Qua bài học Dấu ngoặc kép giúp các em hiểu công dụng của dấu ngoặc kép và biết vận dụng vào làm bài tập, biết sử dụng dấu ngoặc kép khi viết.
Tóm tắt bài
1.1. Công dụng
Đọc những đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
a. Thánh Găng - đi có một phương châm: "Chinh phục được mọi người cũng cho là khó, nhưng tạo được tình thương, lòng nhân đạo, sự thông cảm giữa con người với con người lại càng khó hơn".
(Theo Lam Ngữ Đường, Tinh hoa xử thế)
b. Nhìn từ xa, cầu Long Biên như một dải lụa uốn lượn vắt ngang sông Hồng, nhưng thực ra "dải lụa" ấy nặng tới 17 nghìn tấn.
(Thúy Lan, Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử)
c. Tre với người như thế đã mấy nghìn năm. Một thế kỉ "văn minh", "khai hóa" của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn còn phải vất vả mãi với người.
(Thép mới, Cây tre Việt Nam)
d. Hàng loạt vở kịch như: "Tay người đàn bà", "Giác ngộ", "Bên kia sông Đuống",...ra đời
(Ngữ văn 7, tập hai)
Dấu ngoặc kép trong những đoạn trích trên được dùng để làm gì?
- a. Dùng để đánh dấu lời dẫn trực tiếp (một câu nói của Găng-đi).
- b. Đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt, nghĩa được hình thành trên cơ sở phương thức ẩn dụ: dùng từ ngữ “dải lụa” để chỉ chiếc cầu (hình ảnh chiếc cầu trông như một dải lụa).
- c. Dùng từ ngữ có hàm ý mỉa mai. Đáng chú ý là tác giả dùng ngay từ ngữ mà thực dân Pháp thường dùng để nói về sự thống trị của chúng đối với Việt Nam: “khai hóa”, “văn minh” cho một dân tộc lạc hậu. Vì vậy có thể coi dấu ngoặc kép trong đoạn trích được dùng để đánh dấu từ ngữ dẫn trực tiếp.
- d. Nhằm mục đích đánh dấu tên các vở kịch.
1.2. Ghi nhớ
- Dấu ngoặc kép dùng để:
- Đánh dấu từ ngữ, câu, đoạn dẫn trực tiếp.
- đánh dấu từ ngữ được hiểu theo nghĩa đặc biệt hay có hàm ý mỉa mai.
- Đánh dấu tên tác phẩm, tờ báo, tập san... được dẫn.
2. Soạn bài Dấu ngoặc kép
Để hiểu công dụng của dấu ngoặc kép và biết vận dụng vào làm bài tập, các em có thể tham khảo bài soạn Dấu ngoặc kép.