Đề kiểm tra HK2 năm 2019 môn Ngữ Văn lớp 9 - Trường THCS Quận Hai Bà Trưng

TRƯỜNG THCS QUẬN HAI BÀ TRƯNG                                                                       ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

                                                                                                                                        NĂM HỌC: 2018 -2019

                                                                                                                                          MÔN: Ngữ Văn 9

                                                                                                                                          ( Đề gồm 01 trang )

 

PHẦN I (6 điểm):

Từ cuối hạ sang đầu thu, đất trời có những biến chuyển nhẹ nhàng mà rõ rệt. Sự chuyển biến ấy đã được Hữu Thỉnh gợi lên bằng cảm nhận tinh tế, qua những hình ảnh giàu sức biểu cảm trong bài “ Sang thu”. 

Câu 1: Chép chính xác khổ thơ thứ hai trong bài thơ Sang thu? Nêu hoàn cảnh sáng tác của văn bản. 

Câu 2: Hãy xác định cặp từ trái nghĩa trong khổ thơ em vừa chép. Chúng có ý nghĩa như thể nào trong việc thể hiện nội dung ý thơ? 

Câu 3: Viết đoạn văn tổng - phân - hợp khoảng 10 - 12 câu nêu cảm nhận của em về khổ thơ em vừa chép. (Trong đoạn có sử dụng hợp lí một câu ghép và một phép thế, gạch chân và chú thích rõ câu ghép, các từ ngữ thực hiện phép thể). 

Câu 4: Cả bài thơ “Sang thu" chỉ có một dấu chấm ở kết bài. Hãy viết tên một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn lớp 9 cũng có đặc điểm trên. Ghi rõ tên tác giả?

PHẦN II (4 điểm):

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:

.... "Bỗng một bàn tay chắc nịch đặt lên vai em và một giọng ồm ồm hỏi em: "Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi?"

Xi-mông quay lại. Một bác công nhân cao lớn, râu tóc đen, quăn, đang nhìn em với vẻ nhân hậu …”

(Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục) 

Câu 1: Đoạn trích trên trích trong tác phẩm nào? Ai là tác giả?

Câu 2: Hãy tìm và chép lại chính xác nhận lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích trên. Vì sao em chọn đó là lời dẫn trực tiếp? 

Câu 3: Đoạn trích trên giúp em hiểu như thế nào về tính cách của nhân vật “bác công nhân"? 

Câu 4: Từ câu chuyện trên về cậu bé Xi - mông, kết hợp những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ về ý nghĩa sự đồng cảm, sẻ chia giữa con người với con người trong cuộc sống hiện nay.


                .............HẾT...........

                                 HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

PHẦN I (6 điểm):

Câu 1: Khổ thơ thứ hai trong bài thơ Sang thu

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Sang thu: Bài thơ ra đời gần cuối năm 1977 khi đất nước mới thống nhất hòa bình, in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”.

Câu 2:

- Cặp từ trái nghĩa trong khổ thơ em vừa chép: dềnh dàng và vội vã

- Ý nghĩa như thể nào trong việc thể hiện nội dung ý thơ:

+ Câu thơ đã cho ta thấy sự vận động trái chiều nhau của dòng sông và những cánh chim.

+ Dòng sông thu trôi lững lờ, nhẹ nhàng, êm ả. Còn những cánh chim thì ngược lại, chúng đang hối hả bay về phương Nam tránh rét

Câu 3:

Đoạn văn tham khảo

Mùa thu mang lại cho nhiều nhà thơ sự rung động, cảm hứng để họ viết nên những áng thơ hay. Thời khắc chuyển mùa cũng làm cho nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận được sự tinh tế và nhạy cảm của thời khắc đó qua bài thơ Sang thu, đặc biệt khổ thơ thứ 2. Sự cảm nhận của tác giả đã trở nên mở rộng hơn: "Sông được lúc dềnh dàng", nó không còn dữ dội mạnh mẽ như mùa hè mà đã trở nên dềnh dàng, nó như trầm lặng, nhẹ nhàng hơn trôi. Trên bầu trời cao những đàn chim vội vã bay về hướng Nam, từ “bắt đầu” ám chỉ thời điểm mới sang thu nên đàn chim cũng không quá vội vàng di chuyển tránh rét. Vẫn là không gian trên không đó là những đám mây mùa thu nhẹ nhàng trôi lững lờ, mềm mại và “vắt nửa mình sang thu”, hình ảnh đầy sự sáng tạo và độc đáo trước đây chưa từng có. “Vắt nửa mình sang thu” hình ảnh tinh tế có được nhờ sự cảm nhận riêng đầy tinh tế. nhạy cảm của tác giả. Cảnh vật lúc này chỉ là chớm thu khi mùa hạ còn chưa hết, mùa thu đang sang, thiên nhiên có sự nhẹ nhàng, tĩnh lặng và êm đềm như chính bản chất của mùa thu. Nếu như khổ đầu tiên sự cảm nhận về sắc thu vẫn còn mơ hồ thì trong khổ 2 người đọc nhận thấy mùa thu đang trở về một cách đầy đủ và mới mẻ hơn. Khổ thơ thứ 2 được cảm nhận với sự tinh tế và mới lạ từ chính Hữu Thỉnh. Cảnh vật sang thu được tác giả cảm nhận với những nét mới lạ, độc đáo từ chính Hữu Thỉnh, cảnh vật vừa gần gũi, quen thuộc của miền quê vừa có những nét rất riêng.

Câu 4: Bài thơ tương tự cũng có một dấu chấm kết thúc bài thơ là bài Ánh Trăng của Nguyễn Duy.

PHẦN II (4 điểm):

Câu 1: Đoạn trích trên trích trong tác phẩm Bố của Xi – Mông và tác giả là Mô-pa-xăng

Câu 2:

- Lời dẫn trực tiếp được sử dụng trong đoạn trích trên: Có điều gì làm cháu buồn phiền đến thế, cháu ơi?

- Vì đây là lời nhắc lại nguyên văn lời nói của người đó và được đặt trong dấu ngoặc kép.

Câu 3: Đoạn trích trên giúp em nhận thấy tính cách của nhân vật “bác công nhân": Người có lòng tốt, quan tâm, giúp đỡ người khác.

Câu 4: Tham khảo bài mẫu sau:

Tình yêu thương giữa con người với con người là vô cùng thiêng liêng, nó thể hiện sự gắn bó, sự sẻ chia và đồng cảm trước những mảnh đời bất hạnh. Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển con người đang dần phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn từ cuộc sống, nhưng họ không bao giờ quên đi được lối sống và chuẩn mực của mình khi sống trong xã hội loài ngoài, “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, tấm lòng đó là tấm lòng biết yêu thương, sẻ chia và đồng cảm. Lối sống đó hiện nay đang được coi trọng và là chuẩn mực sống đúng đắn nhất.

Đồng cảm đó là sự chia sẻ, thấu hiểu và quan tâm sâu sắc đối với mọi người xung quanh, luôn luôn có một thái độ biết yêu thương và cảm thông sâu sắc trước mọi hoàn cảnh sống, đồng cảm đó là một thái độ biết nhập tâm và hiểu được đối phương một cách chân thành nhất, đồng cảm giúp kết nối con người với con người để từ đó họ có những cách đánh giá và nhìn nhận cuộc sống này một cách chân thành và da diết nhất. Sẻ chia đó là sự chia sẻ những nỗi đau, niềm vui, nỗi buồn cùng với mọi người xung quanh, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, sống luôn luôn phải biết cho đi và bản thân sẽ nhận được những điều tốt lành nhất, đó là một tình cảm tinh thần phong phú và giàu có, bản thân sẽ làm nên được những điều tốt nhất, da diết và mang trong trái tim, biết bao nhiêu hoài niệm và cả những niềm hạnh phúc lớn lao khi làm được những điều có ý nghĩa.

Đồng cảm và sẻ chia nó có mối liên hệ với nhau, có sự đồng cảm, hiểu được hoàn cảnh và con người của đối phương, thì từ đó chúng ta mới có những sẻ chia sâu sắc và có ý nghĩa nhất, đó là niềm vui được sống là chính mình, được sống trong một xã hội ngập tràn tình yêu thương. Đúng như trong ngạn ngữ đã từng viết: “ Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi không có tình thương, quả đúng là như vậy, tình yêu thương là một niềm vui, là một căn cước để xây dựng nên hạnh phúc của mỗi cá nhân. Luôn biết yêu thương và đồng cảm với mọi người xung quanh, chúng ta sẽ nhận được những điều tốt lành và hạnh phúc nhất.

Hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển nhiều người chỉ chạy theo đồng tiền, mà dường như quên đi các mối quan hệ từ cuộc sống, mối quan hệ giữa con người với con người, để từ đó họ có những suy nghĩ lệch  so với cuộc sống, họ có những suy nghĩ sai lầm về sự yêu thương và trân trọng đối với mọi người xung quanh, niềm vui đó mà họ đang nghĩ đến chỉ là những đồng tiền mà họ đang chạy đua với nó, đây là một thái độ rất đáng báo động, chúng ta cần phải thay đổi tư tưởng sống ngày càng một đúng đắn hơn. Không nên chạy đua theo lợi nhuận và nhu cầu của xã hội, để mà quên đi những cái quan trọng đó là tình cảm, sự chân thành da diết, sự yêu thương đối với mọi người xung quanh, luôn luôn biết yêu thương và thể hiện nỗi niềm da diết nhất trong cuộc sống của mỗi người. Sự đồng cảm còn giúp cho chúng ta hiểu được nhiều điều từ cuộc sống, đó là những hoàn cảnh sống đang cần sự giúp đỡ, đó là những mảnh đời bất hạnh, cô đơn không chút neo đậu, mỗi chúng ta cần phải có thái độ mạnh mẽ để rèn luyện bản thân một cách tự giác nhất.

Tình yêu thương giữa con người với con người từ xưa đến nay vẫn luôn luôn được coi trọng, nó không chỉ là truyền thống của dân tộc Việt Nam, mà nó còn là một phẩm chất vô cùng đáng quý mà mỗi người cần phải có. Như trong ca dao, dân ca Việt Nam đã phản ánh một cách chân thực được những hiện tượng đó, con người cần phải biết sống đúng đắn, luôn biết yêu thương và thể hiện sự da diết trong cảm xúc và nỗi lòng của mỗi con người trong cuộc sống của mình, tình yêu thương đó đang ngày càng được thể hiện mạnh mẽ, tiếp nối truyền thống của dân tộc: “ một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, hay là “ lá lành đùm lá rách” đây đều là những truyền thống tốt đẹp mà cuộc sống này dành tặng cho cuộc đời của mỗi chúng ta, luôn luôn biết sống và cải thiện bản thân mỗi ngày.

Cần xây dựng cho mình những thói quen và những phẩm chất tốt, bởi đồng cảm, sẻ chia là một phẩm chất quý báu mà dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn chú trọng và phát huy nó một cách hiệu quả nhất. Nhưng bên cạnh những người luôn ý thức được tầm quan trọng, cũng như vai trò của đồng cảm, và sẻ chia, lại có những người có những thái độ lạnh nhạt thờ ơ, trước những hoàn cảnh trong cuộc sống, những hành động đó cần bị phê phán sâu sắc. Mỗi chúng ta cần phải biết yêu thương, chia sẻ với mọi người xung quanh để từ đó có được tình cảm chân thành và da diết nhất mà mọi người dành cho mình

Trên đây là trích dẫn một phần đề thi kèm đáp án chi tiết và thang điểm đề thi  kiểm tra HK2 môn Ngữ Văn lớp 9 của trường THCS quận Hai Bà Trưng. Để xem được đầy đủ nội dung đề thi, mời quý thầy cô và các em vui lòng đăng nhập vào Chúng tôi. Hy vọng rằng đây sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các thầy cô làm tài liệu ôn tập. Đồng thời, tài liệu này giúp các em học sinh có bước ôn thi và luyện đề thật tốt để có một kết quả cao trong kì thi học kì sắp tới.

                                                                                            ---Mod Ngữ Văn tổng hợp và biên soạn---

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?