Cảm nhận về người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa

A. Sơ đồ tóm tắt gợi  ý

B. Dàn bài chi tiết

1. Mở bài

  • Nguyễn Minh Châu được mệnh danh “là người mở đường tinh anh” cho công cuộc đổi mới văn học. Ông có nhiều tác phẩm viết về đời thường khiến cho người đọc phải trăn trở, day dứt.
  • Đọc truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - một tác phẩm tiêu biểu được ra đời năm 1983, thuộc giai đọan sáng tác thứ hai của Nguyễn Minh Châu, hình ảnh người đàn bà hàng chài: một người phụ nữ có số phận đau khổ, bất hạnh nhưng lại giàu đức hy sinh, lòng tự trong, tình thương con và thấu hiểu lẽ đời… đã để lại cho ta những ấn tượng sâu sắc, gợi những nhận thức thấm thía về con người và cuộc sống.

2. Thân bài

Thật vậy, người đàn bà hàng chài là người vùng biển, làm nghề chài lưới. Cả gia đình trên chục người chỉ bó hẹp trong một chiếc thuyền nhỏ, quanh năm lênh đênh, dập dềnh trên sông nước. Đó chính là nguyên nhân gây ra bao cay đắng, tủi nhục cho chị.

  • Trước hết, theo cách kể của nhân vật Phùng

- Chị xuất hiện với một tên gọi phiếm định “người đàn bà”. Phải chăng, với cách gọi ấy, nhà văn đã giúp cho người đọc suy tư về số phận của người đàn bà khốn khổ ấy cũng như biết bao người phụ nữ khác, họ cũng đang rất khốn khổ, tồn tại thật trên cõi đời này.

- Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả nhưng người đàn bà hàng chài lại là một người có ngoại hình xấu xí.

+ Qua cảm nhận của nhân vật Phùng, chị có một vẻ ngoài của một cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ. Thân hình “cao lớn với những đường nét thô kệch”, “khuôn mặt mệt mỏi”, “tấm lưng áo bạc phếch và rách rưới”.

+ Cuộc sống vất vả, nghèo khổ cùng nỗi đau thể xác và tinh thần bởi những lo toan và mưu sinh thường nhật, đã in dấu và càng trở nên đậm nét trên hình hài của một người phụ nữ mới chỉ ngoài bốn mươi mà như một bà già. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng cơn giận dữ của người chồng vũ phu.

-> Vài chi tiết về ngoại hình, dáng vẻ, giúp cho chúng ta cảm nhận được phần nào về số phận tội nghiệp, bất hạnh của chị.

  • Quả thật, cuộc đời của người phụ ấy thật nhiều cay đắng, khổ nhục, nhưng chị có một phẩm chất, tấm lòng đáng trân trọng:
    • Đó là sự cam chịu và nhẫn nhịn hết sức đáng nể của chị:
      • Chị bị chồng đánh đập, hành hạ thường xuyên, “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng”. Những trận đòn cứ liên tục trút lên chị thật tàn bạo. Để rồi, chị đã chịu đựng “cơn giận như lửa cháy” ấy hàng ngày của người chồng bằng sự cam chịu đầy nhẫn nhục “không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn”, và xem chuyện chịu đựng là một lẽ đương nhiên mà những người đàn bà vùng biển như chị phải chấp nhận. Với chị, muốn tồn tại thì phải chấp nhận.
      • Chấp nhận bị đánh vì chị hiểu được nguồn gốc cơn giận của chồng… nên chị chấp nhận đau đớn, làm chỗ cho chồng trút giận mỗi ngày. Sự chịu đựng này phải chăng xuất phát từ lòng bao dung, và tình thương con sâu sắc của chị .  
    • Đó là người mẹ hi sinh tất cả vì con
      • Bị chồng đánh mỗi ngày, không phải chị không ý thức được quyền sống của mình bị xâm phạm; cũng không phải chị bị đòn nhiều đến mức không còn biết đau. Chị ý thức được nỗi đau thân phận… nhưng với chị, trong hoàn cảnh ấy, không còn sự lựa chọn nào khác. Bởi lẽ, chị nhẫn nhục vì “con đàn bà ở thuyền” “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”. Đó là đức hy sinh cao quý của chị, cũng là vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Chị vui khi nhìn đàn con “được ăn no”.
      • Chị sợ con cái bị tổn thương vì cảnh bạo lực trong gia đình, nên chị xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh. Người chồng đánh xong, chị lại cùng chồng trở về thuyền vì chị “cần có người đàn ông chèo chống lúc phong ba”, cùng làm ăn để nuôi con khôn lớn.
    • Đặc biệt, chị còn là một người phụ nữ giàu tự trọng, giàu lòng bao dung
      • Khi biết cảnh mình bị chồng đánh, cảnh đứa con trai phản ứng lại cha bị người khách lạ phát hiện, chị thấy “đau đớn - vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”. Đó không phải là nỗi đau đớn về thể xác. Giọt nước mắt đau khổ của chị trào ra – đó là gịot nước mắt của nhọc nhằn và chịu đựng. Chị không muốn bất cứ ai chứng kiến và thương xót kể cả thằng Phác- đứa con yêu của chị.
      • Chị “sống cho con chứ không thể sống cho mình”. Cho dù thân thể bị chà đạp, nhân phẩm bị xúc phạm nhưng chị không hề để ý, không hề bận tâm bởi chị là một người mẹ giàu lòng vị tha, chấp nhận hy sinh, thua thiệt về mình chứ không oán trách người khác. Nên bao nhiêu đau khổ, chị đều gánh chịu “tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự âm thầm trong việc hiểu thấu cái lẽ đời, hình như mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài”.
    • Chị còn là một người đàn bà dù thất học nhưng thấu hiểu lẽ đời: Nhất là khi phải đến toà án huyện, chính chị đã đem đến cho Phùng và Đẩu những xúc cảm mới:
      • Lúc đầu, chị rụt rè, sợ hãi khi đến một không gian lạ. Chị tìm một góc tường ở chốn công đường để ngồi; chị thưa gửi, xưng “con” và van xin “con xin lạy quí toà…”. Trông chị thật nhỏ bé, tội nghiệp - nhưng khi đã lấy được tự tin, tâm thế thay đổi, chị đột ngột chuyển cách xưng hô: “Chị cám ơn các chú!...” một sự hoán đổi thật ý nghĩa: ở đây, lẽ đời đã thắng. Người lao động lam lũ, nghèo khổ không có uy quyền nhưng cái tâm của một người mẹ giàu tình thương con, thấu hiểu lẽ đời là một thứ quyền uy có sức công phá lớn điều này đã làm chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều.
  • Cái hay trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn là:
    • Nhân vật được đặt trong những tình huống nghịch lý (bị chồng đánh nhưng không phản ứng; không chịu bỏ chồng…), nhà văn đã mang đến cho người đọc những nhận thức về những ngang trái, phức tạp của cuộc sống và những éo le, đáng thương trong số phận con người.
    • Nhân vật người đàn bà hàng chài có số phận đáng được chia sẻ, cảm thông trong những cay đắng, khổ nhục đời thường. Điều đáng trân trọng ở chị là vẻ đẹp của tình mẫu tử, sự bao dung và đức hi sinh.

3. Kết bài

  • Tóm lại, từ nhân vật người đàn bà hàng chài, chúng ta cảm nhận được những trăn trở của Nguyễn Minh Châu: làm sao cho con người thoát khỏi nghèo đói để không còn tình trạng bạo lực gia đình, không còn những số phận đáng thương?
  • Với tư cách một nhà văn, tác giả mong muốn: nghệ thuật đừng bao giờ xa rời đời sống; phải nhìn cuộc sống nhiều chiều, phải chia sẻ với những bất hạnh của con người… để cuộc đời này mãi đẹp hơn.

C. Bài văn mẫu

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

Nguyễn Minh Châu là một nhà văn quân đội. Chiếc  thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Minh Châu. Tác phẩm là những năm chuyển mình mạnh mẽ của đất nước và của văn học. Tác phẩm in đậm phong cách tự sự – triết lí của Nguyễn Minh Châu, rất tiêu biểu cho hướng tiếp cận đời sống từ góc độ thế sự của nhà văn ở giai đoạn sáng tác thứ hai. Nhân vật để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất trong truyện là người đàn bà hàng chài – một người phụ nữ nghèo khổ, lam lũ nhưng có đức hi sinh cao cả, bao dung, nhân hậu và rất trải đời.

Nhân vật người đàn bà hàng chài là hiện thân cho mảnh đời tăm tối cơ cực vẫn tồn tại quanh cuộc sống của chúng ta. Dù cuộc sống riêng có phải chịu trăm nỗi cơ cực, buồn tủi nhưng ở chị vẫn toát lên những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam với tấm lòng nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh. Người đàn bà ấy không tên, tác giả chỉ gọi là “người đàn bà” một cách phiếm định. Đó là một con người vô danh như biết bao người đàn bà cùng biển khác. Nhưng dõi theo mạch của cốt truyện, người đọc thấy được rằng số phận của con người ấy được tác giả tập trung thể hiện và được người đọc quan tâm nhất. Như thế, người đàn bà hàng chài là một nhân vật quan trọng trong tác phẩm. Chỉ có vai trò khá quan trọng trong sự phát triển cốt truyện, mạch truyện, trong mối quan hệ với các nhân vật khác như Phùng, Đẩu, người chồng và chị em thằng bé Phác. Nếu không có hình tượng các nhân vật này, người đọc cũng không thể nhận ra quan điểm nghệ thuật và tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Minh Châu đối với con người và cuộc sống.

Trạc ngoài 40, thô kệch, rỗ mặt. Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, nhà ở phố huyện sống bằng nghề buôn bán bả lưới, nhưng từ nhỏ chị đã có một ngoại hình xấu xí “từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt, sau một bận lên đậu mùa”. Những nét xấu xí, thô kệch ấy, qua bao nhiêu năm tháng lam lũ, vất vã, lo toan vì cuộc sống nghèo khổ nên càng thể hiện rõ hơn. Vì xấu xí, trong phố không ai lấy nên chị có mang với một anh con trai hàng chài hay đến mua bả về đan lưới. Cuộc sống cam chịu, nhẫn nhục, thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ “ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng” nhưng chị không hề chống trả hay trốn chạy. Sức chịu đựng và sự hi sinh thầm lặng của người đàn bà hàng chài khiến cho nhiều người phải ngỡ ngàng. Vừa ở dưới thuyền lội lên đến bên chiếc xe rà phá mìn, chị đã bị chồng dùng chiếc thắt lưng, chẳng nói chẳng rằng quật tới tấp vào người. Hắn vừa đánh vừa nguyền rủa bằng cái giọng đau đớn rên rỉ: “Mày chết đi cho ông nhờ, Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”. Chứng kiến cảnh người đàn bà bị chồng đánh đập dã man, nghệ sĩ Phùng tưởng chị sẽ né tránh, bỏ chạy hay kêu van nhưng anh rất ngạc nhiên khi thấy chị hoàn toàn cam chịu, nhẫn nhục. Quen sống với môi trường sông nước nên đến tòa án chị cảm thấy lạ lẫm và “sợ sệt” “lúng túng” “tìm đến một góc tường để ngồi” “cố thu người lại” “cúi mặt xuống”…Chân dung của người đàn bà một đời nhọc nhằn, lam lũ, hứng chịu nhiều đắng cay.

-----Để tham khảo nội dung đầy đủ của tài liệu, các em vui lòng tải về máy hoặc xem trực tuyến-----

Chánh án Đẩu đã mời chị đến để thu xếp chuyện gia đình và đề nghị chị từ bỏ lão chồng vũ phu. Lúc đầu chị “thưa gởi” xưng “con” và đã có lúc chấp ay vái lia lịa van xin: “con lạy quý tòa… quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Chị đã cho anh biết “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sấp con mà nhà nào cũng trên dưới chục đứa”. Chị nhận thức được cuộc sống trên biển, nghề biển không thể thiếu đàn ông, gã đàn ông ấy là chỗ dựa quan trọng trong cuộc đời đi biển của chị, quyết định sự tồn tại một gia đình. Hơn nữa, chị cũng cảm thông với những hành động của chồng. Chị kể “Lão chồng tên khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi” “giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn…”. Rõ ràng, đó là một người đàn bà thất học nhưng rất hiểu cuộc đời, hiểu thiên chức làm mẹ, hiểu nỗi khốn khổ và sự bế tắc của người chồng. Lời giải thích của chị thật có lí, điều đó chứng tỏ chị không phải là một người nhu nhược, hèn nhát mà là một người phụ nữ sâu sắc và từng trải. Trong đau khổ triền miên, chị vẫn chắt lọc được những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi. Chị nói “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi nó được ăn no…trên chiếc thuyền, cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ”

Có thể nói người đàn bà hàng chài là biểu tượng cho tình mẫu tử, biểu tượng cho khát vọng hạnh phúc gia đình. Với chị, gia đình hạnh phúc là gia đình trọn vẹn các thành viên, cho dù trong cái gia đình ấy còn nhiều cảnh ngang trái, khổ đau, nhưng chị vẫn nâng niu, trân trọng từng niềm hạnh phúc thật nhỏ nhoi.

Qua câu chuyện của người đàn bà, ta càng thấy buồn xót và không thể dễ dãi, giản đơn trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống. Đặc biệt, người nghệ sĩ không có quyền nhìn nhận cuộc sống một cách giản đơn, phải nhìn nhận từ mọi phía để phát hiện bản chất con người. Qua hình tượng nhân vật người đàn bà, ta nhận ra quan điểm sáng tác của Nguyễn Minh Châu rất sâu sắc, nhiều chiều về con người và cuộc sống. Ông nhận thấy cuộc sống này có ánh sáng và bóng tối, nước mắt và nụ cười, bề nổi và bề chìm.

 

Trên đây là bài văn mẫu Cảm nhận về người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xaNgoài ra, các em có thể tham khảo thêm:

 

----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?