Bộ 3 đề thi HK2 môn Ngữ văn lớp 6 năm 2017-2018

ĐỀ 1:                                                              

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi

Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai  gọi cũng vâng vâng dạ dạ.

(Trích Ngữ văn 6, tập 2, trang 38-39)

Câu 1: Ai là tác giả của đoạn văn trích trên?

A. Tô Hoài     B. Đoàn giỏi       C. Võ Quảng     D. Nguyễn Tuân

Câu 2: Đoạn văn trên trích trong tác phẩm nào sau đây?

A. Đất rừng Phương Nam 

B. Sông nước Cà Mau

C. Dế Mèn phiêu lưu kí      

D. Quê nội

Câu 3: Tác giả sử dụng phương thức biểu đạt chủ yếu nào để viết đoạn trích trên?

A. Tự sự                     B. Miêu tả                  C. Biểu cảm               D. Thuyết minh

Câu 4: Dòng nào nêu chính xác nhất nội dung của đoạn trích trên?

A. Kể chuyện dượng Hương Thư đang cùng  mọi người trên thuyền vượt thác Cổ Cò.

B. Tả cảnh dượng Hương Thư đang cùng mọi người trên thuyền vượt thác Cổ Cò.

C. Tả cảnh dượng Hương Thư đang điều khiển sào đưa thuyền vượt thác Cổ Cò.

D. Tả cảnh dượng Hương Thư cùng mọi người trên thuyền đã vượt qua được thác Cổ Cò.

II. PHẦN TỰ LUẬN: (8,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Xác định và nói rõ tác dụng của phép tu từ so sánh, nhân hoá trong đoạn thơ sau:

“Lúc vui biển hát, lúc buồn biển lặng, lúc suy nghĩ biển mơ mộng và dịu hiền.

Biển như người khổng lồ, nóng nảy, quái dị, gọi sấm, gọi chớp.

Biển như trẻ con, nũng nịu, dỗ dành, khi đùa, khi khóc.”

(Khánh Chi, “Biển”)

Câu 2 (6,0 điểm): Em hãy viết một bài văn miêu tả khu vườn nhà em vào một buổi sáng đẹp trời.

------------------------HẾT-----------------------

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. PHẦN TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN: (2,0 đ)

Câu 1 2 3 4
Đáp án C D B C

 

II. ĐÁP ÁN PHẦN TỰ LUẬN: (8,0 đ)

Câu 1: (2,0 điểm) Yêu cầu:

  • Ý 1: Xác định được các phép so sánh nhân hoá: (0,5 điểm)
    • So sánh: biển như người khổng lồ; biển như trẻ con. (0,25 đểm)
    • Nhân hoá: Vui, buồn, suy nghĩ, hát, mơ mộng, dịu hiền. (0,25 điểm)
  • Ý 2: Nêu được tác dụng: (1,5 điểm)
    • Biển được miêu tả như một con người với nhiều tâm trạng khác nhau. (0,5 điểm)
    • Biển được nhà thơ cảm nhận như những con người cụ thể: khi thì to lớn, hung dữ như người khổng lồ; khi thì nhỏ bé hiền lành dễ thương, đáng yêu như trẻ con. (0,5 điểm)
    • Nhờ các biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá đoạn thơ đã gợi tả thật rõ, thật cụ thể màu sắc, ánh sáng theo thời tiết, thời gian; tạo nên những bức tranh sống động về biển. (0,5)

Câu 2: (6,0 điểm)

  • Yêu cầu chung: Học sinh biết viết một bài văn miêu tả có bố cục ba phần rõ ràng; ngôn ngữ trong sáng, lời văn rõ ràng, mạch lạc; không sai lỗi chính tả,  dùng từ, ngữ pháp.
  • Yêu cầu cụ thể: Học sinh trình bày các ý cơ bản sau:
    • Mở bài: Giới thiệu chung về khu vườn (0,5 điểm)
    • Thân bài: (5 điểm)
      • Tả bao quát khu vườn: (1 điểm): Những nét chung đặc sắc của toàn cảnh (khu vườn rộng hay hẹp, không khí trong vườn như thế nào, bầu trời, cảnh vật, màu sắc, âm thanh, mùi vị... có gì đặc biệt).
      • Tả cụ thể cảnh khu vườn: (4 điểm)
        • Chọn những cảnh tiêu biểu để tả (Vườn trồng những loại cây gì, đặc điểm của từng loại cây, sương sớm, ánh nắng ban mai, hoạt động của các loài vật, của con người...).
      • Lợi ích của khu vườn đối với gia đình em. (1 điểm)
    • Kết bài: Cảm nghĩ của em: (1 điểm)
      • Cảm thấy thích thú, có cảm giác thoải mái, tươi vui trước cảnh đẹp của khu vườn.
      • Có ý thức cùng mọi người trong gia đình chăm sóc để khu vườn ngày càng  tươi đẹp.

ĐỀ 2:

I. TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm)

Đọc kỹ và trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn chữ cái đầu câu đúng nhất.

1) Vị trí của người miêu tả trong đoạn trích “Sông nước Cà Mau” là:

A. Trên đường bộ bám theo các kênh rạch.      

B. Trên con thuyền xuôi theo kênh  rạch.

C. Từ trên cao nhìn bao quát toàn cảnh.           

D. Ngồi một nơi mà tưởng tượng ra.

2) Trong văn bản “Bức tranh của em gái tôi”, diễn biến tâm trạng của người anh khi đứng  trước bức tranh em gái vẽ là:

A. Ngỡ ngàng→ xấu hổ→ hãnh diện.        B. Hãnh diện → ngỡ ngàng→ xấu hổ.

C. Ngỡ ngàng→ hãnh diện→ xấu hổ.        D. Xấu hổ→ ngỡ  ngàng→ hãnh  diện.

3) Nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả của văn bản “Vượt thác” là:

A. Làm rõ cảnh thiên nhiên trải dọc theo hai bờ sông.

B. Khái quát được sự dữ dằn và êm dịu của dòng sông.

C. Làm nổi bật hình ảnh con người trong tư thế lao động.

D. Phối hợp tả cảnh thiên nhiên với tả hoạt động con người.

4) Dòng nào nêu không đúng ý nghĩa của khổ thơ cuối bài “Đêm nay Bác không ngủ”?

A. Đêm nay chỉ là một đêm trong nhiều đêm Bác không ngủ.

B. Cả cuộc đời Bác dành trọn cho dân, cho nước.

C. Là Hồ Chí Minh thì không có thời gian để ngủ.

D. Đó chính là lẽ sống “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” của Bác.

5) Ý nghĩa của khổ thơ cuối bài thơ “Lượm”:

A. Hướng người đọc suy nghĩ nhiều hơn về sự sống mãi của Lượm trong lòng mọi người.

B. Khẳng định rằng tác giả vẫn nhớ mãi hình ảnh đáng yêu của Lượm.

C. Nhắc mọi người đừng quên một chú bé Lượm hồn nhiên, vui tươi.

D. Khẳng định sự thật đau lòng: Lượm không còn nữa.

6) Thế nào là vần lưng?

A. Vần được gieo liên tiếp ở các dòng thơ.        

B. Vần được gieo ở cuối dòng thơ.

C. Vần được gieo ở giữa dòng thơ.          

D. Vần được gieo thường cách ra một dòng thơ.

7) Câu văn: “Thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước” có chủ ngữ cấu tạo như thế nào?

A.  Danh từ.              B. Cụm danh từ.                   C. Đại từ.                   D. Động từ.

8) Trong những câu sau, câu nào không phải là câu trần thuật đơn?

A. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời.

B. Tre giúp người trăm nghìn công việc khác nhau.

C. Tre là người nhà, tre khắng khít với đời sống hằng ngày.

D. Ngày mai trên đất nước này, tre vẫn là bóng mát.

9) Trong những câu sau, câu nào mắc lỗi thiếu chủ ngữ?

A. Bạn Lan, người học giỏi nhất lớp 6A.

B. Qua truyện “Dế Mèn phiêu lưu kí”, cho thấy Dế Mèn biết phục thiện.

C. Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt, xông thẳng vào quân thù.

D. Những câu chuyện dân gian mà chúng tôi thích nghe kể.

10) Phép tu từ nổi bật trong câu văn: “Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước.” là gì?

A.  So sánh.               B. Nhân hóa.             C. Ẩn dụ.                    D. Hoán dụ.

11) Từ “mồ hôi” trong câu ca dao sau được dùng để chỉ cho sự vât gì?

Mồ hôi mà đổ xuống đồng

Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương.

A. Chỉ người lao động.       

B. Chỉ kết quả con người thu được trong lao động.

C. Chỉ công việc  lao động.

D. Chỉ quá trình lao động nặng nhọc, vất vả.

12) Mục đích của văn bản miêu tả là gì?

A. Tái hiện sự vật, hiện tượng, con người.       

B. Trình bày diễn biến sự việc.

C. Bày tỏ tình cảm, cảm xúc.        

D. Nêu nhận xét đánh giá.

II. TỰ LUẬN (7,0 điểm)

Câu 1: (1 điểm)

Em hãy nêu ý nghĩa của mỗi đại từ nhân xưng mà tác giả dùng để gọi Lượm:

- “Chú bé”:

..............................................................................................................................

- “Cháu”:

..................................................................................................................................

- “Lượm”

...................................................................................................................................

- “Chú đồng chí nhỏ”:

.....................................................................................................................

Câu 2: (1 điểm) Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong những câu sau. Cho biết câu nào là câu miêu tả và câu nào là câu tồn tại?

“Dưới gốc tre, tua tủa những mầm măng. Măng trồi lên nhọn hoắc như một mũi gai khổng lồ xuyên qua đất lũy mà trỗi dậy.”

Câu 3: (5 điểm) Em hãy viết bài văn tả người thân yêu và gần gũi nhất với mình (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em,…)

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

I. Phần trắc nghiệm:12 câu (3 điểm)

(mỗi câu đúng đạt 0.25 đ)

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12
Đáp án B C D C C C A C B B D

A

 

II. Phần tự luận: 7 điểm

Câu 1: (1 điểm)

  • “Chú bé”: Cách gọi của một người lớn với một bé trai nhỏ, thể hiện sự thân mật nhưng chưa phải là gần gũi, thân thiết. (0,25đ)
  • “Cháu”: Cách gọi biểu lộ tình cảm gần gũi, thân thiết như quan hệ ruột thịt của người lớn với một em nhỏ. (0,25đ)
  • “Lượm”: Dùng khi tình cảm, cảm xúc của tác giả dâng đến cao trào, muốn gọi tên lên để gửi gắm tình cảm (đều kèm theo từ cảm thán). (0,25đ)
  • “Chú đồng chí nhỏ”: Cách gọi vừa thân thiết, trìu mến, vừa thể hiện sự bình đẳng, trân trọng đối với một chiến sĩ nhỏ tuổi. (0,25đ)

Câu 2: (1 điểm)

  • Dưới gốc tre, tua tủa // những mầm măng. (0,25đ)

                  VN                                      CN

→  Câu tồn tại..( 0,25đ)

  • Măng // trồi lên nhọn hoắc như một mũi gai khổng lồ xuyên qua đất lũy mà trỗi dậy.(0,25đ)

               CN                                                                      VN

→ Câu miêu tả. ( 0,25đ)

ĐỀ 3.

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (5 điểm)

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi. 

“Những động tác thả sào, rút sào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm  răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên  ngọn sào  giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ”.

(Ngữ Văn 6 - tập 2)

Câu 1. (1 điểm) Đoạn văn trên được trích trong văn bản nào? Tác giả là ai?

Câu 2. (1 điểm) Nêu nội dung đoạn trích trên?

Câu 3. (2 điểm) Tìm các câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh? Xác định kiểu so sánh trong các câu văn vừa tìm?

Câu 4. (1điểm) Câu văn sau: “Thuyền cố lấn lên”.

a) Xác định chủ ngữ, vị ngữ?

b) Xác định kiểu câu và cho biết câu văn trên dùng để làm gì?

II. PHẦN LÀM VĂN (5 điểm)

Con đường đến trường đã khắc sâu vào trong tâm trí của em. Hãy tả về con đường thân thuộc ấy.

HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT

A. Lưu ý chung

  • Giáo viên cần nghiên cứu kĩ hướng dẫn chấm, thống nhất phân chia thang điểm trong từng nội dung một cách cụ thể.
  • Trong quá trình chấm, cần tôn trọng tính sáng tạo của học sinh. Chấp nhận cách diễn đạt, thể hiện khác với đáp án mà vẫn đảm bảo nội dung theo chuẩn kiến thức kĩ năng và năng lực, phẩm chất người học.

B. Hướng dẫn cụ thể

I. Các tiêu chí về nội dung bài kiểm tra phần đọc hiểu: 5,0 điểm

Câu 1. Đoạn trích được trích trong văn bản Vượt Thác.

  • Tác giả: Võ Quảng

Câu 2. Nội dung đoạn trích: Hình ảnh quả cảm của dượng Hương Thư trong cuộc vượt thác. Qua đó làm nổi bật vẻ đẹp hùng dũng và sức mạnh của người  lao động trên nền cảnh thiên nhiên, hùng vĩ.

Câu 3.

  • Các câu văn có sử dụng phép tu từ so sánh:
    • Những động tác thả sào ..... nhanh như cắt.
    • Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc.
    • Cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.
    • Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà.
  • Kiểu so sánh:
    • So sánh ngang bằng:
      • Những động tác thả sào ..... nhanh như cắt.
      • Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc.
      • Cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ.
    • So sánh không ngang bằng
      • Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà.

Câu 4.

  • Thuyền // cố lấn lên.

      CN               VN

→ Câu trần thuật đơn, dùng để miêu tả.

II. Các tiêu chí về nội dung bài viết: 5,0 điểm

1. Hình thức:

  • Bài văn có bố cục ba phần rõ ràng, chặt chẽ. Trình bày hợp lý. Không mắc lỗi chính tả và lỗi diễn đạt.
  • Tả về con đường đến trường.
  • Ngôn ngữ trong sáng, nội dung cụ thể rõ ràng.
  • Kết hợp các yếu tố miêu tả + biểu cảm + tự sự (không yêu cầu cao).       

2. Nội dung (một vài gợi ý, không nhất thiết phải đầy đủ):

  • Mở bài: Giới thiệu con đường đến trường.
  • Thân bài:
    • Tả hình ảnh con đường quen thuộc:
      • Miêu tả con đường theo cảm nhận chung (rộng hay hẹp; đường nhựa, đường đất hay có rải đá, lát gạch hay tráng xi măng;...)
      • Cảnh hai bên đường:
        • Những dãy nhà, công viên
        • Những rặng cây, những lùm tre, những hàng rào râm bụt, dòng sông…
    • Con đường vào một lần em đi học (cụ thể):
      • Nét riêng của con đường vào lúc em đi học.
      • Cảnh học sinh đi học: cách ăn mặc, cử chỉ, thái độ…
      • Cảnh người đi làm, xe cộ.
    • Kể (nhắc) về một kỉ niệm gắn liền với con đường đến trường.
  • Kết bài: Tình cảm của em với con đường và những mơ ước tương lai.

Biểu điểm:

  • Điểm 5: Bài viết đúng thể loại, bố cục đầy đủ, rõ ràng; nội dung nổi bật, sâu sắc; diễn đạt lưu loát; miêu tả sinh động, kết hợp với tự sự, biểu cảm; trình bày sạch đẹp, đúng chính tả, đúng ngữ pháp.
  • Điểm 4: Hành văn mạch lạc, bố cục bài hợp lý, nội dung đầy đủ. Có kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm. Còn mắc một vài lỗi chính tả, ngữ pháp.
  • Điểm 2-3: Bài viết đủ ba phần, nội dung còn sơ sài, còn mắc một vài lỗi chính tả.
  • Điểm 1: Bố cục chưa hoàn chỉnh, diễn đạt yếu, còn mắc nhiều lỗi.
  • Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc lạc đề.        

Tham khảo thêm

Bình luận

Có Thể Bạn Quan Tâm ?