Bộ 5 đề thi chọn HSG môn GDCD 10 có đáp án năm 2021 Trường THPT Ngô Gia Tự

TRƯỜNG THPT NGÔ GIA TỰ

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI NĂM HỌC 2020-2021

MÔN: GDCD 10

(Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề)

1. Đề số 1

Câu 1 (4 điểm). Thế nào là phủ định biện chứng, phủ định siêu hình? Cho VD? Em hãy nêu điểm giống nhau và khác nhau giữa phủ định biện chứng và phủ định siêu hình? Trong học tập em cần phải thực hiện yêu cầu của biện chứng như thế nào để ngày càng tiến bộ?

Câu 2 (4 điểm). Em hãy trình bày vai trò của thực tiễn đối với nhận thức? Qua đó hãy nêu ví dụ minh họa để chứng minh nội dung trên?

Câu 3 (4 điểm). Bạn An và bạn Thắng cùng học một lớp 12A. Bạn An  đi học thêm nhiều nơi, được thầy cô giỏi dạy nên bạn cho rằng không cần phải học bài và làm bài ở nhà mà vẫn đậu đại học. Vì thế An rất chủ quan, chểnh mảng trong học tập. Ngược lại, Thắng  vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện đi học thêm nên lên lớp chú ý nghe giảng, những gì không hiểu bạn thường gặp thầy cô, bạn bè để trao đổi. Kết quả Thắng đậu đại học với điểm rất cao, còn An trượt đại học. An rất ấm ức không hiểu vì sao mình lại trượt.

a. Nêu và vận dụng kiến thức đã học để giải thích giúp An?

b. Từ câu chuyện trên, em rút ra bài học gì cho bản thân?

Câu 4. (4 điểm). Nêu ưu điểm, hạn chế của nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính? Mối quan hệ giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính và cho ví dụ minh họa?

Câu 5. ( 4 điểm). Vận động là gì? Nêu các hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất  và cho ví dụ minh họa. Thông qua quy luật vận động hãy rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân?

…………………………. Hết ………………………….

ĐÁP ÁN

1. Thế nào là phủ định biện chứng và phủ định siêu hình? VD?

Phủ định là sự bác bỏ, xóa bỏ một sự vật, hiện tượng nào đó

Phủ định siêu hình là sự phủ định diễn ra do sự can thiệp,tác động từ bên ngoài,cản trở hoặc xóa bỏ sự tòn tại và phát triển của sự vật.

VD: Gió bão làm đổ cây, con người sử dụng thuốc diệt côn trùng....

Phủ đình biện chứng là sự phủ định diễn ra do sự phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tich cực của sự vật và hiện tượng cũ để phát triển sự vật và hiện tượng mới.

Trứng gà nở thành con gà, ...

Điểm giống nhau và khác nhau giữa phủ định siêu hình và phủ định biện chứng?

Giống: Đều có sự xóa bỏ, bác bỏ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng.

Khác:

- Nguyên nhân của phủ định siêu hình là do tác động từ bên ngoài

Kết quả của phủ định siêu hình: Xóa bỏ hoàn toàn sự tồn tại tự nhiên của một sự vật,hiện tượng.

- Nguyên nhân của phủ định biện chứng: Do sự phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng

Kết quả của phủ định biện chứng: Sự vật hiện tượng mới ra đời thay thế sự vật hiện tượng cũ và có sự kế thừa những yếu tố tốt đẹp của sự vật hiện tượng cũ để phát triển sự vật hiện tượng mới hoàn thiện hơn

Trong học tập em cần thực hiện yêu cầu của phủ định biện chứng như thế nào?

Không ngừng cố gắng học tập để phát triển bản thân

Luôn kiên định mục tiêu,lí tưởng cao và phấn đấu không ngừng

Luôn tìm tòi,đổi mới phương pháp học co hiệu quả, khoa học hơn để thay thế những phương pháp học không có hiệu quả

2. Em hãy trình bày vai trò của thực tiễn đối với nhận thức? Qua đó hãy nêu ví dụ minh họa để chứng minh nội dung trên?

Thực tiễn là cơ sở của nhận thức:

Mọi nhận thức của con người đều bắt nguồn từ thực tiễn

Nhờ tiếp xúc, tác động vào sự vật, hiện tượng mà con người phát hiện ra các thuộc tính, bản chất, quy luật của chúng . Quá trình hoạt động thực tiễn cũng đồng thời là quá trình hoàn thiện các giác quan của con người. Nhờ đó nhận thức của con người ngày càng sâu sắc, hoàn thiện.

VD: Định luật vạn vật hấp dẫn từ quan sát quả táo rơi...

Thực tiễn là động lực của nhận thức

1. Thực tiễn luôn vận động , luôn  đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới thôi thúc nhận thức tìm các giải quyết, tạo tiền đề vật chất cần thiết thúc đẩy nhận thức phát triển

VD: Tai nạn giao thông đặt ra yêu cầu phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy....

Thực tiễn là mục đích của nhận thức:

Các tri thức khoa học chỉ có giá trị khi được vận dụng vào thực tiễn

Mục đích cuối cùng của nhận thức là nhằm cải tảo hiện thực khách quan đáp ứng nhu cầu vật chất,tinh thần của con người

VD: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông....

Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm tra chân lí:

1. Nhận thức ra đời từ thực tiến, diễn ra ở từng người, từng thế hệ cụ thể với những điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau. Bởi vậy,nhận thức của con người có thể đúng hoặc sai. để biết đúng hay sai chỉ có đem vào thực tiễn để kiểm nghiệm.

VD: thực nghiệm các giống lúa mới...

3. Nêu và vận dụng kiến thức đã học để giải thích giúp An

Khái niệm chất dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản,vốn có của sự vật và hiện tượng,tiêu biểu cho sự vật và hiện tượng đó và là cơ sở để phân biệt với sự vật,hiện tượng khác.

Lượng dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản,vốn có của sự vật,hiện tượng, biểu thị về số lượng, trình độ phát triển, quy mô,vận tốc....

Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất

Quá trình biến đổi về lượng diễn ra một cách từ từ.

Khi sự biến đổi về lượng đến một giới hạn nhất định, làm phá vỡ sự thống nhất giữa chất và lượng, chất cơ bản của sự vật thay đổi, chất mới ra đời thay thế chất cũ, sự vật hiện tượng mới thay thế sự vật hiện tượng cũ

Giới hạn mà lượng biết đổi chưa làm cho chất thay đổi hoàn toàn được gọi là độ

Tại thời điểm xảy ra sự biến đổi gọi là điểm nút

Vận dụng kiến thức đã học giải thích giúp An

Chất hiện tại của An là một học sinh, chất mới  An cần có là sinh viên đại học.

Để tạo ra chất mới thì An phải có quá trình tích lũy dần về lượng kiến thức. Tuy nhiên An lại không tự tích lũy mà dựa vào thầy cô, chủ quan,chểnh mảng trong học tập

Như vậy muốn có sự thay đổi về chất phải bắt đầu thay đổi từ lượng,đến một giới hạn nhất định sẽ làm cho chất biến đổi. An đã không có sự tích lũy dần về lượng kiến thức mà trong chờ vào việc đi học thêm, dựa dẫm vào thầy cô nên đã không vượt qua kì thi

Từ câu chuyện trên,em rút ra bài học gì cho bản thân?

Trong quá trình học tập và rèn luyện, mỗi người cần phải kiên trì, nỗ lực không ngừng để tạo ra sự thay đổi về chất.

Muốn thực hiện mục đích lớn lao phải bắt đầu từ những công việc đơn giản, bình thường, không chủ quan, nóng vội.

4. Nêu ưu điểm và hạn chế của nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính

Nhận thức cảm tính

Ưu điểm: Tiếp xúc trực tiếp, độ tin cậy cao,hình ảnh sự vật phong phú,đa dạng

Hạn chế: mới dừng lại ở hiểu biết bề ngoài, chưa đi sâu vào bản chất bên trong

Nhận thức lí tính

Ưu điểm: đã đi sâu vào bản chất, tìm ra quy luật của sự vật,hiện tượng

Hạn chế: phải dựa trên tài liệu của nhận thức cảm tính

Mối quan hệ của nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính, lấy VD minh họa

Nhận thức cảm tính và nhận thức lí tính có mối quan hệ gắn bó, chặt chẽ với nhau

Nhận thức cảm tính là cơ sở, tiền đề cho nhận thức lí tính

VD: Quan sát triệu chứng để bác sĩ chẩn đoán bệnh

Nhận thức lí tính, bỏ sung, tác động làm cho nhận thức cảm tính ngày càng hoàn thiện

VD: Dựa vào kiến thức,kinh nghiệm mà thông qua các triệu chứng quen thuộc đã giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh, chính xác một số bệnh

5. Vận động là gì? Nêu các hình thức vận động và cho VD?

Vận động là mọi sự biến đổi ( biến hóa) nói chung của các sự vật và hiện tượng trong giới tự nhiên và đời sống xã hội.

Nêu các hình thức vận động và cho ví dụ minh họa?

Vận động cơ học:là sự di chuyển của các vật trong không gian

VD: xe chạy,chim bay

Vận động vật lí: là vận động của các phân tử, các hạt cơ bản, các quá trình nhiệt,điện...

VD: ma sát sinh ra nhiệt, nước bay hơi...

Vận động hóa học: là quá trình hóa hợp và phân giải các chất

VD: Hiện tượng o xi hóa của sắt, các phản ứng hóa học...

Vận động sinh học: sự trao đổi chất giữa cơ thể sống với môi trường

VD: cây quang hợp, con người hô hấp...

Vận động xã hội: sựu biến đổi,thay thế các chế độ xã hội trong lịch sử

VD: NT, NL, PK, TB, XHCN

Bài học rút ra cho bản thân?

Luôn xem xét sự vật, hiện tượng trong trạng thái vận động

Không ngừng vận động để hoàn thiện mình

2. Đề số 2

Câu 1 (3 điểm): Nhà thơ Xuân Quỳnh đã từng viết :

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa......

Em hiểu như thế nào về cách vận động trên ? Có mấy hình thức vận động cơ bản ? cho ví dụ minh hoạ ?

Câu 2:( 3 điểm )

Trình bày khái niệm chất và lượng , mối quan hệ giữa sự biến đổi về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất ? Liên hệ bản thân .

Câu 3 :(4 điểm )

Lập bảng so sánh sự khác nhau giữa phủ định biện chứng và phủ định siêu hình .Em Hãy cho biết tại sao khi Bác Hồ còn sống -Người luôn giành tình cảm , sự quan tâm, chăm sóc nhiều nhất đến các cháu thiếu niên và nhi đồng.

Câu 4:(4 điểm )

Dân gian có câu : " nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng " điều này muốn nói lên điều gì ? Em hãy trình bày vai trò của thực  tiễn đối với nhận thức.

Câu 5: (4 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Lương tâm là toà án cao nhất của đạo đức? quan điểm của em về nhận định trên ?

Câu 6 :(2 điểm)

Tình huống:Hoa là học sinh lớp 10, vừa học giỏi lại vừa ngoan nên Hoa được mọi người xung quanh luôn yêu mến, quý trọng. Thấy thế Hà luôn ghen ghét, đố kị và luôn có thái độ khó chịu với Hoa. Một hôm trên đường đi học về Hoa bị một nhóm bạn xấu chặn đường kéo áo làm rách áo Hoa trên đường trước rất đông bạn bè và người đi đường làm Hoa xấu hổ. Hà là bạn cùng lớp nhưng phớt lờ khi nghe Hoa gọi giúp đỡ .Thấy vậy Tuấn là bạn trai cùng lớp đã đứng lại đưa áo đồng phục đang mặc bên ngoài để Hoa khỏi xấu hổ.Nhưng  Hà và các bạn của Hà tung tin xấu lên mạng xã hội.

Hỏi: 1, Việc làm của Hà và nhóm bạn Hà có vi phạm đạo đức không ? Vì sao?

2,  Trong tình huống trên em thấy việc làm của Tuấn có ý nghĩa như thế nào đối với bạn bè ?

         ................................................. Hết...........................................................

ĐÁP ÁN

Câu 1 (3,0 điểm)

Khái niệm:

Vận động là sự biến đổi nói chung của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên và xẫ hội.

* Các hình thức vận động cơ bản của thế giới vật chất.

- Vận động cơ học: là sự di chuyển vị trí của các vật trong không gian

 + Cho ví dụ

- Vận động vật lý: sự vận động của các phân tử, hạt cơ bản...

 + Cho ví dụ

- Vận động hóa học: quá trình hóa hợp và phân giải các chất

 + Cho ví dụ

- Vận động sinh học: sự trao đổi chất giữa cơ thể sống với môi trường

 + Cho ví dụ

- Vận động xã hội: sự biến đổi thay thế các xã hội trong lịch sử

 + Cho ví dụ

* Mối quan hệ giữa các hình thức vận động

- Có mối quan hệ chặt chẽ

- Dạng vận động sau bao giờ cũng cao hơn và bao hàm vận động trước.

Câu 2 (4,0 điểm)

Khái niệm.

- Chất: Là khái niệm dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản, vốn có của sự vật, hiện tượng, tiêu biểu cho sự vật và hiện tượng đó, phân biệt nó với các sự vật và hiện tượng khác.

- Lượng: Là khái niệm dùng để chỉ những thuộc tính vốn có của sự vật và hiện tượng, biểu thị trình độ phát triển (cao, thấp), quy mô (lớn, nhỏ), tốc độ vận động (nhanh, chậm), số lượng (ít, nhiều)...của sự vật hiện tượng.

Mối quan hệ giữa sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất:

- Sự biến đổi về lượng dẫn đến sự  sự biến đổi về chất.

+ Sự biến đổi về chất của các sự vật và hiện tượng bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi về lượng. Sự biến đổi này diễn ra một cách dần dần. Quá trình biến đổi ấy đều có ảnh hưởng đến trạng thái chất của sự vật và hiện tượng, nhưng chất của sự vật hiện tượng chưa biến đổi ngay.

+ Giới hạn mà trong đó sự biến đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất của sự vật và hiện tượng được gọi là độ.

+ Khi sự biến đổi về lượng đạt đến một giới hạn nhất định, phá vỡ sự thống nhất giữa chất và lượng thì chất mới ra đời thay thế chất cũ, sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ.

+ Điểm giới hạn mà tại đó sự biến đổi của lượng làm thay đổi chất của sự vật và hiện tượng được gọi là điểm nút.

-  Chất mới ra đời lại bao hàm một lượng mới tương ứng.

Mỗi sự vật và hiện tượng đều có chất đặc trưng và lượng đặc trưng phù hợp với nó. Vì vậy, khi một chất mới ra đời lại bao hàm một lượng mới để tạo thành sự thống nhất mới giữa chất và lượng.

Bài học cho bản thân.

- Có ý thức kiên trì, nhẫn nại trong học tập và rèn luyện.

- Tránh các biểu biện nôn nóng trong cuộc sống

    (Học sinh lấy ví dụ để làm rõ  những nội dung trên)

Câu 3 (4 điểm)

* Khái niệm :Phủ định là xoá bỏ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng nào đó.

a. Phủ định siêu hình. Là sự phủ định được diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ bên ngoài, cản trở hoặc xoá bỏ sự tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật.

+ Cho ví dụ

Đặc điểm xoá bỏ sạch trơn

b. Phủ định biện chứng.

 Là sự phủ định được diễn ra do sự phát triển của bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật và hiện tượng cũ để phát triển sự vật hiện tượng mới.

+ Cho ví dụ

  - Đặc điểm:

+ Tính khách quan: vì nguyên nhân của sự phủ định nằm ngay trong bản thân sự vật, hiện tượng, đó là kết quả của quá trình giải quyết mâu thuẫn của bản thân sự vật, hiện tượng.

+ Tính kế thừa: phủ định biện chứng chỉ gạt bỏ những yếu tố tiêu cực, lỗi thời của cái cũ, đồng thời giữ lại những yếu tố tích cực còn thích hợp để phát triển cái mới, đảm bảo cho các sự vật, hiện tượng phát triển liên tục*

 Sự khác nhau của phủ định biện chứng và phủ định siêu hình

PĐSH

PĐBC

- Diễn ra do sự can thiệp, tác động tư bên ngoài.

- Xoá bỏ sự tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật.

-  Sự vật, hiện tượng bị xoá bỏ hoàn toàn, không tạo ra và không liên quan đến sự vật mới

Diễn ra do sự phát triển bên trong của sự vật, hiện tượng.

- Không xoá bỏ sự tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật.

- Sự vật sẽ không bị xoá bỏ hoàn toàn, là cơ sở cho sự xuất hiện của sự vật mới, sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển trong sự vật mới.

Thông điệp của Bác Hồ

- Nhận thức cái mới, ủng hộ và làm theo cái mới.

- Tôn trọng quá khứ, truyền thống.

- Tránh bảo thủ, trì trệ và phủ định sạch trơn

Câu 4 (4 điểm)

*Khái niệm: Thực tiễn

+ Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính chất lịch sử – xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.

* Các hình thức biểu hiện:

- Hoạt động sản xuất vật chất.

- Hoạt động chính trị – xã hội

- Hoạt động thực nghiệm khoa học.

=> 3 hình thức này có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, hoạt động sản xuất vật chất là hình thức cơ bản chất.

 Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức.

a) Thực tiễn là cơ sở của nhận thức

 Mọi nhận thức của con người đều bắt nguồn từ thực tiễn. Nhờ tiếp xúc của các cơ quan cảm giác và hoạt động của bộ não, con người phát hiện ra các thuộc tính, hiểu được bản chất các sự vật, hiện tượng.

+ Cho ví dụ:

b) Thực tiễn là động lực của nhận thức.

 Trong hoạt động động thực tiễn luôn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ cho nhận thức phát triển.

+ Cho ví dụ:

c) Thực tiễn là mục đích của nhận thức.

- Vì: Các tri thức khoa học chỉ có giá trị khi được ứng dụng trong hoạt động thực tiễn tạo ra của cải cho xã hội.

+ Cho ví dụ:

d) Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý.

- Vì: Chỉ có đem những tri thức đã thu nhận được qua nhận thức đối chiếu với thực tiễn để kiểm tra, kiểm nghiệm mới khẳng định được tính đúng đắn của nó.

+ Cho ví dụ:

* Bài học:

Học phải đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn.

Câu 5 (3 điểm)

Khái niệm Lương tâm.

- Lương tâm là năng lực tự đánh giá và điều chỉnh hành vi đạo đức của bản thân trong mối quan hệ với người khác và xã hội.

- Lương tâm tồn tại ở hai trạng thái.

+ Trạng thái thanh thản của lương tâm: khi con người luôn thực hiện những hành vi đạo đứcbiết nhận ra và sửa chữa sai lầm của bản thân.

+ Trạng thái cắn rứt lương tâm: khi cá nhân có các hành vi sai lầm, vi phạm các chuẩn mực đạo đức và cảm thấy ăn năn, hối hận.

- Lương tâm dù tồn tại ở trạng thái nào cũng có ý nghĩa tích cực đối với cá nhân. Trạng thái thanh thản của lương tâm giúp con người tự tin hơn vào bản thân và phát huy được tính tích cực trong hành vi của mình. Trạng thái cắn rứt lương tâm giúp cá nhân điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Một cá nhân thường làm điều ác nhưng lại không biết ăn năn, hối hận hay xấu hổ (là người vô liêm sỉ), không cắn rứt lương tâm thì bị coi là kẻ vô lương tâm, vô đạo đức. Ví dụ những kẻ chuyên cướp của giết người, buôn bán ma tuý, buôn người… đáng bị lên án.

Muốn giữ cho lương tâm được trong sáng, cần phải:

- Thường xuyên rèn luyện tư tưởng đạo đức theo quan điểm tiến bộ, cách mạng và tự giác thực hiện các hành vi đạo đức hàng ngày để biến ý thức đạo đức thành thói quen đạo đức.

- Tự nguyện thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của bản thân.

- Bồi dưỡng tình cảm trong sáng, đẹp đẽ, cao thượng trong quan hệ giữa người với người.

- Đối với học sinh

+ Tự giác thực hiện nghĩa vụ học sinh

+ Có ý thức đạo đức, kỉ luật

+ Có lối sống lành mạnh

+ Biết quan tâm giúp đỡ người khác.

a.-Việc làm của Hà và nhóm bạn là vi phạm đạo đức ,thiếu trách nhiệm với bạn bè , cần phải lên án. hà sẽ bị XH coi thường khinh rẻ .

b.-Việc làm của Tuấn thể hiện tính nhân nghĩa là lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải.

- Ví dụ: Lá lành đùm lá rách ; thương người như thể thương thân

- Biểu hiện :

+ Nhân ái, thương yêu, giúp đỡ nhau.

+ Nhường nhịn, đùm bọc lẫn nhau.

+ Vị tha, bao dung, độ lượng.

- Ý nghĩa :

Làm cho quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng thêm gần gũi, gắn bó, cuộc sống trở lên tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

Ghi chú:

- Điểm toàn bài là 20,0 điểm; Thang điểm thấp nhất cho mỗi ý là 0,25 điểm.

- Căn cứ vào bài làm của thí sinh: cách trình bày, ví dụ đúng, đủ... theo yêu cầu để cho điểm phù hợp theo thang điểm trên.

3. Đề số 3

Câu 1 (8 điểm). Em hãy phân tích cách thức vận động, phát triển phổ biến nhất của sự vật và hiện tượng. Cho ví dụ để minh họa. Qua đó, em rút ra bài học thực tiễn gì cho bản thân?

Câu 2 (6 điểm). Em hãy giải thích để làm rõ quan điểm: “Thực tiễn là cơ sở của nhận thức, là động lực của nhận thức, là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra kết quả của nhận thức”.

Câu 3 (2 điểm). Theo em, thế nào là người có nhân phẩm, thế nào là người có lòng tự trọng? Lấy ví dụ để minh họa.

Câu 4 (4 điểm). Em hiểu đạo đức là gì? Thế nào được coi là một người có đạo đức? Hãy phân tích vai trò của đạo đức trong sự phát triển của cá nhân. 

ĐÁP ÁN

Câu 1 (8 điểm). Em hãy phân tích cách thức vận động, phát triển phổ biến nhất của sự vật và hiện tượng. Cho ví dụ để minh họa. Qua đó, em rút ra bài học thực tiễn gì cho bản thân?

Trả lời: 1. Phân tích cách thức vận động, phát triển phổ biến nhất của sự vật, hiện tượng: (4 điểm)

Cách thức vận động, phát triển phổ biến nhất của sự vật, hiện tượng là sự biến đổi dần dần về lượng dẫn đến sự biến đổi nhanh chóng về chất. (1 điểm)

- Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều có mặt chất và lượng thống nhất với nhau. (1 điểm)

Khái niệm chất dùng để chỉ những thuộc tính cơ bản, vốn có của sự vật và hiện tượng, tiêu biểu cho sự vật và hiện tượng đó, phân biệt nó với các sự vật và hiện tượng khác. Khái niệm lượng dùng để chỉ những thuộc tính vốn có của sự vật và hiện tượng, biểu thị trình độ phát triển (cao, thấp), quy mô (lớn, nhỏ), tốc độ vận động (nhanh, chậm), số lượng (ít, nhiều) của sự vật và hiện tượng.

- Sự biến đổi về chất của các sự vật và hiện tượng bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi về lượng. Sự biến đổi này diễn ra một cách dần dần. Khi sự biến đổi về lượng đạt đến một giới hạn nhất định, phá vỡ sự thống nhất giữa chất và lượng thì chất mới ra đời thay thế chất cũ, sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ. (2 điểm)

2. Cho ví dụ minh họa: Thí sinh tự lấy ví dụ (2 điểm)

3. Rút ra bài học thực tiễn cho bản thân: (2 điểm)

- Trong học tập và rèn luyện phải kiên trì và nhẫn nại, không coi thường việc nhỏ.

- Tích cực học tập để tích lũy tri thức nhằm tạo nên sự thay đổi về chất.

- Tránh mọi hành động nôn nóng đốt cháy giai đoạn hoặc nửa vời, vì sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.

Câu 2 (6 điểm). Em hãy giải thích để làm rõ quan điểm: “Thực tiễn là cơ sở của nhận thức, là động lực của nhận thức, là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra kết quả của nhận thức”. Trả lời: Giải thích quan điểm:

1. Thực tiễn là cơ sở của nhận thức: (1.5 điểm)

Mọi sự hiểu biết của con người đều trực tiếp nảy sinh từ thực tiễn. Nhờ có sự tiếp xúc, tác động vào sự vật, hiện tượng mà con người phát hiện ra các thuộc tính, hiểu được bản chất, quy luật của chúng. Quá trình hoạt động thực tiễn cũng đồng thời là quá trình phát triển và hoàn thiện các giác quan của con người. Nhờ đó, khả năng nhận thức của con người ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn về sự vật, hiện tượng.

2. Thực tiễn là động lực của nhận thức: (1.5 điểm)

Thực tiễn luôn luôn vận động, luôn luôn đặt ra những yêu cầu mới cho nhận thức và tạo ra những tiền đề vật chất cần thiết thúc đẩy nhận thức phát triển.

3. Thực tiễn là mục đích của nhận thức: (1.5 điểm)

Các tri thức khoa học chỉ có giá trị khi nó được vận dụng vào thực tiễn. Mục đích cuối cùng của nhận thức là nhằm cải tạo hiện thực khách quan, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của con người.

4. Thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra kết quả của nhận thức: (1.5 điểm)

Nhận thức ra đời từ thực tiễn, song nhận thức lại diễn ra ở từng người, từng thế hệ cụ thể với những điều kiện chủ quan, khách quan khác nhau. Vì vậy, tri thức của con người về sự vật và hiện tượng có thể đúng đắn hoặc sai lầm. Chỉ có đem những tri thức thu nhận được kiểm nghiệm qua thực tiễn mới đánh giá được tính đúng đắn hay sai lầm của chúng. Việc vận dụng tri thức vào thực tiễn còn có tác dụng bổ sung, hoàn thiện những nhận thức chưa đầy đủ.

Câu 3 (2 điểm). Theo em, thế nào là người có nhân phẩm, thế nào là người có lòng tự trọng? Lấy ví dụ để minh họa.

Trả lời: 1. Người có nhân phẩm: là người có lương tâm, có nhu cầu vật chất và tinh thần lành mạnh, luôn thực hiện tốt các nghĩa vụ đạo đức đối với xã hội và người khác, biết tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực đạo đức tiến bộ. (0.5 điểm)

Ví dụ: Thí sinh tự lấy ví dụ. (0.5 điểm)

2. Người có lòng tự trọng: là người biết tôn trọng và bảo vệ danh dự của mình; biết làm chủ các nhu cầu bản thân, kiềm chế được các nhu cầu, ham muốn không chính đáng và cố gắng tuân theo các quy tắc, chuẩn mực đạo đức tiến bộ, đồng thời biết quý trọng danh dự, nhân phẩm của người khác. (0.5 điểm)

Ví dụ: Thí sinh tự lấy ví dụ. (0.5 điểm)

Câu 4 (4 điểm). Em hiểu đạo đức là gì? Thế nào được coi là một người có đạo đức? Hãy phân tích vai trò của đạo đức trong sự phát triển của cá nhân.

Trả lời: 1. Khái niệm đạo đức: là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội. (15 điểm)

2. Một người được coi là có đạo đức là người biết tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích chung của xã hội và của người khác. (1 điểm)

3. Vai trò của đạo đức trong sự phát triển của cá nhân là: Đạo đức góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Đạo đức giúp cá nhân có ý thức và năng lực sống thiện, sống có ích, tăng thêm tình yêu đối với Tổ quốc, đồng bào và rộng hơn là nhân loại. Một cá nhân thiếu đạo đức thì mọi phẩm chất, năng lực khác sẽ không còn ý nghĩa. (2 điểm)

-------------- Hết ---------------

4. Đề số 4

Câu 1. (5 điểm) Tục trồng cây nêu ngày tết của người Việt: Ngày xưa, tại miền Bắc Việt Nam cây nêu thường được người Kinh dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng chính vì từ ngày này cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Ngày dựng cây nêu gọi là lên nêu, và ngày 7 tháng giêng âm lịch, ngày làm lễ dỡ cây nêu xuống, gọi là ngày hạ nêu. Trong những ngày tết cổ truyền, vào buổi tối trên cây nêu có nơi còn treo một đèn lồng nhằm chỉ đường cho tổ tiên biết đường về ăn tết với con cháu. Trong đêm trừ tịch cũng như ngày mồng một Tết người dân còn treo bánh pháo tại cây nêu đốt đón mừng năm mới, mừng tổ tiên về với con cháu, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành.

Qua đoạn giới thiệu trên, em hãy cho biết người Việt xưa quan niệm về thế giới như thế nào?

Chỉ ra các yếu tố duy vật, duy tâm trong các quan niệm đó.

Câu 2. (5 điểm) Từ mối quan hệ lượng chất trong triết học hãy cho biết trong quá trình học tập của em đâu là ‘‘độ’’, đâu là “điểm nút’’? Qua đó em xây dựng phương pháp học tập của mình như thế nào?

Câu 3. (5 điểm) Khuynh hướng phát triển của sự vật hiện tương là gì? Tại sao chúng ta phải tin tưởng, lạc quan vào tương lai?

Câu 4.(5 điểm)Trong cuộc sống hằng ngày, có một số người lười lao động nhưng lại thường xuyên cầu khấn thần linh phù hộ cho họ có nhiều tiền,sống sung sướng. Dựa vào kiến thức con người là chủ thể của lịch sử, em có thể nói với họ điều gì?

..........HẾT..........

ĐÁP ÁN

Câu 1

Quan niệm của người Việt xưa về thế giới:

- Thế giới đó có trời, đất và con người

- Thế giới đó có thần linh và ma quỷ, con người có linh hồn(sau khi chết linh hồn vẫn còn).

- Thế giới đó cả thần linh, ma quỷ và linh hồn ngườ chết đều có thể tác động đến cuộc sống hiện tại của con người

- Con người có thể tác động đến thế giới( cả với ma quỷ, thần linh, linh hồn) để thay đổi cuộc sống của mình.

- Thế giới đó vận động theo quy luật chu kỳ một năm.

 Chỉ ra các yếu tố duy vật, duy tâm:

- Quan niệm hai và ba là duy tâm

- Quan niệm một, bốn, năm sau có yếu tố duy vật

Câu 2

-Mối quan hệ lương chất

*Chỉ ra được trong quá trình học:

- Độ là khoảng thời gian học của một học kỳ; một năm học; hoặc một bậc học( đang tích lũy về lượng kiến thức, kỹ năng tư tưởng... nhưng chưa thay đổi về chất lớp học bậc học, sự trưởng thành)

- Điểm nút là các kỳ thi như thi học kỳ thi chuyển cấp( chất đã thay đổi như lớp mới, cấp học mới; đòi hỏi nội dung môn học mới, ký năng, phẩm chất mới...)

*Xây dựng phương pháp học tập:

- Học tích cực, chịu khó từng tiết, từng ngày từng tuần...đây là quá trình tích lúy dần về lượng

- Kết hợp học và vui chơi lành mạnh khoa học hợp lý: chơi không sa đà vượt quá giới hạn (độ); học không quá mải miết , không tỉnh táo ảnh hưởng sức khỏe

- Phải chuẩn bị tốt nhất cho các kỳ thi( đây là các điểm nút) như tâm lý sứ khỏe...

- Phải không ngừng học tập, xác định nhiệm vụ mới,yêu cầu mới...( vì chất mới ra đời lại đòi hỏi một lượng mới)

Câu 3

*Khuynh hướng phát triển của sự vật hiện tượng

- Phát triển là sự vận động theo chiều hướng đi lên của sự vật, hiện tượng. Kết quả là cái mới ra đời thay thế cho cái cũ, nhưng ở trình độ cao hơn, hoàn thiện hơn, sau đó nó lại bị cái mới hơn thay thế. Không có cái mới nào là cái mới cuối cùng.

- Tuy nhiên sự ra đời của cái mới không đơn giản, dễ dàng, mà phải đấu tranh với cái cũ, cái lạc hậu, đôi khi phải chịu sự thất bại thụt lùi tạm thời . Nhưng chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về cái mới, cái tiến bộ.

*Cần lý giải được:

- Tương lai thuộc về cái mới mà cái mới tốt đẹp hơn cái cũ. -Coi sự thất bại, vấp ngã là tạm thời không vì thế mà tuyêt vọng bi quan, nhiều điều tốt đẹp còn chờ ta phía trước.

- Có thể hiện thời quanh ta có vẻ cái xấu, cái ác, đang nhiều, đang hoành hành; nhưng phải tin cái tốt, cái thiện(người tốt) bao giờ cũng nhiều hơn và sẽ chiến thắng. Có vậy loài người mới không ngừng phát triển đến nay

Câu 4

Khẳng định không đồng tình vì đó là quan điểm mang tính duy tâm không đúng đắn, không khoa học, không tiến bộ.

Lý giải *Con người tự sáng tạo ra lịch sử của mình. Con người, và xã hội là sản phẩm tiến hóa của tự nhiên. Nhờ có lao động mà con người không ngừng tiến hóa, hoàn thiện, xã hội không ngừng phát triển văn minh. Lịch sử loài người bắt đầu khi con người biết chế tạo công cụ lao động. Như vậy thông qua lao động con người tự tạo ra lịch sử của chính mình( con người không phải do thần linh, thượng đế nào tạo ra)

*Con người là chủ thể sáng tạo nên các giá trị vật chất và tinh thần của xã hội. Làm rõ được mọi của cải (vật chất, tinh thần) đều do sức lao động của con người tạo ra.

*Con người là động lực của các cuộc cách mạng. Khẳng định chính con người bằng hoạt động cụ thể đã tạo nên sự thay đổi xã hội chứ không phải đấng siêu nhiên( thần linh, thượng đế...)nào sắp đặt hay tạo ra.

*KL: Tóm lại, thông qua lao động và chỉ có bằng lao động con người mới có thể sống sung sương, hạnh phúc và tự quyết định cuộc sống của mình (đừng trông chờ, ỷ lại vào thần linh, thượng đế...những thứ không có thật)

5. Đề số 5

Câu 1 (5,0 điểm)

Em hãy phân tích quan hệ giữa sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất của sự vật và hiện tượng. Cho ví dụ để minh họa. Qua đó, em rút ra bài học thực tiễn gì cho bản thân?

Câu 2 (6,0 điểm).

Em hãy giải thích để làm rõ quan điểm: “Thực tiễn là cơ sở của nhận thức, là động lực của nhận thức, là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra kết quả của nhận thức”.

Câu 3 (6,0 điểm).

Thế nào là nhân nghĩa? Em hãy nêu các biểu hiện của truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam? Là học sinh cần phải làm gì để phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc?

Câu 4 (3,0 điểm).

Đạo đức là gì? Thế nào được coi là một người có đạo đức ? Hãy phân tích vai trò của đạo đức trong sự phát triển của cá nhân.

------------------Hết------------------

ĐÁP ÁN

Câu 1 (5 điểm). Em hãy phân tích quan hệ giữa sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất của sự vật và hiện tượng. Cho ví dụ để minh họa. Qua đó, em rút ra bài học thực tiễn gì cho bản thân?

Trả lời

1. Phân tích quan hệ giữa sự biến đổi về lượng và sự biến đổi về chất của sự vật và hiện tượng. (2,5 điểm)

-Sự biến đổi dần dần về lượng dẫn đến sự biến đổi về chất. (1,5 điểm)

  • Sự biến đổi về chất của các sự vật và hiện tượng bao giờ cũng bắt đầu từ sự biến đổi về lượng.
  • Giới hạn mà trong đố sự biến đổi về lượng chưa làm thay đổi về chất của sự vật và hiện tượng được gọi là độ.

- Sự biến đổi về lượng diễn ra một cách dần dần. Khi sự biến đổi về lượng đạt đến một giới hạn nhất định, phá vỡ sự thống nhất giữa chất và lượng thì chất mới ra đời thay thế chất cũ, sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ.

  • Điểm giới hạn mà tại đó sự biến đổi của lượng làm thay đổi chất của sự vật và hiện tượng được gọi là điểm nút.

* Chất mới ra đời lại bao hàm một lượng mới tương ứng (1 điểm)

2. Cho ví dụ minh họa: Thí sinh tự lấy ví dụ. (1 điểm)

3. Rút ra bài học thực tiễn cho bản thân. (1,5 điểm)

  • Trong học tập và rèn luyện phải kiên trì và nhẫn nại, không coi thường việc nhỏ.
  • Tích cực học tập để tích lũy tri thức nhằm tạo nên sự thay đổi về chất.
  • Tránh mọi hành động nôn nóng đốt cháy giai đoạn hoặc nửa vời, vì sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.

Câu 2 (6 điểm) Em hãy giải thích để làm rõ quan điểm: “Thực tiễn là cơ sở của nhận thức, là động lực của nhận thức, là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra kết quả của nhận thức”.

Trả lời

Giải thích quan điểm:

1. Thực tiễn là cơ sở của nhận thức. (1.5 điểm)

Mọi sự hiểu biết của con người đều trực tiếp nảy sinh từ thực tiễn. Nhờ có sự tiếp xúc, tác động vào sự vật, hiện tượng mà con người phát hiện ra các thuộc tính, hiểu được bản chất, quy luật của chúng. Quá trình hoạt động thực tiễn cũng đồng thời là quá trình phát triển và hoàn thiện các giác quan của con người. Nhờ đó, khả năng nhận thức của con người ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn về sự vật, hiện tượng.

2. Thực tiễn là động lực của nhận thức. (1.5 điểm)

Thực tiễn luôn luôn vận động, luôn luôn đặt ra những yêu cầu mới cho nhận thức và tạo ra những tiền đề vật chất cần thiết thúc đẩy nhận thức phát triển.

3. Thực tiễn là mục đích của nhận thức. (1.5 điểm)

Các tri thức khoa học chỉ có giá trị khi nó được vận dụng vào thực tiễn. Mục đích cuối cùng của nhận thức là nhằm cải tạo hiện thực khách quan, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của con người.

4. Thực tiễn là tiêu chuẩn để kiểm tra kết quả của nhận thức. (1.5 điểm)

Nhận thức ra đời từ thực tiễn, song nhận thức lại diễn ra ở từng người, từng thế hệ cụ thể với những điều kiện chủ quan, khách quan khác nhau. Vì vậy, tri thức của con người về sự vật và hiện tượng có thể đúng đắn hoặc sai lầm. Chỉ có đem những tri thức thu nhận được kiểm nghiệm qua thực tiễn mới đánh giá được tính đúng đắn hay sai lầm của chúng. Việc vận dụng tri thức vào thực tiễn còn có tác dụng bổ sung, hoàn thiện những nhận thức chưa đầy đủ.

Câu 3 (6 điểm) Thế nào là nhân nghĩa? Em hãy nêu các biểu hiện của truyền thống nhân nghĩa Việt Nam? Là học sinh cần phải làm gì để phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc?

1. Nhân nghĩa là lòng thương người và đối xử với người theo lẽ phải. (0,5 điểm)

2. Các biểu hiện của truyền thống nhân nghĩa Việt Nam: (4 điểm)

  • Lòng nhân ái, sự yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn, khó khăn.
  • Tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, trong cuộc sống hàng ngày.
  • Lòng vị tha cao thượng.
  • Luôn ghi lòng tạc dạ công lao cống hiến của các thế hệ đi trước.

3. Học sinh cần phải. (1,5 điểm)

  • Kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, ông bà…
  • Quan tâm, chia sẻ, nhường nhịn với những người xung quanh.
  • Cảm thông giúp đỡ mọi người, tham gia các hoạt động xã hội.
  • Kính trọng, biết ơn các vị anh hùng dân tộc, người có công với đất nước, dân tộc.

Câu 4 (3 điểm) Đạo đức là gì? Thế nào được coi là một người có đạo đức? Hãy phân tích vai trò của đạo đức trong sự phát triển của cá nhân.

Trả lời

1. Đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội. (0,5 điểm)

2. Một người được coi là có đạo đức là người biết tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích chung của xã hội và của người khác. (1 điểm)

3. Vai trò của đạo đức trong sự phát triển của cá nhân là:

Đạo đức góp phần hoàn thiện nhân cách con người. Đạo đức giúp cá nhân có ý thức và năng lực sống thiện, sống có ích, tăng thêm tình yêu đối với Tổ quốc, đồng bào và rộng hơn là nhân loại. Một cá nhân thiếu đạo đức thì mọi phẩm chất, năng lực khác sẽ không còn ý nghĩa. (1,5 điểm)

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi chọn HSG môn GDCD 10 có đáp án năm 2021 Trường THPT Ngô Gia Tự. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang Chúng tôi để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Mời các em tham khảo tài liệu liên quan khác:

Chúc các em học tập tốt!

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?