KỲ THI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2018 – 2019
Môn: Ngữ văn – Lớp 6
Câu 1. (3,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi dưới đây:
“Tôi chẳng tìm thấy ở tôi một năng khiếu gì. Và không hiểu vì sao tôi không thể thân với Mèo như trước kia được nữa. Chỉ cần một lỗi nhỏ ở nó là tôi gắt um lên.”
(Bức tranh của em gái tôi - Tạ Duy Anh)
a) Lời kể trong đoạn văn trên là của nhân vật nào trong truyện? Kể về sự việc gì? Vì sao nhân vật “tôi” lại không thể thân với em gái như trước kia được nữa?
b) Nêu ý nghĩa của truyện “Bức tranh của em gái tôi” (Tạ Duy Anh)?
Câu 2. (2,0 điểm)
a) Hai câu thơ sau sử dụng phép tu từ gì? Nêu tác dụng của phép tu từ đó?
“Người Cha mái tóc bạc
Đốt lửa cho anh nằm”
(Minh Huệ)
b) Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong những câu sau:
b.1. Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng.
(Tô Hoài)
b.2. Chợ Năm Căn nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập.
(Đoàn Giỏi)
Câu 3. (5,0 điểm)
Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với em trong gia đình (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em,...).
-------HẾT-------
Học sinh không được sử dụng tài liệu; Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm./.
HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐÁP ÁN:
Câu 1:
a.
- Lời kể trong đoạn văn là của nhân vật người anh trong truyện “Bức tranh của em gái tôi” (Tạ Duy Anh).
- Đoạn văn kể về tâm trạng, cảm xúc của người anh sau khi tài năng hội họa của em gái được phát hiện.
- Nhân vật “tôi” – người anh, không thể thân với em gái như trước kia được nữa, vì:
+ Người anh mặc cảm, tự ti nghĩ rằng bản thân không có năng khiếu gì, cảm thấy mình thua kém em.
+ Ghen tuông, đố kị với tài năng của em.
b.
- Ý nghĩa của truyện “Bức tranh của em gái tôi”: Tình cảm trong sáng, nhân hậu bao giờ cũng lớn hơn, cao đẹp hơn lòng ghen ghét, đố kị.
Câu 2:
a.
- Hai câu thơ sử dụng phép tu từ ẩn dụ (Người Cha –> Bác Hồ).
- Tác dụng: Bác Hồ được miêu tả như một người cha luôn luôn dành sự quan tâm, yêu thương, chăm lo cho các anh bộ đội như những đứa con của mình. Đồng thời thể hiện lòng biết ơn, sự kính trọng, thương yêu của anh đội viên đối với Bác.
b.
- Xác định chủ ngữ, vị ngữ:
b.1. Chẳng bao lâu, tôi //đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng.
CN VN
b.2. Chợ Năm Căn // nằm sát bên bờ sông, ồn ào, đông vui, tấp nập.
CN VN
Câu 3:
a. Mở bài:
- Thông qua dẫn dắt giới thiệu đối tượng miêu tả: người thân em định tả là ai, ấn tượng chung của em đối với người đó.
b. Thân bài
- HS tả chi tiết đối tượng, đảm bảo các ý cơ bản sau:
- Giới thiệu về người thân: Tuổi, nghề nghiệp...
- Tả hình dáng: Dáng người, khuôn mặt, đôi mắt, màu da, cách ăn mặc...
- Tả tính cách: Tính tình hàng ngày của người thân, tính cách trong công việc, tình cảm dành cho em và gia đình, tình cảm đối với hàng xóm...
- Tả hoạt động: Công việc hàng ngày trong gia đình, công việc chính, sở thích, các công việc khác...
- ...
- Lưu ý: Trong quá trình tả cần biết kết hợp với một số phép tu từ như ẩn dụ, so sánh...và các phương thức biểu đạt khác để đối tượng miêu tả được hiện lên rõ hơn, gợi cảm hơn.
c. Kết bài
- Vai trò của người đó đối với em trong cuộc sống...
- Tình cảm của em, ước mong và lời hứa đối với người thân...