Một Nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ được Hồ Chí Minh chú ý xây dựng trên cơ sở Nhà nước hợp pháp, hợp hiến; hoạt động quản lý nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật và chú trọng đưa pháp luật vào cuộc sống. Mời các bạn cùng tham khảo bài giảng Bài 3: Xây dựng nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ để tìm hiểu chi tiết nội dung bài học.
Tóm tắt lý thuyết
Hồ Chí Minh đã sớm thấy được tầm quan trọng của Hiến pháp và pháp luật trong quản lý xã hội. Điều này thể hiện trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam do Người ký tên là Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Vécxây (Pháp) năm 1919. Bản Yêu sách đó nêu ra yêu cầu "Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam"; "Thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật". Trong Việt Nam yêu cầu ca, một bài thơ diễn ca ra văn vàn tiếng Việt bản Yêu sách đó có những câu:
"Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.
...
Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm đều phải có thần linh pháp quyền".
Sau này, khi trở thành người đứng đầu Nhà nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh càng quan tâm sâu sắc hơn việc xây dựng và điều hành Nhà nước một cách có hiệu quả bằng pháp quyền. Một Nhà nước có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ được Hồ Chí Minh chú ý xây dựng thể hiện trên những điểm sau đây:
1. Xây dựng một Nhà nước hợp pháp, hợp hiến
Chỉ một ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức Tổng tuyển cử càng sớm càng tốt để lập Quốc hội rồi từ đó lập ra Chính phủ và các cơ quan, bộ máy chính thức khác của Nhà nước mới. Có được một Nhà nước hợp hiến, thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân như vậy thì nước ta mới có cơ sở pháp lý vững chắc đế làm việc với quân Đồng minh, mới có một quan hệ quốc tế bình đẳng, mới thiết lập được một cơ chế quyền lực hợp pháp theo đúng thông lệ của một Nhà nước pháp quyền hiện đại.
Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành thắng lợi ngày 6-1-1946 với chế độ phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bở phiếu kín. Và, lần đầu tiên trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam cùng như lần đầu tiên ở Đông Nam châu Á, tất cả mọi người dân từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, đảng phái, tôn giáo... đều đi bở phiếu bầu những đại biểu của mình tham gia Quốc hội. Ngày 2-3-1946, Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đầu tiên, lập ra các tổ chức, bộ máy và các chức vụ chính thức của Nhà nước. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ liên hiệp đầu tiên. Đấy chính là Chính phủ có đầy đủ tư cách pháp lý để giải quyết một cách có hiệu quả những vấn đề đối nội và đối ngoại ở nước ta.
2. Hoạt động quản lý nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật và chú trọng đưa pháp luật vào cuộc sống
Quản lý nhà nước là quản lý bằng bộ máy và bằng nhiều biện pháp khác nhưng quan trọng nhất là quản lý bằng hệ thống luật, trong đó quan trọng bậc nhất là Hiến pháp - đạo luật cơ bản của nước nhà. Các bản Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 đã để lại dấu ấn đậm nét những quan điểm của Hồ Chí Minh về bản chất, thiết chế và hoạt động của Nhà nước mới.
Song, có Hiến pháp và pháp luật rồi nhưng không đưa được vào trong cuộc sống thì xã hội cũng sẽ bị rối loạn. Dân chủ đích thực bao giờ cũng đi liền với kỷ cương, phép nước, tức là đi liền với thực thi Hiến pháp và pháp luật. Suôi cả thời kỳ giữ trọng trách Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn luôn chăm lo xây dựng một nền pháp chế xã hội chủ nghĩa để bảo đảm quyền làm chủ thật sự của nhân dân. Các cơ quan của Nhà nước phải gương mẫu chấp hành một cách nghiêm chỉnh Hiến pháp và pháp luật. Chính bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Người tự giác khép mình vào kỷ luật, vào việc gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật đã trở thành nền nếp, thành thói quen, thành lối ứng xử tự nhiên của Hồ Chí Minh.
"Thần linh pháp quyền" là sức mạnh do con người và vì con người. Do vậy, Hồ Chí Minh bao giờ cũng đòi hỏi mọi người phải hiểu và tuyệt đối chấp hành pháp luật, bất kể người đó giữ cương vị nào. Người cho rằng, công tác giáo dục pháp luật cho mọi người, đặc biệt cho thế hệ trẻ, trở nên cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền, bảo đảm mọi quyền và nghĩa vụ công dân được thực thi trong cuộc sống. Việc thực thi pháp luật có quan hệ rất lớn đến trình độ dân trí của nhân dân, vì vậy, Hồ Chí Minh chú trọng đến vấn đề nâng cao dân trí, phát huy tính tích cực chính trị của nhân dân, làm cho nhân dân có ý thức chính trị trong việc tham gia công việc của chính quyền các cấp. Làm tốt nghĩa vụ công dân cũng tức là thực hiện nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước, biết thực hành dân chủ.
Trong việc thực thi Hiến pháp và pháp luật, Hồ Chí Minh bao giờ cũng chú ý bảo đảm tính nghiêm minh và hiệu lực của chúng. Điều đó đòi hỏi pháp luật phải đúng và phải đủ; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho mọi người dân; người thực thi luật pháp phải thật sự công tâm và nghiêm minh, bảo đảm cho luật pháp trở thành cán cân công lý đối với tất cả mọi người, không có một trường hợp ngoại lệ nào; bất kỳ ai vi phạm pháp luật cũng đều bị trừng trị nghiêm khắc, đúng người, đúng tội.