Bộ 5 đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn 9 năm 2021 Trường THCS Lý Tự Trọng

TRƯỜNG THCS LÝ TỰ TRỌNG

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI

MÔN: NGỮ VĂN 9

NĂM HỌC: 2021

(Thời gian làm bài: 120 phút)

 

ĐỀ SỐ 1

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm): Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Tuổi thiếu niên là tuổi của ước mơ và hoài bão. Nó gắn liền với khát vọng chinh phục thử thách và giải được mật mã cuộc đời. Khát vọng luôn xanh và cuộc sống luôn đẹp, nhưng trong một thời khắc nào đó, có thể nhiều bạn trẻ đã thấy cuộc đời như một mớ bòng bong của những điều bỡ ngỡ với bao trăn trở không dễ tỏ bày. Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai. Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân bạn nhiều lần rướm máu. Và những giọt máu đó, hoặc sẽ thấm xuống con đường bạn đang đi và lưu lại đó dấu son của một vị anh hùng, hoặc sẽ trở thành dấu chấm hết cho những khát vọng đoản mệnh của một kẻ nhụt tâm, chùn bước. Nhưng dù thế nào chăng nữa, bạn hãy nhớ rằng: để trưởng thành, những thử thách và thất bại bao giờ cũng là điều cần thiết.

(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, tập 2 - Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.02)

Câu 1. (1,0 điểm) Nội dung chính của văn bản là gì?

Câu 2. (1,0 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Đi qua tuổi thơ, cuộc đời mở ra trước mắt bạn một hành trình dài, nhiều hoa hồng nhưng cũng không ít chông gai.

Câu 3. (2,0 diểm) Tại sao có thể nói: Cuộc sống, với tất cả sự khắc nghiệt vốn có của nó, sẽ khiến cho bước chân bạn nhiều lần rướm máu.

Câu 4. (2,0 điểm) Thông điệp mà em tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Hãy lí giải sự lựa chọn đó của em (Trình bày khoảng 5-7 dòng).

Phần II. Làm văn (14,0 điểm)

Câu 1. (4,0 điểm) Từ nội dung phần Đọc hiểu, em hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về quan điểm sống của tác giả đặt ra trong khổ thơ sau

Người vá trời lấp bể

Kẻ đắp lũy xây thành

Ta chỉ là chiếc lá

Việc của mình là xanh

(Nguyễn Sĩ Đại)

Câu 2. (10,0 điểm) Bàn về ngôn ngữ trong thơ, Nguyễn Đình Thi viết: “Điều kì diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến xung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra xung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy.” Hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm):

Câu 1:

- Văn bản nói về cách nhìn cuộc sống của các bạn trẻ.

- Đưa ra lời khuyên quý giá về sự trưởng thành: dám chấp nhận và đối mặt với thử thách cuộc sống.

Câu 2:

- Biện pháp tu từ: ẩn dụ: Đi qua (sống, trải qua), hoa hồng (niềm vui, hạnh phúc, thuận lợi, thành công…), chông gai (nỗi buồn, khó khăn, thất bại…)

- Tác dụng: Biện pháp ẩn dụ giúp cho sự diễn đạt hình ảnh, gợi cảm. Mượn hình ảnh cụ thể để diễn tả suy nghĩ của người viết, qua đó, giúp người đọc hiểu được rõ ràng về giá trị của cuộc đời. Đó là để có hạnh phúc ở tương lai phía trước, chúng ta có thể phải trải qua, phải đối mặt với nhiều khó khăn thử thách.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 1 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 2

Câu 1 (8,0 điểm). Cho câu chuyện: Diễn giả Lê-Ô Bu-sca-gli-a lần nọ kể về một cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích của cuộc thi là tìm ra người biết quan tâm nhất. Người thắng cuộc là một em bé bốn tuổi. Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Mọi người xúm vào khuyên nhủ ông nhưng ông lão vẫn cứ khóc. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế, giờ lâu ông lão bỗng ngừng khóc và ôm lấy câụ bé. Khi mẹ em bé hỏi em đã trò chuyện những gì với ông ấy, cậu bé trả lời:”Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy khóc”.

(Theo”Phép màu nhiệm của đời”- NXB Trẻ, 2005)

Suy nghĩ của em về ý nghĩa câu chuyện trên.

Câu 2 (12,0 điểm).

“…Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại của mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo”.

(Đọc – hiểu văn bản Ngữ văn 9, 2005, tr. 160)

Qua trích đoạn “Làng” (Kim Lân) và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”(Phạm Tiến Duật), hãy chứng minh rằng: các nhà văn đã “hát đúng giai điệu về thời đại của mình” và “miêu tả một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo”.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

Câu 1:

* Giải thích được nội dung cơ bản của câu chuyện:

- Em bé đạt giải trong cuộc thi là người biết quan tâm, chia sẻ nỗi đau với người khác. Người được chia sẻ không đòi hỏi gì, chỉ cần một chỗ dựa trong lúc đau đớn cũng là quá đủ.

- Cách em bé quan tâm đến người khác cũng rất”trẻ con”: ngồi vào lòng người hàng xóm. Thế nhưng đó là cách chia sẻ hiệu quả nhất ngay trong tình huống -> Quan tâm, lắng nghe chân thành là cách chia sẻ hiệu quả nhất.

* Chứng minh, bình luận về nội dung câu chuyện:

- Trong cuộc sống, đôi khi con người gặp phải những mất mát, đau thương, cần một mối đồng cảm từ những người xung quanh (học sinh lấy dẫn chứng trong cuộc sống, văn học để làm rõ).

- Sự quan tâm, sẻ chia với người khác là một hành động đẹp. Nhưng cách thể hiện sự quan tâm đó như thế nào cần tùy thuộc ở mỗi người (học sinh lấy dẫn chứng trong cuộc sống, văn học để làm rõ).

* Liên hệ, mở rộng:

- Trong cuộc sống có những bài học vô cùng quý giá mà ta học được từ những điều hết sức bất ngờ. Những em bé đôi khi cũng có những việc làm mà mọi người phải suy ngẫm. Sống đẹp sẽ nhận được cái đẹp từ cuộc sống.

- Sự quan tâm phải xuất phát từ một tình cảm chân thành, không vụ lợi…

- Phê phán những người không biết quan tâm, chia sẻ với khó khăn, bất hạnh đau khổ của người khác.

* Khẳng định, lời khuyên:

- Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi đau của người khác là mình đã làm được một việc ý nghĩa.

- Liên hệ bản thân.

c. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận.

Câu 2:

* Giải thích:

- Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực thông qua lăng kính chủ quan và sự sáng tạo của người cầm bút.

- Hiện thực được phản ánh phải trung thực, phù hợp với hoàn cảnh của thời đại. Hiện thực mỗi thời kì khác nhau nên văn học mang lại nội dung cụ thể của thời đại: thời đại nào, văn học ấy.

- Bằng sở trường của mỗi nhà văn, hiện thực cuộc sống được ghi lại trong tác phẩm bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo. Mỗi tác phẩm tồn tại như một thông điệp báo cho người đọc hôm nay biết tác phẩm ấy đang ở đâu trong chiều ngang của không gian và khoảng nào trong chiều dọc của lịch sử. Lời bàn trên về mối quan hệ giữa cuộc sống, tác giả, tác phẩm thật sâu sắc.

* Chứng minh qua trích đoạn”Làng”(Kim Lân):

- Giai điệu về thời đại được nhà văn Kim Lân khai thác là đời sống kháng chiến của nhân dân ta trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Truyện diễn tả chân thực và sinh động tình yêu làng, yêu quê hương đất nước và tinh thần kháng chiến của nhân vật ông Hai - nhân vật tiêu biểu cho người nông dân yêu nước thời kì đó. Chọn lọc, phân tích dẫn chứng:

+ Ở nơi tản cư ông nhớ làng, khi nghe tin quân ta thắng trận ở khắp nơi, ông vui tươi phấn khởi như mở cờ trong bụng.

---(Để xem tiếp đáp án câu 2 của Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 3

Phần I. (7 điểm)

Trong một đoạn trích sách Ngữ Văn 9 (Tập 1) có viết:

“Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

Câu 1: Chép chính xác tám câu thơ tiếp theo để hoàn chỉnh đoạn thơ?

Câu 2: Cho biết đoạn thơ em vừa chép trích trong văn bản nào? Thuộc tác phẩm nào? Của ai? Vị trí của văn bản đó trong tác phẩm?

Câu 3: Theo em, có thể thay thế từ “hờn” trong câu thơ thứ hai thành từ “buồn” được không? Vì sao?

Câu 4: Viết một đoạn văn khoảng 12-15 câu theo cách tổng phân hợp để làm nổi bật vẻ đẹp sắc sảo mặn mà của nhân vật trong đoạn thơ trên (trong đó có dùng một câu ghép, phép thế và gạch chân).

Phần II. (1,5 điểm)

“Hoàng Lê nhất thống chí ” là một tác phẩm văn xuôi chữ Hán có quy mô lớn nhất và đạt những thành công xuất sắc về nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực tiểu thuyết của văn học Việt Nam thời trung đại.

Câu 1: Hãy giải thích nhan đề tác phẩm.

Câu 2: Theo em, nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút của tác giả khi tạo dựng hình ảnh nhân vật chính Quang Trung - Nguyễn Huệ?

Phần III. (1,5 điểm)

Bác Hồ không chỉ là một con người vĩ đại trong cuộc sống mà còn là một hình tượng tuyệt đẹp trong tác phẩm văn học. Trong chương trình Ngữ Văn 9 có một văn bản nhật dụng viết rất hay về vẻ đẹp phong cách của người.

Câu 1: Hãy cho biết đó là văn bản nào? Của ai?

Câu 2: Viết một đoạn văn khoảng nửa trang giấy thi trình bày những bài học về phong cách tư tưởng đạo đức mà em học được từ Người qua tác phẩm đó.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

Phần I. (7 điểm)

Câu 1: Chép thuộc thơ (1 điểm)

“Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đỏi một tài đành họa hai

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương làu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương.

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”

Câu 2: 

Đoạn thơ vừa chép nằm trong văn bản Chị em Thúy Kiều, thuộc tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du. Vị trí đoạn trích: Nằm ở phần mở đầu tác phẩm, giới thiệu gia cảnh của Kiều. Tác giả tập trung tả tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều. (0,5 điểm)

Câu 3: 

Không thể thay thế từ “hờn” thành từ “buồn” bởi ghen - hờn đi liền với nhau:

- Từ “buồn” chỉ sự âu sầu, không vui

- Từ “hờn” thể hiện thái độ ghen ghét, đố kị. Ở đây, vẻ đẹp của Kiều khiến cho tạo hóa, tự nhiên phải ghen ghét, đô kị dự báo trước cuộc đời sóng gió (0,5 điểm)

Câu 4: Phân tích vẻ đẹp của Kiều (5 điểm)

- Mở đoạn: Giới thiệu nhân vật Thúy Kiều, được xây dựng bằng bút pháp ước lệ tượng trưng với vẻ đẹp có một không hai (1 điểm)

- Vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều được tả khái quát. Tác giả tả vẻ đẹp của Vân làm đòn bẩy khéo léo miêu tả vẻ đẹp của Kiều nổi bật hơn cả (0,5 điểm)

- Đặc tả đôi mắt của Kiều, gợi lên khí chất, nét đẹp “nghiêng nước nghiêng thành”. Tài năng của Kiều được miêu tả lên tới đỉnh điểm của sự sắc sảo, tài năng (tài đàn hát, cầm kì thi họa…) (0,5 điểm)

- Vẻ đẹp của Kiều khiến cho tạo hóa ghen tị, hờn dỗi điều này dự báo trước số phận lận đận của Kiều (0,5 điểm)

- Bút pháp ước lệ tượng trưng, làm nổi bật vẻ đẹp của Kiều (0,5 điểm)

→ Vẻ đẹp của Kiều được lý tưởng hóa “mười phân vẹn mười” xưa nay hiếm gặp, điều đó khẳng định được tài năng của Nguyễn Du khi tạo nhân vật (1 điểm)

- Đoạn văn sử dụng câu ghép, phép thế (1 điểm)

Phần II. (1,5 điểm)

Câu 1: Nhan đề Hoàng Lê nhất thống chí (0,5 điểm)

- Chí là thể loại ghi chép lại sự vật, sự việc

- Nhan đề được viết bằng chữ Hán ghi chép quá trình thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Tác phẩm còn tái hiện được giai đoạn lịch sử đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam vào 30 năm cuối thế kỉ XVIII, mấy năm đầu thế kỉ XIX. Tiểu thuyết có 17 hồi.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 4

Phần I. (3 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

“Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa khoa học được lưu trữ bằng trí nhớ, chữ viết được lưu chuyền bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức lưu trữ, lưu truyền khác. Nó bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn sướng dân gian, lối sống, nếp sống”

(Sách Giáo dục công dân 7)

Câu 1: Đoạn văn cung cấp thông tin về điều gì? Viết đoạn văn (5 - 8 câu) nêu suy nghĩ của em về việc bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Câu 2: Chỉ ra lỗi dùng từ trong đoạn trên sửa lại cho đúng (0,75 điểm)

Phần II. (3 điểm)

“Ông Nguyễn Văn Lũy- người bảo vệ ở trường THPT Lê Hồng Phong luôn được học sinh của trường cúi chào mỗi ngày đến trường. Theo miêu tả của nhiều giáo viên, học sinh, ông Lũy được yêu quý bởi tính cách nhiệt tình, niềm nở. Một giáo viên chia sẻ: “Con người ở cương vị nào dù là bảo vệ, lao công hay giáo viên miễn hoàn thành nhiệm vụ, đáng yêu, không khó chịu đều nhận được sự yêu quý, nể trọng”.

Không ai biết được tuổi nào phù hợp để mỗi người bắt đầu làm một điều tử tế. Các em cúi chào như một phép lịch sự và chỉ được dạy từ thầy cô trong trường và sự dặn dò cặn kẽ từ bố mẹ chúng. Vài giây cúi chào bậc cha chú từ thầy cô trong trường và sự dặn dò cặn kẽ từ bố mẹ chúng. Vài giây cúi chào bậc cha chú không làm cho các em chậm giờ vào lớp mà ngược lại nó là niềm vui mỗi ngày đi học, đi làm của các học sinh và người bảo vệ. Sự tôn trọng nảy nở từ chính những hành dộng tưởng chừng như nhỏ nhặt đó khiến môi trường giáo dục trở nên thân thiện,… Để mỗi lần cúi đầu là một lần các em học sinh biết ơn những người không trực tiếp giảng các em những bài học văn hóa nhưng ngầm dạy các em để trở thành một người tử tế. Những điều tử tế cứ từ từ bé nhỏ lớn lên như vậy theo năm tháng, mỗi người trong số chúng ta sẽ trở thành một nhân tố trong cộng đồng của mình.”

Viết văn bản nghị luận khoảng 01 trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về vấn đề được đặt ra từ bài viết trên.

---(Để xem tiếp những câu hỏi còn lại vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

ĐỀ SỐ 5

Phần I (4 điểm)

Dưới đây là một phần trong lệnh truyền của vua Quang Trung với quân lính:

“Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị.(…) Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn.”

(Trích Ngữ văn 9, tập một – NXB Giáo dục, 2012)

Câu 1: Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Câu 2: Nhà vua nói “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định điều gì? Hãy chép 2 câu trong bài thơ “Sông núi nước Nam” có nội dung tương tự.

Câu 3: Từ đoạn trích trên, với những hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Phần II (6 điểm)

Cho câu thơ sau:

Kiều càng sắc sảo mặn mà.

Câu 1: Hãy chép chính xác những câu thơ tiếp theo miêu tả sắc đẹp của Thúy Kiều.

Câu 2: Em hiểu như thế nào về những hình tượng nghệ thuật ước lệ “thu thủy”, “xuân sơn” ? Cách nói “Làn thu thủy nét xuân sơn” dùng nghệ thuật ẩn dụ hay hoán dụ? Giải thích rõ vì sao em chọn nghệ thuật ấy?

Câu 3: Từ câu chủ đề sau: “Khác với Thúy Vân, Thúy Kiều có vẻ đẹp mặn mà cả tài lẫn sắc”.

Hãy viết nối tiếp khoảng 10 câu văn để hoàn thành một đoạn văn theo cách diễn dịch hoặc tổng – phân – hợp. Chỉ ra và phân tích cấu tạo một câu ghép đã sử dụng trong đoạn văn.

---- HẾT ----

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

Phần I (4 điểm):

Câu 1: (1 điểm)

- Đoạn văn trên trích trong tác phẩm “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”. (0,5đ)

- Tác giả là nhóm Ngô Gia Văn Phái, gồm có Ngô Thì Chí (1758-1788) và Ngô Thì Du (1772-1840). (0,5đ)

Câu 2: (1 điểm)

- Lời nói của nhà vua “đất nào sao ấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị” nhằm khẳng định chủ quyền của đất nước và kín đáo bày tỏ niềm tự hào về chủ quyền đất nước và sự bình đẳng giữa phương Bắc với phương Nam. (0,5đ)

- Trong bài thơ Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt có hai câu mang nội dung tương tự:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Vằng vặc sách trời chia xứ sở

Câu 3: Viết đoạn văn (2 điểm)

* Về hình thức (0,5 điểm):

- Đoạn văn có liên kết, mạch lạc.

- Có độ dài khoảng nửa trang giấy thi

* Về nội dung (1,5 điểm): Học sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau. Sau đây chỉ là một số gợi ý để tham khảo:

- Việt Nam là một quốc gia nằm ven biển. Lãnh thổ bao gồm đất liền và rất nhiều hải đảo. Bên cạnh những người chiến sĩ bảo vệ chủ quyền của đất nước trên đất liền, trên không, chúng ta không thể không nghĩ tới những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

- Các anh là những người sống trong một khung cảnh có nhiều khó khăn gian khổ : sống giữa biển khơi, đầy nắng gió, thường xuyên gặp phải bão tố, …

- Cuộc sống của các anh thiếu thốn phương tiện so với người dân ở đất liền : thiếu nước ngọt, thiếu sách báo,…

- Xa gia đình, xa người thân nên nhiều khi phải trải qua những nỗi buồn da diết vì nhớ nhà,… - Tuy đầy gian khổ và khó khăn nhưng những điều này không làm mềm đi ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân, nhất là những ngư dân trên biển cả.

- Đất nước được toàn vẹn, cuộc sống vẫn phát triển bình thường, hàng ngày các em được bình yên đến trường, bữa cơm mỗi ngày không thiếu những sản phẩm của biển cả,… nhờ có một phần không nhỏ công sức và sự hy sinh thầm lặng của các anh.

- Hình ảnh của các anh chiến sĩ ngoài biển đảo là những hình ảnh hào hùng ẩn chứa vẻ đẹp của sự hy sinh vì nghĩa lớn.

---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 5 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi học sinh giỏi lớp 9 môn Ngữ văn năm 2021 Trường THCS Lý Tự Trọng. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?