Hướng dẫn chi tiết
2. Tóm tắt nội dung bài học
- Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn, có đóng góp quan trọng đối với quá trình hiện đại hóa truyện ngắn và tiểu thuyết ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX.
- Nam Cao là người có quan điểm nghệ thuật xuất sắc, tiến bộ, đạt được thành tựu xuất sắc về đề tài về người tri thức nghèo và người nông dân cùng khổ. Đặc biệt, ông quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, luôn đau đớn trước tình trạng con người bị rơi vào thảm cảnh "sống mòn".
- Ông là nhà văn có phong cách độc đáo: luôn hướng tới thế giới nội tâm của con người; có biệt tài trong việc miêu tả và phân tích tâm lí, viết về những cái nhỏ nhặt hằng ngày mà đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa xã hội to lớn, có tầm triết lí sâu sắc và có giọng văn đặc sắc
3. Soạn bài Chí Phèo: Tác giả Nam Cao chương trình chuẩn
Câu 1: Tiểu sử và con người nhà văn Nam Cao có những đặc điểm gì giúp ta hiểu thêm về sự nghiệp văn học của ông.
- Về tiểu sử:
- Xuất thân trong gia đình nông dân
- Một tri thức thất nghiệp, nghèo túng
- Sớm giác ngộ cách mạng, hăng hái viết văn phục vụ cách mạng
- Hi sinh trên đường công tác
- Về con người:
- Luôn tự vật lộn với mình về tư tưởng để vươn lên
- Giàu ân tình với người dân nghèo khổ
- Luôn suy tư, triết lí về cuộc đời, kiếp người
Câu 2: Những nội dung chính trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao?
- Nam Cao là nhà văn rất tự giác về quan điểm có tính nguyên tắc của văn học hiện thực tiến bộ và văn học chính nói chung:
- Ông không chạy theo cái đẹp, cái thơ mộng, quay lưng lại với hiện thực rồi viết ra những lời giả dối, phù phiếm.
- Văn chương chân chính là văn chương thấm đượm lí tưởng nhân đạo, vừa mang nỗi đau nhân thế, vừa có thể tiếp sức mạnh cho con người vươn tới cuộc sống nhân ái, công bằng.
- Cuộc sống phải đặt trên văn chương, văn chương phải vì con người. Nhà văn chân chính trước hết phải là con người chân chính, tức là phải có nhân cách, có lòng nhân đạo.
- Bản chất của văn chương là sáng tạo, không chấp nhận sự rập khuôn và sự dễ dãi, không tìm tòi sáng tạo thì không có văn chương.
- Người cầm bút phải có lương tâm → "sự cẩu thả trong văn chương là một sự đê tiện".
Câu 3: Viết về người tri thức nghèo và người nông dân cùng khổ, Nam Cao thường trăn trở, day dứt nhất về vấn đề gì?
- Những trăn trở, day dứt của Nam Cao khi viết về:
- Người trí thức nghèo:
- Họ là những nhà văn nghèo, những viên chức, những anh giáo khổ trường tư,… Họ có ý thức sâu sắc về giá trị sống và nhân phẩm, mang nhiều hoài bão cao đẹp, có tâm huyết và tài năng, luôn khát khao được phát triển nhân cách, được đóng góp cho xã hội.
- Nhưng họ bị gánh nặng cơm áo gạo tiền và hoàn cảnh xã hội ngột ngạt, bất công làm cho "chết mòn", thành "người thừa". Nam Cao đã phê phán sâu sắc xã hội ngột ngạt, phi nhân đạo bóp nghẹt sự sống, tàn phá tâm hồn con người, đồng thời thể hiện niềm khao khát một lẽ sống lớn, một cuộc sống có ích và có ý nghĩa, xứng đáng là cuộc sống con người.
- Người nông dân: Ông đã vẽ lên bức tranh hiện thực xã hội về nông thôn Việt Nam nghèo đói, xơ xác, thê thảm. Đối tượng được hướng tới là những con người thấp cổ bé họng, chịu số phận đắng cay, đoạ đày. Từ đó ông lên án xã hội tàn bạo đã huỷ hoại nhân cách con. Tuy nhiên, ông đi sâu vào miêu tả nội tâm để khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện đó.
- Người trí thức nghèo:
Câu 4: Nêu những nét chính của phong cách nghệ thuật Nam Cao
- Nam Cao đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của con người, luôn có hứng thú khám phá con người trong con người.
- Nam Cao có khuynh hướng tìm về nội tâm, đi sâu và thế giới nội tâm của con người. Ông có biệt tài về diễn tả, phân tích tâm lí nhân vật.
- Xuất phát từ việc hiểu tâm lí nhân vật, Nam Cao đã tạo được những đoạn đối thoại, độc thoại nội tâm rất chân thật, sinh động.
- Nam Cao là nhà văn có giọng điệu riêng: buồn thương, chua chát, dửng dưng, lạnh lùng mà đầy thương cảm, đằm thắm yêu thương.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Chí Phèo: Tác giả Nam Cao để nắm vững hơn kiến thức trọng tâm của bài học.
4. Soạn bài Chí Phèo: Tác giả Nam Cao chương trình Nâng cao
Câu 1: Hãy dựng lại bố cục và tóm tắt ý chính trong từng phần của bài học.
- Bố cục và ý chính của từng phần:
- Cuộc đời
- Tiểu sử: Nam Cao (1917-1951), tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở tỉnh Hà Nam.
- Con người: Là một con người có vẻ bề ngoài vụng về, ít nói nhưng đời sống nội tâm thì luôn luôn sục sôi, có khi căng thẳng.
- Sự nghiệp văn học
- Quan điểm về nghệ thuật: với tư cách là nhà văn, Nam Cao rất có ý thức về quan điểm nghệ thuật của mình.
- Các đề tài chính của Nam Cao: Đề tài người trí thức nghèo và người nông dân nghèo.
- Nghệ thuật viết truyện của Nam Cao
- Nam Cao có tài đặc biệt trong việc phân tích và diễn tả tâm lí nhân vật
- Truyện Nam Cao có tính triết lí sâu sắc
- Truyện Nam Cao luôn thay đổi giọng điệu
- Kết luận: Nam Cao là một cây bút lớn có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn xuôi hiện thực nước ta.
- Cuộc đời
Câu 2: Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao có những nội dung gì?
- Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao có những nội dung:
- Theo Nam Cao, người cầm bút chân chính không được “trốn tránh” sự thực mà “cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của cuộc đời.
- Nam Cao chủ trương văn học không phải là chưa đựng nội dung nhân đạo. Tác phẩm văn học có giá trị không chỉ phản ánh sự thực đời sống mà còn phải có giá trị nhân đạo sâu sắc.
- Nam Cao coi lao động nghệ thuật là một hoạt đông nghiêm túc, công phu. Đòi hỏi người cầm bút phải có lương tâm, Nam Cao lên án gay gắt sự cẩu thả trong nghề văn.
- Chủ trương văn học phải miêu tả được hiện thực, phải diễn tả được tiếng long đau khổ của quần chúng, Nam Cao cũng không tán thành loại sáng tác “tả chân”, hời hợt “Chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội”. Ông chủ chương nghệ thuật là một lĩnh vực hoạt động đòi hỏi khám phá, đào sâu, tìm tòi và sáng tạo không ngừng.
Câu 3: Tư tưởng cơ bản chi phối các tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao (dù viết về đề tài người trí thức nghèo hay người nông dân nghèo) là gì?
- Tư tưởng cơ bản chi phối các tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao
- Viết về người trí thức, Nam Cao thường trăn trở về các vấn đề sau đây:
- Lương tâm, trách nhiệm người cầm bút
- Sự sáng tạo trong nghệ thuật
- Vấn đề giữa tình thương, trách nhiệm và hoài bão của người trí thức.
- Đối với đề tài người nông dân, điều mà Nam Cao trăn trở đó chính là bi kịch về cái nghèo và bi kịch bị tha hóa.
- Đối với cái nghèo, có thể thấy ở các tác phẩm: Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó hay Lão Hạc; đối với bi kịch bị tước quyền làm người, bị tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân tính, có thể thấy rõ trong chính tác phẩm Chí Phèo
- Viết về người trí thức, Nam Cao thường trăn trở về các vấn đề sau đây:
Câu 4: Hãy nêu những nét đặc sắc về nghệ thuật viết truyện của Nam Cao: về xây dựng nhân vật, về kết cấu truyện, về nghệ thuật trần thuật và giọng điệu trần thuật.
- Những nét đặc sắc về nghệ thuật viết truyện của Nam Cao
- Về xây dựng nhân vật: Nam Cao có tài dựng lên những nhân vật tư tưởng có tầm khái quát lớn vừa có cá tính độc đáo.
- Về kết cấu truyện: Mạch tự sự của tác phẩm Nam Cao thường đảo lộn trật tự tự nhiên của thời gian, không gian, tạo nên lối kết cấu vừa linh hoạt vừa hết sức chặt chẽ.
- Về nghệ thuật trần thuật: Vì am hiểu tâm lí nhân vật mà Nam Cao đã tạo được nhiều đoạn đối thoại và độc thoại nội tâm rất chân thật, sinh động.
- Giọng điệu trần thuật: Truyện Nam Cao luôn thay đổi giọng điệu, trong đó có hai giọng cơ bản nhất đó là giọng tự sự lạnh lùng và giọng trữ tình sôi nổi tha thiết.
5. Hỏi đáp về văn bản Chí Phèo: Tác giả Nam Cao
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn Chúng tôi sẽ sớm trả lời cho các em.