Cảm nhận về khổ thơ đầu tiên trong Tràng giang của Huy Cận

A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý

B. DÀN BÀI CHI TIẾT

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Huy Cận và tác phẩm Tràng giang.

- Khổ thơ đầu tiên cho người đọc những cảm nhận về nỗi cô đơn của nhân vật trữ tình.

b. Thân bài:

- Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Khi tác giả đứng trước sông Hồng vào một chiều thu năm 1939, khi tròn hai mươi tuổi, ở bờ Nam bến Chèm, cùng nỗi sầu vô tận trong tâm hồn.

- Giá trị nội dung:

+ Hình ảnh thiên nhiên rộng lớn, đẹp đẽ của quê hương, ẩn sau nỗi buồn là tình yêu quê hương tha thiết.

+ Hiện lên đối lập giữa không gian rộng lớn của thiên nhiên, vũ trụ mênh mông là cái tôi nhỏ bé, cô đơn, lạc lõng.

+ Nỗi buồn, cô đơn, sầu muộn vô cùng của con người trước thiên nhiên bao la.

- Giá trị nghệ thuật:

+ Bài thơ được kết hợp giữa lối thơ cổ điển và hiện đại, thể thơ thất ngôn, chất thơ Đường nhưng được kết hợp với cái tôi của thơ mới.

+ Hình ảnh được gợi lên trong thơ vô cùng trong sáng, giàu xúc cảm.

+ Chất thơ Đường thấm đượm từ nhan đề, thể thơ, thi tứ (sự lẻ loi của con người trước tạo vật, vũ trụ to lớn), các bút pháp nghệ thuật như đối ngẫu, song đối.

- Phân tích:

+ Tác giả đứng trên bờ sông nhìn xuống dòng nước mênh mông của sông Hồng, tạo nên những hình ảnh vừa chân thực lại vô cùng giàu sức gợi.

+ Một dòng sông lững lờ trôi với những cơn sóng gợn, với chiếc thuyền nhỏ và một cành củi khô giữa dòng.

+ Hình ảnh "sóng gợn": gợi lên hình ảnh sống nước mênh mang, những con sóng gợn lăn tăn vỗ lên mặt sông. Nỗi buồn chập chùng trong lòng người thi sĩ.

+ Hai từ "tràng giang": là từ Hán Việt, với hai âm "ang" tạo nên tiếng vọng cho câu thơ, vừa gợi lên một dòng sông dài rộng và cổ kính.

+ Từ láy "điệp điệp": Những con sóng cứ nối nhau liên tiếp. Nỗi buồn miên man, không nguôi trong lòng tác giả, một nỗi buồn cụ thể.

+ Con thuyền không đảo chèo, ngược sóng mà buông thõng mái chèo, "xuôi mái", thụ động, mặc dòng nước đưa đẩy.

+ Hình ảnh thường xuất hiện trong thơ văn.

+ Thuyền và nước tưởng gặp nhau, hứa hẹn cùng nhau nhưng ở đây, sự gặp gỡ chỉ là phút chốc, để rồi lại chia lìa đôi ngả.

+ Hình ảnh "thuyền về nước lại": gợi lên cảnh chia li, xa cách.

+ "Sầu trăm ngả": Mối sầu muôn dặm, to lớn, rộng khắp.

+ Đầu tiên là nghệ thuật đảo ngữ để nhấn mạnh hình ảnh cành củi khô giữa dòng nước.

+ Nhấn mạnh sự nhỏ bé, đơn độc của một cành củi nhỏ giữa sóng nước bao la.

+ "Cành củi khô": Gợi lên sự khô héo, không còn sức sống lại ít ỏi

+ "Mấy dòng": Vừa gợi lên cảnh sông nước mênh mông, vừa gợi lên hình ảnh của dòng đời, vô số bước đường đi nhưng không biết chọn hướng nào mà bước tới.

- Kết luận chung:

+ Khổ thơ gợi lên nỗi buồn sâu lắng của tác giả trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, gợi lên sự chia ly, xa cách giữa những con người, không có sự giao hoa, đặc biệt tác giả muốn nhận mạnh nỗi buồn về kiếp người nhỏ bé, lênh đênh, vô định trước cuộc đời.

+ Nghệ thuật: Huy Cận đặc biệt sử dụng thành công các hình ảnh gợi tả, cách gieo vần nhịp nhàng.

c. Kết bài:

- Khẳng định lại ý nghĩa của khổ thơ.

C. BÀI VĂN MẪU

Đề bài: Em hãy phân tích khổ thơ đầu tiên bài Tràng giang của Huy Cận.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Nhà thơ Huy Cận tên thật là Cù Huy Cận. Nhắc đến thơ của ông, người ta có thể nhớ ngay đến chất thơ chất chứa những nỗi sầu nhân thế và lòng ngợi ca cảnh đẹp của thiên nhiên. Trước Cách mạng tháng Tám, tên tuổi của Ông gắn liền với rất nhiều tác phẩm tiêu biểu như: “ Lửa thiêng”, “ vũ trụ ca”,… Bài thơ “ tràng giang” trong tập “ lửa thiêng” là một trong những áng thơ tiêu biểu bậc nhất của Huy Cận. Bài thơ mang dòng chảy cảm xúc có chút u buồn mênh mang cho kiếp người bé nhỏ, trôi nổi giữa biết bao ngã rẽ cuộc đời. Đặc biệt đoạn thơ thứ nhất đã cuốn hút ngay người đọc theo tâm hồn thơ của tác giả rất độc đáo.

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền suôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng”

Ngay từ nhan đề, nhà thơ đã khéo léo gợi lên vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của thiên nhiên, kéo theo cả tâm trạng của lòng người. Con sông Hồng dài rộng bát ngát, uốn quanh bao trọn cả non sông Việt nam. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tác giả lại sử dụng “tràng” thay vì từ “ trường”. Âm “ ang” mang mới cho người đọc mường tượng được bề ngoài rộng lớn của con sống kia. Đấy không chỉ là con sông của tạo hóa làm nên, mà tác giả còn muốn nhắc tới dòng sông của đời người, dòng sông chất chứa bao tâm tưởng suy nghĩ.

Có biết bao thi sĩ nhà thơ đã mượn thiên nhiên để giải bày lòng mình. Nỗi buồn của con người thì vô vàn biết bao: buồn tình yêu, buồn tình bạn, buồn chốn sự nghiệp, còn nỗi buồn của Huy cận cũng như bao người. Buồn vì ta chưa thể tìm ra con đường đi cho cuộc đời, cho kiếp người cô đơn nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Đó cũng là vẻ đẹp đầy sức quyến rũ của tác phẩm ẩn chứa một tinh thần hiện đại.

Chỉ vừa đọc câu thơ, người đọc đã liên tưởng ngay đến con sông rộng lớn mênh mông nước nhưng chẳng có nổi một bóng người tạo vui. Nỗi buồn càng nhân lên khi tác giả dụng ý dùng từ “Tràng giang” thay “trường giang”. Điều đó khiến dòng sông không chỉ có chiều rộng, dài mà còn có chiều sâu.

Cụm từ “buồn điệp điệp” được mô tả cho những con sóng dồn dập, thi nhau liên tiếp xô vào bờ. Những con sóng mang theo nỗi buồn của thi nhân cũng vì vậy được nhân hóa lên thêm nhiều. Nỗi buồn đang trải dài vô tận và chẳng biết trước bao giờ kết thúc, tựa như sóng con này đến con khác xô vào bờ.

Hình ảnh đối lập giữa cái bao la, mênh mông của sông nước với con thuyền nhỏ lênh đênh giữa dòng càng gợi lên sự nhỏ bé của con thuyền. “Con thuyền” là hình ảnh tả thực nhưng dưới cái nhìn của cái tôi lãng mạn thì con thuyền cũng chỉ những thân phận nhỏ bé, nổi trôi của kiếp người. Hình ảnh con thuyền và dòng sông vốn đã xuất hiện nhiều trong thơ ca từ cổ chí kim. Cách sử dụng hình ảnh cổ điển trong thơ cùng điệp từ “song song” càng gợi lên nỗi buồn xa vắng. Sử dụng nghệ thuật tiểu đối trong ngôn từ “buồn điệp điệp” đối với cụm từ “nước song song” tạo cho hai câu thơ nhịp thơ nhịp nhàng, chậm rãi như những tiếng thở dài não nuột đang trào dâng trong lòng nhà thơ.

Thuyền và nước thường đi liền với nhau, nhưng ý thơ ở đây lại mang đến một sự xa cách giữa thuyền và nước. Hình ảnh nước trong câu thơ được nhạn hóa như con người, cũng có cảm xúc, cùng biết “sầu” buồn. Cụm từ “sầu trăm ngả” gợi cho ta cảm giác một nỗi buồn vô tận, trải dài khắp không gian trăm ngả. Đọc câu thơ, người đọc hình dung được một con thuyền lênh đênh cứ trôi nổi xa tít, để mặc dòng nước mênh mang lặng lẽ và heo hút.

Một con thuyền, một cành củi khô đã càng làm nổi bật lên nỗi cô đơn lạc lõng. Tựa như chỉ có mình nhà thơ đang đối diện với vũ trụ thiên nhiên kia. Nhưng cành củi ấy lại khô héo, thiếu sự sống biết nhường nào. Nó chẳng giống như cảnh vật tràn đầy sức sống của “ Một bông hoa tím biếc” của thanh hải trong bài “ Mùa xuân nho nhỏ”-. “ cành khô” ấy mang nỗi sầu vô định của thi nhân, chỉ có thể trôi nổi, bập bềnh theo dòng nước mênh mang mà chẳng có một định hướng. Cành củi ấy trôi đi phương nào, biết trước là bến bờ bão tố hay chốn bình yên cũng chẳng ai có thể rõ. Hình ảnh giản dị mà sao khiến cho lòng người đọc cảm thấy trống rỗng, cô liêu.

Tài năng tả cảnh ngụ tìnhcủa Huy cận thật tài hoa, khéo léo. Chỉ thông qua những hình ảnh giản đơn, “con sóng”, “chiếc thuyền”, “cành khô” mà ta dễ dàng bắt gặp trong biết bao bài thơ khác, nhưng trong thơ của Huy cận nó có thể truyền tải mạnh mẽ những cảm xúc rất riêng không thể hòa lẫn vào vào các bài thơ xưa. Vẻ đẹp hiện đại, đơn giản mang nặng những tâm tư tình cảm, chân tình của tác giả sẽ mãi đi sâu vào lòng người.

2. Bài văn mẫu số 2

Huy Cận là một trong những nhà thơ thành công nhất phong trào thơ Mới. Người ta nhận xét thơ của Huy Cận thường buồn, một nỗi buồn sâu thăm thẳm, da diết, nỗi buồn của nhân thế, cuộc đời. Các tác phẩm thơ của ông thường nghiêng về nỗi buồn và một trong số đó là Tràng Giang. Bài thơ là điển hình cho nỗi buồn nhân thế mà Huy Cận luôn mang nặng trong lòng. Và ở khổ đầu tiên trong bài thơ, Huy Cận đã miêu tả một cách thật chân thực cái nỗi buồn heo hút, mênh mang trong lòng mình, nỗi buồn trước một không gian thiên nhiên vô cùng vô tận.

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng"

Tràng Giang được Huy Cận sáng tác vào một chiều thu năm 1939, khi một mình ông đứng trước dòng sông Hồng hùng vĩ, lúc đó, ông hai mươi tuổi ở bờ Nam, bến Chèm, cùng nỗi buồn vô tận trong tâm hồn.

Bài thơ là hình ảnh của thiên nhiên rộng lớn, đẹp đẽ, hùng vĩ của quê hương, ẩn sau bức tranh đó là một nỗi buồn sâu thăm thẳm của Huy Cận và một tấm lòng nặng tình với quê hương. Hiện lên giữa không gian mênh mông của thiên nhiên là một cái tôi nhỏ bé, lạc lõng, cô đơn giữa cuộc đời cùng nỗi cô đơn, sầu muộn vô cùng. Huy Cận, qua bài thơ, muốn thể hiện niềm khao khát được hòa nhập với con người, với thiên nhiên, và kín đáo đặt trong đó là nỗi niềm của một thanh niên yêu nước yêu quê hương vô cùng. Con người ở thế giới của ông, sống giữa quê hương của mình nhưng lại thấy bơ vơ, lạc lõng trên chính quê hương ấy, đây phải chăng là một nỗi niềm, xúc cảm của một người dân mất nước, bơ vơ giữa cuộc đời với tình yêu quê hương tha thiết của mình?

Một câu thơ chỉ vẻn vẹn có bảy chữ mà đã miêu tả được bao quát khung cảnh rộng lớn cùng với cảm xúc trong lòng tác giả. "Sóng gợn" - hình ảnh những làn sóng nhỏ li ti di chuyển trên một dòng sông dài và rộng làm cho con người ta khi đứng trước cảnh này không khỏi cảm thấy mơ hồ. Ở đây, tác giả đã sử dụng đến từ láy "điệp điệp" để miêu tả nỗi lòng của mình. Những gợn sóng cho ta cảm giác rất nhẹ nhàng nhưng không, nó cứ xô tiếp, "điệp điệp" kéo dài không ngớt, nó đẩy lòng người vào một nỗi buồn dai dẳng không ngừng.

Trước một khung cảnh bao la bát ngát, xuất hiện lên một con thuyền khiến nó trở nên thật cô đơn hiu quạnh lênh đênh trên dòng sông nước rộng lớn. Những tưởng "thuyền" và "nước" là hai vật thể "song song" không thể tách rời, nhưng qua cái nhìn của Huy Cận, chúng lại chia lìa nhau. Một hình ảnh đối lập giữa "thuyền" và "nước", một nỗi "sầu" của hai vật thể song song mà trải dài đến tận trăm ngả, điều đó càng giúp ta hiểu thêm được nỗi lòng của nhà thơ đó là nỗi buồn chia li, nỗi lòng tiếc nuối.

Nhành củi là hình ảnh rất quen thuộc, gần gũi nhưng nó ít khi được đưa vào trong thơ ca. Nhà thơ Huy Cận đã phá vỡ những quy tắc để lấy hình ảnh nhành củi khô trên nền thiên nhiên rộng lớn, kì vĩ. Cành củi nhỏ bé, đơn độc lạc giữa dòng nước giống như chính nhà thơ đang phải chịu đựng sự cô đơn, lạc lõng. Nó biểu tượng cho kiếp người nhỏ bé, phù du trôi nổi giữa dòng đời vô định.

Có thể nói với những hình ảnh độc đáo, tả cảnh ngụ tình tác giả đã vẽ nên bức tranh thủy mặc về cảnh sông nước. Qua khổ thơ thứ nhất ta có thể cảm nhận được nỗi buồn được thấm đẫm trong từng cảnh vật.

Về nội dung, câu thơ hội tụ mọi nỗi cô đơn, ảo não, buồn tủi của một kiếp hồng nhan lo lắng về dòng đời bất trắc. “Củi”, “khô” là vật chết. “một cành” là đơn độc. “lạc mấy dòng” - sự lạc lõng, chơi vơi. Tất cả những gì hiện diện trong câu thơ là chết chóc, chán chường, cô độc, bất lực trước dòng đời.

Như vậy, những hình ảnh vừa quen vừa lạ, giàu hàm súc, giàu sức gợi cùng cách gieo vần, điệp âm và sử dụng các từ láy “điệp điệp”, “song song” mà khổ thơ hội tụ mọi đặc trưng của nền thơ ca hiện đại. Mặt khác, phân tích khổ đầu bài thơ Tràng giang ta cũng thấy được cái tôi Huy Cận buồn “ảo não”, đầy hoài cổ cho thấy chân dung một trí thức đa sầu đa mang, yêu thiên nhiên và yêu quê hương sâu sắc. Bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận xứng đáng đưa nhà thơ trở thành “đỉnh cao” thơ Mới.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?