lại (xưng là tao, gọi cai lệ là mày).
- Ta thấy chị Dậu là một người phụ nữ biết trên dưới, đảm đang, hiền thục nhưng khi cần cũng rất mãnh mẽ và quyết liệt.
- Người nhà lí trưởng có lúc tỏ thái độ mỉa mai nhưng có phần giữ gìn hơn (gọi vợ chồng anh Dậu là anh, chị; xưng là tôi).
- Tên cai lệ là người duy nhất cắt lời chị Dậu. Cai lệ cậy thế, muốn ra oai, ức hiếp kẻ yếu, kẻ khốn cùng.
Câu 2. Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi nêu ở dưới. (SGK, t.2, tr. 103- 104) Câu hỏi:
a) Sự chủ động tham gia cuộc thoại của chị Dậu với cái Tí phát triển ngược chiều nhau như thế nào?
- Trong đoạn thoại, lúc đầu, Cái Tí nói rất nhiều (bằng giọng hồn nhiên) còn chị Dậu chỉ im lặng. Nhưng sau đó, cái Tí nói ít hẳn đi, ngược lại chị Dậu lại nói nhiều hơn.
b) Tác giả miêu tả diễn biến cuộc thoại như vậy có hợp với tâm lí nhân vật không? Vì sao?
- Cách miêu tả của nhà văn rất phù hợp với sự phát triển tính cách của các nhân vật: Cái Tí, khi chưa biết mình bị bán, nó nói chuyện rất hồn nhiên, vô tư nhưng sau đó, khi biết mình bị bán, nó sợ hãi đau buồn và nói ít hẳn đi.
- Lúc đầu, chị Dậu vì bị buộc phải bán con lại sắp phải thông báo tin dữ cho con nên chịu chỉ im lặng, lúc sau khi đã nói ra sự thật, chị phải nói nhiều để an ủi, thuyết phục hai đứa con nghe theo lời mình.
c) Việc tác giả tô đậm sự hồn nhiên và hiếu thảo của cái Tí qua phần đầu cuộc thoại lấm tăng kịch tính của câu chuyện như thế nào ?
- Việc tô đâm sự hồn nhiên và hiếu thảo của cái Tí khiến cho bi kịch của câu chuyện càng tăng thêm: chị Dậu thì càng xót xa hơn khi phải bán đi đứa con vừa đảm đang lại vừa ngoan ngoãn. Trong khi đó, nỗi bất hạnh dồn xuống đầu cái Tí và sự tuyệt vọng của nó như càng nặng nề thêm.
Câu 3. Dựa vào những điều đã biết vể truyện Bức tranh của em gái tôi (Ngữ văn 6, tập hai, tr. 30) và vào đoạn trích dưới đây, hãy cho biết sự im lặng của nhân vật “tôi” biểu thị điều gì? (SGK, t.2, tr. 107)
- Lần đầu, nhân vật “tôi” im lặng không trả lời mẹ vì sự ngỡ ngàng, hãnh diện, xấu hổ đang trào dâng trong lòng.
- Lần sau, nhân vật “tôi” im lặng không trả lời mẹ vì muốn khóc quá.
Câu 4. Tục ngữ phương Tây có câu: Im lặng là vàng. Nhưng nhà thơ Tố Hữu lại viết:
Khóc là nhục. Rên, hèn. Van, yếu đuối
Và dại khờ là những lũ người câm
Trên đường đi như những bóng âm thầm
Nhận đau khổ mà gởi vào im lặng.
(Liên hiệp lại)
Theo em, mỗi nhận xét trên đúng trong những trường hợp nào?
- Câu im lặng là vàng đúng trong những trường hợp như: để giữ bí mật, tôn trọng người khác, để đảm bảo tế nhị trong giao tiếp...
- Nhưng câm lặng trước sự áp bức bất công, những hành vi sai trái, sự xúc phạm đối với mình hay những người tốt thì đó là một sự im lặng dại khờ, hèn nhát và đau khổ
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Hội thoại (tiếp theo) để nắm vững kiến thức hơn, chuẩn bị cho bài mới tốt hơn.
3. Hỏi đáp về bài Hội thoại (tiếp theo)
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.