Chiều tối - Hồ Chí Minh

Nội dung bài học Chiều tối của Hồ Chí Minh sẽ giúp các em cảm nhận được bút pháp tả cảnh ngụ tình vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ đồng thời thấy được vẻ đẹp của tâm hồn Hồ Chí Minh: dù hoàn cảnh khắc nghiệp đến đâu vẫn luôn hướng về sự sống và ánh sáng. Thông qua video bài giảng cùng phần hướng dẫn soạn bài và phần bài học, Chúng tôi chúc các em có thêm nhiều tiết học hấp dẫn và hiệu quả hơn tại lớp.

Tóm tắt bài

2.1. Tìm hiểu chung

a. Đôi nét về tập thơ "Nhật kí trong tù"

  • Là tập nhật kí bằng thơ được viết trong thời gian người (Hồ Chí Minh) bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm từ mùa thu năm 1942 tới mùa thu năm 1943
  • Đây là tập thơ đặc sắc, đa dạng và linh hoạt về bút pháp, kết tinh giá trị tư tưởng và nghệ thuật thơ Hồ Chí Minh

b. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ

  • Đây là bài thơ thứ 31 của tập thơ Nhật Kí trong tù, được Bác sáng tác vào cuối mùa thu năm 1942, trên con đường chuyển lao từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo

c. Thể loại

  • Thất ngôn tứ tuyệt đường luật

d. Bố cục

  • Hai câu thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên vùng núi rừng lúc chiều tà
  • Hai câu thơ cuối: Bức tranh sinh hoạt con người

2.2. Đọc - hiểu bài thơ

a. Hai câu thơ đầu

“Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ,

Cô vân mạn mạn độ thiên không;”

(Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;)

  • Bằng bút pháp chấm phá của thơ cổ điển, nhà thơ đã khắc họa bức tranh buổi chiều với những hình ảnh: cánh chim chiều về tổ và một chòm mây chầm chậm trôi ngang qua bầu trời. Ít nét thế thôi song lại là những nét rất tiêu biểu cho những thời khắc cuối cùng của ban ngày, trước khi bóng tối buông màn xuống vạn vật.
  • Cánh chim và chòm mây là hai hình ảnh thường xuất hiện trong thơ chiều xưa và nay. Đây là hai hình ảnh của không gian nhưng đã gợi lên ý nghĩa của thời gian.
  • Nhìn cánh chim đang bay, Bác cảm nhận được sự mệt mỏi của đôi cánh sau một ngày dài hoạt động. Nhìn áng mây lững lờ trôi trên bầu trời, Người cảm nhận được trong áng mây ấy là sự cô đơn, lẻ loi.

b. Hai câu thơ cuối

“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”

(Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng.)

  • Hai câu thơ này không thấm thía hương vị thơ cổ điển như hai câu trên mà mang nhiều chất đời thường, thể hiện rõ nhất ở hai chữ “bao túc” xuất hiện đến hai lần.
  • Câu thơ thứ ba đã miêu tả một cách chân thật, giản dị hình ảnh lao động của con người. Đó là cuộc sống mà Người hằng mơ ước không phải cho riêng mình mà cho nhân loại cần lao. Điệp ngữ bắc cầu vắt dòng từ câu thứ 3 sang câu thứ 4: “ma bao túc- bao túc ma hoàn” đầy sức gợi.
  • Hình ảnh bếp lửa hồng và từ “hồng” được đặt ở cuối bài đã thể hiện rõ sự vận động của thời gian.
  • Chữ “hồng” được Hoàng Trung Thông xem như “nhãn tự” của bài thơ này. Nó cân lại với 27 chữ trên. Chấm lửa hồng đã mang đến thần sắc cho toàn cảnh, tăng thêm niềm vui, sức mạnh cho người đang cất bước đường xa. Như vậy, tứ thơ, hình tượng thơ  trong “Chiều tối” vận động theo hướng tích cực, đi lên: từ tối đến sáng, từ buồn  đến vui, từ lạnh lẽo cô đơn đến ấm nồng.
  • Tổng kết

    • Về nội dung

      • Chiều tối” khắc họa bức tranh thiên nhiên đầy tâm trạng. Bên cạnh đó, bài thơ cũng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ chiến sĩ. Đó là lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống; đó là niềm tin vào con đường Cách mạng; đó là tinh thần lạc quan, nghị lực kiên cường vượt lên cảnh tù đày, tăm tối. Đó chính là chất “thép” và chất "tình" hòa quyện trong thơ Hồ Chí Minh.
    • Về nghệ thuật

      • Chiều tối” có sự kết hợp hài hòa giữa hai bút pháp cổ điển và hiện đại.
      • Ngôn ngữ hàm súc, hình tượng thơ luôn vận động

Bài tập minh họa

 
 

Ví dụ

Đề: Cảm nhận về vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ "Chiều tối" của Hồ Chí Minh.

Gợi ý làm bài

  • Mở bài
    • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
    • Bài thơ mang đậm vẻ đẹp cổ điển và hiện đại.
    • Trích dẫn nguyên văn bài thơ.
  • Thân bài
    • Những nét khái quát (tập thơ Nhật Kí trong tù và bài thơ Chiều tối)
      • Tháng 8-1942, với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh hội và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam, Hồ Chí Minh sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của thế giới.
      • Sau nửa tháng đi bộ, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam.
      • Trong 13 tháng ở tù, Người đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán, đạt tên là "Ngục trung nhật kí"
      • "Chiều tối" (Mộ) là bài thơ thứ 31. Cảm hứng của bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo.
    • Cảm nhận về vẻ đẹp cổ điển và hiện đại
      • Ở hai câu thơ đầu, vẻ đẹp cổ điển được bộc lộ vô cùng rõ nét
        • Trước tiên thể hiện ở đề tài. Cảnh chiều tối là một đề tài quen thuộc của văn chương. Khung cảnh buổi chiều về tối thường dễ sinh tình. Thơ chiều cổ điển thường man mác một nỗi buồn đìu hiu, hoang vắng trong sự tàn tạ của thời gian và trĩu nặng nỗi buồn tha hương lữ thứ. Ở đây, bằng vài nét chấm phá của bút pháp ước lệ, tượng trưng, tác giả đã dựng nên bức phông lớn làm nền cho cảnh chiều: (“Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ/Cô vân mạn mạn độ thiên không”
        • Chiều tối” là một bài thơ viết về những vẻ đẹp của buổi chiều hôm, nhưng điều lý thú là trong hai câu thơ đầu tiên cũng như cả bài thơ lại không dùng đến một chữ  “chiều” nào. Vậy mà cảnh chiều và hồn chiều vẫn hiện lên rất rõ, rất đẹp và đầy vẻ gợi cảm.
        • Cánh chim và chòm mây là hai hình ảnh thường xuất hiện trong thơ chiều xưa và nay. Đây là hai hình ảnh của không gian nhưng đã gợi lên ý nghĩa của thời gian. Và cũng không thể không thấy rằng buổi chiều ấy còn mang một vẻ đẹp đã trở nên vĩnh hằng của những buổi chiều mà hình sắc còn đọng lại trong những câu thơ cổ, ở đó vẫn xuất hiện không ít những “quyện điểu” với “cô vân”: trong thơ Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan, Huy Cận.
        • Hai câu thơ của Bác còn gợi nhớ đến hình ảnh thơ của Lí Bạch trong bài: “Một mình ngồi trên núi Kính Đình” (Độc toạ kính Đình sơn) (“Chúng điểu cao phi tận/ Cô vân độc khứ nhàn” (Chim bầy vút bay hết/ Mây lẻ đi một mình)
        • Nhìn cánh chim đang bay, Bác cảm nhận được sự mệt mỏi của đôi cánh sau một ngày dài hoạt động. Nhìn áng mây lững lờ trôi trên bầu trời, Người cảm nhận được trong áng mây ấy là sự cô đơn, lẻ loi. Mỗi một chi tiết trong hai câu thơ đêu nhuốm màu tâm trạng. Cánh chim mỏi tìm về tổ ấm, còn người tù thì mệt mỏi sau một ngày đường mà vẫn chưa có được chỗ dừng chân. Chòm mây lẻ loi trôi lững lờ trên tầng không, còn người tù thì cô đơn giữa một buổi chiều nơi đất khách.
        • Ngoài ra, ánh mắt dõi theo cánh chim và áng mây trên bầu trời rộng đã thể hiện khát vọng tự do đang ngự trị trong tâm hồn người - tự do để trở về tổ quốc, đề tiếp tục sự nghiệp cách mạng cao cả. Chính điều đó đã cho ta thấy được một nghị lực phi thường và đây cũng chính là chất thép trong thơ cũng như trong con người Hồ Chí Minh.
      • Nếu như ở hai câu thơ đầu bằng bút pháp cổ điển Bác đã dựng nên bức phông lớn làm nền cho bức tranh, thì trong hai câu thơ sau, Bác tập trung làm nổi bật hình tượng trung tâm của bức tranh - hình ảnh con người lao động. Từ bút pháp cổ điển, bài thơ đã chuyển hẳn sang bút pháp hiện đại.(“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc/ Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”)
        • Thời gian không ngừng trôi, mặc dù trong nguyên tác đã không cần dùng đến chữ “tối” mà nghĩa ấy vẫn cứ hiện lên rõ mồn một. Bức tranh của cảnh vật sẽ nhường chỗ cho bức tranh sinh hoạt con người.
        • Hai câu thơ này không thấm thía hương vị thơ cổ điển như hai câu trên mà mang nhiều chất đời thường, thể hiện rõ nhất ở hai chữ “bao túc” xuất hiện đến hai lần. Trung tâm của bức tranh chiều tối không phải bầu trời hay cánh chim mà là hình ảnh một cô gái xóm núi đang xay ngô, một công việc vất vả, nặng nhọc.
        • Câu thơ thứ ba đã miêu tả một cách chân thật, giản dị hình ảnh lao động của con người. Đó là cuộc sống mà Người hằng mơ ước không phải cho riêng mình mà cho nhân loại cần lao.  Điệp ngữ bắc cầu vắt dòng từ câu thứ 3 sang câu thứ 4: “ma bao túc- bao túc ma hoàn” đầy sức gợi. Nó diễn tả động tác đều đều của cô gái đang xay ngô. Nhịp điệu của vòng quay cối xay cũng chính là sự kiên nhẫn, bền bỉ, của người lao động  nghèo miền sơn cước.
          • Hình ảnh bếp lửa hồng và từ “hồng” được đặt ở cuối bài đã thể hiện rõ sự vận động của thời gian. Chữ “hồng” được Hoàng Trung Thông xem như “nhãn tự”  của bài thơ này. Nó cân lại với 27 chữ trên. Chấm lửa hồng đã mang đến thần sắc cho toàn cảnh, tăng thêm niềm vui, sức mạnh cho người đang cất bước đường xa.
      • Như vậy, tứ thơ, hình tượng thơ  trong “Chiều tối” vận động theo hướng tích cực, đi lên: từ tối đến sáng, từ buồn  đến vui, từ lạnh lẽo cô đơn đến ấm nồng.
    • Đánh giá
      • Về nội dung, “Chiều tối” khắc họa bức tranh thiên nhiên đầy tâm trạng và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ chiến sĩ. Đó là lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống; niềm tin vào con đường Cách mạng; tinh thần lạc quan, nghị lực kiên cường vượt lên cảnh tù đày, tăm tối → Chất “thép” và chất "tình" hòa quyện trong thơ Hồ Chí Minh.
      • Về nghệ thuật, “Chiều tối” có sự kết hợp hài hòa giữa hai bút pháp cổ điển và hiện đại.
  • Kết bài
    • “Chiều tối” là một bài thơ đẹp. Thi phẩm đã cho ta những cảm nhận vô cùng sâu sắc về  vẻ đẹp tâm hồn của Bác Hồ kính yêu.
    • Mượn ý của nhà thơ Hoàng Trung Thông để kết thúc bài viết:

“ Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp

Ánh đèn toả rạng mái đầu xanh

Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình…”

4. Soạn bài Chiều tối

Bài thơ Chiều tối là bức tranh thiên nhiên và bức tranh cuộc sống của con người lúc chiều tối. Đây là đề tài quen thuộc của thơ ca cổ. Để hiểu rõ hơn về tác phẩm, các em có thể tham khảo bài soạn tại đây: Bài soạn Chiều tối.

5. Một số bài văn mẫu Chiều tối

Thông qua bức tranh tả cảnh, Chiều tối đã làm toát lên hình tượng nhân vật trữ tình: hình ảnh người tù Hồ Chí Minh với lòng yêu thương rộng lớn, luôn nâng niu, trân trọng mọi sự sống trên đời; ý chí bất khuất, kiên cường, tâm hồn lạc quan luôn hướng về tương lai, ánh sáng. Để dễ dàng lập dàn ý và viết bài văn hoàn chỉnh về bài thơ này, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu dưới đây:

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?